Monday, September 9, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVẤN ĐỀ SỬ DỤNG VŨ LỰC VÀ CHỦ QUYỀN ĐỐI VỚI CÁC...

VẤN ĐỀ SỬ DỤNG VŨ LỰC VÀ CHỦ QUYỀN ĐỐI VỚI CÁC QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA

altVào nửa cuối năm 2010, trên các trang thông tin điện tử tiếng Trung xuất
hiện một loạt bài lời lẽ hiếu chiến, cổ xuý cho việc đánh Việt Nam để thu hồi
Trường Sa. Chẳng hạn, bài báo “Kiềm chế Hàn Quốc, tấn công Việt Nam để Trung
Quốc chống Mỹ” đăng trên Trang thông tin điện tử Club.china.com  ngày 12 tháng 8 năm 2010 viết: “Nếu lúc này Trung Quốc không quyết đoán
kịp thời khai đao đánh Việt Nam, thì Việt Nam sẽ được đằng chân lân đằng
đầu…. Để bao vây Trung Quốc, Mỹ không ngần ngại để cho Việt Nam có vũ khí hạt
nhân, nay nhân lúc quan hệ Việt Nam và Mỹ còn chưa chặt chẽ, Việt Nam còn chưa
có vũ khí hạt nhân, tàu ngầm Việt Nam đặt mua còn chưa về, lợi dụng cơ hội này
để trừng trị Việt Nam là tốt nhất.

Đánh
Việt Nam
có thể thu lợi. Đánh Việt Nam
có thể thu hồi quần đảo Trường Sa… Thông qua đánh Việt Nam, để cho các quốc gia
khác đang có tranh chấp về Biển Đông biết được rằng, nếu không xây dựng quan hệ
hài hòa về biển với Trung Quốc, thì có khả năng máu của bọn họ sẽ nhuộm Biển
Đông.”

Bất kỳ ai khi đọc xong bài báo trên cũng
không khỏi kinh ngạc trước việc đâu đó vẫn còn có những người Trung Quốc cố ý
phớt lờ sự thực lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa, bất chấp những nguyên tắc và quy phạm cơ bản của luật pháp quốc
tế, chà đạp lên những chuẩn mực quan hệ sơ đẳng của thế kỷ 21 để đưa ra những
tuyên bố nêu trên.

Chỉ cần điểm qua một số thông tin dưới
đây cũng đủ cho thấy tính thái quá, tính ngạo mạn và hiếu chiến trong tư tưởng
của những người Trung Quốc nêu trên.

1.
Vài nét về lịch sử chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Người dân Việt Nam đã phát hiện và quản lý về mặt
Nhà nước đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đời. Những tài liệu
lịch sử để lại đã chứng minh việc thực thi chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo này ít ra là
từ thời Chúa Nguyễn vào đầu thế kỷ thứ XVII. Vào thời kỳ này, Chúa Nguyễn đã tổ chức khai thác định kỳ trên các đảo. Đội
Hoàng Sa và Đội Bắc Hải có nhiệm vụ ra đóng ở hai quần đảo, mỗi năm 8 tháng để
khai thác các nguồn lợi, đánh cá, thâu lượm những tài nguyên của đảo và những
hoá vật do lấy được từ những tàu đắm. Năm 1816, Vua Gia Long chính thức chiếm
hữu đảo, ra lệnh cắm cờ trên đảo và đo thuỷ trình. Năm 1835,  Vua Minh Mạng cho xây đền, đặt bia đá, đóng
cọc, và trồng cây. Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải được trao nhiều nhiệm vụ hơn:
khai thác, tuần tiễu và nhiệm vụ biên phòng bảo vệ hai quần đảo. Hai đội này
tiếp tục hoạt động cho đến khi Pháp nhảy vào Đông Dương. Cho đến ngày bị
Pháp đô hộ, qua các triều đại kế tiếp trị vì, nước Việt Nam đã liên tục nắm chủ
quyền trên hai quần đảo này một cách hòa bình, không có nước nào cạnh tranh,
phản đối và thừa nhận các hải đảo này hoàn toàn thuộc lãnh thổ của Việt Nam.

Trong khi đó, theo nhiều tư liệu của
Trung Quốc và các học giả nước ngoài thì phải đến đầu thế kỷ 20, vào năm 1909,
trước sự đe doạ của chủ nghĩa nghĩa bành trướng Nhật Bản, Trung Hoa mới quan
tâm đến quần đảo Hoàng Sa và đến những thập kỷ 20 và 30 thì mới thể hiện ý đồ
tranh giành chủ quyền với chính quyền bảo hộ Pháp. Cho đến lúc đó thì người
Trung Hoa chưa có hành động chiếm hữu thực sự nào đối với các đảo ở hai quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong lịch sử đã có ít nhất 04 lần Trung Quốc dùng vũ
lực đánh chiếm các đảo của Việt Nam
ở Biển Đông. Đó là năm 1956 Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm phía Đông quần đảo
Hoàng Sa; năm 1974 dùng vũ lực đánh chiếm nốt phần còn lại của quần đảo Hoàng
Sa; năm 1988 Trung Quốc lại dùng vũ lực đánh chiếm một số bãi đá thuộc quần đảo
Trường Sa; năm 1995, Bắc Kinh lại sử dụng vũ lực để chiếm bãi Vành Khăn ở khu
vực quần đảo Trường Sa.

2. Vài nét về nguyên tắc không sử dụng vũ lực
và đe dọa sử dụng vũ lực liên quan đến việc chiếm đoạt lãnh thổ

Luật pháp
quốc tế đã có những nguyên tắc và quy phạm cơ bản điều chỉnh quan hệ giữa các
quốc gia, trong đó nêu rõ nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa xử dụng vũ
lực trong quan hệ quốc tế, cấm sử dụng vũ lực, tiến hành chiến tranh để giải
quyết tranh chấp lãnh thổ hoặc đánh chiếm lãnh thổ của nước khác. Những nguyên
tắc và quy phạm này đã được quy định trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế. Bất
kỳ hành vi chiếm đoạt lãnh thổ bằng vũ lực đều phi pháp, bị nhân loại lên án, không
có gì có thể biện minh được, cụ thể :

Một là, những hành động đánh chiếm các đảo và quần đảo ở Biển Đông bằng vũ lực
là một sự vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó điều 2 khoản
4 quy định định rõ cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là cấm sử
dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác.
Nội dung điều khoản này trong Hiến chương Liên hợp quốc là một nguyên tắc cơ
bản của luật pháp quốc tế, đòi hỏi tất cả các nước đều phải tuân thủ.

Nguyên tắc
này được phát triển và ghi nhận cụ thể hơn trong Nghị quyết 2625 ngày 24 tháng
10 năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong đó quy định: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối
tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định
của Hiến chương Liên hợp quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng
của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hay đe doạ sử
dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe doạ hay sử dụng vũ
lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.
Nghị quyết đó cũng quy định: “Các quốc gia có nghĩa vụ không đe doạ hay
sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác
hay (coi đe doạ hay sử dụng vũ lực) như biện pháp giải quyết các tranh chấp
quốc tế, kể cả những tranh chấp về đất đai và những vấn đề liên quan đến biên
giới của các quốc gia”.

Như vậy, việc
Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là
trái với luật pháp quốc tế và không tạo ra chứng cứ để quy thuộc chủ quyền của Trung
Quốc đối với các đảo, đá mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đoạt. Những hành động
này không bổ sung vào bộ hồ sơ pháp lý về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Những hành động như vậy đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ và chắc chắn sẽ
bị các toà án quốc tế bác bỏ một khi chúng được đưa ra tòa án quốc tế nhằm minh
chứng cho chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hai là, việc đe doạ sử dụng vũ lực để đánh hay doạ dẫm Việt Nam và các nước
khác nhằm dọn đường cho những hành động chiếm đoạt tiếp theo các đảo ở Trường
Sa và độc chiếm Biển Đông là trái với những nguyên tắc cơ bản của luật pháp
quốc tế được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước luật biển
1982 mà Trung Quốc đã là thành viên.

Ba là, sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp
quốc tế cũng là trái với nghĩa vụ chung của các quốc gia là phải giải quyết các
tranh chấp, trong đó có các tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền biển đảo, một cách
hoà bình như đã được quy định trong điều 2 khoản 3 của Hiến chương Liên hợp
quốc. Đây cũng là một trong các nguyên tắc cơ bản nhất của luật pháp quốc tế,
ràng buộc tất cả các quốc gia. Nguyên tắc này cũng được ghi nhận lại trong Công
ước luật biển 1982 của Liên hợp quốc. Điều 279 quy định: “Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ giải quyết mọi tranh chấp xảy ra
giữa họ với nhau về việc giải thích hay áp dụng Công ước bằng các biện pháp hoà
bình theo đúng điều 2, khoản 3 của Hiến chương Liên hợp quốc, và vì mục đích
này, cần phải tìm ra giải pháp bằng các phương pháp đã được nêu ở điều 33,
khoản 1 của Hiến chương.”

3. Tuyên bố có tính chất dọa dẫm trong quan hệ
quốc tế là đi ngược lại xu thế của khu vực và thời đại

Như trên đã
phân tích, bất luận trrong hoàn cảnh nào, với lý lẽ nào thì việc dùng vũ lực để
đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa và một đảo, đá ở quần đảo Trường Sa trước đây và đe
doạ sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông không chỉ trái với
luật pháp quốc tế, mà còn đi ngược xu thế chung trong khu vực và thời đại là
hoà bình, hợp tác và phát triển.

Các hoạt
động gây hấn và hiếu chiến gần đây của Trung Quốc như cấm đánh cá trên vùng
biển thuộc quyền tài phán của nước khác, đe doạ các công ty dầu khí nước ngoài
làm ăn với các nước láng giềng trên các vùng biển của các nước này, cho tàu
thực thi chủ quyền trên các vùng biển nằm ngoài quyền kiểm soát của mình, tập
trận bắn đạn thật với ý đồ đe doạ các nước khác đã đặt nguyện vọng chung của
các nước trong và ngoài khu vực về hoà bình, ổn định, an toàn, an ninh trên
biển, hợp tác và thịnh vượng trước những thách thức nghiêm trọng, làm cộng đồng
quốc tế quan ngại sâu sắc.

Những hoạt
động quân sự, chính trị và ngoại giao của Trung Quốc về Biển Đông trong thời
gian vừa qua gợi cho người ta nhớ lại bối cảnh lịch sử “cá lớn nuốt cá bé”
trong quan hệ quốc tế, theo đó bạo lực và cường quyền được sử dụng như là một
công cụ chủ yếu để giải quyết các vấn đề quốc tế. Khơi lại bối cảnh lịch sử lỗi
thời như vậy sẽ không mang lại bất kỳ điều gì tốt đẹp cho hình ảnh một nước
Trung Quốc hoà bình và thân thiện mà người Trung Quốc đã tốn rất nhiều công sức
để xây dựng trong các thập kỷ qua.

Cộng đồng
quốc tế đang khao khát có hoà bình, ổn định để hợp tác và phát triển, và vì
vậy, muốn cùng nhau hợp tác để củng cố một trật tự thế giới được xây dựng trên
nền tảng của luật pháp quốc tế và giải quyết mọi vấn đề thông qua ngoại giao,
thương lượng hoà bình trên cơ sở các nguyên tắc và quy phạm chung đã được nhân
loại thừa nhận. Đó là lý do vì sao trong năm 2010, tại các hội nghị của ASEAN
vừa qua các nước trong và ngoài khu vực, trong đó có các nước lớn, đều yêu cầu
các bên tranh chấp ở Biển Đông phải giải quyết các tranh chấp bằng các biện
pháp hoà bình; cấm sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực.

Những người Trung Quốc hiếu chiến cần nhận ra một thực
tế, một là, vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực có thể đạt được ý đồ nhất thời
nhưng về lâu dài sẽ mãi mãi bị lên án và không đưa đến bất kỳ hệ quả hợp pháp
nào. Nếu vũ lực có thể giải quyết vấn đề thì với thực lực to lớn của các nước
hiện nay, trước hết là các nước lớn sẽ đẩy loài người đi vào thế giới đại loạn,
hủy hoại mọi giá trị của con người. Hai là, các chuẩn mực quan hệ quốc tế hiện
nay không cho phép Trung Quốc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp chủ
quyền và chiếm toàn bộ Biển Đông. Mọi hành động phiêu liêu tương tự sẽ bị đáp
trả thích đáng của cộng đồng quốc tế. Ba là, đàm phán ngoại giao trên nền tảng
của luật biển quốc tế, đặc biệt là Công ước luật biển 1982, để giải quyết các
tranh chấp chủ quyền, hành xử và tăng cường hợp tác với nhau trong khuôn khổ
Tuyên bố chung về ứng xử trên Biển Đông (DOC) là cách tiếp cận được ủng hộ và
có hiệu quả nhất hiện nay để bảo đảm hoà bình, an ninh và ổn định trong khu
vực. Đó là thông điệp chung của cả cộng đồng quốc tế gửi đến nhóm người Trung
Quốc hiếu chiến thông qua nhiều diễn đàn quốc tế khác nhau trong thời gian vừa
qua./.

Công Lý – Duy Thành

 

RELATED ARTICLES

Tin mới