Saturday, April 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc, tuần trăng mật với ASEAN đã kết thúc?

Trung Quốc, tuần trăng mật với ASEAN đã kết thúc?

Cuộc phục kích của Mỹ, liên quan đến khu vực
Biển Đông đang tranh chấp, tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) vừa qua đã đánh dấu
một sự chuyển tông lớn trong quan hệ Mỹ – Trung.

Việc Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton "lội
qua" Biển Đông trong hội nghị ARF tại Hà Nội, các tàu chiến Mỹ và Hàn Quốc
tiến hành tập trận trên biển Nhật Bản bất chấp phản đối của Trung Quốc đã đẩy
căng thẳng lên một nấc thang mới.

Điều đã xảy ra ở Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt.
Khi bà Clinton tuyên bố việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông
giờ nằm trong "lợi ích quốc gia" của Mỹ và là "một ưu tiên ngoại
giao" của nước này, bà không chỉ nhắc tới mối lo ngại của Mỹ trước khả
năng bá chủ trên biển của Trung Quốc. Tuyên bố này còn cho thấy Washington đã nắm bắt một
cơ hội lịch sử.

Nhiều tháng nay, phản ứng đồng loạt ở Đông Á
trước những tuyên bố đòi chủ quyền quá trớn của Trung Quốc đã được Washington chú ý theo
dõi, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã vạch ra những con đường để tái
cam kết với khu vực này. Được cảnh báo bởi điệp khúc rằng Mỹ là một cường quốc
đang suy yếu, giới chức nước này đã bắt đầu nói đến sự cần thiết phải xác nhận
ưu tiên chiến lược của Mỹ ở châu Á.

Và việc Trung Quốc liên tiếp đòi chủ quyền
trên toàn khu vực Biển Đông – bằng chứng là việc họ bắt giữ hàng trăm ngư dân
Việt Nam, quấy nhiễu tàu chiến Mỹ và hải quân các nước khác, cũng như đe dọa
các tập đoàn dầu khí quốc tế phải chấm dứt các hợp đồng khai thác với Việt Nam
– đã tạo ra cơ hội có một không hai cho Mỹ.

Động thái của Mỹ không chỉ làm hài lòng những
đối thủ của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa, mà còn nhằm trấn an các  tác
nhân lớn hơn trong khu vực, như Hàn Quốc, Nhật Bản và Indonesia bằng việc gửi một
thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc. Trong suốt gần 15 năm qua, Washington đã đứng
ngoài những căng thẳng tại Biển Đông, khu vực nhiều tài nguyên và có vị trí chiến
lược, nối Đông Á với Trung Đông và châu Âu. Các đặc phái viên của Mỹ đôi khi nhắc
nhở cần giải quyết hòa bình song không đứng về bên nào trong các tranh chấp
này.

Nhưng tuyên bố của bà Clinton đã thay đổi tất cả. Bà đã đưa Mỹ lên
vị trí tiền tuyến trước những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc – cái mà Bắc Kinh
gần đây gọi là "lợi ích cốt lõi" của mình, cụm từ ngoại giao vốn dùng
để chỉ tính nhạy cảm của vấn đề Đài Loan và Tây Tạng.

Đầu năm 2010, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert
Gates phát biểu trong một diễn đàn an ninh tại Singapore rằng Washington phản đối
bất cứ nỗ lực nào nhằm hăm dọa các công ty dầu khí của Mỹ tham gia các hợp đồng
hợp pháp trong khu vực này. Đến lượt mình, bà Clinton đã đưa ra bình luận tại ARF cũng như
trong các cuộc gặp song phương và các thông cáo báo chí. Trong khi đó, các quan
chức dưới quyền bà cũng đã thông báo với báo chí Mỹ để họ không bỏ sót diễn biến
này.

Trong khi khẳng định giữ vững lập trường
không đứng về bên nào, bà Clinton nói rõ rằng Washington muốn thúc đẩy đối thoại
đa phương nhằm tìm giải pháp – một thách thức trực tiếp tới Trung Quốc vì nước
này đã dùng nhiều cách, kín đáo nhưng mạnh mẽ, nhằm ngăn chặn ASEAN đưa vấn đề
này ra thảo luận, và muốn giải quyết vấn đề trên bàn đàm phán song phương, giữa
Trung Quốc với nước có tranh chấp.

Bà Clinton khẳng định: "Mỹ ủng hộ một tiến
trình ngoại giao đa phương có sự tham gia của tất cả các bên tranh chấp nhằm giải
quyết vấn đề mà không bị ép buộc. Chúng tôi phản đối bất cứ bên nào sử dụng hoặc
đe dọa sử dụng vũ lực".

Đúng một năm về trước, Trung Quốc được xem là
tác nhân gây chia rẽ ASEAN, khi từng thành viên trong hiệp hội này đều đặt quan
hệ của mình với Trung Quốc lên trên sự thống nhất trong ASEAN. Sự dè dặt này vẫn
còn thấy rõ chỉ vài giờ trước khi bà Clinton
xuất hiện. Trước thềm hội nghị ARF, trong cuộc gặp thường niên giữa các bộ trưởng
ngoại giao ASEAN với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì, chỉ Philippines
nêu vấn đề Biển Đông. Sự e dè đó là kiểu truyền thống của ASEAN. Các tuyên bố
và cuộc gặp chính thức thường ôn hòa nhất có thể. Một quan sát viên ngoại giao
nhận xét: "Rõ ràng họ đều đang chờ đợi sự an toàn trong tập thể".

Sự xuất hiện của bà Clinton dường như đã tạo ra cảm giác an toàn,
khi bà thể hiện một quan điểm cứng rắn mới. 11 thành viên đã sẵn sàng lên tiếng,
trong đó có cả Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam – những nước bị ảnh hưởng
nhiều nhất – cũng như Indonesia, EU, Australia và Nhật Bản. Những gì diễn ra
sau đó quả là một cuộc vật lộn hiếm thấy. Ngoại trưởng Dương bày tỏ tức giận, bởi
mọi diễn biến hoàn toàn nằm ngoài sức tưởng tượng của Trung Quốc.

Hơn một năm qua, các diễn biến ngoại giao,
chính trị và quân sự đã khiến Trung Quốc ngày càng quan ngại. Giới chức quân sự
Việt Nam đã được mời thăm
tàu ngầm của Mỹ tại Hawaii.
Việt Nam
cũng cho phép các tàu chiến Mỹ được sửa chữa tại các cảng biển của mình. Vừa
qua, Việt Nam
còn ký hợp đồng với một đồng minh thời chiến tranh Lạnh nhằm mua sáu chiếc tàu
ngầm lớp Kilo.

Trong khi đó, các quan chức Lầu Năm Góc và Bộ
Ngoại giao Mỹ ngày càng công khai với Quốc hội Mỹ về sự cần thiết phải khẳng định
quyền tự do đi lại của Mỹ trên vùng biển quốc tế bất chấp quan ngại của Trung
Quốc. Trong khi Trung Quốc cho rằng phần lớn Biển Đông là vùng đặc quyền kinh tế
của mình, Mỹ và các nước khác nhấn mạnh đây vẫn là hải phận quốc tế, vì vậy các
hoạt động quân sự bình thường, trong đó có hoạt động do thám, đều được phép.

Căng thẳng đã biến thành cuộc đấu khẩu khi
ông Gates phát biểu tại Singapore
trước các thính giả trong đó có các quan chức cấp cao của Quân giải phóng nhân
dân Trung Quốc (PLA), rằng "Mỹ không coi đó là ‘một cái hồ của Trung Quốc’,
chúng tôi có quyền qua lại bình thường tại vùng biển này". Một quan chức
PLA bực tức đáp lại: "Xin lỗi, sự do thám của Mỹ không phải là đi lại bình
thường. Mối lo ngại của Trung Quốc không thể bị xem nhẹ".

Liệu Washington
có xem nhẹ các mối quan ngại này hay không thì còn phải chờ xem. Nhưng chắc chắn
Bắc Kinh sẽ coi các sự kiện ở Hà Nội vừa qua là một sự khiêu khích lớn. Cũng có
một nhận thức ngày càng rõ rệt trong khu vực, đó là yếu tố biển rất quan trọng
đối với các tham vọng của Trung Quốc về khả năng "phòng thủ biển xa",
theo đó hải quân nước này có thể hoạt động ở ngoài khơi xa, vì đây là một cửa
ngõ duy nhất dẫn tới Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Một điều rõ ràng là Mỹ đang chuẩn bị để tham
gia vào một trong những vấn đề gai góc nhất của khu vực – một thay đổi chính
sách có thể không hề dễ. Còn đối với Trung Quốc, tuần trăng mật với ASEAN đã kết
thúc.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới