Saturday, September 14, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVề mục tiêu đóng tàu sân bay của Trung Quốc

Về mục tiêu đóng tàu sân bay của Trung Quốc

Tháng 3/2009,
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Liang Guanglie lần đầu tiên thông báo chính
thức việc Trung Quốc có kế hoạch trang bị cho lực lượng Hải quân của
mình (PLAN) 02 tàu sân bay không sử dụng nhiên liệu hạt nhân vào năm
2015. Một số thông tin không chính thức trên các phương tiện truyền
thông còn cho rằng Trung Quốc có thể sẽ xây dựng thêm 02 tàu sân bay
sử dụng nhiên liệu hạt nhân vào năm 2020.

Tuy nhiên, trước mắt có thể
thấy Trung Quốc sẽ sản xuất một tàu sân bay cỡ trung bình (40.000 –
60.000 tấn) đủ khả năng giúp máy bay phản lực cất cánh và hạ cánh thông
thường, hoặc như máy bay lên thẳng và sử dụng đường băng ngắn. Là
cường quốc duy nhất trong Hội đồng Bảo an LHQ chưa sở hữu tàu sân bay,
Trung Quốc coi việc sở hữu tàu sân bay là đòi hỏi cấp bách. Người dân
Trung Quốc ví tàu sân bay như những viên ngọc quý trên chiếc vương miện
của một lực lượng hải quân hùng mạnh và giúp tăng cường vị thế
cường quốc [1].

          Từ những năm 1990, Trung Quốc đã
bắt đầu chương trình hiện đại hóa quân đội để tăng cường khả năng
chiến đấu trong “các cuộc chiến tranh khu vực với điều kiện hiện đại
và sử dụng công nghệ cao”[2]. Năm
1992, Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua chương trình nghiên cứu phát
triển tàu sân bay, tạo cơ sở pháp lý để PLAN mua lại 04 tàu sân bay
cũ của các nước phục vụ việc nghiên cứu chế tạo, trong đó có tàu
sân bay Vargav lớp Kuznetsov của Liên Xô cũ được sửa chữa lại tại cảng
Đại Liên để chuyển đổi mục đích thành tàu huấn luyện. Tiến trình
này được tăng tốc trước việc các tàu sân bay của Mỹ có những bước can
thiệp vào cuộc xung đột giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Sau khi nghiên
cứu các chiến thuật của Mỹ trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ
nhất và vai trò của tàu sân bay Mỹ tại eo biển Đài Loan, PLAN điều
chỉnh quan điểm truyền thống trong học thuyết phát triển lực lượng
hải quân từ ưu tiên lực lượng tàu ngầm chuyển sang phát triển được 01
tàu sân bay có đủ năng lực chiến đấu.

Về
phạm vi triển khai tàu sân bay của Trung Quốc trong tương lai, sau khi
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có tuyên bố năm 2004 về nhiệm vụ bổ
sung của PLAN là “bảo vệ các lợi ích quốc gia mở rộng của Trung
Quốc và bảo đảm hòa bình thế giới”[3],
PLAN đã mở rộng phạm vi hoạt động từ chỗ không chỉ bảo vệ khu vực
eo biển Đài Loan và vùng biển Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền, mà
còn cả những tuyến giao thông đường biển quốc tế quan trọng. Cụ thể
với các tàu sân bay, Thiếu tướng Qian Lihua, Giám đốc Văn phòng Đối
ngoại Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết: “Câu hỏi không phải là liệu
bạn có  tàu sân bay hay không, mà là
bạn sẽ làm gì với chiếc tàu sân bay của mình?” “Các nhân viên của
PLAN đang thảo luận về việc phát triển 03 hạm đội, thứ nhất là để
tuần tra ở khu vực xung quanh Nhật Bản và Hàn Quốc, thứ hai là để
hướng ra khu vực Tây Thái Bình Dương và thứ ba là để bảo vệ Ấn Độ
Dương và eo biển Malacca”[4].
Mục đích của Trung Quốc càng thể hiện rõ hơn từ năm 2008, khi một đô
đốc hải quân của Trung Quốc đã trao đổi trực tiếp với Tư lệnh Hải
quân Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương Timothy Keating về khả năng Mỹ và
Trung Quốc nên chia đôi quyền kiểm soát vùng biển Thái Bình Dương tính
từ quần đảo Hawaii khi Trung Quốc có tàu sân bay.[5]
Tuy nhiên, ý tưởng này của Trung Quốc đã nhận được câu trả lời khá
rõ ràng của Mỹ. Trên cả phương diện tuyên bố và hành động, Mỹ ngày
càng tỏ ra ưu tiên hơn cho lực lượng hải quân ở Thái Bình Dương và từ
năm 2007, số lượng tàu của Hạm đội Thái Bình Dương (Hạm đội 7) đã
lần đầu tiên vượt Hạm đội Đại Tây Dương.

Đặt
giả thuyết rằng Trung Quốc phải cạnh tranh với Mỹ ở vùng biển Thái
Bình Dương, liệu tàu sân bay của Trung Quốc có tác động tới tương quan
lực lượng hải quân giữa hai nước trong khu vực hay không? Phải thấy
rằng mặc dù nền công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc sẽ vượt qua rất
nhiều thách thức để tự sản xuất thì cũng chỉ chế tạo được một
tàu sân bay có sức mạnh ở mức trung bình trong khoảng một thập kỷ. Để
sản xuất tàu sân bay hiện đại với công nghệ cao đối trọng được với Mỹ,
Trung Quốc sẽ còn mất rất nhiều thời gian. Trung Quốc phải giải
quyết được bài toán về công nghệ chế tạo ở trình độ cao, cải tiến hệ
thống chỉ huy và điều khiển, năng lực về khoa học hàng không, phát
triển khả năng phòng thủ với đội tàu hộ tống đủ mạnh và nhất là đào
tạo đội ngũ nhân lực đủ khả năng phục vụ trên tàu sân bay. Chắc chắn
là trong nhiều thập kỷ tới, kể cả khi đã sở hữu từ 02 – 04 tàu sân
bay, Trung Quốc vẫn chưa thể vượt qua được trình độ công nghệ vượt
trội của Mỹ, cũng như chưa đủ khả năng cạnh tranh với lực lượng hải
quân hùng hậu của Mỹ, cụ thể là 03 tàu sân bay của Mỹ thường xuyên
duy trì sự hiện diện ở khu vực này./.



[1] Michael Hall, the Blue Water Dragon: China’s
Emerging Aircraft Carrier Force and US responses, Naval War College 2008.

[2] Richard Weitz, “Enduring difficulties in China
– US defense Diplomacy”, Korean Journal of Defense Analysis 21, no 4 (December 2009)

[3] Office of Naval Intelligence (ONI), The Peope’s
Liberation Navy: A Modern Navy with Chinese Characteristics (Washington, DC:
ONI, July 2009).

[4] “Chinese Hints at Aircraft Carrier Project””, The
Financial Times, November 16, 2008.

[5] “You guys can have east part of the Pacific, Hawaii to the States.
We’ll take the west part of the Pacific, from Hawaii
to China”,
discussed in Friedberg and Ross, report of Admiral Timothy Keating, 2008.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới