Friday, April 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiYÊU SÁCH NGANG NGƯỢC CỦA TRUNG QUỐC VỀ ĐƯỜNG LƯỠI BÒ TIẾP...

YÊU SÁCH NGANG NGƯỢC CỦA TRUNG QUỐC VỀ ĐƯỜNG LƯỠI BÒ TIẾP TỤC BỊ PHẢN ĐỐI CHÍNH THỨC

“Đường lưỡi bò”, còn gọi là “đường chữ U” hay “đường chín đoạn” đã từng được biết đến là yêu sách ngang ngược, không có cơ sở lịch sử, pháp lý và thực tiễn của Trung Quốc đối với Biển Đông. Yêu sách “đường lưỡi bò” được Trung Quốc chính thức đưa ra trong hai công hàm của phái đoàn thường trực nước CHDCND Trung Hoa gửi Liên Hợp quốc ngày 7/5/2009 khi phản đối Báo cáo chung Việt Nam – Malaysia và Báo cáo riêng của Việt Nam về ranh giới ngoài thềm lục địa. Bản đồ “đường lưỡi bò” đính kèm công hàm của phía Trung Quốc cho thấy nó chiếm đến 80% diện tích Biển Đông. Phía Trung Quốc cho rằng “theo bản đồ đính kèm, Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo trong vùng biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và các vùng nước liền kề, và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển của các vùng đó”.

Ai cũng biết rằng Biển Đông là một vùng biển nửa kín nằm ở rìa phía Tây Thái Bình Dương, với diện tích khoảng 3,5 triệu km2, được bao bọc không chỉ có Trung Quốc mà còn có các quốc gia Đông Nam Á khác như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Brunei, Thái lan…

“Đường lưỡi bò” phi lý do Trung Quốc tự vẽ, bị nhiều nước phản đối. Ảnh: BBC.

“Đường lưỡi bò” mà Trung Quốc yêu sách, xuất phát từ Vịnh Bắc Bộ, chạy sát bờ biển miền Trung của Việt Nam khoảng 50 đến 100 km, xuống phía Nam chạy sát bãi Tăng Mẫu (James Shoal) của Malaysia, đảo Natuna của Indonesia và vòng lên phía Bắc, chạy sát đảo Palawan của Philippines, phủ lên một vùng nước mà Philippines tuyên bố chủ quyền, và kết thúc ở eo biển Luzong giữa Philippines và Đài Loan. Trong các bản đồ của Trung Quốc, “đường lưỡi bò” thường được thể hiện dưới dạng ký hiệu của đường biên giới quốc gia với dụng ý coi đó là đường biên giới trên biển.

Kể từ đó đến nay, nếu như tính đến thời gian Trung Quốc còn ngại công khai yêu sách của mình ở Biển Đông để thế giới biết, thì yêu sách “đường lưỡi bò” đã được đề cập, nghiên cứu trong giới học giả, các luật gia chuyên sâu về biển của cộng đồng quốc tế, đã được bình luận, phản bác trong nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế về Biển Đông. Đã tốn nhiều giấy mực để mổ xẻ, phân tích những điểm vô lý, ngang ngược trong yêu sách này. Có thể nhắc lại như sau:

Thứ nhất, nguồn gốc xuất xứ của “đường lưỡi bò” không thống nhất ngay chính trong những tài liệu của Trung Quốc, và trong những công trình nghiên cứu do các học giả Trung Quốc đưa ra. Có tài liệu cho rằng đường này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1914 do một nhà địa chất Trung Quốc tên là Hu Jinjie vẽ. Có tài liệu nói rằng đường này lần đầu tiên xuất hiện năm 1947 trong một atlas cá nhân của một quan chức Trung Hoa Dân quốc tên là Bai Mei Chu. Có tài liệu cho rằng nó xuất hiện năm 1950 khi được in chính thức trên bản đồ “Trung Hoa Nhân Dân Công Hoà quốc phân tỉnh tinh đồ”. Có câu chuyện kể lại rằng trong những năm 70, ông Bai Mei Chu này (ở Đài Loan) được mời đến Bắc Kinh để giải thích tại sao ông lại vẽ “đường lưỡi bò” trên bản đồ biển của Trung Quốc thì ông đã không thể giải thích và không thể đưa ra một lý do xác đáng nào cho những nét vẽ của mình. Lúc đầu đường lưỡi bò được vẽ thành 11 đoạn. Đến năm 1953, không hiểu lý do gì đường này lại được thể hiện bằng 9 đoạn, bỏ hai đoạn năm trong Vịnh Bắc Bộ. Có thể thấy rằng, yêu sách này được xuất phát từ một ý tưởng, có phần hoang tưởng, của một cá nhân, sau đó được nhà nước Trung Quốc lợi dụng vì mục đích chính trị và mưu đồ muốn độc chiếm Biển Đông. Nhưng Trung Quốc đã quên rằng “đường lưỡi bò” được vẽ một cách tuỳ tiện, không thống nhất ngay cả khi thể hiện trên các bản đồ mà Trung Quốc đã in, nên sẽ không bao giờ được cộng đồng quốc tế chấp thuận.

Thứ hai là cho đến nay phía Trung Quốc cũng không có hoặc không thể có tài liệu hoặc văn bản nào xác định và công khai cụ thể những toạ độ cũng như vị trí chính xác của các đường đứt đoạn này, kể cả trong công hàm của Trung Quốc gửi Liên Hợp quốc tháng 5/2009. Trung Quốc cũng không thể chính thức giải thích tại sao “đường lưỡi bò” lại là đường đứt đoạn chứ không phải là đường liền mạch để chỉ rõ phạm vi chủ quyền của mình. Trung Quốc muốn thế giới hiểu đường gianh giới không liền mạch này là vùng nước “danh nghĩa lịch sử”, “vùng nước lịch sử” hay “biên giới trên biển” của Trung Quốc nhưng Trung Quốc quên một vấn đề mang tính thực tiễn pháp lý quốc tế, đó là là tính ổn định và dứt khoát, một đặc tính quan trọng nhất của một đường biên giới quốc gia. Thực tiến quốc tế cho thấy chưa hề có một tiền lệ tương tự.

Thứ ba là Trung Quốc cho đến nay vẫn không thể đưa ra những bằng chứng lịch sử và pháp lý có cơ sở thuyết phục để thế giới thấy là Trung Quốc đã đề cập đến và thực hiện chủ quyền đối với vùng biển nằm bên trong đường yêu sách lưỡi bò từ lâu nay. Tại các hội thảo quốc tế liên quan đến Biển Đông, các học giả Trung Quốc liên tục bị chất vấn về điều này nhưng không một ai đưa ra được những chứng cứ cụ thể. Lập luận do các học giả Trung Quốc đưa ra thường mập mờ, và đôi khi còn mâu thuẫn với nhau. Trung Quốc chỉ yêu sách như vậy nhưng không thể và không bao giờ chứng minh được cơ sở lịch sử và pháp lý cho yêu sách ngang ngược của mình. Bởi Trung Quốc quên rằng chính các tư liệu lịch sử của Trung Quốc như Đại Nguyên nhất thống chí (năm 1294), Đại Minh nhất thống chí (năm 1461) và Đại Thanh nhất thống chí (năm 1842) đều khẳng định “cực nam của lãnh thổ Trung Quốc là Nhai huyện, đảo Hải Nam”. Nếu cứ cho là Trung Quốc có chủ quyền từ lâu đời với vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” thì tại sao trong tuyên bố của chính phủ Trung Quốc về các vùng biển ngày 4/9/1958, một tuyên bố chính thức đối với thế giới, lại không hề nhắc đến một câu chữ nào về “vùng nước lịch sử” đường lưỡi bò trên Biển Đông. Thậm chí, trong Điều 1 của tuyên bố nói trên, Trung Quốc nói: “chiều rộng lãnh hải nước CHND Trung Hoa là 12 hải lý. Điều khoản này áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của nước CHND Trung Hoa, bao gồm lục địa Trung Quốc và các đảo ven bờ của lục địa cũng như các đảo của Đài loan và xung quanh đó, quần đảo Bành Hồ và tất cả các đảo khác thuộc Trung Quốc bị phân cách với đất liền và các đảo ven bờ biển của nó với biển cả”. Điều 4 trong tuyên bố của Trung Quốc có đề cập đến các đảo bị phân cách giữa lãnh thổ trên đất liền Trung Quốc bởi biển cả là Đài Loan, quần đảo Truờng Sa và các đảo khác. Như vậy, nếu Trung Quốc có “vùng nước lịch sử” là “đường lưỡi bò” thì hà tất gì Trung Quốc phải tuyên bố như vậy?. Trong các văn bản pháp lý khác sau đó của Trung Quốc như: Pháp lệnh về lãnh hải và vùng tiếp giáp (1992); Tuyên bố về đường cơ sở lãnh hải (1996); Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (1998) cũng hoàn toàn không tuyên bố gì về “vùng nước lịch sử” này.

Thứ tư là nếu lấy Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982, một văn kiện pháp lý cơ bản về biển đã được 161 quốc gia phê chuẩn và tham gia, trong đó Trung Quốc là quốc gia thứ 92 phê chuẩn và tham gia công ước năm 1996, làm cơ sở thì có thể nói là yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc hoàn toàn vô nghĩa. Công ước Luật biển 1982 không có điều khoản nào ghi nhận khái niệm về vùng nước lịch sử. Khái niệm này chỉ được hình thành qua phán quyết của Toà án công lý quốc tế (ICJ) với vụ ngư trường Anh – Na uy năm 1951, mà sau đó vùng nước lịch sử được hiểu là vùng nước người ta đối xử như vùng nước nội thuỷ, trong khi nếu các vùng nước này thiếu một danh nghĩa lịch sử thì nó sẽ không có tính chất đó”. Nếu như Trung Quốc thực sự có chủ quyền rõ ràng, liên tục với “vùng nước lịch sử” là “đường lưỡi bò” trên Biển Đông thì chắc chắn rằng vấn đề này đã phải được bàn cãi rất mạnh mẽ trong quá trình xây dựng Công ước từ năm 1973 đến 1982, và phải được Công ước Luật biển 1982 ghi nhận, và hẳn là Trung Quốc không phải đợi đến năm 2009 mới thông báo cho thế giới biết yêu sách này.

Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc sau khi công khai đã vấp phải những phản ứng mạnh mẽ của không những các nước liên quan đến Biển Đông như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines mà còn từ các nước đứng ngoài tranh chấp chủ quyền nhưng có lợi ích thương mại, hàng hải đối với Biển Đông như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ… Đặc biệt là trong giới học giả, các nhà nghiên cứu, các luật gia luật biển quốc tế. Đã có rất nhiều hội thảo quốc tế diễn ra tại Việt Nam, Indonesia, Mỹ… bàn về vấn đề Biển Đông, yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc và những giải pháp cho tranh chấp chủ quyền trên vùng biển này. Bài viết này chỉ muốn nhấn mạnh đến các quan điểm chính thức của một số quốc gia đối với yêu sách “đường lưỡi bò” ngang ngược của Trung Quốc.

Chỉ một ngày sau khi Trung Quốc gửi công hàm có kèm theo bản đồ “đường lưỡi bò”, Việt Nam đã chính thức phản đối. Trong công hàm gửi Tổng Thư ký Liên Hợp quốc, Việt Nam nêu rõ: “quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận của lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo. Yêu sách của Trung Quốc đối với các đảo và vùng nước phụ cận trên Biển Đông, thể hiện trong bản đồ đính kèm công hàm của Trung Quốc, không có cơ sở lịch sử và thực tiễn, vì vậy nó hoàn toàn vô giá trị”. Quan điểm thẳng thắn và dứt khoát của Việt Nam còn được thể hiện trong các phát biểu chính thức của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Chỉ trong năm 2010, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã 19 lần lên tiếng, trong đó có những phản đối công khai yêu sách “đường lưỡi bò” và những hoạt động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông.

Công hàm của Malaysia gửi Tổng Thư ký Liên Hợp quốc hơn một tháng sau đó (20/5/2009) nêu rõ “Báo cáo chung Việt Nam Malaysia về ranh giới ngoài thềm lục địa là việc làm hợp pháp để thực hiện trách nhiệm của các quốc gia tham gia Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982” và “trước khi nộp Báo cáo chung này chính phủ Malaysia đã thông báo cho phía Trung Quốc biết”. Điều này có thể hiểu là Malaysia, tuy không trực tiếp phản đối yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc, nhưng việc Malaysia có đòi hỏi chủ quyền đối với khu vực quần đảo Trường Sa và cùng Việt Nam nộp Báo cáo chung về gianh giới ngoài thềm lục địa, trong vùng “đường lưỡi bò”, là biểu hiện Malaysia không công nhận tính “không thể tranh cãi” trong yêu sách của Trung Quốc.

Sau khi Việt Nam và Malaysia chính thức lên tiếng phản đối, ngày 8/7/2010, Indonesia cũng gửi công hàm tới Tổng Thư ký Liên Hợp quốc đề cập về bản đồ đường lưỡi bò và “cái gọi là chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc”. Indonesia là một quốc gia không có yêu sách chủ quyền gây tranh cãi đối với Biển Đông. Chính vì vậy, Indonesia có quan điểm không thiên vị và tích cực trong việc xây dựng lòng tin giữa các quốc gia có yêu sách cũng như xây dựng môi trường hoà bình trong khu vực. Kể từ năm 1990 Indonesia đã tổ chức nhiều hội thảo quốc tế với chủ đề quản lý các xung đột tiềm tàng ở Biển Đông. Công hàm của Indonesia nêu rõ Indonesia theo rõi sát sao tranh cãi về bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc và cho rằng “cho đến nay không có một sự giải thích rõ ràng nào về cơ sở pháp lý, phương pháp thể hiện và thực trạng pháp lý của những đường đứt đoạn này”.Và “chính vì vậy, cái gọi là bản đồ đường chín đoạn trong công hàm của Trung Quốc ngày 7//5/2009 rõ ràng là thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và cũng ngang với việc bác bỏ Công ước Luật biển 1982”. Lại xin lưu ý là Trung Quốc là nước thứ 92 ký và phê chuẩn Công ước.

Gần đây, dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm khi Philippines cũng đã lên tiếng chính thức phản đối yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Trong công hàm gửi Tổng Thư ký Liên Hợp quốc ngày 5/4/2011, chính phủ Philippines đã nêu quan điểm của mình về yêu sách của Trung Quốc đối với các đảo và vùng nước liền kề trong Biển Đông, thể hiện trong “đường lưỡi bò” như sau: “yêu sách của nước CHDCND Trung Hoa, phản ánh trong bản đồ “đường chín đoạn” trong các công hàm của Trung Quốc ngày 7/5/2009 sẽ không có cơ sở theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982”. Tuy có cách trình bày không dễ hiểu, dùng nhiều thuật ngữ pháp lý, và chủ yếu để bảo vệ chủ quyền đối với nhóm đảo Kalayan (KIG) thuộc quần đảo Trường Sa mà Philippines tuyên bố chủ quyền, nhưng có thể thấy lập trường của chính phủ Philippines, từ sự e ngại và nhún nhường trước đây đã được thay bằng quan điểm công khai và khá rõ ràng: Mọi đường yêu sách chủ quyền, trong đó có “đường lưỡi bò”, nếu không xuất phát từ nguyên tắc “đất thống trị biển”, không đáp ứng các yêu cầu pháp lý và kỹ thuật của Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 thì đều vô giá trị, và Philippines tôn trọng cơ sở của Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 để giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Như vậy là cho đến nay, yêu sách phi lý của Trung Quốc về “đường lưỡi bò” đã bị bốn nước ASEAN chính thức lên tiếng bác bỏ. Đây là những quốc gia có lợi ích bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tấm bản đồ thể hiện yêu sách “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc ngang nhiên áp đặt, bất chấp những chuẩn mực trong quan hệ quốc tế, bất chấp những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bất chấp cả những mâu thuẫn về lịch sử, mâu thuẫn về cơ sở pháp lý và kỹ thuật thể hiện trên bản đồ mà Trung Quốc không thể và không bao giờ có thể giải thích được để dư luận quốc tế có thể chấp nhận được. Đòi hỏi ngang ngược của Trung Quốc được khẳng định bằng những ngôn từ chắc chắn như “chủ quyền không thể tranh cãi” hay “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc ở Biển Đông, lúc công khai, lúc mập mờ, hoàn toàn không dựa trên những lập luận hay bằng chứng xác thực, sẽ trở thành những điều bất lợi cho chính bản thân Trung Quốc khi quốc gia này đang cố tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về một nước Trung Quốc đang trỗi dậy hoà bình, một quốc gia có tiếng nói và vị thế trong quan hệ quốc tế.

Biển Đông, dù gọi là South China Sea, Nam Hải, hay như thế nào chăng nữa, dù muốn hay không muốn, Trung Quốc vẫn phải chấp nhận một thực tế, đó là một vùng biển có vị trí quan trọng, liên quan đến chín quốc gia và một vùng lãnh thổ, là phần không thể thiếu trong chính sách phát triển của tất cả các quốc gia xung quanh Biển Đông cũng như các quốc gia ngoài khu vực này. Biển Đông trong lịch sử cũng như hiện tại chưa từng bao giờ là ao nhà của Trung Quốc với cái gọi là “vùng nước lịch sử” chiếm gần 80% diện tích. Thế giới ngày nay cũng không phải là thế giới như ngày xưa – cá lớn nuốt cá bé. Khi xu hướng toàn cầu hoá, xu hướng các quốc gia phải hợp sức lại với nhau để đối phó với những nguy cơ đang ngày càng gia tăng, ảnh hưởng chung đến toàn thế giới, thì một đòi hỏi hoặc yêu sách ngang ngược của Trung Quốc về “đường lưỡi bò” sẽ vấp phải những phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt của cộng đồng khu vực cũng như cộng đồng quốc tế, sẽ trở thành một vấn đề quốc tế, mặc dù Trung Quốc không muốn./.

Minh Ngọc

RELATED ARTICLES

Tin mới