Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếQUAN ĐIỂM CỦA MỘT HỌC GIẢ PHƯƠNG TÂY VỀ ĐƯỜNG ...

QUAN ĐIỂM CỦA MỘT HỌC GIẢ PHƯƠNG TÂY VỀ ĐƯỜNG BIÊN GIỚI TRÊN BIỂN CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG

Trong vài năm gần đây, bản chất pháp lý của đường
biên giới trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông hay còn gọi là “đường lưỡi bò” mà
Trung Quốc yêu sách mới được thảo luận tương đối rộng rãi. Nhưng từ đầu những
năm 90 của thế kỷ 20 đã có một người nghiên cứu tương đối sâu sắc vấn đề này,
đó là ông Daniel J. DZurek, tác giả của bài viết có tiêu đề “Cuộc tranh chấp quần
đảo Trường Sa : Ai là người sở hữu đầu tiên ?”, đăng trên Tạp chí Thông tin về
biển, Quyển 1, Số 2, năm 1996 của Viện Nghiên cứu Biên giới Quốc tế thuộc Trung
tâm nghiên cứu Mountjoy, Trung tâm nghiên cứu Mounjoy, Trường Đại học Tổng hợp
Durham, Vương quốc Anh. Tôi xin trân trọng giới thiệu một số nhận xét sâu sắc của
tác giả về “đường lưỡi bò” như sau :

1. Trung Quốc chưa bao giờ xác định rõ đường biên
giới trên biển (đường lưỡi bò) ở Biển Đông. Tác giả trích bài viết vào năm 1979
của Hasjim Djalal, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước Bộ Ngoại giao In-đô-nê-xi-a
về “đường lưỡi bò” như sau:

"Bản chất yêu sách của nước Cộng hoà nhân dân
Trung Hoa đối với Biển Đông thật là bí ẩn … Không rõ là đường đứt đoạn (đường
lưỡi bò) được vạch ra trên các bản đồ của Trung Quốc có phải là ranh giới yêu sách
lãnh hải của Trung Quốc đối với toàn bộ khu vực, bao gồm cả các đảo, vùng biển,
vùng trời, đáy biển và tất cả tài nguyên nằm trong đó; hay là chỉ bao gồm các đảo
nằm bên trong đường đứt đoạn mà Cộng hoà nhân dân Trung Hoa yêu sách. Đọc kỹ tuyên
bố của Trung Quốc về vấn đề này, đặc biệt là những phát biểu tại cuộc họp của ICAO
(1979), cho thấy rằng những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông chỉ giới hạn đối
với các đảo và tất cả các quyền liên quan đến đảo, và không phải là yêu sách đối
với toàn bộ vùng biển.”[1]

2. Các học giả Trung Quốc không thống nhất với
nhau về chế độ pháp lý của các vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò”. Một số người
cho rằng vùng nước trong “đường lưỡi bò” là vùng nước lịch sử.[2] Trong
khi khi đó, một số người khác lại có quan điểm tương tự như quan điểm nói trên
của ông Djalal.[3] Những người
này cho rằng : "Cộng hoà nhân dân Trung Hoa không đưa ra những yêu sách lịch
sử của mình với các toạ độ rõ ràng, và giữ im lặng về bản chất của đường lưỡi bò
và chế độ pháp lý của vùng biển được bao bọc bởi đường đó."[4]

3. Theo
luật pháp quốc tế hiện đại, Cộng hoà nhân dân Trung Hoa không thể lấy cơ sở pháp
lý là quyền tài phán về thềm lục địa để biện minh cho cái gọi là đường biên giới
biển truyền thống của mình. Bởi một lẽ rất đơn giản là phần lớn khu vực thềm lục
địa trong Biển Đông thuộc về các nước ven Biển Đông theo những quy định của Công
ước luật biển 1982 của Liên hợp quốc, chứ không phải là phần kéo dài của thềm lục
địa của Trung Quốc.  

4. Mặc dù coi vùng nước bên trong đường biên giới
trên biển (đường lưỡi bò) là “vùng nước lịch sử”, cả Bắc Kinh và Đài Loan đều đã
không thực hiện việc kiểm soát các hoạt động bên trong đường biên giới yêu sách
này. Theo luật pháp quốc tế, vùng nước lịch sử có thể có quy chế vùng nội thuỷ và
lãnh hải. Tuy vậy, tàu thuyền của các nước khác đã thực hiện quyền tự do hàng hải
qua phần lớn vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” trong nhiều thế kỷ qua; máy bay
nước ngoài cũng tự do bay qua khu vực này mà không cần xin phép ai cả. Tác giả
cũng nhận xét rằng : một yêu sách về vùng nước lịch sử đòi hỏi sự công nhận của
cộng đồng quốc tế; tuy vậy, yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc chưa từng được
cộng đồng quốc tế thừa nhận.[5]

5. Cả Bắc Kinh và Đài Loan đều ban hành những luật
và quy định về  phương pháp vạch đường cơ
sở thẳng của họ xung quanh các đảo trong Biển Đông để xác định chiều rộng của lãnh
hải. Điều 1 Tuyên bố 1958 về lãnh hải của Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng :

"Chiều rộng lãnh hải của nước Cộng hoà nhân dân
Trung Hoa là 12 hải lý. Điều khoản này áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của nước
Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, bao gồm lục địa Trung Quốc và các đảo ven bờ của lục
địa cũng như các đảo Đài Loan và xung quanh đó, quần đảo Penghu (Bành Hồ) và tất
cả các đảo khác thuộc Trung Quốc bị phân
cách với đất liền và các đảo ven bờ biển của nó bởi biển cả".
[6]

Điều 2 liệt kê các đảo bên trong đường cơ sở của Trung
Quốc, trong đó Điều 4 đề cập đến Đài Loan, quần đảo Trường Sa và các đảo khác. Tuyên
bố năm 1958 của Trung Quốc xác định rõ ràng quần đảo Trường Sa nằm trong số những
đảo bị biển cả phân cách với Trung Quốc lục địa.

Ông Dzurek cho rằng những quy định như vậy là không
cần thiết, nếu như vùng nước trong “đường lưỡi bò” thật sự là “vùng nước lịch
sử” của Trung Quốc.

Qua đó có thể nhận xét rằng cả Đài Loan và Cộng
hoà nhân dân Trung Hoa đều không dám tự tin về cơ sở pháp lý của yêu sách “đường
lưỡi bò” mà họ đưa ra.

Nói tóm lại, những nhận xét của ông Dzurek nói lên một
thực tế là : theo luật pháp quốc tế và thực tế, “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc yêu
sách không phải là đường biên giới trên biển của Trung Quốc và vùng nước nằm bên
trong đường này cũng không phải là vùng nước lịch sử.



[1]
Djalal, 1979: 41-42. Djalal cũng được in lại trong tác phẩm của Devid Jenkins,
"Những nghi ngờ về dầu mỏ và các vùng biển", Tạp chí Kinh tế Viễn §ông, 7/8/1981: 26.

[2]
Pan, S.Y (1994), “Biển Đông và thực tiễn quốc tế về danh nghĩa lịch sử”, bài phát
biểu tại Hội thảo về Biển Đông, từ ngày 7-9 tháng 9, Trường Đại học Tổng hợp Mỹ,
Washington D.C.

[3] Gao,
Z. (1991), “Trung Quốc  và Công ước luật
biển”, Chính sách biển, 15: 199-209.

[4]
Song, Y.H (1994), “Những vấn đề về vùng nước lịch sử trong tranh chấp về lãnh hải
ở Biển Đông”, Bài phát biểu tại Hội thảo về Biển Đông từ ngày 7-9 tháng 9, Trường
Đại học Tổng hợp Mỹ, Washington D.C.

[5]
Song, (1994), như trên.

[6]
Cộng hoà Trung Hoa, Tuyên bố về lãnh hải Trung Quốc, 9/9/1958, in lại trong tài liệu của Bộ Ngoại
giao Mỹ, Văn phòng phụ trách về địa lý, 1972:1.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới