Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnXUNG QUANH HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ BIỂN ĐÔNG LẦN THỨ HAI

XUNG QUANH HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ BIỂN ĐÔNG LẦN THỨ HAI

Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ
hai với chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”
vừa kết thúc vào chiều ngày 12/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh, quy tụ được nhiều
học giả trong và ngoài nước.

Việt Hà phỏng vấn giáo sư Carl Thayer,
thuộc Học viện Quốc phòng Ôxtrâylia, một người đã có nhiều năm nghiên cứu về
Việt Nam, và cũng là một học giả tham gia hội thảo lần này.

Quốc
tế hóa vấn đề Biển Đông

Trước
tiên, ông Carl Thayer cho biết về hội thảo lần này như sau:

Hội thảo lần trước đã cho thấy nỗ lực
của Việt Nam
để quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, và vấn đề đã được quốc tế hóa. Tại hội thảo,
kết luận được đưa ra trong bài phát biểu rất đáng chú ý của một luật gia người
Bỉ bác bỏ lập luận của Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông qua việc sử dụng luật
quốc tế về biển đối với vùng biển hình lưỡi bò mà Trung Quốc cho là của họ.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng rất nhiều
sách luật để chứng minh điều mình nói. Rất nhiều học giả đã đặt câu hỏi về sự
không rõ ràng. Hồi năm ngoái Việt Nam và Malaixia đã đệ trình hồ sơ về ranh
giới thềm lục địa, cả Malaixia lẫn Việt Nam đều đã làm rõ về việc đòi hỏi chủ
quyền của mình, đồng thời mời Trung Quốc tham gia nhưng Trung Quốc đã không
chấp nhận.

Hiện nay, bản đồ với hình lưỡi bò của
Trung Quốc hoàn toàn không có bất cứ căn cứ nào trong luật quốc tế về biển. Đó
là một kết luận. Kết luận khác nữa là các bên đang đưa ra nhiều hơn các gợi ý
trong việc thực hiện bản tuyên bố chung về các nguyên tắc ứng xử của các bên ở
Biển Đông, hướng tới một bản quy tắc ứng xử chính thức hơn với các khuyến nghị
về ngư trường cũng như các hợp tác khác trên biển.


Thưa ông, sau hội thảo lần này, chúng ta có thể thấy cơ hội nào được đưa ra cho
việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông không?

+ Đây chỉ là một hội thảo của những học
giả, không phải là một hội thảo chính thức của chính phủ. Hội thảo có sự tham
gia của các học giả Trung Quốc, và họ không tỏ ra hiếu chiến, họ đưa ra những
khuyến nghị tích cực mặc dù vẫn giữ lập trường trong một vài vấn đề. Tuy nhiên,
trong bài viết của mình, tôi có nêu lên điều mà tôi gọi là sự lạc quan thận
trọng trong thời gian ngắn sắp tới.

Và tôi nghĩ có nhiều bài viết giống như
bài viết của tôi, nhìn thấy sự khó khăn trong việc Trung Quốc lùi bước và sẵn
sàng tham gia hợp tác để tránh bị cô lập do những chỉ trích. Theo tôi, các học
giả Trung Quốc sẽ quay lại nước mình và mang theo những gì họ ghi nhận được.
Không phải là tất cả các nước cùng nhau chống lại Trung Quốc mà chỉ là những đề
nghị hợp tác với Trung Quốc mà thôi. Và nếu Trung Quốc thực sự muốn và cần thì
hãy chọn một trong số đó.


Trung Quốc mới đây lại tiếp tục đưa ra bản đồ hình lưỡi bò đòi chủ quyền trên
Biển Đông cho thấy tham vọng của nước này, trong khi đó vẫn gửi các học giả đến
dự hội thảo quốc tế. Mặt khác, họ vẫn tiếp tục giữ tàu cá của Việt Nam và mới chỉ
thả gần đây. Theo ông, liệu họ đã đưa vấn đề Biển Đông lên thành “lợi ích cốt
lõi” giống như Đài Loan hay Tây Tạng, nơi họ sẵn sàng dùng vũ lực để giữ chủ
quyền?

+ Họ có bản đồ với đường vẽ hình lưỡi
bò, họ đưa nó lên website, và trong hội thảo hôm nay, một học giả chỉ ra họ đã
thêm một đường gạch nữa lên hướng Bắc và nó làm cho vấn đề thêm phức tạp. Còn
phía Việt Nam
thì đã chỉ ra một loạt các sự việc như các tàu Trung Quốc đã đi xuống phía dưới
và họ không còn đòi tiền nữa. Cho nên đây là một kết quả hỗn hợp vừa mang tính
chất tích cực lẫn tiêu cực. Chính phủ Mỹ cũng chỉ ra hiện không có những sức ép
đối với các công ty khai thác dầu khí đang muốn hợp tác với Việt Nam ,
những sức ép này dường như cũng đang giảm bớt. Cho nên ở đây ta thấy bản đồ
hình lưỡi bò là tiêu cực.

Đối với vấn đề về lợi ích cốt lõi,
chúng ta thấy rằng nếu đó đã là chính sách của Trung Quốc thì hiện giờ họ đã
lùi lại. Trung Quốc có thể đã nói và làm hơi quá, và bây giờ họ đang lùi lại.
Cho nên, chúng ta đang nhìn thấy một số cơ hội để đạt được những tiến triển tại
đây. Kết luận của hội thảo hôm nay là quả bóng hiện giờ đang nằm trong sân của
Trung Quốc, và để xem họ quyết định các bước đi sắp tới như thế nào. Trung Quốc
cần phải tỏ ra minh bạch và cụ thể hơn.

Vấn
đề chủ quyền


Trong bài phát biểu của mình tại hội thảo, ông có nói vấn đề tranh chấp chủ
quyền trên Biển Đông là khó giải quyết, nhưng ông cũng nói có cơ hội cho việc
giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Vậy xin ông giải thích khó khăn đó là như
thế nào?

+ Vấn đề khó khăn ở đây chính là những
đòi hỏi về chủ quyền. Chúng ta có rất nhiều các ví dụ sử dụng luật quốc tế, nơi
các nước tham gia và sử dụng luật quốc tế để giải quyết các tranh chấp. Chúng
ta có ví dụ một nước đồng ý sử dụng luật đó với ngư trường đánh bắt, nước khác
thì với dầu mỏ. Cho nên có cơ sở để hợp tác. Và điều cuối cùng được đưa ra tại
hội thảo lần này là nếu ta sử dụng cụm từ “biển Nam Trung Hoa” mà đây lại không
phải là vấn đề của Nam Trung Hoa thì nó có thể bao gồm rất nhiều phần mà Trung
Quốc cần phải làm rõ.

Và khi làm như vậy thì chúng ta lại
thấy có nhiều vấn đề về vùng biển, các chính sách hợp tác khác nhau, một vài
lĩnh vực có thể xác định là hợp tác song phương trong khi việc hợp tác bảo vệ
nguồn thủy sản lại có thể thuộc về hợp tác nhiều bên. Cho nên điều mà hội thảo
lần này làm là chia vấn đề Biển Đông thành nhiều phần thuộc các lĩnh vực khác
nhau.


Đã có học giả tại hội thảo nói về khả năng đưa tranh chấp Biển Đông ra tòa án
Quốc tế. Theo ông cách làm này có thực sự giải quyết được vấn đề?

+ Không, điều mà tôi thấy được từ hội
thảo lần này là mặc dù đã có ví dụ được đưa ra về việc có nước tại Đông Nam Á
đã đưa tranh chấp ra tòa án và có rất nhiều bên liên quan trong xung đột nhưng
vấn đề vẫn không thể giải quyết được. Và phán quyết của tòa có thể đi theo
hướng có lợi cho bên này mà không có lợi cho bên kia. Cho nên, vấn đề không thể
giải quyết trong phạm vi chiến lược rộng hơn. Đưa tranh chấp ra tòa án là một
lựa chọn, nhưng sử dụng luật quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về luật biển lại
là một cách thoát ra khỏi tranh chấp, và Trung Quốc vẫn có thể có lợi nếu hợp
tác trong phạm vi của luật quốc tế.


Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của những hội thảo như thế này do Việt Nam tổ chức?

+ Chúng ta có một hội thảo về Biển Đông
đã được thực hiện ở Inđônêxia trong hai thập kỷ qua, chúng ta đã đưa vấn đề ra
và nhiều người đã nghiên cứu về vấn đề này trong một thời gian dài. Họ hy vọng
là Việt Nam
có thể tiếp tục việc làm này vì có như vậy mới mở ra cơ hội tiến triển.

Tôi lạc quan một cách thận trọng về cơ
hội này vì tôi hiểu sẽ luôn có những khả năng là vấn đề bị đi chệch hướng.
Nhưng rõ ràng đã nhiều lần chúng ta thấy những nỗ lực từ phía Việt Nam, hay Malaixia,
Philíppin, vấn đề là ở chỗ Trung Quốc khi đòi chủ quyền thì phải dựa vào luật
quốc tế, rồi sau đó chúng ta có cơ sở để thảo luận với các nước khác. Còn nếu
Trung Quốc vẫn cứ tiếp tục đưa ra bản đồ hình lưỡi bò mà không giải thích được
thì không có cơ sở để thảo luận. Tôi nghĩ Trung Quốc đang bị cô lập và quả bóng
đang ở bên sân Trung Quốc.

Việt Nam đã quốc tế hóa vấn đề Biển
Đông. Phát biểu của bà Hilary Clinton tại Hà Nội về Biển Đông cũng khiến Trung
Quốc khó chịu. Hội nghị quốc phòng các nước ASEAN cũng đưa vấn đề này ra. Năm
sau, Inđônêxia sẽ là Chủ tịch ASEAN và Inđônêxia sẽ giữ lập trường trung gian
hơn Việt Nam
theo cách nhìn của Trung Quốc.

***

Đài
RFI

Tại Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển
Đông, các chuyên gia nghiên cứu đến từ khắp nơi trên thế giới đã thảo luận về
các vấn đề hiện nay trên Biển Đông. Đây là lần thứ hai mà Việt Nam tập hợp giới nghiên cứu khoa học quốc tế để
thảo luận về một chủ đề nóng bỏng hiện nay trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Theo giới phân
tích, cuộc hội thảo khoa học này phản ánh mong muốn quốc tế hóa hồ sơ Biển Đông
của Việt Nam.
Theo chương trình đã được công bố trên trang web của Học Viện Ngoại giao, về dự
cuộc hội thảo lần này ở Thành phố Hồ Chí Minh, có hầu hết các nhà nghiên cứu
tên tuổi hiện nay về Biển Đông, từ Giáo sư Carl Thayer tại Học viện Quốc phòng
Ôxtrâylia, Tiến sĩ Mark Valencia, chuyên gia Nghiên cứu châu Á tại Trung tâm
Nghiên cứu châu Á và Trung tâm Woodrow Wilson của Mỹ, cho đến Giáo sư Ramses
Amer, Đại học Stockholm, Thụy Điển, hay Giáo sư Stein Tonnesson, Viện Nghiên
cứu Hòa bình Quốc tế ở Na Uy, Tiến sĩ Ian Storey, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á
ISEAS tại Xinhgapo.

Nội dung các phiên thảo luận phản ánh
các mối quan tâm chính hiện nay về Biển Đông. Trước hết là tình hình môi trường
chiến lược tại Biển Đông đang thay đổi. Trước đây, các nhân tố gây căng thẳng
chủ yếu đến từ tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc, muốn thống trị hầu như
toàn bộ khu vực, với các nước láng giềng từ Việt Nam, Malaixia, cho đến
Philíppin, Đài Loan, Brunây, cũng tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ hay một phần
các hòn đảo trong vùng. Tuy nhiên, hiện nay giới nghiên cứu đều ghi nhận sự can
dự của Mỹ vào vấn đề Biển Đông làm cho thế cuộc có thể thay đổi. Cũng theo
chương trình đã được dự trù, chủ đề tham luận của Tiến sĩ Lưu Phục Quốc, thuộc
Viện Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Chính trị Đài Loan có thể tóm tắt mối quan
tâm này: “Cạnh tranh Mỹ – Trung tại Biển Đông: Các tác động về chiến lược đối
với an ninh khu vực”.

Vấn
đề Biển Đông tác động đến an ninh và thịnh vượng trong vùng

Một vấn đề khác cũng rất được chú ý
trong cuộc hội thảo lần này tại Việt Nam: đó là việc những diễn biến gần
đây ở Biển Đông tác động như thế nào đến an ninh và thịnh vượng ở khu vực. Báo
cáo của các chuyên gia như Carl Thayer, Mark Valencia, hay của các chuyên gia
Leszek Buszynski, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, Đại học
Quốc gia Ôxtrâylia, Giáo sư Bronson Percival, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược
của hải quân Mỹ tại Virginia, Mỹ, đều đi theo chiều hướng này.

Yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc
tại vùng Biển Đông cũng được mổ xẻ như trong tham luận của Giáo sư Robert
Beckman, thuộc Trung tâm Luật pháp Quốc tế, Đại học Quốc gia Xinhgapo, bàn về
“Tác động của các báo cáo đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên hợp
quốc đối với các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông”, hay bài của Giáo sư Erik
Franckx, Chủ nhiệm Khoa Luật Quốc tế và châu Âu, Đại học Brúcxen, Bỉ: “Đường
đứt đoạn ở Biển Đông: Tìm kiếm một giải pháp pháp lý”.

Một trong những vấn đề được nêu bật là
vị trí của Luật pháp quốc tế trong hồ sơ Biển Đông. Đây là một trong những điểm
đã được Giáo sư Stein Tonnesson, trình bày trong tham luận: “Có thể ràng buộc
các cường quốc bằng luật pháp? Trung Quốc, Mỹ và sức mạnh của Luật quốc tế tại
Biển Đông”.

Vấn đề Biển Đông đặc biệt thu hút sự
chú ý của công luận trong thời gian gần đây, sau khi Mỹ, qua lời Ngoại trưởng
Hillary Clinton cũng như Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, đã liên tiếp xác
định quan điểm của Mỹ là sẽ can dự sâu hơn vào vấn đề Biển Đông. Theo phía Mỹ,
việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trong vùng nằm trong lợi ích quốc gia
của Mỹ. Đây là lần thứ hai Việt Nam
tổ chức Hội thảo quốc tế về Biển Đông. Cuộc hội thảo lần đầu tiên đã diễn ra
tại Hà Nội cách đây đúng một năm, vào tháng 11/2009 cũng với sự tham gia của 50
học giả trong và ngoài nước.

Theo giới quan sát, dù mang tính chất
khoa học, lại không phải do chính phủ trực tiếp đứng ra tổ chức, nhưng các cuộc
hội thảo về Biển Đông tại Việt Nam có ý nghĩa chính trị rõ rệt. Các sự kiện này
đã thu hút sự chú ý của công luận thế giới, góp phần “quốc tế hóa” cuộc tranh
chấp chủ quyền mà Trung Quốc muốn giới hạn trong phạm vi khu vực, với hệ quả là
tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh bị nêu bật trên trường quốc tế.

***

Đài
BBC

Trong Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần
2 này, phát biểu của giới học giả hầu như nhắm đến giải pháp đối thoại, sớm
thông qua bộ quy tắc ứng xử trên biển, dùng luật quốc tế để giải quyết tranh
chấp, bất đồng. Tuy nhiên, một giáo sư người Ôxtrâylia muốn hải quân các nước
phương Tây mạnh tay hơn với Trung Quốc và chuẩn bị cho ngày “dạy hải quân Trung
Quốc một bài học”.

Viết bài đăng trên nhật báo The
Australian, tờ báo có uy tín ở Ôxtrâylia, ông Paul Dibb, Giáo sư danh dự thuộc
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Đại học Quốc gia Ôxtrâylia dự đoán “sẽ chẳng bao
lâu đến ngày liên minh hải quân phương Tây hoạt động ở châu Á – Thái Bình Dương
liên kết với nhau để kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của hải quân Trung Quốc”.
Liên minh này, theo ông Paul Dibb gồm tàu chiến của các nước Mỹ, Nhật Bản và
Ôxtrâylia. Ông Paul Dibb nói: “Điều này không chỉ thực hiện qua chiến lược ngăn
chặn và kiềm chế Trung Quốc. Liên minh hải quân phương Tây cần có biện pháp để
buộc Trung Quốc phải tôn trọng luật hàng hải quốc tế. Không loại trừ khả năng
dạy cho hải quân Trung Quốc một bài học trên biển. Phải có biện pháp với thái
độ khiêu khích trắng trợn quyền tự do hàng hải, không tôn trọng luật pháp quốc
tế của Trung Quốc”.

Ra
tay sớm

Lý do cần có hành động mạnh và sớm với
Trung Quốc, theo Giáo sư Paul Dibb, là gần đây Trung Quốc đưa ra nhiều dấu hiệu
cho thấy họ đang trên đường trở thành một cường quốc quân sự quyết đoán.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế
giới năm 2008, Trung Quốc mỗi ngày một mạnh hơn về kinh tế, nay nước này đang
thách đố Mỹ trong ngôi vị cường quốc kinh tế hàng đầu. Và Trung Quốc bắt đầu
“tung ra các cú đấm chủ lực” trên trường quốc tế.

Lối ứng xử “nước lớn” như thế bắt đầu
xuất hiện ở Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu ở Côpenhaghen. Và lập trường
“ngoan cố” của Trung Quốc không điều chỉnh tỷ giá hối đoái vốn được “giữ thấp
một cách giả tạo” giữa đồng nhân dân tệ và đôla Mỹ.

Trên lĩnh vực quân sự, thái độ cứng rắn
và bất hợp tác của Trung Quốc mới là điều đáng lo. Đó là Trung Quốc bắt đầu
diễu võ dương oai nhiều hơn, liên quan đến các vụ đụng độ trên biển gần đây.
Trung Quốc cũng đưa ra các đòi hỏi về lãnh thổ ngày càng “táo tợn”. Bằng chứng
rõ nhất về chuyện này là tuyên bố của Bắc Kinh nói rằng toàn bộ Biển Đông (hay
biển Nam Trung Hoa – theo cách nói của Trung Quốc) thuộc về “lợi ích cốt lõi”
của Trung Quốc. Giáo sư Paul Dibb giải thích: “Tức là Trung Quốc xếp Biển Đông
vào nhóm lãnh thổ tương tự như Tây Tạng và Đài Loan, coi chúng là vùng thuộc
chủ quyền quốc gia”.

Tháng 10, Trung Quốc và Mỹ có bất đồng
liên quan đến vụ chiến hạm của Mỹ đến biển Hoàng Hải, ngoài khơi Hàn Quốc. Lẽ
ra tàu sân bay chạy bằng năng lượng nguyên tử USS George Washington đã đến
Hoàng Hải tham dự tập trận chung với hải quân Hàn Quốc khi ấy. Nhưng Trung Quốc
phản đối, Mỹ rút tàu, có lẽ Mỹ muốn nhắm đến lợi ích lớn hơn tại hội nghị G20
tại Xơun sau này, giáo sư Dibb nhận định. Diễn tiến này cho thấy Mỹ, một cường
quốc hải quân, đã phải “xuống nước” với Trung Quốc. Và dư luận đặt câu hỏi,
liệu sẽ có thêm những vụ tương tự trong tương lai? Giáo sư Dibb coi vụ này là
bằng chứng cho thấy Trung Quốc thách thức quyền tự do hàng hải của Mỹ tại Hoàng
Hải. Không những thế, Trung Quốc còn không muốn các nước khác có quyền tự do đi
lại tại Biển Đông, khi Bắc Kinh tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế của họ dài tới
370 km tại vùng này. Và một số nơi khác.

Tháng 7/2010, tại Hội nghị ASEAN họp ở
Hà Nội, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì phát biểu: “Trung Quốc là nước
lớn, nước khác là nước nhỏ, đây là thực tế nên chấp nhận”.

Giáo sư người Ôxtrâylia kết luận, Trung
Quốc đang có thái độ mở rộng biên độ của cái gọi là “hành vi đối xử chấp nhận
được”. Cách xử lý tốt nhất đối với các hoạt động “không chấp nhận được” của
Trung Quốc thời gian gần đây, theo Paul Dibb, là “ngăn chặn ngay từ bây giờ”,
đừng chờ đợi về sau, khi ấy Trung Quốc mạnh hơn, sẽ khó kiềm chế hơn.

***

Đài
RFA

Hội nghị Biển Đông lần thứ hai tại
Thành phố Hồ Chí Minh đã bế mạc vào chiều ngày 12/11. Mặc Lâm có cuộc trao đổi
với Tiến sĩ (TS.) Nguyễn Nhã và Thạc sĩ (ThS.) Hoàng Việt, hai chuyên gia tham
dự cuộc hội thảo, để biết thêm diễn tiến trong hội nghị được đánh giá là rất
quan trọng này.

Các
nước tham gia đông hơn và tranh luận nhiều hơn

Mặc
Lâm: Xin cám ơn hai ông đã cho phép chúng tôi có buổi nói chuyện về cuộc Hội
thảo Biển Đông lần thứ hai. Trước tiên, xin được phép hỏi TS. Nguyễn Nhã. Thưa
Tiến sĩ, dưới cái nhìn của ông thì cuộc hội thảo lần này có gì mới so với lần
trước được tổ chức tại Hà Nội mà ông cũng có mặt?

TS.
Nguyễn Nhã
: Nói chung, cuộc hội thảo
lần này theo tôi rất thành công; nó có nhiều cái mới so với cuộc hội thảo Biển
Đông đầu tiên. Đây là lần hội thảo thứ hai do Học viện Ngoại giao cùng với Hội
Luật gia Việt Nam tổ chức, với số học giả quốc tế đông hơn, số tham luận của họ
cũng nhiều hơn.

Tất cả những nước lớn như Mỹ, Trung
Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Anh… đều có mặt. Các nước Đông Nam Á hầu hết đều có mặt,
trong đó có những nước mới được mời như Brunây hay Mianma. Điều này có nghĩa là
số lượng học giả quốc tế đến đông, tham luận của họ nhiều hơn và tham luận đi
vào những vấn đề cụ thể.

Mặc
Lâm: Vâng. Xin cảm ơn TS. Nguyễn Nhã. Thưa Thạc sĩ Hoàng Việt, chúng tôi cũng
được biết đây là lần thứ hai ông tham gia hội thảo, nếu so sánh cụ thể thì ông
có thể đưa ra những yếu tố nào mà ông cho là tốt hơn lần trước?

ThS.
Hoàng Việt:
Lần trước hội thảo còn
cập rập, tổ chức chưa được tự tin, nhưng lần này tổ chức tự tin hơn nhiều, và
đặc biệt phần tranh luận thẳng thắn hơn rất nhiều. Lần trước, một số khu vực
trả lời tranh luận và đặc biệt thời gian tranh luận gần như không có mấy, nhưng
lần này thời gian tranh luận chiếm phần nhiều hơn trình bày tham luận. Và thứ
hai, nếu như lần trước trong số học giả Trung Quốc tham dự thì đa phần đều là
những học giả lớn tuổi, và không thể nói được tiếng Anh mà chỉ nói tiếng Trung
Quốc tạo nên một rào cản ngôn ngữ khiến tranh luận căng thẳng. Nhưng đến lần
này, tất cả những vấn đề, kể cả những vấn đề gai góc nhất đều được tất cả các
học giả đặt câu hỏi và đưa ra ý kiến cá nhân của mình trong khi hội thảo. Đây
là những vấn đề gai góc, thẳng thắn, nhưng được tranh luận với thái độ rất điềm
tĩnh, lịch sự, kể cả các học giả Trung Quốc.

Mặc
Lâm: Về phía Việt Nam, có bao nhiêu chuyên gia về Biển Đông tham dự cuộc hội
thảo và có bài tham luận, thưa Thạc sĩ, dĩ nhiên là ngoài Thạc sĩ và TS. Nguyễn
Nhã?

ThS.
Hoàng Việt:
Phía Việt Nam có
4 người trình bày 4 tham luận. Các tham luận cũng có nhiều góc độ, nhưng không
có gì đặc biệt bởi các tham luận đều có trong chương trình, được trình bày sẵn.
Thật ra các học giả Việt Nam
cũng có đưa ra một số vấn đề.

Đường
lưỡi bò hay đường chữ U của Trung Quốc

Mặc
Lâm: Thưa TS. Nguyễn Nhã, trong hội nghị lần này chắc nhiều học giả đã đưa vấn
đề đường lưỡi bò của Trung Quốc ra để hội nghị tranh luận vấn đề này có tiến
triển gì cụ thể hay không?

TS.
Nguyễn Nhã:
Về đường lưỡi bò hay
đường chữ U của Trung Quốc, các chuyên gia bàn rất nhiều đến vấn đề hợp tác,
nhưng mà hợp tác như thế nào, với ai, ở đâu, thì còn phải trao đổi rất kỹ. Có
người nói rằng nếu đây là vùng nước nội thủy thì làm sao có thể hợp tác? Nhưng
họ cũng đánh giá là các học giả Trung Quốc rất lúng túng khi trả lời. Các
chuyên gia cho rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý cũng như cơ sở lịch sử,
và nước này cần phải minh bạch hóa, tức là khi đăng ký như vậy thì phải xác
định mục tiêu là gì.

Mặc
Lâm: Xin được phép hỏi ý kiến của ông Hoàng Việt về vấn đề đường lưỡi bò, theo
nhận xét của Thạc sĩ thì các học giả phương Tây có chú ý nhiều đến vần đề này
hay không?

ThS.
Hoàng Việt:
Vấn đề này từng được đặt
ra rất nhiều lần cho tất cả các học giả, nên cũng rất nhiều người đưa ra những
câu hỏi, đặc biệt các học giả từ phương Tây hoặc từ Inđônêxia… Các học giả đều
có nhắc về vấn đề “Cái đường lưỡi bò đó là gì? Định nghĩa thế nào là đường lưỡi
bò?” Còn các học giả Trung Quốc cũng rất lúng túng trong vấn đề này.

Mặc
Lâm: Và họ kết luận như thế nào về vần đề này?

ThS.
Hoàng Việt:
Các học giả phương Tây
cũng chốt lại vấn đề là yêu cầu phía Trung Quốc phải làm rõ đường lưỡi bò đó là
cái gì. Và nhất là trong số các học giả phương Tây, có người đã đưa ra vấn đề
là Trung Quốc có quan điểm cho rằng Việt Nam quốc tế hóa vấn đề Biển Đông,
nhưng thực ra chính Trung Quốc mới là nước quốc tế hóa vấn đề này đầu tiên,
chẳng hạn với việc đưa ra bản đồ với đường lưỡi bò. Phía Trung Quốc phản đối
báo cáo mở rộng của Việt Nam
và Malaixia, thì có phải chính Trung Quốc đã đưa ra quốc tế trước chứ không
phải là Việt Nam
. Cũng có nhiều ý kiến khác, chẳng hạn quan điểm của Vương Hàn Lĩnh của Trung
Quốc cho rằng có sức ép của Mỹ trong vấn đề ký kết các hiệp định thăm dò. TS.
Trần Trường Thủy thì đề nghị đưa ra bằng chứng.

Và đương nhiên nhiều học giả Mỹ, trong
đó có GS Peter Dutton thuộc Học viện Hải Quân Mỹ, trả lời rằng thực ra không có
chuyện đó. Điều này cho thấy lần này tất cả những vấn đề gai góc nhất đều được
mổ xẻ, thậm chí các học giả Trung Quốc cũng chất vấn học giả Mỹ, học giả Ấn Độ
rằng lợi ích của nước Mỹ trong tranh chấp Biển Đông là gì? Họ yêu cầu giải
thích cái mà Ngoại trưởng Mỹ gọi là “lợi ích quốc gia”.

Hay một số vấn đề khác được các học giả
phương Tây đặt ra là tại sao có một số giới chức Trung Quốc cho rằng Biển Đông
là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc giống như là Tây Tạng với Đài Loan. Tất cả
những vấn đề gọi là gay gắt nhất đều được đưa ra và đều được trả lời với thái
độ điềm tĩnh, mang tinh thần khoa học.

Quốc
tế rất quan tâm đến tình hình Biển Đông

Mặc
Lâm: Xin quay lại với TS. Nguyễn Nhã. Thưa ông, theo nhận xét của ông thì các
học giả phương Tây tham dự hội thảo có mặn mà với các cuộc thảo luận hay trao
đổi hay không? Hay là họ chỉ góp tiếng nói một cách chung chung như từ trước
nay chúng ta thường thấy?

TS.
Nguyễn Nhã
: Các học giả cũng nhận
thấy rằng Biển Đông rất quan trọng, không những trong vấn đề khu vực mà cả quốc
tế. Các học giả cũng nói rằng có những yếu tố rất mới trong vấn đề Biển Đông,
đó là vấn đề quan hệ Mỹ – Trung Quốc như hiện nay mọi người đã thấy. Các học
giả nói rằng Trung Quốc đã đánh giá sai khả năng huy động sự hợp tác quốc tế
của Việt Nam
.

Mặc
Lâm: Có lẽ nhiều người vẫn thắc mắc về thái độ của những học giả Trung Quốc.
Trong các cuộc tranh luận thì thái độ của các học giả Trung Quốc như thế nào?
Xin dành câu hỏi này cho Thạc sĩ Hoàng Việt?

ThS.
Hoàng Việt:
Chẳng hạn khi học giả của
Trung Quốc là Su Hao có đưa ra một tham luận của mình, thì bị các học giả
phương Tây chất vấn về “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Họ yêu cầu là tất cả
việc giải quyết tranh chấp Biển Đông phải minh bạch, minh bạch về quan điểm,
minh bạch về chính sách… Trong quá trình trao đổi, có rất nhiều vấn đề được hỏi
tới dưới nhiều góc độ liên quan tới Biển Đông, kể cả luật pháp, kể cả yêu sách
chủ quyền… chứ không phải chỉ giới hạn trong một chủ đề nào đó.

Mặc
Lâm: Cuối cùng xin TS. Nguyễn Nhã cho một nhận định chung sau khi hội thảo bế
mạc. Theo Tiến sĩ thì điều gì nổi bật cần ghi nhận nhất?

TS.
Nguyễn Nhã:
Người Việt mình, về vấn
đề Biển Đông thì họ có cùng chung một mục tiêu, hỗ trợ cho nhau để mà bảo vệ
đất nước.

Mặc
Lâm: Một lần nữa xin cám ơn TS. Nguyễn Nhã và ThS. Hoàng Việt đã cho phép chúng
tôi có cuộc trao đổi hữu ích ngày hôm nay về vấn đề Biển Đông trong hội thảo
vừa rồi./.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới