Friday, April 19, 2024
Trang chủUncategorizedTrung Quốc xâm phạm trắng trợn chủ quyền biển của Việt Nam

Trung Quốc xâm phạm trắng trợn chủ quyền biển của Việt Nam

altCông  ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, hiến
chương của nhân loại về biển, được 160 quốc gia tham gia, đã quy định quốc gia
ven biển có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, tuy ở những
mức độ khác nhau, đối với 5 vùng biển là nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp
lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (ĐQKT) và thềm lục địa.

Đối với vùng ĐQKT,
Công ước quy định, quốc gia ven biển có chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối
với khu vực biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong tuyên bố
ngày 12/5/1977, Việt Nam
đã chính thức thông báo với thế giới về chủ quyền của mình đối với các vùng biển,
trong đó có vùng  ĐQKT. Lập trường của Việt
Nam
phù hợp với nội dung các quy định của Công ước LHQ về Luật biển 1982. Việt Nam
cũng là một trong những quốc gia đầu tiên ở Châu Á ký kết và tham gia Công ước
này, thể hiện đúng tư cách và trách nhiệm của một quốc gia ven biển. Trung Quốc
cũng là thành viên của Công ước 1982 nên cần tôn trọng và thực thi những quy định
của Công ước.

Ấy
vậy mà, ngày 26/5/2011, 3 tầu hải giám (marine surveillance) Trung Quốc, thực
chất là tầu quân sự được cải tạo lại, đã ngang nhiên và liều lĩnh xông vào cắt
cáp thăm dò dầu khí của tầu Bình Minh 02 thuộc tập đoàn dầu khí Việt Nam, khi tầu
đang tiến hành hoạt động thăm dò dầu khí bình thường trong vùng  ĐQKT của Việt Nam, chỉ cách mũi Đại Lãnh thuộc
tỉnh Phú Yên 116 hải lý, nằm sâu trong vùng ĐQKT của Việt Nam và chẳng liên
quan đến các tranh chấp hay các vấn đề  nổi
cộm nào liên quan đến Biển Đông. Tiếp đó, ngày 9/6/2011 tàu vũ trang đội lốt tàu
cá Trung Quốc dưới sự yểm trợ của hai tàu ngư chính đã ngang nhiên lao vào phá
hoại cáp của tàu Viking II do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thuê khi đang tiến hành
khảo sát ở Vùng đặc quyền kinh tế của việt Nam nằm cách xa bờ biển đảo Hải Nam
Trung Quốc 700 hải lý. Hai sự kiện liên tiếp cho thất cách hành xử ngang ngược,
bất chấp luật pháp quốc tế, tự làm hoen ố hình ảnh của một nước Trung Quốc  lúc nào cũng cao giọng, tranh thủ các diễn đàn
quốc tế để quảng bá cho một nước Trung Quốc đang trỗi dậy hoà bình, tôn trọng
chủ quyền và lợi ích của quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế.

Đáng
chú ý là ngoài hành động cho tầu hải giám cắt cáp thăm dò dầu khí của tầu Bình
Minh 02 trong vùng ĐQKT của Việt Nam và phá hoại cáp Trung Quốc đã tiến hành hàng
loạt hành động quấy nhiễu gây
hấn khác ở Biển Đông như: tầu Trung Quốc va chạm với tầu khảo sát đại dương của Mỹ
Impeccable hồi tháng 3/2009, , theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ, 5 tàu
của Trung Quốc đã lượn quanh và diễu hành một cách hiếu chiến nhằm quấy nhiễu
tàu Impeccable, khi tàu này đang thực hiện hoạt động thường lệ ở vùng biển quốc
tế. Tàu Trung Quốc còn thả một móc câu để làm hỏng thiết bị âm học được đặt
dưới nước của tàu Impeccable. Tháng 3/2011 Trung Quốc cũng đã cản
phá các hoạt động của tàu thăm dò địa chấn của Philippine, theo thông báo của
Philippines, khi một tàu nghiên cứu hải dương của Philippines M/V VERITAS
VOYAGER đang đo đạc địa chấn thì bị hai tàu tuần tra của Trung Quốc quấy nhiễu
tại khu vực bãi Cỏ rong (Reed bank) gần vùng biển Philippines. Tuy nhiên, vụ việc cắt cáp của tầu thăm dò dầu
khí của Việt Nam ngày 26/5/2011 cho thấy hành động của Trung Quốc đã tăng lên
mức độ đặc biệt nghiêm trọng vì nó xảy ra tại tọa độ nằm sâu trong vùng biển
thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, và là vụ gây hấn nghiêm trọng nhất kể từ
khi Trung
Quốc cho công khai yêu sách về “đường lưỡi bò” trên Biển Đông từ tháng 5/2009. “Đường lưỡi bò” được Trung Quốc vẽ sát vào bờ của các
quốc gia ven Biển Đông như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines
và chiếm đến 80% diện tích của Biển Đông. Yêu sách “đường lưỡi bò” được cả thế
giới coi là một hành động phá hoại Công ước Luật biển 1982, là sự chà đạp nghiêm
trọng lên lợi ích của các quốc gia khác trong khu vực Biển Đông, trong đó có
Việt Nam.

Hành động phá hoại các
tuyến cáp của tầu Việt Nam đang hoạt động bình thường trên vùng biển của mình,
không liên quan gì đến các vùng biển tranh chấp, một lần nữa cho thấy mức độ
táo tợn và trâng tráo của phía Trung Quốc, không hề đếm xỉa gì đến tư cách của một
quốc gia được coi là đất rộng người đông, đang tấp tểnh muốn đuổi kịp và vượt
Mỹ về mọi mặt. Đây là một hành động rất không đàng hoàng, rất tiểu nhân của một
nước, được coi là nước lớn, có vị thế quan trọng về kinh tế, văn hóa và có bề
dày  lịch sử đáng được trân trọng trên
thế giới. Hành động trên chỉ có thể coi là một hành động xuất phát từ một nhận
thức hết sức hoang đường của Trung Quốc là muốn dùng “đường lưỡi bò” để thu tóm
toàn bộ Biển Đông, biến Biển Đông thành ao nhà của mình, một nhận thức hết sức
phi luân thường đạo lý và mang nặng tính vị kỷ dân tộc. Ý đồ muốn chiếm trọn
Biển Đông hoàn toàn trái ngược với một Trung Quốc đang suốt ngày ra rả nói
Trung Quốc muốn chung sống hòa bình, muốn hợp tác với các nước xung quanh, mà
gần đây nhất là việc Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào kêu gọi “các
quốc gia châu Á hợp tác tốt hơn trong vấn đề an ninh để tránh những bất đồng tại
khu vực đã và đang gia tăng mâu thuẫn từ việc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ”
trong hội nghị diễn đàn Châu Á ở Bác Ngao tháng
4/2011, hay như Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt nói trong Hội
nghị An ninh châu Á lần thứ 10 tại Shangri La (Singapore) mấy hôm vừa qua, rằng Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với hòa bình ở châu Á và nước
này không theo đuổi việc chinh phục bằng sức mạnh quân sự, và
“Chúng tôi không tìm kiếm bá quyền và bành trướng quân sự”.

Với  sự kiện cắt cáp thăm dò
dầu khí của tầu Bình Minh 02 trong vùng biển Việt Nam ngày 26/5/2011 và phá hoại
cáp của tàu Viking II ngày 9/6/2011, Trung Quốc đã buộc cả thế giới phải thận
trọng với mọi phát ngôn và hành động của Trung Quốc, vì nó không được đảm bảo
bằng chính vị thế và tầm quan trọng của nước này. Dường như các nhà lãnh đạo của
Trung Quốc chỉ hoạt ngôn thế thôi chứ họ không hề suy nghĩ gì về giá trị và sức
nặng trong các lời cam kết của họ. Lời nói và hành động của Trung Quốc trái
ngược nhau như vậy chỉ càng làm tổn hại hình ảnh của một nước Trung Quốc và làm
mất đi lòng tin và sự tin cậy của các quốc gia khác mà thôi.   

Việt Nam là một quốc gia biển, dân tộc Việt Nam từ
ngàn xưa đã gắn bó, tìm hiểu khai thác và thực hiện chủ quyền đối với vùng biển
thân yêu và thiêng liêng của mình. Dân tộc Việt Nam cũng là một dân tộc đã chịu
nhiều thiệt hại do những cuộc chiến tranh phi lý do nhiều quốc gia khác tiến
hành hòng hủy diệt ý chí độc lập dân tộc, ý chí bảo vệ chủ quyền của mình.
Nhưng qua các cuộc thử thách ấy, dân tộc Việt Nam luôn khẳng định ý chí quật
cường của mình để bảo vệ từng tấc đất mà cha ông đã để lại cũng như đã và sẽ
bảo vệ từng mét nước trên biển mà chúng ta có chủ quyền phù hợp với luật pháp
quốc tế. Dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, mong muốn hòa hiếu và làm bạn
với các dân tộc khác trên thế giới, nhưng không vì thế mà làm mất đi những giá
trị cũng như truyền thống đã hun đúc trong suốt chiều dài phát triển của lịch
sử dân tộc. Xin được trích ra đây phát biểu của Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ
trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam để kết thúc bài viết này “Việt Nam yêu chuộng hoà
bình nhưng khi đứng trước nguy cơ mất chủ quyền thì nhân dân Việt Nam sẽ làm
tất cả để bảo vệ nó” và “Hòa bình của
chúng ta không phải là cầu hòa, Việt Nam không chấp nhận hòa bình lệ thuộc. Khi
ta đã làm tất cả những gì có thể để gìn giữ hòa bình mà nước khác cứ muốn xâm
hại lợi ích của đất nước ta thì lúc đó, thế của ta sẽ như cánh cung kéo hết, đã
buông dây cung thì đó là sức mạnh vô cùng to lớn của cả dân tộc để bảo vệ Tổ
quốc mình”./.

Minh Ngọc

 

RELATED ARTICLES

Tin mới