Saturday, October 5, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt NamMỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ NHỮNG SÁCH DƯ ĐỊA ...

MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ NHỮNG SÁCH DƯ ĐỊA CHÍ CỔ CỦA TRUNG QUỐC

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ và các học giả Trung Quốc nhiều lần khẳng định Trung Quốc có chủ quyền từ lâu đời đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, tức là coi hai quần đảo này như là một phần cương vực của Trung Quốc.

Bài viết này sẽ nghiên cứu nội dung những sách dư địa chí cổ chính thống và những ghi chép về địa lý trong những bộ chính sử Trung Quốc trong nhiều thời đại để có cơ sở kết luận về việc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có thuộc cương vực lãnh thổ Trung Quốc hay không.

Ghi chép về địa lý trong các bộ chính sử do các triều đại phong kiến Trung Quốc biên soạn

Trong các bộ chính sử của các triều đại phong kiến Trung Quốc như Hán thư, Đường thư, Tống sử, Nguyên sử, Minh sửHoàng triều thông điển (đời nhà Thanh) đều có chương hoặc sách riêng viết về địa lý và giới hạn cương vực của Trung Quốc gọi là “Dư địa chí”. Các chương hoặc những bộ sách này chép đặc điểm địa lý Trung Quốc theo từng đơn vị hành chính, cho đến cấp huyện.

Những ghi chép địa lý về phạm vi cương vực của Trung Quốc tại vùng lãnh thổ tiếp giáp với Nam Hải (biển Đông) được thể hiện đặc biệt rõ ràng trong Đại nguyên nhất thống chí (Địa chí nước Đại Nguyên thống nhất), Đại Minh thống nhất chí (Địa chí nước Đại Minh thống nhất) và Đại Thanh nhất thống chí (Dư địa chí nước Đại Thanh thống nhất).

Ảnh minh họa: Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, một tài liệu ghi nhận chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường  Sa thuộc về Việt  Nam.

Đại nguyên nhất thống chí ghi rõ:

“Lộ Quỳnh Châu: Lãnh 7 huyện gồm Quỳnh Sơn, Trừng Mại, Lâm Cao, Văn Xương, Lạc Hội, Hội Đồng, Định An.

Núi sông:

Lạc Vân Lĩnh: ở huyện Lâm Cao

Nam Lai Lĩnh: ở huyện Văn Xương, nam 35 dặm

Bao Hỗ Lĩnh: ở huyện Văn Xương

Đồng Cổ Lĩnh: ở huyện Văn Xương, tục truyền dân lấy được trống đồng, xét nghiệm thấy đây là cái chuông mà Gia Cát vũ hầu dùng để đi đánh dẹp người Man, nhân đó đặt là Đồng Cổ Lĩnh (Núi Trống Đồng).

Thất Tinh Lĩnh: ở huyện Văn Xương, gần bờ biển, hình thế như chuỗi hạt trai.

Nam Sơn Nham: trong địa giới lộ Quỳnh Châu

Quân Vạn An: Lãnh 2 huyện gồm huyện Vạn An, huyện Lăng thuỷ

Quân Cát Dương: Lãnh 1 huyện Ninh Viễn.

Núi Sông:

Tài Lang Lĩnh: ở huyện Ninh Viễn, quân Cát Dương, còn nói là ở Nhai Châu, cách thành 3 dặm, tức là nơi Rùa Đá.

Chung Diên Lĩnh: ở huyện Ninh Viễn Quân Cát Dương (Quyển 10).”

Không phần nào trong sách này chép địa danh “Thiên Lý Trường Sa”, “Vạn Lý Thạch Đường”.

Đại Minh thống nhất chí ghi rõ :

“Phủ Quỳnh Châu:

Sắp đặt hành chính: Lãnh 3 châu 10 huyện: Quỳnh Sơn, Trừng Mại, Lâm Cao, Định An, Văn Xương, Hội Đồng, Lạc Hội, Đảm Châu, Xương Hoá, Vạn Châu, LăngThuỷ, Nhai Châu, Cảm Ân.

Hình thể: nằm trong biển, rộng ngàn dặm, quận nằm trong biển cả, Châu Nhai như vựa thóc lớn, phía nam nhìn về Liên Sơn, như có như không, bốn quận một đảo, nước triều có khác, giữa là Lê Động (nơi dân tộc Lê cư trú).

Phần “Núi sông” không thấy chép địa danh “Thiên Lý Trường Sa”, “Vạn Lý Thạch Đường” (quyển 82).”

Đại Thanh nhất thống chí ghi rõ cương vực Phủ Quỳnh Châu như sau:

“Phủ Quỳnh Châu:

Sắp đặt hành chính: thuộc tỉnh Quảng Đông, lãnh 3 châu 10 huyện: Quỳnh Sơn, Trừng Mại, Định An, Văn Xương, Hội Đồng, Lạc Hội, Lâm Cao, Đảm Châu, Xương Hóa, Vạn Châu, Lăng Thủy, Nhai Châu, Cảm Ân.

Hình thể: nằm trong biển, rộng ngàn dặm, quanh co hơn hai ngàn dặm, ngang 800 dặm, bốn châu mỗi châu chiếm một góc đảo, ngoài giáp biển cả, trong là Lê Động”

Phần “Núi sông” không chép địa danh “Thiên Lý Trường Sa”, “Vạn Lý Thạch Đường” (quyển 452-453).

Các bộ sách địa chí nói trên đều do quan chức hai viện Hàn lâm, Quốc sử quán triều đình biên soạn và được trình lên vua “Ngự lãm” (duyệt). Có bộ địa chí còn có lời tựa của nhà vua, như Đại Minh nhất thống chíĐại Thanh nhất thông chí. Đây là những công trình được biên soạn công phu bởi bộ biên tập gồm hàng trăm người được kiểm tra hết sức kỹ lưỡng và cuối cùng còn được nhà vua phê duyệt. Rõ ràng, các bộ sách dư địa chí chính thống nói trên do các triều đình phong kiến Trung Quốc biên soạn là văn kiện chính thức của nhà nước thể hiện rõ giới hạn phạm vi lãnh thổ của Trung Quốc.

Về đảo Hải Nam, các bộ sách địa chí nói trên ghỉ chép rất tỉ mỉ lịch sử quy chế hành chính và núi sông các châu, huyện trên đảo này, nhưng không thấy chép bất kỳ quần đảo nào ở Biển Đông. Đại Thanh nhất thống chí chép rất tỷ mỉ về núi sông phủ Quỳnh Châu (đảo Hải Nam), cho đến cả gò nổi trên sông, khe động, hang núi … nhưng không đề cập gì đến các địa danh “Thiên Lý Trường Sa“, “Vạn Lý Thạch Đường“, mà người Trung Quốc xưa dùng để chỉ các quần đảo ở Biển Đông.

Các sách địa lý do các học giả Trung Quốc biên soạn

Sách địa chí do các học giả biên soạn, đời Tống có Thái Bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử, Dư độc kỷ thắng của Vương Tượng Chi, Phương dư thăng lãm của Chúc Mục, Dư địa quảng ký của Âu Dương Mâu; đời Minh có Lịch đại cương vực biển của Hoàn Trường Cơ; đời Thanh có Thiên hạn quân quốc lộ bệnh thư của Cố Viêm Vũ, Độc sử phương dư kỷ yếu của Cố Tử Vũ (1678), Quảng dư ký của Dương Bá Sinh (1808), Hoàng triều dư địa lược của Nghiêm Đức Chỉ (1834), Trung Quốc địa lý học giáo khoa thư của Đồ Ký (1906). Về phủ Quỳnh Châu, tác giả các bộ sách này đều chép địa lý các châu, huyện trên đảo, không chép bất kỳ quần đảo nào ở Biển Đông. Trong cuốn Trung Quốc học địa lý giáo khoa thư, tác giả còn ghi rõ toạ độ điểm cực Nam lãnh thổ Trung Quốc, cụ thể là: “Phía Nam từ vĩ độ Bắc 18o13’, tận cùng là bờ biển Nhai Châu đảo Hải Nam, phía Bắc đến vĩ độ Bắc 53o50’, tận cùng là chỗ gặp nhau giữa sông Hắc Long Giang và sông U-xu-ri; phía Tây đến kinh tuyến 42o11’, tận cùng là núi Tùng Lĩnh. Nam Bắc gồm hơn 36 vĩ độ, rộng hơn 7.100 dặm, Đông Tây gồm hơn 36 độ, dài hơn 8.800 dặm. Diện tích 32.605,156 dặm vuông, chiếm ¼ châu Á, 1/10 lục địa thế giới, lớn hơn cả châu Âu”.

Ngoài ra, còn có một số sách về địa lý của phủ Quỳnh Châu, trong đó đáng chú ý là cuốn Quảng Đông thông chí và Quỳnh Châu phủ chí. Quảng Đông thông chí do Hách Ngọc Lân soạn năm 1731 viết “Phủ Quỳnh Châu đến tỉnh thành 1700 dặm. Đất nằm trong biển, rộng 970 dặm, dài 975 dặm. Từ Lôi Châu (một huyện ở Cực Nam bán đảo Lôi Châu) qua biển một ngày thì đến. Quỳnh Sơn là nơi đô hội, ở Bắc đảo. Đảm (Châu) ở biên thuỳ phía Tây, Nhai (Châu) ở biên thuỳ phía Nam. Vạn (Châu) ở biên thuỳ phía Đông. Giữa là Lê Động. Muôn núi chập trùng. Bên ngoài biển cả bao quanh. Nơi xa tiếp giáp các đảo quốc.

Quỳnh Châu phủ chí (Địa chí Phủ Quỳnh Châu) do Minh Nghi soạn năm 1841 cũng chép về cương vực phủ này tương tự Quảng Đông thông chí, cụ thể là : “Quỳnh Châu ở trong biển. Đông Tây cách nhau 970 dặm, Nam Bắc cách nhau 975 dặm. Từ Từ Văn (một huyện ở Cực Nam bán đảo Lôi Châu) qua biển một nửa ngày có thể đến. Quỳnh là nơi đô hội, ở phía Bắc đảo. Đảm (châu) ở biên thuỳ phía Tây, Nhai (Châu) ở biên thuỳ phía Nam. Vạn (châu) ở biên thuỳ phía Đông. Đông Lê bao bọc bên trong. Muôn núi chập trùng. Bên ngoài biển cả bao quanh. Nơi xa tiếp giáp các đảo Di. Sách cổ Quỳnh Quản nói rằng : Ngoài là biển cả, giáp châu Urisumijiliang; Nam là Chiêm Thành; Tây là Chân Lạp, Giao chỉ; Đông là Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường; phía Bắc giáp huyện Từ Văn Phủ Lôi Châu.

“Cương vực” phủ Quỳnh Châu được mô tả như trên rõ ràng chỉ bao gồm bản thân đảo Hải Nam mà Đảm Châu, Nhai Châu, Vạn Châu đều là “biên thuỳ” của phủ này. “Thiên Lý Trường Sa”, “Vạn Lý Thạch Đường” cũng như Chiêm Thành, Chân Lạp, Giao Chỉ đều là những nơi được sử dụng làm phương vị để định rõ vị trí địa lý Phủ Quỳnh Châu, không nằm trong cương giới của phủ này, nghĩa là không thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

Sách Trung Quốc cổ viết về nước ngoài:

Đời Tống có Chư phiên chí (1225), đời Nguyên có Đảo di chí lược (1349), đời Minh có Tinh sai thắng lãm (1416), Doanh nhai thăng lãm (1410), Hải ngữ (1520), đời Thanh có Hải quốc văn kiến lục (1730), Hải quốc đồ chí (1820), Hải ngoại di phiên lục (1843), Doanh hoàn chí lược (1848), Quốc triều nhu viễn ký (1880) …

Có thể nói, sách cổ Trung Quốc viết về nhiều quốc gia thời đó ở Đông Nam Á, Nam Á, và Tây Á. Điều nhất quán trong các sách đó là mô tả hai quần đảo ở Biển Đông với tên gọi “Thiên Lý Trường Sa“, “Vạn Lý Thạch Đường” và coi các quần đảo này thuộc địa phận nước ngoài, không thuộc cương vực của Trung Quốc. Sách Chư phiên chí ghi lại quan niệm của tác giả Quỳnh Quán Chí (một cuốn sách địa chí viết về đảo Hải Nam, đời Tống), lấy hai quần đảo ở Biển Đông với tên gọi như trên cùng với “Chiêm Thành“, “Chân Lạp” làm phương vị để xác định vị trí đảo Hải Nam. Sách Đảo di chí lược, Hải ngữ đều coi hai quần đảo là những thực thể địa lý được xếp thành mục riêng, như các quốc gia khác. Tác giả của Hải ngữ còn nói “Vạn Lý Trường Sa” là “bãi cát trôi của Tây Nam Di”. Tác giả Hải ngoại phiên di lục, coi “Vạn lý Trường Sa” là “phên dậu bên ngoài của An Nam”. Trong Hải quốc đồ chí, hai quần đảo ở Biển Đông với tên gọi “Thiên Lý Trường Sa“, “Vạn Lý Thạch Đường” được thể hiện trên bản đồ “Đông Nam Dương các quốc duyên cách đồ“, tức bản đồ các nước vùng Đông Nam Á ngày nay, nghĩa là hai quần đảo này thuộc Đông Nam Á, không thuộc Trung Quốc.

Qua nghiên cứu nói trên, người ta có cơ sở khoa học và lịch sử để rút ra một số nhận xét sau đây:

Một là, những sách dư địa chí chính thống cổ của do các triều đại phong kiến Trung Quốc biên soạn, những ghi chép địa lý trong các bộ chính sử Trung Quốc và những sách cổ do các học giả Trung Quốc biên soạn không có ghi chép về các quần đảo ở biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hai là, những bộ sách và ghi chép về địa lý nói trên đều xác định giới hạn cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là bờ biển Nhai Châu, đảo Hải Nam. Sau này, vào cuối đời nhà Thanh, điểm cực Nam còn được xác định chính xác tại toạ độ 18013′ Bắc.

Ba là, nhiều sách Trung Quốc cổ nói về nước ngoài do các học giả Trung Quốc biên soạn xác định “Thiên lý Trường Sa”, “Vạn Lý Thạch Đường”, mà người Trung Quốc ngày nay giải thích là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thuộc các nước khác, không phải của Trung Quốc.

Như vậy, có thể kết luận rằng các quần đảo ở biển Đông (mà người Trung Quốc gọi là Nam Hải) chưa bao giờ là một bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc. Việc Chính phủ và các học giả Trung Quốc cho rằng Trung Quốc có chủ quyền lâu đời đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không có cơ sở và thực chất chỉ là sự xuyên tạc lịch sử để phục vụ cho mưu đồ bành trướng ở biển Đông.

Nguyễn Kim

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới