Monday, September 9, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÝ nghĩa của việc xác định qui chế pháp lý quốc tế...

Ý nghĩa của việc xác định qui chế pháp lý quốc tế của Đảo và công trình nhân tạo trong giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo

alt

Kỳ I
Dưới áp lực của việc gia tăng dân
số chưa từng có và nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, con người có thể
xây dựng ngày càng nhiều các đảo nhân tạo và các công trình nhân tạo trên biển
để đưa các hoạt động kinh tế ra biển và mở rộng không gian sinh tồn. Trong
tương lai, người ta có thể xây dựng các sân bay, các nhà máy điện, các cơ sở sản
xuất nông nghiệp biển và nuôi trồng thủy sản, các cơ sở công nghiệp và thậm chí
cả những thành phố lớn trên biển.

Bên cạnh mục đích sử dụng biển, một
số quốc gia còn tiến hành xây dựng và bồi đắp những đảo nhỏ, đảo đá và các bãi
san hô tự nhiên nhằm mục đích duy trì và củng cố những yêu sách chủ quyền đối với
các đảo, đá và bãi san hô này; đồng thời, trên cơ sở đó xác lập những vùng biển
tranh chấp rộng lớn. Chẳng hạn từ năm 1987, Nhật Bản đã đầu tư hàng trăm triệu
USD để củng cố và bồi đắp đảo san hô Okinotorishima, một đảo nhỏ chỉ nổi lên
trên mặt biển vài chục cm2 khi thủy triều lên, thành một đảo nhân tạo lớn làm
cơ sở để xác lập một vùng đặc quyền kinh tế rộng khoảng 400.000 km2 và thềm lục
địa rộng khoảng 700.000 km2 xung quanh đảo này. Những hoạt động như vậy có thể
dẫn đến nhiều hệ quả phức tạp trong quan hệ quốc tế và các cuộc tranh chấp căng
thẳng  giữa các quốc gia về quyền tài
phán biển, ranh giới trên biển, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên
trên biển.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu và
nắm vững những quy định của luật pháp quốc tế về quy chế pháp lý của các đảo
nhân tạo và các công trình nhân tạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc
ngăn ngừa và giải quyết các loại tranh chấp nói trên.

Định
nghĩa đảo nhân tạo và công trình nhân tạo trong luật pháp quốc tế

Trong luật pháp quốc tế, định
nghĩa “đảo nhân tạo” và “công trình nhân tạo” chưa được quy định rõ ràng. Cho đến
nay, chưa có một định nghĩa nào về đảo nhân tạo và công trình nhân tạo được các
quốc gia chấp nhận rộng rãi.

Theo Bách khoa toàn thư về công
pháp quốc tế, đảo nhân tạo được định nghĩa là những cấu trúc được tạo ra bằng
cách đặt/đổ lên các vật chất tự nhiên như sỏi, cát và đá; còn các công trình
nhân tạo được định nghĩa là những cấu trúc cố định hay tạm thời được gắn với
đáy biển bằng hệ thống chân cọc. Các định nghĩa này còn chưa đầy đủ, chưa bao gồm
hết được những loại hình công trình nhân tạo dần dần xuất hiện ngày càng nhiều
như thành phố trên biển, các dàn khoan dầu khí, các đảo nhân tạo phục vụ đánh bắt
cá, nhà máy điện, bến tàu nổi…

Công ước luật biển 1982 của Liên
hợp quốc chỉ đưa ra định nghĩa về “đảo”; không có định nghĩa về đảo nhân tạo.
Tuy vậy, để xác định thế nào là đảo nhân tạo, người ta có thể suy ra từ định
nghĩa “đảo” trong Công ước luật biển 1982. Theo Công ước, “đảo” tự nhiên là một
vùng đất được hình thành tự nhiên, bao quanh là nước và nổi trên mặt nước khi
thủy triều lên. Những đảo không phải là vùng đất, không được nước biển bao
quanh, chỉ nổi lên trên mặt nước khi thủy triều lên nhờ những công trình xây dựng
của con người thì được coi là các đảo nhân tạo, không phải là đảo tự nhiên.

Công ước luật biển 1982 đưa ra
nhiều quy định về quy chế pháp lý của các đảo nhân tạo và công trình nhân tạo.

Các
quy định về quyền xây dựng các đảo nhân tạo và công trình nhân tạo trên biển

Trong vùng đặc quyền kinh tế và
thềm lục địa của mình, theo điều 60 và 80 của Công ước luật biển 1982, các quốc
gia ven biển được quyền xây dựng, cho phép xây dựng cũng như quy định về việc
xây dựng, vận hành và sử dụng các đảo nhân tạo và các công trình nhân tạo phục
vụ cho mục đích kinh tế hoặc thực hiện các quyền chủ quyền của quốc gia ven biển
trong khu vực biển đó. Các quốc gia ven biển có quyền tài phán hoàn toàn đối với
các đảo và công trình nhân tạo, bao gồm cả thẩm quyền về hải quan, tài chính, y
tế, an ninh và nhập cư.

Ngoài ra, theo điều 87 của Công ước
luật biển 1982 các quốc gia thành viên Công ước cũng có quyền xây dựng đảo và
công trình nhân tạo trên biển cả như là một trong những quyền tự do khác ở đại
dương.

Việc xây dựng đảo nhân tạo và
công trình nhân tạo phải đáp ứng một số điều kiện nêu trong Công ước, trong đó
có điều kiện:

– Phải thông báo theo đúng thủ tục,
và phải duy trì các phương tiện thường trực để báo hiệu sự có mặt của các đảo
và công trình nói trên.

– Không được tiến hành tại những
địa điểm có nguy cơ gây trở ngại cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa
nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế.

Trong khi thực hiện quyền tự do
xây dựng các đảo nhân tạo và các công trình trên biển cả, mỗi quốc gia phải tôn
trọng lợi ích cũng như việc thực hiện quyền tự do trên biển cả của các quốc gia
khác cũng như của cả cộng đồng quốc tế.

Về
việc xác lập vùng an toàn xung quanh các đảo nhân tạo và các công trình nhân tạo

Công ước luật biển 1982 quy định
“các đảo, các công trình nhân tạo không có quy chế pháp lý của đảo. Chúng không
có lãnh hải và các vùng biển riêng. Sự hiện diện của các đảo và công trình nhân
tạo này không ảnh hưởng đến việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và
thềm lục địa”. Hay nói một cách khác, các đảo và công trình nhân tạo không tạo
ra bất kỳ vùng biển nào xung quanh chúng, cũng không có vai trò gì trong việc
phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Nếu thấy cần thiết, các quốc gia
ven biển có thể thiết lập vùng an toàn thích hợp xung quanh các đảo và công
trình nhân tạo đó và có thể tiến hành những biện pháp thích hợp để bảo đảm an
toàn của các đảo, các công trình nhân tạo cũng như an toàn hàng hải. Tuy vậy,
Công ước luật biển 1982 quy định rõ: những khu vực an toàn xung quanh đảo nhân
tạo không được vượt quá khoảng cách 500 mét “tính từ mỗi điểm của rìa ngoài của
chúng, trừ khi các điểm đó được công nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế hoặc theo
khuyến cáo của các tổ chức quốc tế có thẩm quyền.” Phạm vi của khu vực an toàn
phải được thông báo theo đúng thủ tục quy định trong Công ước.

Thành Nam
(còn nữa)

RELATED ARTICLES

Tin mới