Saturday, April 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKHU VỰC BÃI TƯ CHÍNH DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA LUẬT PHÁP QUỐC...

KHU VỰC BÃI TƯ CHÍNH DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA LUẬT PHÁP QUỐC TẾ VỀ BIỂN

altTrong cuốn sách
“Quần đảo Nam Sa. Chính trị dầu mỏ – Luật pháp quốc tế” do Nhà xuất bản Hướng dẫn
kinh tế Hồng Kông phát hành,[1] tác
giả Phan Thạch Anh cố gắng chứng minh rằng khu vực gọi là Vạn An Bắc 21 (trên
thực tế là khu vực Tư Chính hoàn toàn nằm trên thềm lục địa của Việt Nam) là
thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Kết luận trên của tác giả được dựa trên ba luận
điểm, đó là :

– Thứ nhất, Trung
Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi  đối
với quần đảo “Nam Sa” (tức là quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

– Thứ hai, Vạn An
Bắc 21 thuộc chủ quyền lịch sử của Trung Quốc nằm trong “đường biên giới quốc
gia chín đoạn” do chính quyền Tưởng Giới Thạch vẽ trên bản đồ năm 1947.

– Thứ ba, “Vạn An
Bắc 21” thuộc thềm lục địa của quần đảo “Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa).

Chúng ta sẽ xem xét
các luận điểm trên của tác giả Phan Thạch Anh dưới ánh sáng của luật pháp quốc
tế về biển, đặc biệt là Công ước luật biển của Liên hợp quốc năm 1982.

Luận điểm cho rằng
quần đảo Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thuộc chủ quyền của Trung Quốc
là không có cơ sở vì một số lý do sau đây:

– Quần đảo “Nam
Sa” mà tác giả cuốn sách ra sức chứng minh là của Trung Quốc thực ra là quần
đảo Trường Sa, cũng như quần đảo Hoàng Sa, đều là những bộ phận không thể tách
rời của lãnh thổ Việt Nam. Trong lịch sử, ít nhất là từ thế kỷ XVII, thông qua
việc tổ chức quản lý, khai thác một cách liên tục và hòa bình, Nhà nước Việt
Nam đã chiếm hữu, và từ đó đến nay, luôn thực hiện chủ quyền của mình đối với
quần đảo này.

– Những dẫn chứng
hết sức mơ hồ mà tác giả dùng để chứng minh rằng Trung Quốc đã quản lý và thực
hiện chủ quyền từ lâu đời đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa) chỉ là những suy
diễn, thậm chí không được ghi chép trong các sử sách của Trung Quốc. Đại Nguyên
nhất thống chí (1294), Đại Minh nhất thống chí (1461), Đại Thanh nhất thống chí
(1842) đều khẳng định “cực Nam
của lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam”. Tại Hội nghị San Francisco
1951, có nước đưa ra đề nghị đòi trao Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc song
bị các nước tham gia Hội nghị bác bỏ với 46 phiếu chống, 3 phiếu thuận và 1
phiếu trắng.

– Để cho khách
quan có lẽ nên trích dẫn ở đây nhận xét của Giáo sư Monique Chemillier –
Gendreau, tác giả cuốn sách “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”
như sau: Trung Quốc đã không có những chứng cứ lịch sử lâu đời tại quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa. Như ghi trong lịch sử trước đây của họ, Trung Quốc biết
đến vùng quần đảo này vì họ là những người thành thạo đi biển nhưng họ chưa bao
giờ đưa ra được những điều kiện về chứng tích chủ quyền trên hai quần đảo này.
Ngược lại, ngay từ thời các vua chúa triều Nguyễn, nghĩa là từ thế kỷ 17, trong
các tập sử biên niên cho thấy Việt Nam đã sáng lập những công ty hàng hải quốc
gia đi đến các quần đảo để khai thác các nguồn tài nguyên… Trong tất cả các
nước nhận chủ quyền trên quần đảo, chỉ riêng Việt Nam là có chứng tích lâu đời”(tin
của đài RFI ngày 24/5/1996).

Luận điểm cho rằng
Vạn An Bắc 21 thuộc chủ quyền lịch sử của Trung Quốc nằm trong “đường biên giới
quốc gia chín đoạn” do chính quyền Tưởng Giới Thạch vẽ trên bản đồ năm 1947 càng
không có cơ sở vì các lý do sau đây:

– Vào thời điểm năm
1947, luật pháp quốc tế về biển chỉ công nhận mỗi quốc gia ven biển có chủ quyền
đối với vùng lãnh hải 3 hải lý tính từ đường cơ sở ven bờ. Luật pháp quốc tế tập
quán thừa nhận quốc gia có chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ hay vùng nước xuất
phát từ danh nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, thực tiễn quốc tế giai đoạn này cho thấy
một quốc gia có thể đòi hỏi chủ quyền dựa trên danh nghĩa lịch sử đối với một
vùng lãnh thổ hay vùng biển nếu chứng minh được rằng, trong một thời gian dài
đã thực hiện ở đó quyền lực Nhà nước của mình một cách hòa bình, liên tục,
không bị quốc gia khác phản đối, hoặc được các quốc gia khác chấp thuận.  Mặc dù nêu ra yêu sách chủ quyền lịch sử đối
với hầu như toàn bộ Biển Đông, tác giả cuốn sách đã không đưa ra được bằng
chứng nào để chứng minh rằng trong lịch sử Nhà nước Trung Quốc đã thực thi
quyền lực đối với bất cứ vùng biển nào ở đó. Việc tàu thuyền của  người Trung Quốc từ xưa đã đi qua khu vực nằm
trong cái gọi là “đường đứt khúc chín đoạn” không thể nào được coi là bằng chứng
để biến con đường vô lý này thành “biên giới quốc gia trên biển” và vùng nước nằm
trong con đường này thành “vùng nước lịch sử” của Trung Quốc. Đã từ nhiều đời
nay, tàu thuyền của nhiều nước đã tự do sử dụng các tuyến hàng hải quốc tế
trong Biển Đông, đi qua các khu vực nằm trong cái gọi là “đường biên giới quốc
gia trên biển 9 đoạn”.

– Thực tế là, trên
cơ sở các quy định của luật pháp quốc tế, các nước ven Biển Đông đã ban hành các
luật lệ khẳng định các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia
của họ, tiến hành các hoạt động trong phạm vi thẩm quyền mà luật pháp quốc gia
và luật pháp quốc tế cho phép.

Như vậy, có thể nói
rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển nằm trong cái gọi là “đường
biên giới quốc gia chín đoạn” là độc đoán, vô lý, trái với luật pháp và thực tiễn
quốc tế, bất chấp lợi ích của các nước trong và ngoài khu vực.

Luận điểm cho rằng
khu vực “Vạn An Bắc 21” là một khu vực thuộc quần đảo “Nam Sa” là hết sức phi lý
vì Vạn An Bắc 21 và quần đảo Trường Sa là hai khu vực riêng biệt. Khu vực Tư
Chính (nơi mà Trung Quốc gọi là “Vạn An Bắc 21”) nằm hoàn toàn trên thềm lục
địa Việt Nam và quần đảo Trường Sa – một bộ phận lãnh thổ thuộc chủ quyền của
Việt Nam, cụ thể là :

– Xét về đặc điểm
địa lý và địa chất, bãi Tư Chính nằm trên dốc lục địa thuộc phần kéo dài tự
nhiên của lãnh thổ lục địa Việt Nam.
Điểm gần nhất của bãi cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt
Nam khoảng 84 hải lý, điểm xa nhất cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh
hải của Việt Nam chưa đến 200 hải lý. Điều 76 của Công ước luật biển 1982 qui
định rõ thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất
dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự
nhiên của lãnh thổ đất liền cho đến bờ ngoài của rìa lục địa; nếu thềm lục địa
địa chất không rộng, nước ven biển có quyền ấn định thềm lục địa của mình ra
tới 200 hải lý tính từ đường cơ sở; nơi nào rìa lục địa mở rộng ra quá 200 hải
lý, nước ven biển có thể căn cứ vào những qui định cụ thể của Công ước về địa
lý và địa mạo để ấn định giới hạn ngoài cùng của thềm lục địa, song không thể
vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở. Đối chiếu với các qui định của Công
ước, bãi Tư Chính rõ ràng thuộc về thềm lục địa của lãnh thổ lục địa Việt Nam.

– Vấn đề chủ quyền
đối với các đảo, đá, bãi trên quần đảo Trường Sa được xác định theo quy định của
luật pháp quốc tế về thụ đắc chủ quyền lãnh thổ mà xét về mặt pháp lý và thực
tiễn lịch sử về hành xử chủ quyền là hoàn toàn thuộc về Việt Nam.

– Xét về mặt pháp
lý, cũng không thể coi bãi Tư Chính là thuộc vùng biển phụ cận của quần đảo Trường
Sa. Theo Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982, các đảo trong quần đảo
này với những điều kiện như hiện nay chỉ có thể có được lãnh hải rộng 12 hải
lý, hoàn toàn không thể có các vùng biển khác như thềm lục địa, vùng đặc quyền
kinh tế… Quần đảo Trường Sa cũng không được hưởng qui chế quốc gia quần đảo như
qui định trong điều 47 Công ước 1982 (tức là vạch đường cơ sở bao quanh quần
đảo rồi từ đó đòi hỏi các vùng biển và thềm lục địa của đảo, như Trung Quốc đã
làm trái phép khi ra tuyên bố ngày 15/5/1996 qui định đường cơ sở xung quanh
quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).

Từ những nhận xét
trên có thể nói rằng cả ba luận điểm nói trên mà ông Phan Thạch Anh sử dụng để
chứng minh khu vực Tư chính thuộc chủ quyền của Trung Quốc đều không thể chấp
nhận được vì hoàn toàn không có căn cứ lịch sử và trái với luật pháp quốc tế. Việc
Trung Quốc ký với Công ty Crestone hợp đồng dầu khí tại khu vực Tư Chính năm
1992 là sự vi phạm thô bạo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước luật biển của
Liên hợp quốc năm 1982, và quyền hợp pháp của Việt Nam đối với thềm lục địa của
mình. Là thành viên của Công ước luật biển 1982, Việt Nam và Trung Quốc đều phải
xác định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia cũng như các
nghĩa vụ của mình đối với các vùng biển và thềm lục địa trên cơ sở các quy định
của Công ước này./.

Nguyễn Nghiêm

 

[1] Pan
Shiying: The petropolotics of the Nansha islands – China’s indisputable legal case,
Economic Information & Agency, July 1996.

RELATED ARTICLES

Tin mới