Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHoàng Sa và Trường Sa trong chiến lược vươn ra đại dương...

Hoàng Sa và Trường Sa trong chiến lược vươn ra đại dương của Trung Quốc

altCó lẽ, trên khắp các rẻo đất của đất mẹ Việt Nam,
hiếm có địa danh nào gợi lên nhiều tình cảm thiêng liêng đối với người dân Việt
như hai địa danh Hoàng Sa, Trường Sa.

Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có vị trí rất
quan trọng, nằm án ngữ đường hàng hải quốc tế nối liền Ấn Độ Dương, Thái Bình
Dương và Đại Tây Dương. Tuyến đường hàng hải quốc tế này là một trong những tuyến
đường hàng hải tấp nập vào loại nhất nhì trên thế giới, chưa kể đến khu vực này
rất giàu tài nguyên từ các loại hải sản cho đến tiềm năng dầu khí.

Nằm trải trên một khu vực biển rộng lớn dọc theo
bờ biển Việt Nam,
hai quần đảo này vừa đóng vai trò như hai chốt tiền tiêu bảo vệ sườn phía Đông
của Tổ quốc mà còn như là một lá chắn quan trọng bao quanh vùng biển và dải bờ
biển của nước ta.

Ngoài ra, hai quần đảo này còn được coi là những
vị trí lý tưởng để thiết lập các căn cứ chiến lược nhằm kiểm soát các tuyến đường
hàng hải quan trọng đi qua khu vực biển này.

Hai quần đảo này có vị trí đặc biệt đối với chiến
lược vươn ra đại dương của Trung Quốc. Vì thế mục đích xâm chiếm của Trung Quốc
đối với Hoàng Sa, Trường Sa được thể hiện ở ba điểm sau:

Thứ nhất, nếu chiếm được Hoàng Sa, Trường Sa thì
Trung Quốc sẽ tạo ra những lợi thế cho bàn đạp quân sự của mình. Từ đây Trung
Quốc có thể kết hợp cả Hoàng Sa, Trường Sa và đảo Hải Nam của họ để tạo ra thế
trận liên hoàn suốt chiều dài bờ biển Việt Nam.

Thứ hai, nếu họ chiếm được Hoàng Sa, Trường Sa
thì họ sẽ đẩy vùng phòng thủ của họ ra xa khỏi bờ biển của họ, hiểu nôm na như
là một “vùng đệm” trong chiến lược phòng thủ của họ.

Thứ ba, hai quần đảo chiến lược này có vị trí
quan trọng, có thể khống chế toàn bộ khu vực Biển Đông vốn giàu tài nguyên và
là tuyến giao thông quan trọng.

Cho đến đầu thế kỷ XX, hàng loạt tài liệu và bản
đồ chính thức của Trung Quốc đều vẽ đảo Hải Nam là điểm cuối cùng của lãnh thổ
Trung Quốc, hoặc ghi rõ: “điểm cực Nam của Trung Quốc nằm trên bờ biển châu
Nhai, phủ Quỳnh Châu (tức là đảo Hải Nam) phía Nam tỉnh Quảng Đông ở vĩ độ 18o13’
Bắc”.

Năm 1909 Trung Quốc bắt đầu bộc lộ tham vọng đối
với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bằng cách cho hai pháo thuyền ra tiến hành một
cuộc đổ bộ chớp nhoáng lên vài đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa trong thời gian khoảng
24h, mặc dù khi đó hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ lâu vẫn là lãnh thổ Việt
Nam do Việt Nam quản lý.

Năm 1956, lợi dụng lúc quân Pháp rút lui, quân đội
Việt Nam Cộng Hòa chưa kịp ra thay thế, Trung Quốc cho quân chiếm đóng nhóm đảo
phía Đông của quần đảo Hoàng Sa; còn Đài Loan thì cho quân ra chiếm đảo Ba Bình
thuộc quần đảo Trường Sa.

Đêm 20 rạng ngày 21/2/1959, Trung Quốc cho quân
ngụy trang làm ngư dân ra khiêu khích và thăm dò nhóm phía Tây quần đảo Hoàng
Sa, định chiếm nốt số đảo còn lại. Các đơn vị hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã bắt
sống toàn bộ 82 người và 5 thuyền giả dạng tàu đánh cá.

Trung Quốc đã luôn biết sử dụng ưu thế của sức mạnh
quân sự của mình để đặt chân lên các vị tí cần thiết trên Biển Đông. Vào tháng
1 năm 1974, Trung Quốc đã thành công trong việc dùng lực lượng quân sự để đánh
bật các lực lượng quân sự của Việt Nam Cộng Hòa đang chiếm giữ quần đảo Hoàng
Sa, và họ đã nhanh chóng kiểm soát quần đảo này.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa có sự hiện diện của
họ ở bất cứ đảo, đá nào ở Trường Sa cho đến năm 1988. Trung Quốc đã yêu sách
toàn bộ quần đảo Trường Sa, cho nên họ đã gấp rút phải có mặt ở Trường Sa bằng
sức mạnh quân sự.

Để thực hiện mục đích quân sự của mình, Trung Quốc
đã cho xây một khu liên hợp, như một căn cứ quân sự trên đảo Hoàng Sa, để làm
bàn đạp nhằm mở rộng sự xâm lược xuống quần đảo Trường Sa, mà từ trước tới giờ
Trung Quốc chưa bao giờ đặt chân tới.

Ngày 30/7/1977, Ngoại trưởng Trung Quốc Hoàng Hoa
đã công khai tuyên bố: “Khi thời cơ đến, chúng ta sẽ thu hồi toàn bộ quần đảo
Nam Sa (tức Trường Sa) mà không cần phải thương lượng gì hết”.

Tháng 6/1984, Quốc hội Trung Quốc đã phê chuẩn việc
thành lập khu hành chính Hải Nam trực thuộc tỉnh Quảng Đông, bao gồm trong đó cả
hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Ngày 5/9/1987, Hội nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội
Trung Quốc lần thứ 22 đã thông qua đề nghị của Thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử
Dương để thành lập tỉnh Hải Nam là tỉnh thứ 30 của Trung Quốc. Đồng thời trong
năm 1987, Trung Quốc đã gấp rút lên kế hoạch chuẩn bị tiến chiếm xuống Trường
Sa.

Để chuẩn bị cho cuộc xâm chiếm Trường Sa, các nhà
lý luận quân sự Trung Quốc đã trình bày trên tờ báo “Quân giải phóng” một bài
viết mang tựa đề “Theo đuổi biên giới không gian 3 mặt hợp lý” vào ngày
03/04/1987, qua bài báo đó các nhà quân sự Trung Quốc cho rằng phải thiết lập
hai đường biên giới: đường biên giới địa lý và đường biên giới chiến lược. Tức
là họ cho rằng cần phải thành lập một đường biên giới chiến lược (như một vùng
đệm) kéo dài bên ngoài đường biên giới địa lý để nâng cao khả năng phòng thủ từ
xa của họ.

Tháng 2 năm 1987, Trung Quốc đã cho một đội tàu
quân sự trên 10 chiếc giả dạng là tàu đánh cá để đi nắm tình hình trên quần đảo
Trường Sa.

Từ ngày 16/05/1987 đến ngày 6/6/1987 Hạm đội Nam
Hải của Trung Quốc đã tổ chức tập trận ở khu vực Trường Sa.

Tháng 12/1987, Trung Quốc cho hạ thủy chiếc tàu
chở máy bay trực thăng đầu tiên của Hải quân Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.

Đến năm 1988, Trung Quốc quyết biến từ kế hoạch
sang hành động. Cuối tháng 1 năm 1988, Trung Quốc phái 10 tàu chiến xuống quần
đảo Hoàng Sa, trong đó có 4 tàu được điều xuống Trường Sa. Ngày 31/1/1988 các
tàu chiến này đã có hành động khiêu khích 2 tàu vận tải của Việt Nam trong khu
bãi đá Chữ Thập và đá Châu Viên là hai bãi san hô nửa nổi nửa chìm trên mặt nước.

Sang tháng 2, Trung Quốc lại tăng cường thêm lực
lượng hoạt động ở khu vực này có lúc lên tới gần 20 chiếc tàu các loại, và một
bộ tư lệnh đặc biệt đã được thành lập để chỉ huy chiến dịch xâm lược này.

Ngày 14/3, một biên đội tàu gồm 6 chiếc có trang
bị tên lửa và pháo 100mm đã tấn công, bắn cháy và đánh chìm 3 tàu vận tải của
Việt Nam đang tiếp tế ở đảo Sinh Tồn, khiến cho 74 thủy thủ Việt Nam hy sinh.
Khi tàu cứu trợ của Việt Nam
lại gần để cấp cứu những người bị nạn, Trung Quốc đã ngăn cản các tàu cứu trợ
này.

Như vậy, từ cuối tháng 1/1988, Trung Quốc đã tập
trung một lực lượng lớn hải quân để xâm lược quần đảo Trường Sa, nhằm mục tiêu
tiếp tục chiếm đoạt Trường Sa bằng sức mạnh quân sự vượt trội.

Sau đó, vào ngày 8 tháng 2 năm 1995, Philippines
đã phát hiện ra sự xâm nhập của lực lượng quân sự Trung Quốc trên bãi Vành Khăn
(Mischief Reef), mà Philippines cho là thuộc khu vực Kalayaan, một bộ phận lãnh
thổ của Philippines. Và xung đột giữa hai bên đã nổ ra và kết thúc là Trung Quốc
– với ưu thế quân sự mạnh hơn đã thành công trong việc chiếm đoạt bãi Vành Khăn
từ tay quân đội Philippines, cũng giống như sự kiện Hoàng Sa năm 1974 và sự kiện
Trường Sa năm 1988.

Sự kiện bãi Vành Khăn được diễn ra trong một bối
cảnh đặc biệt, lúc này các lực lượng quân sự Mỹ vừa rút khỏi hai căn cứ quân sự
ở Philippines là Subic và Clark năm 1992, để Biển Đông ở vào trong tình trạng
“chân không quyền lực”, đây là cơ hội để Trung Quốc tiếp tục khẳng định sự hiện
diện về quân sự của mình trên Trường Sa, tiếp theo sau sự kiện 1988.

Gầy đây, Trung Quốc đã luôn có các đụng độ trên
biển với hầu hết các quốc gia trong khu vực, từ Hoa Kỳ (với sự kiện tàu
Impeccable ngày 8/3/2009), cho đến Nhật Bản, Indonesia,
Philippines, Malaysia và Việt Nam. Những sự kiện đó cho thấy toan
tính của Trung Quốc về lãnh thổ đối với các quốc gia láng giềng khác, mặc dù
lãnh đạo Trung Quốc luôn khẳng định là “Trung Quốc trỗi dậy hòa bình”. Nhưng
chúng ta cần phải nhìn thẳng vào những hành động của họ chứ không chỉ nghe những
lời nói suông./.

  Hoàng  Việt
RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới