Tuesday, April 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt NamTừ Vịnh Bắc Bộ tới Hoàng Sa

Từ Vịnh Bắc Bộ tới Hoàng Sa

Trong năm 2009, cuộc đàm phán phân định chủ quyền và khảo sát chung trong vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ bước sang vòng thứ 6. Cuộc đàm phán này được tiến hành lần đầu tiên vào hai ngày 18-19/1/2006[1], và cho tới ngày 6/1/2009 hai bên đã trải qua 5 vòng đàm phán[2]. Nếu vòng đàm phán thứ 6 là một bước lớn đi đến kết quả thì nó sẽ là một trong những diễn biến quan trọng nhất liên quan đến tranh chấp Biển Đông.

Theo phát biểu của ông Vũ Dũng – Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam: Vùng biển được đàm phán là “đoạn từ Quảng Bình, Quảng Trị đến Huế, Đà Nẵng”[3]. Trong khu vực này, bờ biển Việt Nam và Trung Quốc cách nhau dưới 400 hải lý. Vì vậy, chiếu theo UNCLOS, ranh giới được đàm phán là ranh giới vùng đặc quyền kinh tế.

Trong quá trình đàm phán, Việt Nam và Trung Quốc đang “từng bước thu hẹp khác biệt”[4], lãnh đạo hai bên “nhất trí đẩy nhanh tiến trình đàm phán”[5] và đẩy nhanh việc khởi động khảo sát chung. Tuyên bố chung của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Ôn Gia Bảo ngày 25/10/2008 nói: “Hai bên tiếp tục thúc đẩy một cách vững chắc đàm phán phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực trao đổi về vấn đề hợp tác cùng phát triển, sớm khởi động khảo sát chung ở khu vực này”[6].

Chủ trương của Trung Quốc đối với Biển Đông nói chung là gác vấn đề tranh chấp chủ quyền, phân định chủ quyền sang một bên và cùng các nuớc trong tranh chấp khai thác kinh tế. Ngược lại, là nước nhỏ, nhu cầu của Việt Nam là “rào dậu tốt tạo láng giềng tốt”. Vì vậy, Việt Nam đang ở trong thế muốn phân định chủ quyền một cách công bằng trong khi Trung Quốc không thật sự muốn.

Nhưng theo chúng tôi:

·  Thứ nhất, chỉ có việc phân định chủ quyền một cách công bằng, chứ không phải là khai thác chung, mới có thể là giải pháp cơ bản, lâu dài. Khai thác chung trong khi chưa phân định chủ quyền chỉ có thể là giải pháp tạm thời.

·  Thứ nhì, để khai thác chung, những vấn đề cơ bản sau cần được xác định:

1.  Hợp tác khảo sát và khai thác trong vùng nào?

2.  Mỗi bên gánh chịu bao nhiêu nghĩa vụ và được hưởng bao nhiêu quyền lợi trong việc khảo sát và khai thác?

Cụ thể, nếu vùng khai thác chung là vùng thuộc Việt Nam theo luật quốc tế thì việc khai thác chung không thể nào được xem là công bằng.

Nếu lý lẽ chủ quyền của hai bên có cơ sở pháp lý tương đương và vùng tranh chấp có diện tích nhỏ thì hai bên có thể chấp nhận khai thác chung, vì bất công cho một trong hai nước sẽ tương đối nhỏ[7].

Nhưng nếu vùng tranh chấp có diện tích lớn và lý lẽ của một bên quá vô lý thì việc khai thác chung là một điều hoàn toàn bất công cho bên kia.

Trong khu vực từ Vịnh Bắc Bộ đến Hoàng Sa, yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền đối với Hoàng Sa là vô lý, yêu sách về các vùng biển được cho là thuộc Hoàng Sa cũng vô lý, yêu sách về vùng biển nằm trong đường lưỡi bò càng vô lý. Bằng các yêu sách vô lý đó, Trung Quốc tranh chấp một vùng biển rất rộng lớn của Việt Nam. Việc khai thác chung trong vùng tranh chấp, nếu có, là hoàn toàn bất công cho Việt Nam.

Vì vậy, những nguyên tắc công bằng cho việc phân định vùng biển giữa hai bên vừa có ý nghĩa quan trọng cho việc xác định chủ quyền, vừa là tiền đề của việc khảo sát, khai thác chung nếu hai bên cùng mong muốn. Vì vậy, bài viết này tập trung vào các nguyên tắc để phân định chủ quyền một cách công bằng.

Bản đồ 1: Khu vực ngoài của Vịnh Bắc Bộ – một số thử thách mà Việt Nam đang đối diện trong đàm phán.

Việc phân định chủ quyền trong vùng biển từ Vịnh Bắc Bộ tớI Hoàng Sa có một ý nghĩa rất quan trọng đối với việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông vì 3 lý do cơ bản sau:

·  Nó sẽ định đoạt ranh giới vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.

·  Phương pháp phân định ranh giới này và vị trí của ranh giới từ phương pháp này có thể định hướng cho việc phân định ranh giới tiếp nối cho vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông. Cụ thể, nếu Việt Nam không đạt được sự công bằng trong cuộc đàm phán này thì sự không công bằng đó có thể sẽ là tiền lệ cho nguyên tắc phân định các vùng biển khác; và có thể dẫn tới một địa điểm khởi đầu bất lợi cho ranh giới trong các vùng biển khác đó.

·  Cuộc đàm phán để phân định chủ quyền có khía cạnh liên quan tới chủ quyền đối với Hoàng Sa vốn đã bị Trung Quốc chiếm đóng và đang trong tình trạng tranh chấp.

Tuy nhiên, cuộc đàm phán này lại phức tạp hơn những cuộc đàm phán trước đây để phân định ranh giới với với Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ, ranh giới với Thái Lan và với Indonesia.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam đàm phán trong một khu vực có quần đảo trong tình trạng tranh chấp chủ quyền. Không những thế, những đảo này đang bị Trung Quốc chiếm đóng.

Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam đàm phán với Trung Quốc để phân định một khu vực trong biển Đông, nơi Trung Quốc đòi hỏi 75% diện tích bằng “đường lưỡi bò”. Trong quá trình đàm phán, có nhiều khả năng là Trung Quốc sẽ đòi hỏi ranh giới dựa trên đường lưỡi bò. Đòi hỏi đó, vốn trái với UNCLOS, là vô lý, và cuộc đàm phán sẽ không thể nào có kết quả công bằng nếu dựa trên nó. Để có thể có một cuộc đàm phán dựa trên sự công bằng, dựa trên luật pháp quốc tế liên quan, Trung Quốc phải từ bỏ việc yêu sách đường lưỡi bò.

Điều đáng lo ngại cho cuộc đàm phán này nói riêng và cho tình hình Biển Đông nói chung là các diễn biến gần đây, ví dụ như liên quan đến việc đăng ký thềm lục địa với Liên Hiệp Quốc và việc Trung Quốc cấm đánh cá hàng năm trên nửa diện tích Biển Đông, cho thấy Trung Quốc đang leo thang trong việc thực hiện yêu sách đường lưỡi bò.

Trong trường hợp Trung Quốc không dùng đường lưỡi bò trong đàm phán nhưng đòi hỏi hiệp định ghi nhận rằng Trung Quốc bảo lưu cái gọi là “quyền lịch sử” của nước này, Việt Nam cũng cần phải thận trọng về sự “bảo lưu” này vì “quyền lịch sử” có thể được Trung Quốc dùng để ám chỉ đường lưỡi bò.

Ngoài những khiá cạnh trên, vì đường lưỡi bò hoàn toàn không có cơ sở pháp lý hay công lý, bài viết này sẽ không dùng nó trong các phân tích mà chỉ tập trung vào những nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Vùng biển được đàm phán có hai phần có tính chất khác nhau: khu vực biển không thuộc Hoàng Sa, nằm phía cửa Vịnh Bắc Bộ, và khu vực biển thuộc Hoàng Sa, bao quanh quần đảo Hoàng Sa.

Cuộc đàm phán để phân định biển chỉ có thể phân định khu vực biển không thuộc Hoàng Sa. Khu vực biển thuộc Hoàng Sa phải thuộc về nước có chủ quyền đối với Hoàng Sa. Vì vấn đề chủ quyền đốI vớI Hoàng Sa chưa được giải quyết, một trong những khía cạnh quan trọng của cuộc đàm phán là xác định khu vực biển nào không thuộc Hoàng Sa, khu vực nào thuộc Hoàng Sa.

Khu vực biển không thuộc Hoàng Sa

Trong khu vực biển không thuộc Hoàng Sa, bờ biển Việt Nam và bờ biển Trung Quốc đối diện nhau và có chiều dài tương đương. Vì vậy, chiếu theo các án lệ của Toà án Công lý Quốc tế và tập quán quốc tế, đường trung tuyến giữa bờ biển của hai nước sẽ là ranh giới công bằng, như phần Tây Bắc của đường đỏ trong Bản đồ 1.

Trên thực tế, trong quá khứ Trung Quốc đã từng đòi hỏi những vùng biển vượt qua đường trung tuyến, lấn về phía Việt Nam.

Năm 2004 Trung Quốc kéo giàn khoan dầu Kantan 3 tới hoạt động tại khu vực có toạ độ 17°26′42″ Bắc, 108°19′05″ Đông, cách Việt Nam 63 hải lý và cách Trung Quốc 67 hải lý[8]. Vì khu vực này cách các đảo gần nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa 205 hải lý (xem bản đồ 1), khu vực này không thể thuộc Hoàng Sa. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản đối với lý do “Căn cứ vào luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, khu vực này hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”[9]. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng khu vực này nằm bên Trung Quốc của vùng biển ngoài của Vịnh Bắc Bô, do đó Trung Quốc cho rằng sự phản đối của Việt Nam “không có cơ sở và không thể chấp nhận được”[10].

Cho tới nay Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc đã công bố một số lô dầu khí vượt qua đường trung tuyến, lấn về phía Việt Nam (xem Bản đồ 1). Trong những lô dầu khí này, vùng LD29-1 nằm hoàn toàn bên Việt Nam và phân nửa vùng LD20-1 nằm bên Việt Nam của đường trung tuyến. Theo bản đồ năm 2002 của Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc thì hai vùng dầu khí này đang bị Trung Quốc khai thác. Vùng lấn sang bên Việt Nam này nằm ngoài tầm ảnh hưởng của Hoàng Sa, cách bờ biển đất liền của Việt Nam và đảo Hải Nam của Trung Quốc dưới 75 hải lý, cách các đảo gần nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa từ 160 hải lý tới 215 hải lý.

Bản đồ 2: Bản đồ của Công Ty Dầu Khí Hải Dương Trung Quốc. Vào năm 2002, hai vùng dầu khí LD29-1 (nằm phía Việt Nam của đường trung tuyến) và LD20-1 (nằm vắt ngang đường trung tuyến) bắt đầu bị Trung Quốc khai thác.

Việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với một khu vực dù cách Việt Nam 63 hải lý, cách Trung Quốc 67 hải lý, bên ngoài tầm ảnh hưởng của Hoàng Sa, và đối với những khu vực tương tự, nói lên phần nào thử thách mà Việt Nam phải đối diện trong đàm phán.

Trong khu vực biển không thuộc Hoàng Sa, Việt Nam phải vượt qua những thử thách này để đạt được một hiệp định ranh giới biển công bằng.

Khu vực biển thuộc Hoàng Sa

Trong khu vực biển thuộc Hoàng Sa, Việt Nam và Trung Quốc có thể dựa vào tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa để đòi hỏi những vùng nội thuỷ, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế lấn sâu vào bên kia đường trung tuyến.

Trên thực tế, ngày 15/5/1996 Trung Quốc công bố một đạo luật xác định đường cơ sở thẳng xung quanh Hoàng Sa, đòi hỏi rằng khu vực bên trong đường cơ sở, có diện tích 17.400 km², là nội thuỷ và khu vực 12 hải lý bên ngoài đường cơ sở đó là lãnh hải của họ[11], mặc dù đường cơ sở đó vi phạm UNCLOS[12]. Những vùng nội thuỷ và lãnh hải này lấn sâu vào bên Việt Nam của đường trung tuyến, như trong Bản đồ 3.

Trung Quốc cũng có thể sẽ đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn nữa và lấn sâu vào phía Việt Nam hơn nữa. Thí dụ, ngay cả trong trường hợp Trung Quốc không dùng đường lưỡi bò, họ có thể đòi hỏi tối đa rằng ranh giới vùng đặc quyền kinh tế là đường trung tuyến giữa đường cơ sở thẳng họ tuyên bố chung quanh Hoàng Sa và những vùng lãnh thổ khác của Việt Nam, như đường xanh lá cây trong Bản đồ 3. Đòi hỏi đó sẽ phi pháp và bất công vì 3 lý do:

·  Quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam. Việc Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa là bất hợp pháp.

·  Đương cơ sở thẳng Trung Quốc tuyên bố xung quanh Hoàng Sa vi phạm UNCLOS.

·  Theo tập quán quốc tế và các phán quyết của Toà án Công lý Quốc tế, các đảo nhỏ như các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa thường không được hay chỉ được ít hiệu lực trong việc phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

Bản đồ 3: Trung Quốc có thể đòi hỏi một cách tối đa rằng đường xanh lá cây là ranh giới vùng đặc quyền kinh tế. Trung Quốc đã đòi hỏi rằng hình đa giác là nội thuỷ và vùng biển rộng 12 hải lý bên ngoài hinh đa giác là lãnh hải của nước này.

Nếu Việt Nam chấp nhận đòi hỏi này hay bất cứ đòi hỏi nào của Trung Quốc để lấn sang đường trung tuyến, vùng đặc quyền kinh tế mà Việt Nam được hưởng sẽ bị thu hẹp. Thêm nữa có thể thấy từ Bản đồ 3 rằng sự thu hẹp đó sẽ dẫn tới thiệt thòi cho Việt Nam nếu trong tương lai có đàm phán phân định các vùng biển nối tiếp về phía Nam. Ngoài ra, nếu chấp nhận như thế thì có nghĩa là Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa.

Trong khả năng ngược lại, Việt Nam cũng có thể dựa vào chủ quyền đối với Hoàng Sa để đòi hỏi những vùng biển bên Trung Quốc của đường trung tuyến.

Bản đồ 4: Lãnh hải 12 hải lý thuộc Hoàng Sa có thể là các hình tròn nhỏ. Đường tím là đường trung tuyến giữa các đảo Hoàng Sa và Trung Quốc.

Trước tiên, Việt Nam có thể đòi hỏi lãnh hải 12 hải lý thuộc các đảo Hoàng Sa, thí dụ như trong Bản đồ 4.

Kế tiếp, Việt Nam có thể đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế cho các đảo Hoàng Sa. Trên lý thuyết, Việt Nam có thể đòi hỏi một cách tối đa rằng ranh giới vùng đặc quyền kinh tế là đường trung tuyến giữa các đảo Hoàng Sa tên mức thuỷ triều cao và đảo Hải Nam. Đòi hỏi tối đa đó sẽ không công bằng vì theo tập quán quốc tế và các phán quyết của Toà án Công lý Quốc tế, các đảo nhỏ như các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa thường không được hay chỉ được ít hiệu lực trong việc phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc là nước có nhiều sức mạnh và là nước đang chiếm đóng Hoàng Sa, mặc dù việc chiếm đóng đó là bất hợp pháp chiếu theo luật quốc tế, sẽ khó xảy ra khả năng Trung Quốc chấp nhận những yêu sách của Việt Nam để lấn sang đường trung tuyến, nhất là những yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế.

Trước thử thách này, trước khi vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa được giải quyết một cách công bằng và hợp pháp, ví dụ như bởi Toà án Công lý Quốc tế, Việt Nam khó có thể đạt được sự công bằng về vùng biển thuộc Hoàng Sa.

Sự lựa chọn chính và khó khăn nhất cho Việt Nam là giữa 2 giải pháp sau:

1.  Rút lui ra khỏi đàm phán; hay:

2.  Chỉ đàm phán phân định khu vực không thuộc Hoàng Sa. Hoàng Sa và vùng biển bao quanh  Hoàng Sa tiếp tục nằm trong tình trạng tranh chấp.

Nhược điểm của giải pháp (1) nêu trên là sẽ không có ranh giới vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc trong khu vực từ cửa Vịnh Bắc Bộ đến Hoàng Sa.

Nhược điểm của giải pháp (2) nêu trên là, trên thực tế, Hoàng Sa và khu vực thuộc Hoàng Sa sẽ tiếp tục nằm dưới sự kiểm soát bất hợp pháp của Trung Quốc cho đến khi nào vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với Hoàng Sa được giải quyết một cách công bằng và hợp pháp. Và trong tương lai, chúng ta không biết được Trung Quốc có sẵn sàng chấp nhận đàm phán chủ quyền đối với Hoàng Sa và khu vực biển bao quanh Hoàng Sa hay không.

Trong trường hợp phải chọn giải pháp (2) nêu trên, Việt Nam cần phải đòi hỏi một phạm vi cho khu vực thuộc Hoàng Sa  sao cho giảm tối thiểu thiệt hại.

Ngoài ra, có thể chọn một giải pháp dung hoà giữa 2 giải pháp trên:

·  Đàm phán phân định vùng biển nằm gần cửa Vịnh Bắc Bộ, cách xa Hoàng Sa và chắc chắn không thuộc Hoàng Sa.

·  Không đàm phán phân định vùng biển nằm gần Hoàng Sa.

·  Không công nhận rằng vùng biển thứ nhì có thuộc Hoàng Sa hay không. Vùng biển thứ nhì sẽ tiếp tục nằm trong tình trạng tranh chấp.

Trong bất kỳ trường hợp nào, Việt Nam không thể chấp nhận bất cứ điều nào trong hiệp định có thể bị cho là chấp nhận yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền đối với Hoàng Sa.

Xác định khu vực biển thuộc Hoàng Sa

Vì Trung Quốc là nước có nhiều sức mạnh và là nước đang chiếm đóng Hoàng Sa, trong khi vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa chưa được giải quyết, việc đòi hỏi rằng khu vực biển thuộc Hoàng Sa có phạm vi tối đa, thí dụ như với đường cơ sở thẳng và với vùng đặc quyền kinh tế từ đường cơ sở đó ra tới trung tuyến giữa Hoàng Sa và các vùng lãnh thổ khác, đương nhiên sẽ có lợi tối đa cho Trung Quốc. Đòi hỏi đó sẽ là cớ để Trung Quốc khống chế một vùng biển có diện tích tối đa. Như vậy sẽ thiệt hại tối đa cho Việt Nam. Tuy nhiên, như đã lập luận, việc vẽ đường cơ sở thẳng xung quanh Hoàng Sa và đòi vùng đặc quyền kinh tế như trên là trái với UNCLOS và tập quán quốc tế.

Nếu Việt Nam cũng có quan điểm như Trung Quốc, tức là đòi hỏi rằng khu vực biển thuộc Hoàng Sa có phạm vi tối đa, Việt Nam sẽ bị thiệt hại trong hiện tại, và nếu trong tương lai Việt Nam giành lại được Hoàng Sa thì sẽ có nhiều lợi ích trong tương lai. Tuy nhiên, dù sao đi nữa, việc đỏi hỏi như thế sẽ không phù hợp với tập quán quốc tế và các án lệ của Toà án Công lý Quốc tế.

Nếu Việt Nam đòi hỏi rằng vùng biển thuộc Hoàng Sa có phạm vi tối thiểu, Việt Nam sẽ giảm thiệt hại trong hiện tại và chấp nhận rằng nếu trong tương lai Việt Nam giành lại được Hoàng Sa thì lợi ích cũng sẽ giảm.

Tồn tại hai yếu tố trong việc lựa chọn phạm vi tối thiểu hay phạm vi tối đa cho khu vực biển thuộc Hoàng Sa:

1.                      Sự công bằng: Theo ý kiến của các tác giả, phạm vi tối thiểu sẽ phù hợp với tập quán quốc tế hơn, phù hợp với các phán quyết của Toà án Công lý Quốc tế hơn[13], và sẽ công bằng hơn, thí dụ như:

·  Không vẽ đường cơ sở thằng xung quanh quần đảo Hoàng Sa;

·  Các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa là những đảo nhỏ, xa bờ và, thêm nữa, trong tình trạng tranh chấp chủ quyền. Để tuân thủ sự công bằng mà UNCLOS quy định, các bên sẽ không trao quy chế vùng đặc quyền kinh tế cho các đảo thuộc Hoàng Sa.

·  Như vậy, khu vực biển thuộc Hoàng Sa sẽ bao gồm lãnh hải 12 hải lý, thí dụ như các vòng tròn nhỏ trong Bản đồ 4.

1.                      Lợi ích quốc gia: Việc lựa chọn giữa hai phạm vi trên cũng là sự cân nhắc giữa hai khía cạnh: một mặt là Trung Quốc đang chiếm đóng Hoàng Sa và khống chế vùng biển thuộc Hoàng Sa, một mặt là khả năng Việt Nam giành lại được Hoàng Sa trong tương lai.

Giữa phạm vi tối thiểu và phạm vi tối đa, tồn tại nhiều cách khác để xác định khu vực biển thuộc Hoàng Sa. Bên cạnh tôn trọng sự công bằng, Việt Nam phải cân nhắc phạm vi nào cho khu vực biển thuộc Hoàng Sa sẽ có lợi nhất cho Việt Nam.

Theo những nguyên tắc được Toà án Công lý Quốc tế xác định[14], cách tốt nhất để đi tới giải pháp công bằng là vẽ đường trung tuyến giữa các vùng lãnh thổ khác của Việt Nam và các vùng lãnh thổ khác của Trung Quốc, không tính quần đảo Hoàng Sa, để đi tới một ranh giới thử nghiệm cho vùng đặc quyền kinh tế. Sau đó, nếu cần thiết cho sự công bằng, ranh giới thử nghiệm này có thể được điều chỉnh như một cách để cho quần đảo Hoàng Sa một hiệu lực nào đó trong việc tính vùng đặc quyền kinh tế.

Trên thực tế, Việt Nam không thể chấp nhận việc xê dịch ranh giới thử nghiệm về phía mình, mà Trung Quốc cũng sẽ không chấp nhận việc xê dịch đó về phía họ. Vì vậy, đường trung tuyến không tính quần đảo Hoàng Sa vừa là phạm vi tối thiểu mà Việt Nam có thể chấp nhận cho vùng đặc quyền kinh tế, vừa là phạm vi tối đa mà Việt Nam có thể thực hiện được. Theo ý kiến của các tác giả, giải pháp công bằng tối đa mà Việt Nam có thể thực hiện được là:

·  Ranh giới vùng đặc quyền kinh tế là đường trung tuyến không tính quần đảo Hoàng Sa ;

·  Các đảo Hoàng Sa phía bên kia đường trung tuyến và lãnh hải 12 hải lý của chúng thuộc về Việt Nam.

Tất nhiên Trung Quốc sẽ không chấp nhận rằng Hoàng Sa và lãnh hải 12 hải lý thuộc Hoàng Sa là của Việt Nam. Nếu Trung Quốc là nước tôn trọng sự công bằng, họ có thể chấp nhận giải pháp trung gian sau:

·  Ranh giới vùng đặc quyền kinh tế là đường trung tuyến không tính quần đảo Hoàng Sa.

·  Các đảo Hoàng Sa và lãnh hải 12 hải lý của chúng tiếp tục nằm trong tình trạng tranh chấp.

Vì Trung Quốc đã tuyên bố đường cơ sở thẳng và lãnh hải xung quanh Hoàng Sa lấn sang đường trung tuyến, khả năng là Trung Quốc cũng sẽ không chấp nhận rằng ranh giới vùng đặc quyền kinh tế là đường trung tuyến. Trong trường hợp này, theo ý kiến của các tác giả, giải pháp tạm thời công bằng là:

·  Hai nước dùng đường trung tuyến không tính quần đảo Hoàng Sa như ranh giới tạm thời cho vùng đặc quyền kinh tế.

·  Các đảo Hoàng Sa và lãnh hải 12 hải lý của chúng tiếp tục nằm trong tình trạng tranh chấp.

Trong trường hợp Việt Nam và Trung Quốc không giải quyết được sự bất đồng ý kiến, theo ý kiến của các tác giả, giải pháp tạm thời công bằng là:

·  Hai nước dùng đường trung tuyến không tính quần đảo Hoàng Sa như ranh giới tạm thời cho vùng đặc quyền kinh tế. Ranh giới này sẽ được điều chỉnh lại sau khi vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa và phạm vi khu vực biển thuộc Hoàng Sa được giải quyết.

·  Các đảo Hoàng Sa và lãnh hải 12 hải lý của chúng tiếp tục nằm trong tình trạng tranh chấp.

Nếu Việt Nam và Trung Quốc có khảo sát hay khai thác chung trước khi chủ quyền được phân định, vùng hợp tác phải nằm vắt ngang đường trung tuyến này một cách đồng đều thì mới công bằng.

Trong bất kỳ trường hợp nào, Việt Nam không thể chấp nhận bất cứ điều nào trong hiệp định có thể bị cho là chấp nhận yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền đối với Hoàng Sa.

Cách vẽ đường trung tuyến

Ngay cả trong việc vẽ đường trung tuyến không tính quần đảo Hoàng Sa, có thể tồn tại sự khác biệt ý kiến giữa Việt Nam và Trung Quốc. Mỗi bên sẽ đòi hỏi cách vẽ đường trung tuyến có lợi nhất cho mình.

Một trong những cách để vẽ đường trung tuyến là vẽ đường trung tuyến giữa đường cơ sở của hai nước. Vì đường cơ sở của Việt Nam vừa nằm xa bờ hơn đường cơ sở của Trung Quốc vừa có thể không phù hợp với UNCLOS, khả năng là Trung Quốc sẽ không chấp nhận cách này.

Trung Quốc có thể đòi hỏi vẽ đường trung tuyến giữa đường cơ sở của nước này và bờ biển Việt Nam. Vì đường cơ sở của Trung Quốc xung quanh đảo Hải Nam có lấn ra biển ít nhiều, Việt Nam không thể chấp nhận cách này.

Cách vẽ đường trung tuyến công bằng nhất là vẽ đường trung tuyến giữa bờ biển hai nước, không tính Hoàng Sa nhưng tính các đảo gần bờ của mỗi nước. Tuy nhiên, có thể tồn tại sự khác biệt ý kiến ngay cả trong cách thứ ba này.

Nếu mũi Đà Nẵng, mũi Hải Vân, đảo Lý Sơn (diện tích 11 km², dân số 20.000)[15], và cù lao Chàm (diện tích 15 km², dân số 3,000)[16] của Việt Nam được dùng trong việc vẽ đường trung tuyến thì đường trung tuyến sẽ như trong Bản đồ 5.

Bản đồ 5: Đường trung tuyến không tính Hoàng Sa, cù lao Chàm và đảo Lý Sơn được 100% hiệu lực.

Nếu đảo Lý Sơn và cù lao Chàm chỉ được 50% hiệu lực trong việc vẽ trung tuyến, điều này tương đương với việc “dời” hai đảo này vào bờ 50% khoảng cách trên thực tế, thì đường trung tuyến sẽ như trong Bản đồ 6.

Bản đồ 6: Đường trung tuyến không tính Hoàng Sa, cù lao Chàm và đảo Lý Sơn được 50% hiệu lực.

Theo ý kiến của các tác giả,

·  Mũi Đà Nẵng và mũi Hải Vân hoàn toàn đáp ứng những điều kiện để được dùng trong việc vẽ đường trung tuyến.

·  Đảo Lý Sơn và cù lao Chàm hoàn toàn đáp ứng quy chế đảo theo Điều 121 của UNCLOS và nằm gần bờ Việt Nam. Hai đảo này nên được dùng để vẽ đường trung tuyến, hay phải được ít nhất là 50% hiệu lực. Lưu ý là trong hiệp định Vịnh Bắc Bộ đảo Cồn Cỏ (diện tích 2.5 km², dự kiến là tới năm 2010 sẽ đạt dân số 600)[17] được hưởng 50% hiệu lực dù đảo này nhỏ hơn và có dân số thấp hơn đảo Lý Sơn và cù lao Chàm.

Vì vậy, theo ý kiến của các tác giả, trong trường hợp không tính Hoàng Sa, một ranh giới công bằng phải nằm giữa đường màu xanh và đường màu đỏ trong Bản đồ 7.

Bản đồ 7: Nếu vùng biển thuộc Hoàng Sa có phạm vi tối thiểu, ranh giới công bằng phải nằm giữa đường đỏ (cù lao Chàm và đảo Lý Sơn được 100% hiệu lực) và đường xanh (cù lao Chàm và đảo Lý Sơn được 50% hiệu lực).

Trong việc vẽ đường trung tuyến, Trung Quốc có thể đòi hỏi không dùng mũi Đà Nẵng, mũi Hải Vân, đảo Lý Sơn, và cù lao Chàm của Việt Nam, hoặc chỉ cho những vùng lãnh thổ này ít hiệu lực. Thêm vào đó, Trung Quốc có thể đòi hỏi dùng các mũi và đảo nhỏ dọc bờ biển đảo Hải Nam, thí dụ như các mũi trong khu vực Tam Á. Những đòi hỏi như vậy nhằm đẩy ranh giới về phía Việt Nam và sẽ bất công cho Việt Nam.

Trong mọi trường hợp, Việt Nam phải đứng vững trước mọi sức ép để có thể đạt được một ranh giới công bằng.

Kết luận

Phân tích này cho thấy, đằng sau các tuyên bố chung của Việt Nam và Trung Quốc, vẫn tồn tại nhiều lựa chọn khó khăn và nhiều thử thách để Việt Nam đạt được sự công bằng trong việc phân định chủ quyền và hợp tác với Trung Quốc trong vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.

Theo ý kiến của các tác giả, sự lựa chọn khó khăn nhất cho Việt Nam là rút lui ra khỏi đàm phán hay chỉ đàm phán phân định vùng biển không thuộc Hoàng Sa hay chọn một giải pháp dung hoà. Dân tộc Việt Nam phải lựa chọn giữa các giải pháp này.

Hơn lúc nào hết, người dân và Quốc hội cần quan tâm về cuộc đàm phán phân định và trao đổi hợp tác ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, cần tìm hiểu thêm về sự công bằng cho đất nước và để biết rõ về những lựa chọn khó khăn và thử thách đất nước đang đối diện để đạt được sự công bằng ấy. Ý chí và kiến thức của mỗi người sẽ làm nên sức mạnh từ toàn dân và điều này sẽ giúp Việt Nam lựa chọn và đối phó với những thử thách nhằm bảo toàn chủ quyền của đất nước mà tiền nhân đã để lại.


[1] http://vietbao.vn/Chinh-Tri/Viet-NamTrung-Quoc-hoi-dam-phan-dinh-vung-ngoai-cua-Vinh-Bac-Bo/65042206/96/

[2] http://www.laodong.com.vn/Home/Hoi-dam-vong-V-ve-phan-dinh-vung-bien-ngoai-cua-vinh-Bac-Bo/20091/121972.laodong

[3] Xuân Linh (ghi) “Thứ trưởng Ngoại giao: Vùng khai thác dầu thuộc chủ quyền VN”, Vietnam Net, 27/08/2008, trên mạng  http://vietnamnet.vn/chinhtri/2008/08/800731/

[4] Xuân Linh (ghi), bài báo trên Vietnam Net đã dẫn.

[5] “Tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Việt-Trung”, TTXVN: http://www.vnagency.com.vn/TrangChu/VN/tabid/58/itemid/273396/Default.aspx

[6] “Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc”, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ: http://www.chinhphu.vn/portal/page?_pageid=33,128127&_dad=portal&_schema=PORTAL&pers_id=130959&item_id=9921858&p_details=1

[7] Ví dụ như trường hợp của vùng khai thác dầu khí chung Việt Nam – Malaysia.

[8] Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng trả lời phóng viên ngày 19/11/2004 liên quan đến việc tàu Nam Hải 215 kéo giàn khoan vào vùng thềm lục địa Việt Nam, BNG: http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/tt_baochi/pbnfn/ns041119155205

[9] Trả lời của ông Lê Dũng, link đã dẫn

[10] Chinese Foreign Ministry Spokesperson Zhang Qiyue’s Press Conference, 23/11/2004, http://www.china-botschaft.de/det/fyrth/t171773.htm

[11] http://www.un.org/Depts/los/LEGISLATIONANDTREATIES/PDFFILES/CHN_1996_Declaration.pdf

[12] Chỉ có quốc gia quần đảo (tức quốc gia hoàn toàn được cấu thành bởi một hay nhiều quần đảo và có khi bởi một số hòn đảo khác nữa) mới có quyền vẽ đường cơ sở thẳng xung quanh quẩn đảo (theo Điều 46 và 47 của UNCLOS). Xem thêm: Daniel J. Dzurek: “The People’s Republic of China Straight Baseline Claim”, International Boundary Reasearch Unit, Durham University, Boundary and Security Bulletin Summer, 1996, p. 77 – 89, Général Daniel Schaeffer: “Mer de Chine méridionale: Mythes et réalités du tracé en neuf traits”. Diplomatie 36, 1-2/2009.

[13] Thí dụ như hiệp định ranh giới thềm lục địa Ý – Tunisia và phán quyết phân xử ranh giới thềm lục địa Anh – Pháp (1977).

[14] Thí dụ như phiên toà phân định thềm lục địa Bắc Hải (1969) và phiên toà phân định Vịnh Maine (1984).

[15] http://www.quangngai.gov.vn/quangngai/english/news/2004/3399/

[16] http://english.vietnamnet.vn/lifestyle/2009/01/826116/

[17] http://english.vietnamnet.vn/tech/2007/03/671104/,

 

RELATED ARTICLES

Tin mới