Saturday, October 5, 2024
Trang chủUncategorizedHoàng Sa, Trường Sa trong lịch sử chưa bao giờ thuộc chủ...

Hoàng Sa, Trường Sa trong lịch sử chưa bao giờ thuộc chủ quyền của Trung Quốc (Kỳ 2)

alt Kỳ 1: Việt Nam có chủ quyền lịch sử đối với hai quần đảo, Trung Quốc không thể chứng minh ngược lại

Kỳ 2:  Trước đây
Trung Quốc chỉ “biết” hoặc “có đi qua” Bỉển Đông

Các công trình
nghiên cứu của các học giả đều cho thấy: quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được
biết đến từ rất lâu, được ghi chép trong nhật ký, hải trình của những người
đánh cá (trong đó có Việt Nam và Trung Quốc), những nhà hàng hải Âu, Á… Trung
Quốc tuy dẫn chứng nhiều chứng cứ lịch sử (sách cổ, bản đồ, di chỉ khảo cổ…) từ
thời nhà Hán (năm 206 trước Công nguyên), nhà Đường, nhà Tống (thế kỷ X-XII),
nhà Nguyên (thế kỷ XIII), nhà Minh, nhà Thanh (thế kỷ XVII-XVIII) để chứng minh
quyền khám phá và quyền thực hiện chủ quyền nhưng các công trình nghiên cứu đã
cho thấy Trung Quốc chỉ “thám hiểm” hoặc “biết” và “có đi qua” Biển Đông và hai
quần đảo mà thôi. Không có quyển sách sử nào của Trung Quốc chứng minh được là
Trung Quốc đã chiếm hữu thực sự hai quần đảo. Trái lại, chính những tư liệu
lịch sử của Trung Quốc như bản đồ Trung Quốc qua các thế kỷ XV, XVI, XIX, XX,
nhất là các bản đồ được ấn hành trước năm 1909 như “Hoàng Triều Nhất Thống Dư Địa
Tổng Đồ” năm 1894, hay “Đại Thanh Đế Quốc”năm 1905, tái bản lần thứ 4 năm 1910 cho thấy cương vực của Trung Quốc chỉ
mở rộng đến đảo Hải Nam, hoặc cuốn sách “Trung Quốc địa lý học giáo khoa thư”
năm 1906 viết “điểm cực Nam của Trung Quốc là bờ biển Nhai Châu đảo Quỳnh Châu,
ở vĩ tuyến 18013’ Bắc”.

Có một chi tiết
trong lập luận của phía Trung Quốc đưa ra khi chứng minh “chủ quyền lịch sử”
của mình là: Vào các năm 1710 và 1712, Phó tướng thuỷ quân Quảng Đông Ngô Thăng
dưới triều nhà Thanh đã chỉ huy chuyến đi tuần tra “ từ Quỳnh Nhai, qua Đông
Cổ, Thất Châu Dương, Tứ Canh Sa, vòng quanh ba ngàn dặm”, tương ứng với vùng
biển quần đảo Hoàng Sa (Paracels). Tuy nhiên, các học giả đã chỉ ra rằng các
địa danh nói trên là tên của  một thủ phủ
phía Bắc đảo Hải Nam, một ngọn núi ở mũi Đông Bắc của đảo và nhóm đảo Thất Châu
và một bãi cát ở phía Tây đảo Hải Nam. Điều này thích hợp với những xác nhận
của Trung Quốc về cương vực của mình thời bấy giờ chứ không hề liên quan đến
quần đảo Hoàng Sa cách đảo Hải Nam
130 hải lý. 

 Các tác giả của công trình nghiên cứu, luận
án, các bài viết chuyên đề…về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều có chung đánh
giá rằng các “bằng chứng lịch sử” do Trung Quốc đưa ra không cho phép xác định
là Trung Quốc đã khám phá và thực hiện chủ quyền trên hai quần đảo đến đầu thế
kỷ XVIII. Các học giả còn kết luận cho đến thế kỷ XVII hai quần đảo vẫn là
những mảnh đất vô chủ.

Sự thật là những
người đánh cá Việt Nam đã sống và khai thác trên hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa từ lâu đời, và chí ít là từ nửa đầu thế kỷ XVII, chúa Nguyễn đã tổ
chức đội “Hoàng Sa” và đội “Bắc Hải” ra hai quần đảo để thu lượm hàng hoá của
các tầu mắc cạn, đo, vẽ, trồng cây, dựng mốc và đánh bắt hải sản qúi hiếm đem
về dâng nộp. Hoạt động của hai đội được tổ chức có hệ thống. Các thuỷ thủ lấy
giấy phép và lệnh công tác do nhà nước cấp để mỗi năm ra đảo trong 8 tháng. Năm
1816, vị vua đầu tiên của triều Nguyễn là vua Gia Long đã củng cố chủ quyền
lịch sử của Việt Nam bằng việc ra lệnh cho đội Hoàng Sa và hải quân của triều
đình tiến hành thanh tra và khám xét thuỷ trình và cắm cờ trên đảo. Vị vua thứ
hai triều Nguyễn là vua Minh Mạng đã ra lệnh cho đội Hoàng Sa đặt bia đá, xây chùa,
trồng cây và cột trên đảo (năm 1833) rồi vẽ bản đồ (năm 1834). Đội Hoàng Sa và
Bắc Hải sau đó còn được nhà vua trao thêm một số nhiệm vụ khác như tuần tra,
lấy kích thước để lập bản đồ các đảo khác thuộc quần đảo, thăm dò địa hải, vẽ
thuỷ trình…và tiếp tục hoạt động cho đến khi Pháp xâm lược Việt Nam. Các hoạt
động trên được ghi rất chính xác, đầy đủ trong các cuốn sách sử của Việt Nam,
trong các sắc chỉ, công lệnh của nhà vua mà ngày nay vẫn còn lưu giữ trong các kho
lưu trữ quốc gia và trong gia phả của nhiều dòng họ người Việt Nam. Hơn nữa,
những bằng chứng lịch sử này còn được ghi nhận và khẳng định trong rất nhiều bài
viết, hồi ký, ấn phẩm của người nước ngoài sống, làm việc và hiểu biết về Việt Nam
trong thời gian đó.

Bản chất của lịch sử là trung thực. Những bằng chứng
lịch sử là không thể chối cãi. Người ta khó có thể bóp méo lịch sử hoặc cố tình
sử dụng nó theo hướng có lợi cho mình. Thông qua những bằng chứng và tài liệu
lịch sử do cả Việt Nam và Trung Quốc đưa ra, thông qua những công trình nghiên
cứu, phân tích, đánh giá và áp dụng thực tiễn luật pháp quốc tế qua từng thời
kỳ, các học giả (không phải là những chính trị gia) đã kết luận “Việt Nam đã
giữ chủ quyền không có cạnh tranh trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù
hợp với hệ thống pháp lý của thời ấy” và “Các
bằng chứng lịch sử mà Trung Quốc đưa ra rất mơ hồ, không chỉ rõ ràng hoạt động
mang tính Nhà nước của Trung Quốc tại hai quần đảo. Những luận cứ của Trung
Quốc không có sức thuyết phục vì chúng không phù hợp với các nguyên tắc thụ đắc
lãnh thổ của luật pháp quốc tế.”. Tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa chỉ thực sự bắt đầu từ năm 1909 khi Trung Quốc quan tâm và “xí
phần” đối với hai quần đảo này./.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới