Tuesday, April 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếMỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ CÁC LUẬN CỨ MÀ TRUNG QUỐC SỬ...

MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ CÁC LUẬN CỨ MÀ TRUNG QUỐC SỬ DỤNG ĐỂ CHỨNG MINH CHỦ QUYỀN TỪ LÂU ĐỜI ĐỐI VỚI HAI QUẦN ĐẢO TÂY SA VÀ NAM SA KỲ II

Kỳ I: http://www.biendong.net/tu-lieu/thong-tin-tu-lieu/147-mot-so-nhan-xet-ve-cac-luan-cu-ma-trung-quoc-su-dung-chung-minh-chu-quyen-tu-lau-doi-doi-voi-hai-quan-dao-tay-sa-va-nam-sa.html
Kỳ II (tiếp theo)

III. VỀ BẰNG CHỨNG
CHỨNG MINH CÁC ĐẢO Ở NAM
HẢI DO TRUNG QUỐC “KHAI THÁC SỚM NHẤT, KINH DOANH SỚM NHẤT” :

Để minh hoạ cho luận
cứ là các đảo Nam Hải do Trung Quốc “khai thác sớm nhất, kinh doanh sớm nhất”,
các tác giả cuốn Tổng hợp sử liệu đưa
ra các bằng chứng, trong đó có cụm từ “con đồi mồi” trong Dị vật chí được viết vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên; cụm từ “Bãi
san hô” chép trong Quảng Châu ký của
Bùi Uyên đời Tấn (265 – 420); những đồng tiền cổ tìm thấy ở “Tây Sa”; “Canh Lộ
bạ” của dân chài đảo Hải Nam ghi chép một số tên quen dùng ở quần đảo “Tây Sa”
và quần đảo Nam Sa. Phần này sẽ lần lượt phân tích từng luận cứ trên.

1. Về cụm từ “đồi mồi” chép trong Dị vật chí (ghi chép về vật lạ) viết vào thế kỷ 1 sau Công nguyên :

Cuốn Dị vật chí mà cuốn Tổng hợp sử liệu viện dẫn không có tên tác giả và tên sách cũng không
hoàn chỉnh. Trích dẫn về đồi mồi trong cuốn này cũng được nhắc đến trong Nam Phương dị vật chí được dẫn trong bộ Thái Bình ngự lãm do Lý Phỏng soạn vào
những năm niên hiệu Thái Bình (976 -984) đời Vua Tống Thái Tông. Nam phương dị vật chí (khuyết danh) chép về
“đồi mồi” như sau : “Đồi mồi như rùa, sinh sản ở Nam Hải con lớn có vân, trên lưng
có vẩy” (Phụ lục 8).[1]

Tác giả Nam Phương dị vật chí chỉ chép đồi mồi
“sinh sản ở Nam Hải”, mà Nam Hải, tức là biển Nam Trung Hoa (hay còn gọi là biển
Đông). Biển này rộng mênh mông đến mấy triệu km2, mấy chữ “sinh sản ở Nam Hải”
làm sao có thể được coi là bằng chứng cho việc Trung Quốc “khai thác, kinh
doanh sớm nhất” các quần đảo ở biển Đông?



2. Về “bãi san hô” chép trong Quảng Châu ký (ghi chép về Quảng Châu) của Bùi Uyên :

Trong tác phẩm của
mình, Bùi Uyên viết : “bãi san hô, cách huyện 500 dặm về phía Nam, người xưa đánh
cá trong biển, lấy được san hô[2] (Phụ lục 9). Huyện được chép trong sách
này là huyện Đông Hoàn. Thái Bình hoàn vũ
trích dẫn sách này trong mục nói về “Huyện Đông Hoàn” mà huyện này cách
Thành phố Quảng Châu khoảng 50 km về phía Đông Đông Nam. Vùng biển cách huyện Đông
Hoàn 500 dặm (250 km) về phía Nam
rõ ràng là vùng biển ngoài khơi cửa sông Châu Giang. Nghĩa là bãi san hô mà Bùi
Uyên mô tả chỉ là một bãi san hô ven bờ đại lục Trung Quốc. Như vậy, “bãi san hô”
chép trong tác phẩm của Bùi Uyên không thể được coi là “bằng chứng” của việc
“khai thác” quần đảo “Tây Sa” và “Nam Sa” sớm nhất, cách bờ đại lục Trung Quốc
từ 500 đến 1000 km.

3. Về việc “Canh Lộ bạ” của dân chài đảo Hải Nam ghi
chép hoạt động đánh bắt cá ở “Tây Sa” và “Nam Sa” :

Qua khảo cứu, người
ta thấy không có bất kỳ ghi chép nào về việc dân chài Hải Nam đánh bắt hải sản ở
Tây Sa và Nam Sa trong sử sách chính thức của Trung Quốc. Trong cuốn Tổng hợp sử liệu, các tác giả cũng chỉ
viện dẫn những đoạn ghi chép trên sách báo nước ngoài (Anh, Pháp, Nhật) vào cuối
thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. 

Chính vì vậy, các
tác giả cuốn Tổng hợp sử liệu đã phải
sử dụng cuốn “Canh Lộ bạ” của dân chài đảo Hải Nam như là một bằng chứng chủ yếu
để chứng minh người Trung Quốc đã kinh doanh và khai thác sớm nhất hai quần đảo
ở biển Đông.

Cuốn “Canh Lộ bạ”
của dân chài Trung Quốc, nếu có,  chỉ chứng
minh dân chài Trung Quốc đến hai quần đảo này vào những thế kỷ gần đây để đánh
bắt hải sản theo mùa. Theo cuốn Tổng hợp
sử liệu,
Canh Lộ bạ của Tô Đức Liễu, dân chài xã Đàm Môn, huyện Quỳnh Hải đảo
Hải Nam
do bố ông này sao được từ dân chài huyện Văn Xương khi ông 13 tuổi (1921). Phân
tích nội dung cuốn sách, các tác giả cho rằng cuốn sách này được hình thành vào
khoảng đầu thế kỷ 18 đến nửa cuối thế kỷ 19. Dù niên đại của Canh Lộ bạ có đúng như điều phỏng đoán nói
trên cũng chứng minh rằng dân chài Hải Nam
đến các quần đảo ở biển Đông muộn hơn so với sự có mặt của Đội Hoàng Sa và Đội
Bắc Hải của Việt Nam
trên các quần đảo ở vùng biển này. Nếu dân chài Hải Nam chỉ có mặt trên các quần đảo ở
biển Đông vào thế kỷ 18-19 thì sao có thể nói nhân dân Trung Quốc đã “khai phá,
kinh doanh” các quần đảo này từ hàng ngàn năm trước.

4. Về những đồng tiền cổ nói là tìm thấy ở Tây Sa :

Theo luận văn của
Mã Đình Anh, nhà hải dương học, từng là chủ nhiệm bộ môn địa chất học Đại học Đài
Loan, kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu tỉnh Đài Loan, tháng 3 năm 1937, thì những
cục tiền cổ do ngư dân Nhật tìm thấy ở Tây Sa năm 1920 đều nằm ở sườn bãi san hô
chìm sâu dưới mặt nước bị đá san hô tái sinh bao phủ phải dùng bộc phá mới lấy được.
Cũng theo Mã Đình Anh thì nơi đây là nơi xung yếu trên đường hàng hải, nhiều tàu
thuyền qua lại đã bị đắm.[3]

Như vậy, những đồng
tiền cổ tìm thấy ở Tây Sa có thể là tiền trên các tàu buôn qua lại bị đắm, không
phải của người Trung Quốc làm ăn sinh sống ở “Tây Sa”. Những đồng tiền cổ đó đến
từ con đường nào thì cũng không có giá trị chứng minh chủ quyền.

Trong lịch sử, nhà
buôn Trung Quốc đã đến khắp các nước Đông Nam Á. Nếu ngày nay người ta tìm thấy
tiền cổ Trung Quốc ở các nước đó cũng chỉ là vết tích về sự giao lưu kinh tế giữa
Trung Quốc và các nước đó, không phải là bằng chứng về chủ quyền lãnh thổ của
Trung Quốc tại các nước trên.

Theo sử sách Trung
Quốc, vào cuối thế kỷ 18, tiền Việt Nam tràn ngập thị trường Quảng Đông, Phúc
Kiến, chiếm 70-80% lượng tiền lưu hành nơi đây.[4] Nếu
coi tiền cổ được phát hiện là “bằng chứng” chủ quyền thì Quảng Đông, Phúc Kiến
sẽ thuộc chủ quyền Việt Nam.

Tóm lại, những cái
gọi là “bằng chứng” được đưa ra để chứng minh rằng Trung Quốc “khai thác sớm nhất”,
“kinh doanh sớm nhất”  các đảo Nam Hải từ
vài ngàn năm nay mà ông Hàn Chấn Hoa nêu trong bộ Tổng hợp sử liệu đều hết sức mơ hồ và không thể là căn cứ để chứng minh
chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa.

IV. VỀ LUẬN CỨ CÁC
ĐẢO NAM
HẢI DO TRUNG QUỐC “QUẢN HẠT SỚM NHẤT VÀ THỰC THI CHỦ QUYỀN SỚM NHẤT” :

Các tác giả bộ Tổng hợp sử liệu đưa ra một số sự kiện
để chứng minh  Trung Quốc đã “quản hạt
sớm nhất và thực thi chủ quyền sớm nhất” đối với hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa như : phái thủy quân đi tuần tiễu cương giới biển; vẽ bản đồ và tiến
hành quản lý; quan trắc thiên văn; kháng nghị người nước ngoài điều tra trái
phép vùng biển Tây Sa và Nam Sa; và cứu giúp tàu thuyền nước ngoài gặp nạn.
Phần này sẽ phân tích cụ thể từng sự kiện để kiểm tra tính xác thực của từng sự
kiện trên.

1. Phái thuỷ quân tuần tiễu cương giới biển :

Các tác giả cuốn Tổng hợp sử liệu đưa ra bốn sự kiện để
chứng minh rằng Trung Quốc đã phái thủy quân tuần tiễu cương giới biển, trong
đó có Tây Sa, từ đời nhà Tống,  cụ thể là
: Vua Tống “đặt dinh luỹ thuỷ quân” ở Quảng Châu chép trong Vũ kinh tổng yếu của Tăng Công Lượng, đời
Tống (960-1279); Chính quyền Quảng Đông “phái binh thuyền ra biển phòng ngự” chép
trong Quảng Đông thông chí của Vương
Tá, đời Minh (1368-1644); Phó tướng thuỷ quân Ngô Thăng đi tuần từ “Quỳnh Nhai”
đến “Tứ Canh Sa” chép trong Tuyền Châu
phủ chí
của Hoàng Nhiệm, đời Thanh (1616-1911); và Đô đốc Lý Chuẩn thị sát
“Tây Sa” năm 1909. Vậy sự thật các sự kiện lịch sử nói trên diễn ra như thế nào
?

a. Về sự kiện
Vua Tống “đặt dinh luỹ thuỷ quân tuần tiễu biển”:

Cuốn Tổng hợp sử liệu và văn kiện chính thức
của Trung Quốc trích dẫn:  “Triều đình
Bắc Tống lệnh cho Vương Sư đi phòng giữ đặt dinh lũy thủy quân biển ở Quảng Nam
(tức Quảng Châu ngày nay) và đóng tàu chiến đao ngư.” Đoạn trích tiếp theo là :
“Từ Đồn Môn Sơn, dùng gió Đông đi về hướng Tây Nam 7 ngày thì đến Cửu Nhũ Loa
Châu. Cửu Nhũ Loa Châu là quần đảo Tây Sa ngày nay. Điều đó chứng tỏ quần đảo
Tây Sa đã thuộc phạm vi cai quản của đời Bắc Tống.”

Sách Vũ kinh tổng yếu có viết : “Quận Nam Hải
thuộc Quảng Châu là đất Bách Việt xưa, đều là nơi người Man, người Đản cư trú.
Từ đời Hán về sau đặt thành quận huyện. Đời Đường đặt làm Thanh Hải quân tiết độ.
Bản Triều dẹp Lưu Xưởng, lại đặt phương trấn, làm một nơi đô hội, nắm binh giáp,
giặc giã mười sáu châu, người Phiên, người Hán ở lẫn lộn. Sai quân nhà vua ra
trấn giữ, đặt dinh luỹ thuỷ quân tuần tiễu biển ở hai cửa biển Đông và Tây, rộng
280 trượng, cách đồn Môn Sơn 200 dặm. Đóng tàu chiến kiểu đao ngư. Nơi đó (nơi đặt
dinh luỹ thuỷ quân) phía Đông Nam đến biển cả 40 dặm, phía Đông đến Huệ Châu
420 dặm, phía Tây đến Đoan Châu 240 dặm, phía Nam đến Ân Châu 750 dặm, phía Bắc
đến Thiều Châu 250 dặm. Đường biển về phía Đông Nam 400 dặm. Đến Đồn Môn Sơn 20 dặm,
nước đều nông, ngày có thể đi 50 dặm, cộng là 200 dặm. Từ Đồn Môn Sơn dùng gió Đông
đi về phía Tây Nam bảy ngày đến Cửu Nhũ Loa Châu, ba ngày nữa đến Bất Lao Sơn
(thuộc địa giới nước Hoàn Châu),[5] lại
đi ba ngày nữa về phía Nam đến phía Đông Lăng Sơn (có nước ngọt). Đi nữa về phía
Tây Nam
là các nước Đại Thực, Phật Sư Tử, Thiên Trúc, không tính được hành trình” (tập đầu,
quyển 20) (Phụ lục 10).”

Đoạn văn trích dẫn
trên hoàn toàn không chứng minh được lập luận nói rằng “Trung Quốc phái thuỷ quân
tuần tiễu quần đảo Tây Sa bắt đầu từ đời Tống”,[6]
bởi vì :

– Thứ nhất, đoạn
cuối của trích dẫn nói trên trong Vũ kinh
tổng yếu
chép tuyến đường biển từ Trung Quốc sang Ấn Độ Dương. Các học giả
Trung Quốc cắt đi đoạn cuối “ba ngày nữa đến Bất Lao Sơn (thuộc địa giới nước
Hoàn Châu), lại đi ba ngày nữa về phía Nam đến phía Đông Lăng Sơn (có nước
ngọt). Đi nữa về phía Tây Nam
là các nước Đại Thực, Phật Sư Tử, Thiên Trúc, không tính được hành trình” để
chứng minh rằng hành trình chỉ đến Cửu Nhũ Loa Châu. Sau khi suy diễn rằng Cửu
Nhũ Loa Châu là quần đảo Tây Sa, các học giả Trung Quốc kết luận rằng : Điều đó
chứng tỏ triều đình Bắc Tống đã đặt quần đảo Tây Sa vào phạm vi cai quản của
mình” và “Hải quân Trung Quốc đã đi tuần tra vùng quần đảo Tây Sa”. Cần nhắc
lại là Cửu Nhũ Loa Châu, như phân tích ở phần trên, không phải là quần đảo Tây
Sa mà chỉ là một đảo ven bờ của Trung Quốc.

– Thứ hai, đoạn
trích nói trên chỉ đơn thuần nói đến việc đặt doanh lũy thủy sư ở hai cửa biển
Đông và Tây và mô tả tuyến đường từ cảng Quảng Châu qua Đồn Môn Sơn đến Ấn Độ
Dương. Các học giả gắn việc đặt doanh lũy và sự mô tả tuyến đường thành một
cuộc tuần tiễu cương giới biển của Trung Quốc.

– Thứ ba, nếu cứ
theo cách giải thích của các học giả Trung Quốc thì tuyến đường biển từ Quảng
Châu qua bờ biển Chiêm Thành (nay là Trung bộ Việt Nam) xuống eo biển Malắca
sang Ấn Độ Dương được chép trong Vũ kinh
tổng yếu
cũng là tuyến đường “tuần tiễu” của thuỷ quân Trung Quốc đời Tống
và các nơi như Đại thực (các nước A-rập ngày nay, Bất Lao Sơn (Cù Lao Chàm), Sư
Tử (Srilanka), Thiên Trúc (Ấn Độ) chép trên tuyến đường đó cũng đều là những vùng
lãnh thổ mà triều đình nhà Tống phái thuỷ quân đến “tuần tiễu”.

Tóm lại, sự kiện
nói trên không thể được coi là bằng chứng để chứng minh rằng ngay từ thời nhà
Tống, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) đã thuộc về quyền quản lý của Trung Quốc và
“hải quân Trung Quốc đã đi tuần tiễu tới các đảo Tây Sa.”

b. Về việc
chính quyền Quảng Đông “phái binh thuyền ra biển phòng ngự”:

“Quảng Đông thông
chí” viết : “Cướp biển có ba đường, đặt quân quan chống Uỷ (Nhật Bản) để phòng
thủ, cuối Xuân đầu Hạ, khi gió thổi đốc phái binh thuyền ra biển phòng ngự. Đường
giữa từ Nam Đầu Thành, huyện Đông Hoàn, ra cửa Phật Đường, Cửu Chữ Thập, Lãnh
Thuỷ Giác, các vùng biển (Hải ngữ: Từ
cửa Nam Đình (thuộc huyện) Đông Hoàn ra khơi, đến ba biển Ô Chư, Độc Chư, Thất
Châu, kim la bàn Thân Mùi, đến Ngoại La, kim la bàn Khôn Thân đi vào Chiêm Thành,
đến biển Côn Lôn (kim la bàn) thẳng Tý Ngọ đến cảng Long Nha, đi vào Xiêm La,
Phiên Tặc, cướp biển vào cửa Chữ Thập cướp bóc, nên đề phòng.”[7]

Điều cần nêu lên ở
đây là trong đoạn văn trích dẫn trên có lời văn của hai tác giả. Một là của Hoàng
Tá, trong Quảng Đông thông chí. Một là
của Hoàng Trung trong Hải ngữ. Vì vậy,
ta cần đọc nguyên văn sách Hải ngữ để xem cuốn Tổng hợp sử liệu có trích dẫn trung thực và chú giải khách quan hay
không.

Hải ngữ (nói
về biển) của Hoàng Trung (1563) chép như sau : “Nước Xiêm La ở trong Nam Hải. Từ
cửa Nam Đình (thuộc huyện) Đông Hoàn ra khơi, đi về phía Nam đến Ô Chư, Độc Chư,
Thất Châu (chú giải của tác giả : tên ba biển), kim la bàn (hướng) Khôn-Mùi đến
Ngoại La (Cù lao Ré), kim Khôn-Thân, 45 trình đến cảng cũ Chiêm Thành (Quy Nhơn
ngày nay), qua Đại Phật Linh Sơn (Mũi Đại Lãnh), trên có đài đốt lửa là thuộc
Giao Chỉ, kim Mùi đến Côn Lôn Sơn (Côn Đảo ngày nay), lại kim Khôn-Mùi đến Đồi
Mồi Châu, đồi mồi ở Quy Sơn, kim Dậu vào cảng Xiêm La”[8] (Phụ lục 11).

Qua hai đoạn văn
trích dẫn trên người ta thấy nội dung hai sách khác nhau. Trong Quảng Đông thông chí, tác giả chép việc
tuần phòng vùng biển ven bờ tỉnh Quảng Đông để chống nạn cướp biển. Còn trong Hải ngữ, tác giả chép đường biển từ cửa Nam Đình
(cửa sông Châu Giang) đến Xiêm La, tức Thái Lan ngày nay. Theo tài liệu dẫn
trong cuốn Tổng hợp sử liệu, tác giả Quảng Đông thông chí dẫn đoạn đường biển
chép trong Hải ngữ nói trên (có lược
bớt) và thêm câu cuối cùng về cướp biển mà Hải
ngữ
không chép. Tuy nhiên, với cách viết và ghi chú trong Quảng Đông thông chí người đọc cũng không
lẫn lộn nguyên ý Quảng Đông thông chí và nguyên ý của Hải Ngữ.

Đáng tiếc là trong
lời dẫn cuốn Tổng hợp sử liệu, các tác
giả đã cắt xén và quy lời văn từ hai tác phẩm khác nhau trên đây thành lời văn
của Quảng Đông thông chí theo dụng ý
của mình: “Đốc phái binh thuyền ra biển phòng ngự … Từ cửa Nam Đình (thuộc huyện)
Đông Hoàn ra khơi đến ba biển Ô Chư, Độc Chư, Thất Châu, lấy kim la bàn Khôn-Mùi
đến Ngoại La” để từ đó nói rằng “Từ đời Minh, Thanh trở đi, vùng biển quần đảo
Tây Sa, Nam Sa vẫn được đặt vào phạm vi tuần tiễu của thuỷ quân (Trung Quốc)”.[9]

Bằng cách ghép câu
chữ như thế, bản thân tài liệu đã mất đi giá trị chưa nói gì đến cái gọi là bằng
chứng chứng minh chủ quyền.

Ghi chép ở hai
cuốn sách trên cho thấy rõ : cuộc tuần tra biển của thuỷ quân Trung Quốc lúc đó
chỉ là “phòng ngự” nhằm chống cướp biển đến từ nước Nhật Bản (Uỷ) mà thôi, không
hề có chuyện “tuần tiễu” quần đảo Nam Sa, Tây Sa.

 

[1]
Thái bình ngự lãm, quyển 807, Trần Bảo bộ.

[2]
Thái bình hoà vũ ký, quyển 156, đạo Lĩnh Nam, Quảng Châu, Huyện Đông Hoàn.

[3] Tổng hợp sử liệu, trang 103.

[4] Đồng Tổng Ngân, Việt Nam lịch sử hoá tệ,
Trung Quốc kim dung xuất bản xã, 1992, Lời tựa.

[5] Bất Lao Sơn là Cù lao Chàm ngày nay, Hoàn
Châu là nước Chăm Pa ngày nay.

[6] Tổng hợp sử liệu, trang 7.

[7] Tổng hợp sử liệu, trang 52.

[8]
Hải ngữ, quyền trung, tờ 1b-2a.

[9]
Tổng hợp sử liệu, trang 7.

RELATED ARTICLES

Tin mới