Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTrung Quốc: Đối tác thiếu thiện chí của Mỹ trong ngăn chặn...

Trung Quốc: Đối tác thiếu thiện chí của Mỹ trong ngăn chặn khủng hoảng tiềm tàng tại khu vực

Biendong.net – 17/8. Tờ báo Buổi sáng Sydney (The Sydney Morning Herald) đã đăng tải bài viết của ông Peter Hartcher, nhà báo Australia và là biên tập viên chuyên mục quốc tế và chính trị, với tựa đề: “US finds unwilling partner in China to avert potential crisis in region” (tạm dịch: Trung Quốc chưa phải là đối tác thiện chí với Mỹ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tiềm năng trong khu vực). Nội dung như sau:

Với nguy cơ ngày càng tăng xuất phát từ các rủi ro va chạm hải quân có thể leo thang thành cuộc đụng độ ngoài ý muốn giữa Mỹ và Trung Quốc, một quan chức Mỹ cho biết Bắc Kinh đang từ chối nỗ lực nhằm thiết lập các nghị định để ngăn chặn khủng hoảng.

 

Ông Kurt Campbell, quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ chịu trách nhiệm về chính sách ở châu Á nói: “Chúng tôi đã cố gắng để làm cho Trung Quốc hiểu rõ điều đó quan trọng như thế nào để đặt các thể chế và chính sách đúng vị trí nhằm giám sát bất kỳ sự cố nào”.


Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Cambell. Ảnh Internet.

Trước đây, Mỹ và Liên Xô đã đưa ra một số thỏa thuận để ngăn chặn các rủi ro về hải quân trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhằm tránh để bùng lên thành cuộc xung đột nóng, nhưng hiện Trung Quốc đang từ chối mọi cách tiếp cận của Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Herald, ông Campbell khẳng định: “Chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của nó” và “các lực lượng của Mỹ và Trung Quốc càng ngày càng hoạt động bên cạnh nhau. Do đó, cần phải có khả năng dự báo trước trên biển và trên không phận biển”.

Tuần trước, với việc thử nghiệm tàu sân bay đầu tiên, Trung Quốc ngày càng khẳng định bản thân và đã từng có đụng độ với Nhật Bản, Việt Nam, Philippines và Hoa Kỳ trong hai năm qua.

Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia, ông Hugh White cho biết: “Có lẽ Trung Quốc đã chuẩn bị trước để thúc đẩy các nguy cơ vì Trung Quốc có thể khai thác các sự cố này để khẳng định tuyên bố của mình”.

Hiện Australia đang tăng cường hỗ trợ cho quân đội Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ngay cả khi số lượng và cường độ xuất hiện các sự cố với Trung Quốc đang gia tăng. Ngoại trưởng Australia Kevin Rudd và Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith, sẽ đi Mỹ vào tháng tới để chuẩn bị cho cuộc họp AUSMIN hàng năm và thảo luận về định hướng hợp tác quân sự chặt chẽ hơn giữa hai nước.

Trong một bài phát biểu tại Cuộc đối thoại về quyền lãnh đạo giữa Australia và Mỹ tổ chức ở Perth vào cuối tuần qua, Thủ tướng Australia Julia Gillard cho biết: “Điều này là nhằm kiến tạo một tương lai… bằng cách phát triển các thể chế, tiêu chí, nguyên tắc và thói quen tham vấn và cùng hợp tác để giảm thiểu nguy cơ xung đột hoặc tính toán sai, giám sát các vụ xích mích tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang tăng trưởng và thay đổi, đồng thời duy trì thịnh vượng của khu vực này. “

Các lực lượng của Hoa Kỳ và Trung Quốc đã xảy ra các vụ cọ sát dọc theo bờ biển Trung Quốc, khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền 200 hải lý ngoài khơi, trong khi Mỹ thực hiện quyền tự do hàng hải.

“Hoạt động của chúng tôi rõ ràng là ở hải phận quốc tế và hoàn toàn phù hợp với Luật Biển của Liên Hợp Quốc”, ông Campbell phát biểu.

Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, đẩy nước này vào cuộc xung đột trực tiếp với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei.

Philippines khẳng định Trung Quốc đã 9 lần xâm phạm vào vùng biển của nước này trong sáu tháng qua và Hải quân Trung Quốc đã cắt cáp của tàu khảo sát Việt Nam, tạo nên một phản ứng giận dữ từ phía Việt Nam.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Thôi Thiên Khải, sau đó nhận xét: “Tôi tin rằng một số quốc gia đang đùa với lửa. Và tôi hy vọng Hoa Kỳ sẽ không bị bỏng bởi ngọn lửa này.”

Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kêu gọi Trung Quốc và các bên tranh chấp khác xác định mức độ yêu cầu của mình như một khúc dạo đầu cho cuộc đàm phán. Giáo sư White cho biết Trung Quốc đã từ chối đề nghị của Mỹ về hệ thống giám sát khủng hoảng vì Trung Quốc nghi ngờ Washington sẽ sử dụng công cụ này như là một cách thức để duy trì hiện trạng./.

Nguồn: The Sydney Morning Herald.

Peter Hartcher là một nhà báo Australia và là biên tập viên mục chính trị và quốc tế của tờ Sydney buổi sáng, đồng thời là thành viên của Viện Lowy, một trong những think-tank về chính sách đối ngoại có trụ sở tại Sydney.

RELATED ARTICLES

Tin mới