Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnCăng thẳng Mỹ-Trung tăng cao vì vụ tranh chấp ở biển Ðông

Căng thẳng Mỹ-Trung tăng cao vì vụ tranh chấp ở biển Ðông

Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang trở nên căng thẳng sau khi
Washington chính thức can dự vào những vụ tranh chấp lãnh thổ giữa Trung
Quốc và các quốc gia vùng Đông Nam Á ở Biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam
gọi là Biển Ðông. Trung Quốc đã mô tả đề nghị giúp giải quyết tranh chấp
của Hoa Kỳ là một hành động can thiệp và là một âm mưu nhằm gây ra
những mối lo ngại vô căn cứ. Tuy nhiên, theo tường thuật do thông tín
viên Daniel Shchearf của đài chúng tôi gởi về từ Bắc Kinh, sự can dự của
Hoa Kỳ được nhiều người xem là một sự đối trọng đối với sức mạnh và ảnh
hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực này.

Quan hệ Mỹ-Trung hồi gần đây đã gặp sóng gió khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ
Hillary Clinton nói rằng cần phải thực hiện một nỗ lực ngoại giao chung
để giải quyết những đòi hỏi chủ quyền chồng chéo nhau ở Biển Nam Trung
Hoa – vùng biển mà Việt Nam gọi là Biển Đông và Trung Quốc gọi là Nam
Hải.

Trung Quốc đòi chủ quyền lãnh hải trong vùng biển này cùng
với Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam. Tuy là nơi chỉ
có những hòn đảo nhỏ cộng với những đảo san hô và những bãi đá ngầm,
vùng biển này được cho là có một trữ lượng dầu lửa và khí đốt rất lớn.

Hồi
gần đây Trung Quốc, và những nước khác trong vụ tranh chấp, đã bắt đầu
phát triển hoạt động du lịch ở một số hòn đảo nhằm củng cố chủ trương
chủ quyền lãnh thổ của mình.

Trong lúc đến Hà Nội hồi tuần trước
để tham dự các cuộc hộïi nghị an ninh khu vực, bà Clinton nói rằng Hoa
Kỳ sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành một cuộc đối
thoại đa phương về những vụ tranh chấp này. Bà Clinton nói thêm rằng
những vụ tranh chấp này cần phải được giải quyết mà không có những hành
động cưỡng ép, đe dọa hay sử dụng vũ lực.

Bà Clinton cho biết:
"Hoa Kỳ, cũng như tất cả các khác nước trên thế giới, có một quyền lợi
quốc gia đối với quyền tự do hải hành, tự do ra vào vùng biển chung ở Á
Châu và sự tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Nam Trung Hoa."

Ngoại
trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã lập tức lên án phát biểu của bà
Clinton và nói rằng đó là một mưu toan nhằm quốc tế hóa những vụ tranh
chấp mà Trung Quốc muốn giải quyết theo đường lối song phương với từng
nước một.

Ông Dương Khiết Trì nói thêm rằng những lời tuyên bố đó
của ngoại trưởng Clinton là một vụ tấn công nhắm vào Trung Quốc và là
một âm mưu nhằm mang lại cho cộng đồng quốc tế điều mà ông gọi là “một
ấn tượng sai lầm là tình hình ở Biển Nam Trung Hoa hiện nay rất đỗi
nghiêm trọng”.

Lời chỉ trích mạnh mẽ của ông Dương Khiết Trì được
đưa ra tiếp theo sau vụ xích mích giữa Washington và Bắc Kinh vì cuộc
diễn tập của Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên ở Biển Nhật Bản. Trước đó, Bắc
Kinh cũng đã đình chỉ các hoạt động giao lưu quân sự với Hoa Kỳ để phản
đối kế hoạch của Washington nhằm bán vũ khí cho Đài Loan.

Bắc
Kinh nói rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và đảo quốc tự trị
này rốt cuộc phải tái thống nhất với Hoa Lục, bằng vũ lực trong trường
hợp cần thiết.

Năm ngoái, tàu bè của Trung Quốc đã quấy nhiễu một
chiếc tàu của hải quân Mỹ trong hải phận quốc tế ở ngoài khơi đảo Hải
nam của Trung Quốc. Ngoài ra, một chiếc tàu ngầm của Trung Quốc, trong
lúc rõ ràng là đang theo dõi một chiến hạm của hải quân Mỹ trong vùng
biển gần Philippines, đã đụng phải một giây cáp gắn thiết bị thăm dò
bằng âm thanh mà chiến hạm này kéo theo.

Tháng 3 vừa qua, Trung
Quốc đã gây ra những mối lo ngại trong vùng Đông Nam Á khi tuyên bố rằng
Biển Nam Trung Hoa là một “lợi ích hạch tâm” hay quyền lợi cốt lõi của
mình.

Ông Carl Thayer, giáo sư chính trị học của Đại học New
South Wales ở Australia, cho biết rằng căng thẳng trong vùng Đông Nam Á
đã gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Việt
Nam.

Ông Thayer nói: "Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố những
lệnh cấm đánh cá trong hai năm qua. Họ xua đuổi tàu bè của Việt Nam,
tịch thu tôm cá, phạt tiền, bắt các ngư phủ làm con tin cho tới khi họ
nhận được tiền phạt, tịch thu trang thiết bị và tôm cá của ngư phủ Việt
Nam, và tuyên bố những biện pháp quản lý hành chánh đối với các quần
đảo. Họ đã thực hiện một loạt những hành động đi ngược với ngôn từ và
tinh thần của bản tuyên bố về cách hành xử, theo đó các bên liên hệ
không được thực hiện những hành động đơn phương, kể cả những vụ diễn tập
hải quân trong khu vực."

Giáo sư Thayer nói rằng việc Trung Quốc
tăng cường sức mạnh hải quân trên đảo Hải Nam và có những hành động
hung hăng để bênh vực cho chủ trương chủ quyền của mình cũng đang làm
gia tăng mối lo ngại là Trung Quốc có ý định sử dụng tới sức mạnh ngày
càng tăng của họ. Ông nói thêm rằng một số nước trong khu vực đang ra
sức gia tăng khả năng phòng vệ để đối phó với tình hình.

Ông
Thayer nói tiếp: "Điều này khiến cho Singapore – là nước đã có tàu ngầm,
mua thêm những tàu mới, hiện đại hơn. Malaysia đang mua các tiềm thuỷ
đĩnh tấn công loại Scorpène. Indonesia cho biết họ muốn mua các tàu ngầm
này sau khi đã phải đình hoãn kế hoạch mua tàu ngầm vì khó khăn tài
chánh. Bạch thư của Australia năm ngoái cũng đề nghị chính phủ mua thêm
12 tiềm thủy đĩnh qui ước. Và đáng chú ý là Việt Nam đã ký hợp đồng để
mua 6 chiếc tàu ngầm kilo — là loại tàu ngầm qui ước tối tân nhất."

Sự
can dự của Washington vào vụ tranh chấp ở Biển Đông đã nhận được sự
hoan nghênh của Việt Nam, là nước đã có hai trận hải chiến với Trung
Quốc vào giữa thập niên 1970 và cuối thập niên 1980 vì vụ tranh chấp chủ
quyền Hoàng Sa và Trường Sa.

Năm 2002 Trung Quốc đã ký với 10
nước hội viên ASEAN một bản tuyên bố về cách hành xử ở Biển Nam Trung
Hoa và đồng ý giải quyết những vụ tranh chấp này một cách hòa bình.

Tổng
thư ký ASEAN Surin Pitsuwan tuyên bố hồi tuần trước rằng việc giữ cho
các tuyến đường hàng hải quan trọng ở Biển Nam Trung Hoa được rộng mở và
an toàn là phù hợp với lợi ích của tất cả các bên. Ông cho biết hơn 85%
nguồn năng lượng được chuyên chở bằng đường biển tói Trung Quốc, Nhật
bản và Nam Triều Tiên thông qua Biển Nam Trung Hoa.

Ông Surin
nói thêm như sau: "Vì vậy cho nên đây là con đường huyết mạch của hoạt
động giao thông và thương mại của tất cả các nước. Chẳng những cho Trung
Quốc, Nhật bản, Nam Triều Tiên và Đông Nam Á mà còn cho những nước khác
ở Tây phương."

Những vụ tranh chấp này cho đến nay vẫn chưa
phương hại tới công cuộc mậu dịch nhưng đã ảnh hưởng tới các quyền lợi
kinh doanh. Các giới chức Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc đã gây áp lực với
các công ty dầu khí Tây phương đòi các công ty này không được hợp tác
với Việt Nam trong những khu vực đang có tranh chấp. Bắc Kinh đe dọa
rằng những quyền lợi kinh doanh của các công ty này ở Trung Quốc sẽ bị
thiệt hại nếu không chấp nhận đòi hỏi đó.

Giáo sư Thayer nói rằng
sự can dự của Hoa Kỳ sẽ cân bằng quyền lực của Trung Quốc ở Biển Nam
Trung Hoa và góp phần bảo đảm rằng luật pháp quốc tế sẽ tiếp tục là
trọng tâm của nỗ lực giải quyết tranh chấp chứ không phải là những luận
cứ dựa trên yếu tố lịch sử.

RELATED ARTICLES

Tin mới