Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển ĐôngHoàng Sa, Trường SaQuần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Tây Sa và Nam Sa)...

Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Tây Sa và Nam Sa) chưa bao giờ xuất hiện trong chính sử Trung Quốc

altKỳ I:
Mấy chục năm nay,
người Trung Quốc đã đưa ra một lượng lớn sách vở, tư liệu và sử liệu để chứng
minh rằng từ đời Hán 2000 năm trước, người Trung Quốc đã phát hiện ra quần đảo
Tây Sa và Nam Sa (quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) và cho rằng sự
phát hiện hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa 
của Trung Quốc cổ đại đã đủ chứng minh Trung Quốc có chủ quyền lãnh thổ
không thể chối cãi đối với quần đảo Tây Sa và Nam Sa. Sau khi phát hiện Nam Sa,
chậm nhất là đời Đường – Tống tới nay, người Trung Quốc đã luôn tiến hành các
hoạt động sản xuất như đánh bắt, trồng trọt trên quần đảo này và vùng biển phụ
cận; hàng năm đều nộp thuế cho chính phủ Trung Quốc. Trung Quốc cũng thực hiện
quản lý đối với quần đảo Tây Sa và  Nam
Sa thể hiện ở một loạt hành vi chính phủ liên tục và có hiệu lực. Từ đời Đường
Trinh Nguyên đến nay, Trung Quốc đã đưa quần đảo Tây Sa và Nam Sa  vào lãnh thổ của mình, đến đời Minh – Thanh
thì điều này càng được làm rõ.

Để làm sáng tỏ vấn
đề trên, bài viết này sẽ rà soát những bộ chính sử của Trung Quốc như Tiền Hán
thư, Đường thư, Tống sử, Nguyên sử, Minh sử và Khâm định Đại Thanh hội điển đồ
để xem quần đảo Tây Sa và  Nam Sa (Hoàng
Sa và Trường Sa) có được đề cập đến không và đề cập như thế nào trong chính sử
Trung Quốc từ Tiền Hán cho đến cuối đời Thanh. Những sách và tài liệu khác,
không thuộc chính sử, không nằm trong phạm vi nghiên cứu của bài viết này.

1. Tiền Hán thư (76 – 84) :

Tiền Hán thư là bộ
sử của nhà Tiền Hán (206 TCN) do Ban Cố (32-92) đời Đông Hán (25-220) soạn vào
những năm Kiến Sơ (76-83) đời Chương Đế (76-88).

Vào thời kỳ này,
có thể nói rằng theo chính sử người Trung Quốc chưa biết gì về các quần đảo ở
Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa). Những ghi chép trong bộ Tiền Hán thư chỉ nhắc
đến đảo Hải Nam.
Đoạn này được ghi chép như sau :

“Từ (huyện) Từ Văn
(quận) Hợp phố đi vào biển ở phía Nam, được đại châu (đảo lớn), Đông, Tây, Nam,
Bắc vuông ngàn dặm. Năm đầu niên hiệu Nguyên Phong (110 TCN) đời Vũ Đế (140-87
TCN) lấy làm quận Đảm Nhĩ, Châu Nhai. Dân đều mặc vải như vỏ chăn khoét giữa
chùm qua đầu khi mặc. Đàn ông cày ruộng, trồng lúa, đay, gai, đàn bà trồng dâu
nuôi tằm, dệt lụa. Không có ngựa và hổ, dân có 5 gia súc, trên núi có nai,
hoãng. Binh thì dùng giáo, mộc, đao, cung, nỏ, tên tre hoặc mũi bằng xương. Ban
đầu là quận huyện, quan lại là người Trung Quốc phần nhiều nhũng nhiễu, nên
(dân) mấy năm một lần chống lại. Đời Nguyên Đế (48-33 TCN) bèn bãi bỏ.”

Như vậy, Tiền Hán
thư chỉ nhắc đến đảo Hải Nam
và sự kiện chinh phục đảo Hải Nam
năm 110 TCN của Nhà Hán. Sự kiện chinh phục đảo Hải Nam chứng tỏ đảo này không phải
thuộc nhà Hán. Người dân bản xứ được nhắc đến ở đây là các tộc người đã đứng
dậy chống lại ách đô hộ của Nhà Hán, buộc quân Hán xâm lược phải rời bỏ đảo vào
thời gian đó.

2. Đường thư (1060) :

Đường thư là bộ sử
nhà Đường (608-907) do Âu Dương Tu (1007-1072) biên soạn trong những năm
1054-1060. Trong bộ Đường thư này, có hai đoạn liên quan đến địa lý hành chính
của đảo Hải Nam.

Đoạn thứ nhất về
sự kiện xảy ra năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên. Đoạn này viết như sau :

“Tháng 10, Lĩnh Nam
tiết độ sứ (thống đốc) Lý Phục lấy lại Quỳnh Châu” (Quyển 7, bản kỷ, tờ 71).

Về sự kiện thống
đốc đạo Lĩnh Nam (nay là Quảng Đông, Quảng Tây) đem quân lấy lại đảo Hải Nam
năm Trinh Nguyên thứ 5 (789), sau 100 năm dân bản địa nổi dậy làm chủ đảo này
(từ năm 666 – theo Thái Bình hoàn vũ ký của Nhạc sử đời Tống, quyển 167, tờ
11a-11b), một số học giả Trung Quốc đã xuyên tạc là “các đảo Nam Hải từ năm thứ
5 niên hiệu Trinh Nguyên nhà Đường đã thuộc phạm vi quản hạt của Trung Quốc
(Hàn Chấn Hoa, Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hội biên, 1988, trang 33) hoặc
quần đảo Trường Sa (Nam Sa) đã được “sáp nhập vào phủ Quỳnh Châu năm thứ 5 niên
hiệu Trinh Nguyên đời Đường” (Phan Thạch Anh, bài biết đăng trên Tạp chí
Window, Hồng Kông, ngày 3 tháng 9 năm 1993).

Đoạn thứ hai viết
về quy chế hành chính đảo Hải Nam,
cụ thể như sau :

“Nhai Châu, Quỳnh
Sơn quận : Phủ đô đốc đặt năm thứ 5 niên hiệu Trinh Quán (631) tại huyện Quỳnh
Sơn, tách từ Nhai Châu. Từ niên hiệu Càn Phong (666-668) về sau bị mất vào
người Man trong sơn động. Năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên (789) Lĩnh Nam
tiết độ sứ Lý Phục đánh dẹp, lấy lại được. Đồ cống có vàng. Gồm 649 hộ, 5 huyện
là Quỳnh Sơn, Lâm Cao, Tăng Khẩu, Lạc Hội, Nhan La.

Chấn Châu, Diên
Đức quận : vốn là quận Lâm Chấn, còn gọi là Ninh Viễn quận. Năm đầu Thiên Bảo
(742) đổi tên. Đồ cống có vàng, đĩa mây ngũ sắc, vải kẻ, đồ ăn. Gồm 819 hộ,
2821 khẩu, huyện là Ninh Viễn, Diên Đức, Cát Dương, Lâm Xuyên, Lạc Đồn.

Đảm Châu, Xương
Hoá quận : vốn là quận Đảm Nhĩ, lỵ sở quận Châu Nhai đời Tuỳ (581-618). Năm đầu
Thiên Bảo (742) đổi tên. Đồ cống có vàng, đường, hương liệu. Gồm 3390 hộ, 5
huyện là Nghĩa Luân, Xương Hoá, Cảm Ân, Lạc Trường, Phú La.

Vạn An Châu, Vạn
An quận : đặt vào năm Long Sóc thứ 3 (662) với (huyện) Vạn An thuộc Nhai Châu.
Năm Khai Nguyên thứ 9 (721) dời lỵ sở đến huyện Lăng Thuỷ. Năm Chí Đức thứ 2
(757) đổi là quận Vạn Toàn. Năm đầu Trinh Nguyên (785) lại lấy Vạn Toàn làm lỵ
sở. Sau lấy lại tên cũ. Đồ cống có vàng, bạc. Gồm 2997 hộ, 4 huyện là Vạn An,
Lăng Thuỷ, Phú Vân, Bác Liêu” (Quyển 43 thượng, tờ 3b-4a).

Qua Đường thư,
người ta biết được rằng đảo Hải Nam
được chia làm 5 đơn vị hành chính và tên từng đơn vị hành chính này. Đường thư
không chép bất kỳ nơi nào, ngoài các vùng đất trên đảo Hải Nam, thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

3. Tống sử :

Tống sử là bộ sử
của nhà Tống (960-1297) do Tôgtoha, đại thần (thừa tướng) nhà Nguyên soạn năm
Chí Chính thứ 3 (1343).

Chương (Dư địa
chí), phần chép về địa lý hành chính đảo Hải Nam được chép như sau :

“Quỳnh Sơn hạ,
Quỳnh Sơn quận, Tĩnh Hải quân tiết độ sứ : Năm Đại quan thứ 1 (1107), đặt Trấn
Châu ở Di động Lê Mẫu Sơn, cho quân ngạch là Tĩnh Hải. Năm Chính Hoà thứ 1
(111), bỏ Trấn Châu và ngạch quân, trở lại như cũ. Gồm 8963 hộ. Cống vàng, cau,
có 4 huyện là Quỳnh Sơn, Văn Xương, Lâm Cao, Lạc Hội.

Nam Ninh quân :
Xương Hoá quân cũ, vốn là Đảm Châu, Năm Hy Ninh thứ 6 (1073) bỏ châu đặt làm
quân. Năm Thiệu Hưng thứ 6 (1136) bỏ 3 quân Xương Hoá, Vạn An, Cát Dương, đổi
làm huyện lệ vào Quỳnh Châu. Năm thứ 13 (1143) làm quân sứ. Năm thứ 14 (1144)
lại làm quân, trả lại các huyện cũ cho quân này. Về sau đổi ra tên hiện nay.
Năm Nguyên Phong cống vàng, gồm huyện Nghi Luân, Xương Hoá, Cảm Ân.

Vạn An Quân : Châu
Vạn an, Quận Vạn An cũ. Năm Hy Ninh thứ 7 (1084) đổi là quân. Năm Thiệu Hưng
thứ 6 (1136) bỏ quân đổi làm huyện Vạn Ninh, do quân sứ kiêm tri huyện, lệ vào Quỳnh
Châu. Năm thứ 13 (1143) lại đổi làm quân. Năm Nguyên Phong có 270 hộ, cống bạc,
gồm hai huyện Vạn Ninh, Lăng Thuỷ.

Cát Dương quân :
vốn là Châu Nhai quận, tức Nhai Châu. Năm Hy Ninh thứ 6 (1083), đổi làm quân.
Năm Thiệu Hưng thứ 6 (1136) bỏ quân đổi làm huyện Ninh Viễn. Năm thứ 13 (1143)
trở lại như cũ. Sau đổi tên là Cát Dương quân. Năm Nguyên Phong có 251 hộ, cống
cao lương, gừng, có 2 chấn Lâm Xuyên, Đằng Kiều, gồm 2 huyện Ninh Viễn, Cát
Dương” (quyển 90, tờ 6a, 6b).

Như vậy, qua sử
của nhà Tống liên quan đến cương vực phía Nam
của Trung Quốc, chúng ta biết được rừng đảo Hải Nam thời kỳ đó có 4 đơn vị hành
chính cấp châu và quân. Quân trong thời kỳ này là đơn vị hành chính cấp châu
(trên cấp huyện). Chúng ta cũng biết rằng không có đơn vị hành chính nào trên
đảo Hải Nam có “Thiên lý Trường Sa” hay “Vạn lý Thạch Đường”.

4. Nguyên sử :

Nguyên sử, sử nhà
Nguyên (1206-1368) do Tống Liêm (1310-1381), là Hàn lâm học sĩ Á trung đại phu,
kiêm tu quốc sử nhà Minh soạn theo chỉ dụ của vua Minh năm Hồng Vũ thứ 2
(1369).

Trong Nguyên Sử,
phần “Dư địa chí” chép như sau về cương vực cực Nam của Trung Quốc thời kỳ đó :

“Hải Bắc, Hải Nam
đạo tuyên uý ty :

Càn Ninh quân dân
an phủ ty : Đời Đường lấy Quỳnh Sơn thuộc Nhai Châu đặt Quỳnh Châu, lại gọi là
Quỳnh Sơn quận, nhà Tống là Quỳnh Quản an phủ đô giám. Đời Nguyên, năm Chí
Nguyên thứ 15 (1278) đổi làm Càn Ninh quân an phủ ty, gồm 75.837 hộ 1.128.184
khẩu, lãnh 7 huyện Quỳnh Sơn, Trừng Mại, Lâm Cao, Văn Xương, Lạc Hội, Hội Đồng,
Định An.

Nam Ninh Quân : nhà Đường đổi Đảm Châu thành Xương Hoá
quân, nhà Tống đổi làm Nam Ninh quận. Năm Chí Nguyên 15 (1278) nhà Nguyên lệ
vào Bắc Hải Nam Hải đạo tuyên uý ty, gồm 9.627 hộ, 23,652 khẩu, lãnh 3 huyện
Nghi Luân, Xương Hoá, Cảm Ân.

Vạn An quân : nhà
Đường là Vạn An Châu, nhà Tống đổi làm quân. Năm Chí Nguyên 15 (178) lệ Bắc Hải
Nam Hải đạo tuyên uý ty gồm 5.341 hộ, 8.686 khẩu, lãnh 2 huyện Vạn An Lăng
Thuỷ.

Cát Dương quân :
Nhà Đường là Chấn Châu, nhà Tống đổi làm Nhai Châu lại làm Châu Nhai quân, lại
đổi làm Cát Dương quân. Nhà Nguyên thu phục vào đời Chí Nguyên (1335-1340), lệ
Bắc Hải Nam Hải đạo tuyên uý ty, gồm 1.439 hộ, 5.735 khẩu, lãnh 1 huyện là Ninh
Viễn” (quyển 63, tờ 9b).

Như vậy, phần Dư
địa chí trong Nguyên sử cho thấy rõ lãnh thổ Trung Quốc đời Nguyên, cực Nam chỉ
đến đảo Hải Nam, không bao gồm bất kỳ quần đảo nào ở Biển Đông.

Trong Nguyên sử,
có hai sự kiện được người Trung Quốc trích dẫn làm bằng chứng là Trung Quốc đã
quản lý và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà họ
gọi là Tây Sa và Nam Sa), đó là : việc quan trắc thiên văn của Quách Thủ Kính
năm 1279; và cuộc xâm lược Giava (thuộc Indonesia ngày nay).

Về việc quan trắc
thiên văn của Quách Thủ Kính năm 1279, Nguyên sử chép rằng Chí Nguyên thứ 16
(1279), Quách Thủ Kính tâu với vua Nguyên :

“Những năm Khai
Nguyên (713-743) nhà Đường ra lệnh cho Nam Cung nói về đo bóng (mặt trời),
trong sách có nói gồm 13 nơi. Nay, cương vũ lớn hơn đời Đường, nếu không từ nơi
xa trắc nghiệm sẽ không biết sự khác nhau giờ phút nhật nguyệt thực, sự khác
nhau về dài ngắn của ngày đêm, sự khác nhau về chuyển động cao thấp của mặt
trời, mặt trăng và các vì sao. Trước mắt, người đi trắc nghiệm ít, có thể Nam
Bắc trước, dưng nêu thẳng đứng đo bóng mặt trời. Nhà vua y lời tâu bèn đặt Giám
hầu quan 114 người, chia ngả lên đường, Đông đến Cao Ly, Tây đến Điền Trì, Nam
quá Chu Nhai, Bắc đến Thiết Lặc, trắc nghiệm bốn biển gồm 27 nơi. Năm thứ 17
(1280) lịch mới làm xong. Thủ Kính cùng bọn bề tôi tâu rằng, bọn thần trộm nghe
công việc của đế vương không gì trọng bằng có lịch. Từ Hoàng Đế, hướng về mặt
trời được ra quyết sách, vua Nghiêu dùng tháng nhuận định bốn mùa thành (một)
năm. Vua Thuấn tại Tuyền Cơ Ngọc Hàng để yên bảy chính, cho đến Tam đại lịch
không định pháp. Từ đời Chu đến Tần nhuận dư
kế tiếp. Tây Hán tạo lịch Tam Thống. Sau 120 năm không phải khởi đầu. Đông Hán
tạo lịch Tứ phân. Bảy mươi năm nghi thức mới đầy đủ. Lại 121 năm Lưu Hồng tạo
lịch Càn Tương, mới biết mặt trăng đi có chậm có nhanh …” (đoạn tiếp theo
Nguyên sử chép về việc làm lịch ở các đời sau và nêu lên các hiện tượng về
thiên văn trong quyển 164, tờ 4b-7a).

Về kết quả trắc
nghiệm thiên văn năm 1279, Nguyên sử chép :

“Trắc nghiệm bốn
biển :

Nam Hải, điểm Bắc
cực 15o, Hạ chí, bóng (mặt trời) ở phía Nam cột dài 1 thước, 6 phân (trên 30
cm), ngày 54 khắc, đêm 46 khắc.

Hoàng Nhạc điểm
Bắc cực 25o, Hạ chí, mặt trời đỉnh cột, không bóng; ngày 56 khắc, đêm 44 khắc.

Ngục Đài, điểm Bắc
cực 35o, Hạ chí bóng dài 1 thước 4 tấc 8 phân (trên 45 cm), ngày 60 khắc, đêm
40 khắc.

Hoà Lâm, điểm Bắc
cực 45o, Hạ chí bóng dài 3 thước 2 tấc 4 phân (trên 100 cm), ngày 64 khắc, đêm
36 khắc.

Thiết Lặc, điểm
Bắc cực 65o, Hạ chí bóng dài 6 thước 7 tấc 8 phân (trên 160 cm), ngày 75 khắc,
đêm 30 khắc.

Bắc Hải, điểm Bắc
cực 65 độ, Hạ chí bóng dài 6 thước 7 tấc 8 phân (270 cm), ngày 82 khắc, đêm 18
khắc.

……………….

Cao Ly, điểm Bắc
cực 38o,

……………….

Quỳnh Châu, điểm
cực Bắc 19o (sử chép tất cả 27 nơi), (quyển 48, tờ 7a-7b).

Qua ghi chép về
việc Quách Thủ Kính quan trắc thiên văn trong Nguyên sử, chúng ta có thể rút ra
một số nhận xét :

– Một là, hoạt
động quan trắc thiên văn là hoạt động khoa học về thiên văn để có tài liệu làm
“lịch mới”, không liên quan gì đến việc hoạt động xác lập chủ quyền hay thực
thi chủ quyền.

– Hai là, các điểm
mà Quách Thủ Kính và đồng sự quan trắc nằm ở cả trong và ngoài giới hạn lãnh
thổ của Trung Quốc đời Nguyên, trong đó “Nam Hải” là biển Đông, “Bắc Hải” là
Bắc Băng Dương, “Thiết Lặc” nay thuộc vùng Xi-bi-ri Liên bang Nga, “Cao Ly” nay
là Triều Tiên.

– Ba là, việc ông
Hàn Chấn Hoa lấy hoạt động đo đạc quan trắc thiên văn ở Nam Hải để  coi đó là chứng cứ khẳng định chủ quyền là
không xác đáng. Dựa vào điểm đo đạc ở Nam Hải tại 15o, học giả Hàn Chấn Hoa cho
rằng điểm đo đạc thiên văn đời Nguyên 15o (Bắc Cực), tương đương 14o47’ vĩ độ
Bắc ngày nay. Vì vậy, “vị trí điểm đo đạc thiên văn đời Nguyên là trên quần đảo
Tây Sa ngày nay” và cho rằng “đây là loại hành động hành sử chủ quyền của Chính
phủ Trung Quốc”. Từ đó, ông Hàng Chấn Hoa kết luận rằng: “cương vực đời Nguyên
bao gồm cả các đảo Nam Hải” (Hàn Chấn Hoa, Ngã Quốc Nam Hải chư đảo hội biên,
1988, trang 9, 46-47). Ở đây có một số điểm làm cho lập luận của ông Hàn Chấn
Hoa không thể đứng vững. Thứ nhất, trong thời kỳ này, nguyên sử đã chép rõ cực Nam giới hạn lãnh thổ của Trung Quốc chỉ đến đảo
Hải Nam.
Đại Nguyên nhất thống chí cũng chép : cương vực Trung Quốc đời Nguyên không
vượt quá đảo Hải Nam,
phía Bắc không vượt quá sa mạc Gô-bi. Thứ hai, không thể suy luận người Trung
Quốc đo đạc khoa học ở đâu thì lãnh thổ đó thuộc về Trung Quốc. Rõ ràng là
Triều Tiên, Biển Đông, Bắc Băng Dương, Xi-bi-ri không nằm trong cương vực lãnh
thổ Trung Quốc. Dù người Trung Quốc có đo đặc quan trắc thiên văn ở đây thì
cũng không thể biến Triều Tiên, Biển Đông, Bắc Băng Dương, Xi-bi-ri thành lãnh
thổ Trung Quốc.

Về cuộc xâm lược
Gia-va thất bại của Sử Bật năm Chí Nguyên thứ 29 (1293), Nguyên sử chép rằng :

“Yeheimishi (tên
một viên tướng Mông Cổ) cùng bọn Cao Hưng đi đánh Gia-va. Vua phán rằng
Yeheimishi thông thạo đường biển lo mọi việc về biển. Còn việc binh thì giao
cho Sử Bật, cho Bật giữ chức Phúc Kiến đẳng sứ hành trung thư tỉnh, Bình chương
chính sự, thống lãnh quân mà xuất chinh (quyển 17, tờ 6a).

“Năm thứ 29 (1292)
(Sử Bật) nhận chức Vinh lộc đại phu, Phúc Kiến đẳng xứ hành trung thư tỉnh,
Bình chương chính sự đi đánh Gia-va, lấy Yeheimishi, Cao Hưng làm phó, được cấp
kim phù 150, lụa tiền mỗi thứ đều 200 để thưởng kẻ có công. Tháng 12, Bật mang
5000 quân hội chư quân, xuất phát từ Tuyền Châu, gió to sóng cả, thuyền chòng
chành, quân sĩ mấy ngày không ăn được, qua Thất Châu Dương, Vạn lý Thạch Đường,
đến (hải) giới Giao Chỉ, Chiêm Thành. Tháng Giêng năm sau (1293) đến đảo Đông
Đổng, Tây Đổng, Ngưu Kỳ Dữ, đi vào đại dương mêng mông đóng quân tại các đảo
Ganlanyu, Kalimatan, Goulan, đẵn gỗ đóng xuồng để đi vào Gia-va…”.

Sau khi mô tả diễn
biến cuộc chiến giữa quân Nguyên và quân Gia-va, Nguyên sử chép rằng, trên
đường về Bật bị hàng tướng Gia-va làm phản, đánh lại quân Nguyên. Sử Bật phải
“chặn phía sau, vừa đánh vừa đi, 300 dặm mới lên được thuyền, đi 68 ngày mới về
đến Tuyền Châu, quân sĩ chết hơn 3000 người”.

Vua Nguyên thấy
tổn thất quá nặng nên phạt Sử Bật bằng “đánh 17 trượng, tịch thu một phần ba
gia sản” (quyển 162, tờ 7a-7b).

Qua ghi chép trong
Nguyên sử về sự kiện này, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét rất đáng chú ý
:

– Một là, cuộc
hành quân của Sử Bật là nhằm mục đích Gia-va, không thể coi đó là cuộc “tuần
phòng” quần đảo Nam Sa (Trường Sa) như học giả Trung Quốc khẳng định trong bài
viết “Quần đảo Nam Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc”, đăng trên Tạp chí Window,
xuất bản tại Hồng Kông, ngày 3 tháng 9 năm 1993.

– Hai là, tuyến đường mà Sử Bật đi được mô tả trong
Nguyên sử bám sát đất liền, không hề qua quần đảo mà Trung Quốc gọi là Nam Sa.
Từ Tuyền Châu (bờ biển Phúc Kiến, đoàn quân đi qua “Thất Châu Dương” tức là
vùng biển Đông Nam đảo Hải Nam mà phía Đông là quần đảo Hoàng Sa ngày nay mà
người Trung Quốc xưa gọi là “Vạn lý Thạch đường”, sau đó qua vùng Cù lao Thu –
Hòn Hải ngày nay mà thời đó người Trung Quốc gọi là “Đông Đổng”, “Tây Đổng” rồi
đi thẳng xuống vùng biển Gia-va, tạm dừng trên cụm đảo “Kalimata” để chuẩn bị
tiến vào Gia-va. Rõ ràng, tuyến đường đó còn cách xa quần đảo Trường Sa vài
trăm km. Không có bất kỳ chi tiết nào nào đoàn quân của Sử Bật đã qua quần đảo
này càng không thể nói là Sử Bật đã “tuần phòng quần đảo Nam Sa”.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới