Thursday, April 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVề yêu sách “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông

Về yêu sách “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông

“Đường
lưỡi bò”, “Đường chữ U”, hay “Đường đứt đoạn”… đều là các cách gọi khác nhau để
chỉ yêu sách của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Theo đó, 80% diện tích của Biển
Đông là vùng nước lịch sử của Trung Quốc và nằm trong phạm vi “đường lưỡi bò”.
Trung Quốc, một quốc gia nổi tiếng và khá “thành
công
” trong việc thực hiện các cuộc xâm lấn bằng bản đồ, đã một lần nữa thông
qua việc lưu hành rộng rãi bản đồ “Đường lưỡi bò” với hy vọng giành lấy quyền
kiểm soát ở Biển Đông, bất chấp sự hồ nghi của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các
nước liên quan như Philippin, Malayxia, Brunei, Indonesia và Việt Nam.

Để
có danh nghĩa đối với một vùng nước lịch sử, theo thực tiễn quốc tế và nghiên cứu
của Uỷ ban Luật pháp quốc tế, một quốc gia ven biển cần thoả mãn ít nhất các điều
kiện như: (i) thực thi chủ quyền trên thực tế đối với vùng biển cụ thể; (ii) thực
hiện quyền quản lý một cách liên tục trong một khoảng thời gian nào đó; và (iii)
sự ủng hộ của các nước khác đối với yêu sách đó. 

Thực
tế trên Biển Đông cho thấy yêu sách vùng nước trong “đường lưỡi bò” của Trung
Quốc không thoã mãn được các điều kiện trên, cụ thể là:


Thứ nhất, trong suốt quá trình lập pháp của mình, Trung Quốc chưa có một tuyên
bố chính thức nào khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò” của mình, mà chỉ vẽ con đường
này một cách mơ hồ trên bản đồ bằng những nét đứt đoạn không hề có toạ độ. Ngay
cả khi ký và phê chuẩn Công ước 1982, Trung Quốc cũng không hề có bảo lưu nào về
vấn đề này.


Thứ hai, các Nhà nước Trung Quốc qua các thời kỳ lịch sử không thể hiện được sự
làm chủ một cách thực sự đối với vùng nước này. Trung Quốc không chứng minh được
việc quản lý vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” như một vùng nước lịch sử, trong
khi các quốc gia ven Biển Đông vẫn thực thi các hoạt động bình thường trên biển
phù hợp với các Công ước Luật biển năm 1982. Cho mãi đến tận những năm 1990 của
thế kỷ 20, việc quản lý, thực thi quyền chủ quyền và triển khai các hoạt động
hàng hải, dầu khí, nghề cá của các quốc gia ven Biển Đông trong vùng đặc quyền
kinh tế Thềm lục địa 200 hải lý của mình đều không hề vấp phải bất kỳ sự ngăn
cản nào từ phía Trung Quốc. Lý do rất đơn giản là vùng nước trong “đường lưỡi bò”
không phải là “ao nhà” của Trung Quốc.


Thứ ba, “đường lưỡi bò” lúc ban đầu khi mới được vẽ gồm có 11 đoạn, tức là có
02 đoạn trong Vịnh Bắc Bộ. Sau đó, hai đoạn trong Vịnh Bắc Bộ đã bị bỏ đi. Các
bài báo của Trung Quốc không cho biết về lý do giữa việc bỏ hai đoạn này. Phải
chăng Vịnh Bắc Bộ không phải là “vùng nước lịch sử” nên phải bỏ hai đoạn đó. Nếu
Vịnh Bắc Bộ không phải là Vịnh lịch sử, tức là một bộ phận trong yêu sách “đường
lưỡi bò” không phải là “vùng nước lịch sử” thì làm thế nào để bảo vệ yêu sách “vùng
nước lịch sử” cho hầu hết Biển Đông.


Thứ tư, các tuyên bố của Trung Quốc năm 1958 (về vùng lãnh hải và vùng tiếp giáp),
năm 1992 (để thay thế tuyên bố năm 1958), năm 1996 (về đường cơ sở) và năm 1998
(về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) đều không đề cập đến cái gọi là “vùng
nước lịch sử” này. Trong Bị vong lục năm 1980 của Trung Quốc về vấn đề hai quần
đảo cũng không đề cập tới vùng nước này. Mãi tới gần đây, khi phản đối Việt Nam
nộp Báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa vượt quá phạm vi 200 hải lý tính từ
đường cơ sở lên Uỷ ban ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc vào tháng 5 năm
2009, phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp quốc mới làn đầu tiên
cho lưu hành ở Liên Hợp quốc sơ đồ “đường lưỡi bò” nhưng cũng không có một lời
giải thích.


Thứ năm, các nước ven biển có liên quan trong khu vực đều không thừa nhận vùng
nước lịch sử mà Trung Quốc yêu sách tại Biển Đông. Các nước ven Biển Đông lần lượt
ban hành các luật lệ và quy định về các vùng biển và cùng nhau ký kết các hiệp
định phân định các vùng biển chồng lấn cũng như các thoả thuận hợp tác khác gián
tiếp phủ nhận yêu sách “vùng nước lịch sử” của Trung Quốc. Các nước ngoài khu vực,
trong đó có các nước lớn, cũng bày tỏ sự bất bình trước yêu sách “vùng nước lịch
sử” trong “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đòi hỏi ở Biển Đông, cho rằng đòi hỏi của
Trung Quốc đến 80% Biển Đông là quá đáng, bất chấp luật pháp quốc tế.

Nói
tóm lại, Trung Quốc không thể chứng minh được rằng vùng nước trong cái gọi là “đường
lưỡi bò” là “cái ao nhà” của họ. Chẳng những vậy, yêu sách “đường lưỡi bò” của
Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại các quy định của Công ước luật biển 1982 của
Liên hợp quốc về các vùng biển của quốc gia ven biển, xâm hại đến hầu hết các vùng
biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia khác
ven Biển Đông. Việc Trung Quốc công khai đưa ra yêu sách về “đường lưỡi bò” vào
lúc này chỉ làm cho tình hình trên biển Đông thêm phức tạp, đi ngược lại xu thế
và nỗ lực của các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế muốn tìm kiếm
một giải pháp ổn định lâu dài cho những tranh chấp biển Đông.

Kết thúc bài viết, tôi muốn nhấn mạnh rằng, nếu
chỉ với mấy nét vẽ trên bản đồ rồi có một “vùng nước lịch sử” chiếm đến 80% diện
tích Biển Đông thì có lẽ nhiều hoạ sỹ còn có thể vẽ được cả những “vùng nước lịch
sử” chiếm cả Thái Bình Dương hoặc cả Đại Tây Dương hoặc cả Ấn Độ Dương….

RELATED ARTICLES

3 COMMENTS

Comments are closed.

Tin mới