Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBàn về cách hành xử của Trung Quốc trong vấn đề Biển...

Bàn về cách hành xử của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông thời gian gần đây

titleLà một
người Việt sống và làm việc ở nước ngoài từ lâu, mặc dù luôn quan tâm các vấn đề
thời sự nóng bỏng của quê nhà, nhất là các vấn đề biển đảo nhưng tôi ít khi ham
hố bày tỏ công khai quan điểm của mình về các vấn đề đó. Song trước những hoạt động
của Trung Quốc tại Biển Đông thời gian gần đây, tôi xin mạo muội chia sẻ đôi điều
suy nghĩ để mọi người có những đánh giá đúng đắn bản chất người láng giềng phương
Bắc của chúng ta.

Còn
nhớ, tại Hội nghị Ngoại trưởng ARF ở Hà Nội tháng 7/2010, các nước ASEAN đã kiên
trì bày tỏ lợi ích chung trong việc giữ gìn hoà bình, ổn định ở Biển Đông; Mỹ
khẳng định “lợi ích quốc gia” tại Biển Đông, khuyến khích giải quyết đa phương
vấn đề tranh chấp Biển Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU khẳng định lợi ích của
các bên về tự do hàng hải, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trung tâm trong
việc gìn giữ ổn định ở khu vực v.v…. Trước phản ứng của cộng đồng quốc tế Trung
Quốc đã tỏ ra bớt hung hăng hơn, cam kết thực hiện DOC, đồng ý nối lại cuộc họp
Nhóm làm việc về việc triển khai DOC tại Côn Minh (tháng 12/2010), trong nội bộ
Trung Quốc có những ý kiến tranh luận về “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc ở Biển
Đông.

Với
cách làm đó của Trung Quốc nhiều người đã tỏ ra hể hả, cho rằng Trung Quốc không
còn cao giọng và hung hăng trong vấn đề Biển Đông nữa, Biển Đông đã sóng yên biển
lặng, giờ là lúc chúng ta có thể ăn ngon ngủ yên. Thoạt đầu tôi cũng có cảm giác
như vậy nhưng nghĩ đi nghĩ lại tôi lại càng lo lắng trước cách làm “bình mới rượu
cũ” nhưng có thêm nhiều mưu mô và toan tính của Trung Quốc. Nhìn lại những việc
làm thực tế của Trung Quốc thời gian qua ta để thấy rõ bản chất đó của họ.

Trung Quốc tiếp tục triển khai dồn dập các hoạt động trên
thực địa. Về quân sự, Trung Quốc tăng cường ngân sách Quốc phòng (năm 2011 là
91,5 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2010). Trung Quốc tăng cường các cuộc tập trận
quân sự có quy mô tại Hoàng Sa và Trường Sa: Ngày 03/02/2011, Hạm đội Nam Hải
Hải quân Trung Quốc tiến hành diễn tập phòng ngự đảo tại Hoàng Sa. Đây là cuộc
diễn tập bất thường của Hạm đội Nam Hải. Lực lượng tham gia diễn tập gồm xe
tăng, pháo cao xạ, bộ binh và bộ đội cơ động. Mục đích cuộc diễn tập nhằm nâng
cao khả năng tác chiến thực tế của binh lính Trung Quốc đóng trên quần đảo
Hoàng Sa. Ngày 24/02, Biên đội tàu hộ vệ số 8 gồm 2 tàu “Ôn Châu” và “Mã Yên Sơn”
của hải quân Trung Quốc trên đường đi vịnh A-đen, khi đi qua khu vực quần đảo
Trường Sa đã tiến hành tập trận chống cướp biển bao gồm các hạng mục như: diễn
tập bắn đạn thật vũ khí hạng nhẹ, sử dụng máy bay trực thăng bay đêm, cất hạ cánh
trên tàu. Gần đây nhất, ngày 02/3, 2 tàu tuần tra số hiệu 71 và 75 của Trung
Quốc quấy nhiễu một cách trắng trợn tàu thăm dò của PLP đang hoạt động tại khu
vực bãi Cỏ Rong, gần Palawan của PLP.

 Trung Quốc tiếp
tục hoạch định và công bố các chính sách mới về biển đảo. Ngày 14/01/2011, tỉnh
Hải Nam đã thông qua “điều lệ xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải
Nam” trong đó nêu nhiệm vụ “thúc đẩy mở cửa, khai thác du lịch Hoàng Sa”. Ngày
19/01/2011, báo chí Trung Quốc đưa tin về dịch vụ bản đồ trực tuyến Map World đi
vào hoạt động, trong đó có thể hiện yêu sách “đường lưỡi bò” bao trùm hầu hết
diện tích tại Biển Đông. Tại kỳ họp Quốc hội tháng 3/2011, một số đại biểu quân
đội nêu chủ trương Trung Quốc cần tăng cường sức mạnh hải quân, kiến nghị đưa
quân đội trụ vững trên đảo, xây dựng cơ sở quân sự, dựng cột mốc, đẩy mạnh tuần
tra biển v.v…

   Trung Quốc tiếp
tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền báo chí về biển đảo với việc cho đăng tải nhiều
bài viết kích động cổ suý sử dụng vũ lực giải quyết tranh chấp Biển Đông, tăng
cường lực lượng quân sự, dùng vũ lực chiếm đảo; nhắc lại sự kiện Hoàng Sa 1974
và Trường Sa 1988, cho rằng cuộc chiến Trường Sa năm 1988 là do “hành động điên
cuồng không ngừng thôn tính, đánh chiếm các đảo Nam Sa của Việt Nam” và rằng “Việt
Nam điên cuồng mua sắm vũ khí” v.v… Đáng chú ý là, ngày 26/12, Thiếu tướng về hưu
Từ Quang Dụ nêu chủ trương cứng rắn trong vấn đề Biển Đông, cho rằng cần thực
hiện “tiên lễ hậu binh”, nếu đàm phán không được, các nước không chấp nhận cùng
khai thác thì phải sử dụng biện pháp cứng rắn gây sức ép, tăng cường tuần tra
trong phạm vi “đường 9 đoạn” ở Biển Đông, áp dụng biện pháp quyết đoán thu hồi
lại các đảo ở Biển Đông, nhấn mạnh rằng Trung Quốc là nước lớn, có lịch sử lâu đời,
giống như một con voi lớn, nhìn thì hiền lành, nhưng nếu có kẻ muốn tự phụ thì
sẽ bị xéo chết v.v…

Ngoài
ra, Trung Quốc né tránh việc triển khai đầy đủ DOC. Tháng 12/2010, Trung Quốc và
ASEAN đã tiến hành cuộc họp vòng 5 của Nhóm làm việc triển khai DOC tại Côn
Minh, Trung Quốc . Cuộc họp đã không đạt được kết quả đáng kể nào. Đây là kết
quả đã được dự báo trước,  tôi cho rằng Trung
Quốc chỉ lợi dụng cơ chế này để triệt tiêu DOC, chia rẽ ASEAN mà thôi. Việc Trung
Quốc thực thi đầy đủ DOC và tiến tới cùng ASEAN xây dựng COC dường như là rất
xa vời.

Tôi
cho rằng, mục tiêu khống chế Biển Đông, vươn lên thành cường quốc biển và bá
quyền khu vực của Trung Quốc trong tương lai là không thay đổi. Song do phản ứng
và bày tỏ thái độ của các nước, đặc biệt là phản ứng của Mỹ thời gian qua nên Trung
Quốc tạm thời có chút điều chỉnh mang tính sách lược như vậy. Bản chất hai mặt
và hết sức tham lam của Trung Quốc không hề thay đổi: trong khi phê phán, ngăn
cản các nước thì Trung Quốc lại tiến hành diễn tập quân sự rầm rộ ở Hoàng Sa và
Trường Sa. Trong khi phê phán Việt Nam “điên cuồng” mua sắm vũ khí thì năm nay
ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng 2 con số lên tới 91,5 tỷ USD, hàng năm
Trung Quốc lại dành 3-4 tỷ USD để mua sắm vũ khí hiện đại và nhất là Trung Quốc
đang gấp rút đóng mới tàu sân bay và tàu ngầm tấn công hạt nhân. Trung Quốc không
chỉ đòi hỏi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn đòi hỏi
chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông với yêu sách “đường lưỡi bò” được họ chính
thức đưa ra tháng 5/2009. Yêu sách này đòi hỏi 80 % diện tích Biển Đông, đây là
một yêu sách tham lam, hết sức vô lý song Trung Quốc lại không đưa ra bất kỳ một
lời giải thích công khai minh bạch nào. Yêu sách này của Trung Quốc khiến tôi nhớ
đến nhận xét của một nhà văn Pháp nói rằng “ai cũng có lòng tham, nhưng người Trung
Quốc là tham lam nhất”. Bây giờ tôi mới thấm thía lời nhận xét đó.

 Việc báo chí Trung Quốc đăng tải nhiều bài viết
mang tính kích động, cổ suý việc dùng vũ lực giải quyết tranh chấp, đánh chiếm
các đảo ở Biển Đông, bóp méo các sự kiện Hoàng Sa 1974 và Trường Sa 1988, nhất
là việc để cho Thiếu tướng Từ Quang Dụ có những phát biểu hết sức thiếu văn hoá
đe doạ trắng trợn các nước cho thấy Trung Quốc đã luôn dung túng các việc làm
sai trái thiếu thiện chí đó. Là thành viên thường trực Hội đồng bảo an, là cường
quốc kinh tế, là nước có nền văn hoá và lịch sử lâu đời, chẳng nhẽ lại Trung
Quốc lại có cách hành xử trắng trợn như vậy?

Vậy,
cách làm của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông có gì đáng chú ý? Tôi cho rằng, cách
làm của Trung Quốc là hết sức bài bản và quy mô, họ triển khai đồng bộ các biện
pháp đối nội đối ngoại. Một là, Trung
Quốc tiếp tục dùng sức mạnh quân sự để chiếm lĩnh trên thực địa, dụng kênh báo
chí tuyên truyền để bóp méo sự thật,  đe
doạ các nước. Hai là, Trung Quốc luôn
tìm cách làm chìm vấn đề Biển Đông, ru ngủ, chia rẽ các nước ASEAN, né tránh việc
thực thi DOC. Ba là, Trung Quốc luôn
tìm cách ly gián quan hệ ASEAN-Mỹ, gạt Mỹ ra khỏi các vấn đề Biển Đông và ảnh hưởng
của Mỹ đối với khu vực. Chỉ cần thời cơ chín muồi, chỉ cần Mỹ không tích cực
can dự, chỉ cần các nước ASEAN mất cảnh giác, Trung Quốc sẽ hành động. Vậy lúc đó
dân ta có được yên ổn thái bình không, non sông bờ cõi của ta có trụ vững được
không?

Năm
nay Việt Nam không còn giữ ghế Chủ tịch ASEAN, các nước ASEAN hiện vẫn bị chia
rẽ trong vấn đề Biển Đông, Mỹ thì đang phải đau đầu giải quyết nhiều khó khăn
trong các vấn đề đối nội, đối ngoại v.v… Trong bối cảnh đó, không hiểu chính
quyền Hà Nội đã nhận thức đầy đủ và đã có biện pháp ứng phó trước những âm mưu
và toan tính xảo quyệt của người láng giềng phương Bắc chưa?./.

Hai Phong

 

RELATED ARTICLES

Tin mới