Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHải đội Hoàng Sa - Kỳ 1: Đội hùng binh của biển

Hải đội Hoàng Sa – Kỳ 1: Đội hùng binh của biển

altTừ
nhiều thế kỷ trước, VN đã có các hải đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền
và khai thác quần đảo này. Lớp lớp chiến binh vượt sóng gió biển Đông ghi dấu
ấn VN ở đó, và lịch sử đã khắc ghi lòng ái quốc của họ.

Kỳ 1: Đội hùng binh của biển

Người đàn ông xóm chài dẫn tôi men theo
con đường lởm chởm sỏi đá quanh năm rì rào sóng vỗ. Ngay tại cửa biển Sa Kỳ,
huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi này, hiện vẫn còn nhiều người già đang giữ trong ký
ức những câu chuyện lưu truyền về hải đội Hoàng Sa.


Vì nước vong thân

alt
Từ
đình làng An Vĩnh (đảo Lý Sơn), những người con của Tổ quốc đã đi khẳng định
chủ quyền quần đảo Hoàng Sa – Ảnh: Quốc Việt/Tuổi trẻ.

Dõi mắt nhìn ra đại dương xa xăm, ông
Nguyễn Văn Tiếu (ngư dân 75 tuổi ở xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh) kể rằng ngày xưa
ở vùng biển này có một lăng Hoàng Sa rất trang nghiêm thờ tự những người lính
Hoàng Sa ra đi không có ngày về. Đó cũng là nơi mà một phần hải đội Hoàng Sa là
trai tráng ở hai làng An Vĩnh, An Hải bên cửa Sa Kỳ thường làm lễ tế trước khi
giong buồm xuất quân.

Hàng trăm năm qua, chiến tranh loạn lạc
với bao đổi thay thế cuộc đã làm lăng Hoàng Sa ở đây trở thành phế tích. Cổng
làng xưa nơi từng tiễn đưa bao đội hùng binh ra biển cũng chỉ còn chút đá vỡ
với rêu phong, nhưng con cháu đời sau vẫn không quên công đức tổ tiên mở mang,
bảo vệ Tổ quốc. Tiết xuân hằng năm, họ vẫn làm lễ cúng tế ở nơi này để tưởng
nhớ linh hồn những hùng binh đã vì nước vong thân.

Tôi lên thuyền ra đảo Lý Sơn. Cùng với
vùng cửa biển Sa Kỳ, Lý Sơn chính là rẻo đất giữa đại dương đã từng dâng hiến
biết bao trai tráng cho hải đội Hoàng Sa thuở nào. Sử xưa và những gia phả cổ
của các tộc họ ở Lý Sơn kể rằng vào khoảng đầu những năm 1600, 15 vị tiền hiền
ở vùng cửa biển Sa Kỳ, phủ Bình Sơn cũ đã giong thuyền ra cù lao Ré, tức Lý Sơn
ngày nay, để khai khẩn, lập làng.

Bảy vị tiền hiền của các dòng họ Phạm
Văn, Phạm Quang, Võ Văn, Lê, Nguyễn, Võ Xuân, Đặng đã lập làng An Vĩnh. Ở phía
đông của đảo, tám dòng họ Nguyễn, Dương, Trương, Trần, Võ, Lê, Nguyễn Đình,
Nguyễn Văn mở làng An Hải. Theo thời gian, các tộc họ này dần sinh sôi đông đúc
trên đảo. Rất nhiều trận, họ đã hợp sức chiến đấu anh dũng chống lại nạn cướp
bóc của kẻ thù. Rồi khi Tổ quốc cần, họ đã cống hiến những người con ra đi bảo
vệ, khai thác biên cương xa xôi trên hải đảo Hoàng Sa.

Ở Lý Sơn, Âm Linh tự thờ tự vong hồn
đội hùng binh vẫn còn vững chãi giữa phong ba biển cả. Đình làng Lý Vĩnh, nơi
bao lần tế sống tiễn đưa người lính Hoàng Sa ra đi không trở về, đã trở thành
phế tích trong chiến tranh đang được phục dựng… Dưới tán bàng đại thụ, cổng
làng hướng thẳng ra biển Đông như sẵn sàng đối mặt với quân thù. Hàng cây phong
ba làm thành bức tường rào như ý chí kiên cường của đội hùng binh năm xưa.

Ông Lê Hai, 77 tuổi, người chăm sóc
hàng cây phong ba và trưởng ban khánh tiết đình làng An Vĩnh, tâm sự rằng từ
khi còn nhỏ ông đã nghe ông cố, ông nội nhắn nhủ tâm huyết của tổ tiên bao đời
trước: “Con cháu đời sau phải gìn giữ bằng được đình làng cổ này. Bởi đó
chính là một trong những nơi từng in dấu chân của các anh hùng trước khi ra
biển, hi sinh vì Tổ quốc”.

“Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng
Sa”

Các cụ già là hậu duệ của những người
lính Hoàng Sa rưng rưng đọc lại câu đối ghi nhớ công đức tiền nhân: “Ân
đức dựng xây miền đảo Lý. Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa”. Những mái tóc
đã bạc trắng, những đôi mắt đã mờ nhòa theo thời gian, nhưng không ai kiềm được
nỗi xúc động khi nhắc lại chuyện xưa!

Sử liệu cũ trong Phủ biên tạp lục của
Lê Quí Đôn kể rằng: “Nhà Nguyễn thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy
người ở An Vĩnh bổ sung. Mỗi năm họ luân phiên nhau đi biển, lấy tháng giêng ra
đi nhận lãnh chỉ thị làm sai dịch. Đội Hoàng Sa này được cấp mỗi người sáu
tháng lương thực. Họ chèo năm chiếc thuyền câu nhỏ ra ngoài biển cả ba ngày ba
đêm mới đến đảo Hoàng Sa. Họ tha hồ lượm nhặt, tự ý bắt chim, bắt cá làm đồ ăn.
Họ nhặt được những đồ như gươm và ngựa bằng đồng, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc,
đồ đồng, thiếc khối, ngà voi…

Họ còn lượm những vỏ đồi mồi, những con
hải sâm, những con ốc hoa thật nhiều. Đến kỳ tháng tám thì đội Hoàng Sa ấy mới
trở về cửa Eo (cửa Thuận An), rồi họ tới thành Phú Xuân trình nạp các vật hạng
đã lượm nhặt được. Người ta cân, khám nghiệm và định xong đẳng hạng các sản
vật, rồi mới cho đội này bán riêng những con ốc hoa, mai hải ba, hải sâm. Bấy
giờ, đội ấy được nhận lãnh bằng cấp về nhà…”.

Lần giở lại các sử liệu cũ như Lịch
triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Đại Nam thực lục do các sử thần
trong quốc sử quán biên soạn, Việt sử cương giám khảo lược của Nguyễn Thông,
Đại Nam nhất thống chí… đều có những trang ghi chép cụ thể về đội Hoàng Sa.
Công việc của họ được ghi lại không chỉ là lượm nhặt hải vật, đồ đạc tàu thuyền
bị đắm, mà kiêm quản cả đội Bắc Hải cùng làm nhiệm vụ ở Trường Sa và các đảo
phía trong Nam. Đặc biệt, đội Hoàng Sa còn làm nhiệm vụ đo đạc thủy trình, canh
chừng giặc biển, dựng bia chủ quyền và giữ gìn các hải đảo Hoàng Sa.

Suốt cả buổi tối ngồi đợi trăng lên
trên biển Lý Sơn, ông Nguyễn Thanh Tùng, hậu duệ của cai đội Hoàng Sa Nguyễn
Tám, cứ miên man tâm sự không dứt với tôi về tiền nhân của mình. Từng là hiệu
trưởng trường cấp III trên đảo, rồi làm phó chủ tịch phụ trách văn hóa huyện Lý
Sơn, ông đã bỏ rất nhiều công sức sưu tầm, biên soạn tư liệu về những hùng binh
trên biển năm xưa.

Theo
ông, sở dĩ trai tráng vùng cửa biển Sa Kỳ, mà nhiều nhất là đảo Lý Sơn, được
chọn vào hải đội Hoàng Sa vì họ có truyền thống đi biển rất thạo. Ngoài ra, từ
đây cũng là nơi có hải trình ngắn nhất để ra quần đảo Hoàng Sa.

Quốc Việt (BáoTuổi
Trẻ)

 

RELATED ARTICLES

Tin mới