Tuesday, April 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt NamThuỷ quân thời chúa Nguyễn đã từng làm chủ toàn bộ vùng...

Thuỷ quân thời chúa Nguyễn đã từng làm chủ toàn bộ vùng biển Đàng Trong

BienDong.Net: Thủy quân dưới thời các chúa Nguyễn (1558 – 1777) đã hoàn toàn làm chủ vùng biển đảo Đàng Trong, đặt nền móng xác lập chủ quyền biển đảo Việt Nam, đặc biệt là chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo sử sách, thủy quân thời các chúa Nguyễn được tổ chức theo thuyền, đội, cơ và dinh. Ngoài lực lượng chính quy, thời kỳ này còn tồn tại một số các đội thuyền được tổ chức khá đặc biệt.

 

Tại các phủ ven biển, chúa Nguyễn đều đặt riêng các đội thuyền chuyên đi thu nguồn lợi từ các đảo về. Trong đó, đội Hoàng Sa ở phủ Quảng Ngãi được xem là lớn nhất, làm nhiệm vụ khai thác và kiểm soát quần đảo Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa được biên chế và tổ chức như một thủy đội biệt lập, kiêm quản luôn đội Bắc Hải hoạt động ở vùng đảo Trường Sa.

Chính sử triều Nguyễn ghi rằng, đội Hoàng Sa là một tổ chức khá đặc biệt trong thời kỳ các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Đó là một tổ chức vừa mang tính dân sự vừa mang tính quân sự, vừa tư nhân vừa Nhà nước; vừa có chức năng kinh tế vừa có chức năng quản lý nhà nước trên một vùng rộng lớn của Biển Đông thời ấy.

Theo TS Nguyễn Nhã, đội Hoàng Sa ra đời sớm nhất từ thời chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), hay chắc chắn là từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), bởi chính vào thời này, các thuyền của đội Hoàng Sa mới đi vào cửa Eo (Thuận An) và nộp sản vật tại chính dinh Phú Xuân. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đội Hoàng Sa vẫn tồn tại và hoạt động dưới nhiều triều đại khác nhau.

Tượng đài đội Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn. Ảnh: Đại đoàn kết.

Đội Hoàng Sa sử dụng một loại thuyền buồm nhẹ và nhanh nên dễ dàng né tránh các đá san hô cũng như dễ dàng cập được vào bờ các đảo san hô như ở Hoàng Sa và cũng thích hợp với hoàn cảnh của dân chài vùng biển Sa Kỳ, Cù lao Ré”, TS Nguyễn Nhã cho biết.

Bên cạnh đội Hoàng Sa và Bắc Hải, dưới thời các chúa Nguyễn còn tồn tại một lực lượng các đội thuyền thường xuyên tuần tra trên biển – có nhiệm vụ “đánh bắt cướp biển…phát hiện, đánh đuổi các tàu nước ngoài do thám, can thiệp, đồng thời còn làm nhiệm vụ truyền tin.

Chính nhờ lực lượng truyền tin mà năm 1643 chúa Nguyễn Phúc Tần mới có thể kịp thời đem thủy quân đánh đuổi tàu chiến của Hà Lan. Các chúa Nguyễn còn thiết lập Ty tàu, là cơ quan phụ trách việc quan hệ với tàu thuyền nước ngoài…

Về thuyền chiến, có rất nhiều loại. Thuyền chiến Đàng Trong thời kì này chủ yếu là thuyền pháo, được trang bị trực tiếp súng pháo trên các thuyền. Mỗi chiến thuyền đều có ít nhất một khẩu pháo ở đằng mũi. Tùy dạng thuyền mà số lượng pháo nhiều ít có khác nhau… Sử liệu ghi lại rằng dưới thời các chúa Nguyễn đã có các xưởng chuyên đúc súng và xưởng đóng thuyền chiến.

Sức mạnh của thủy quân chúa Nguyễn được khẳng định và đánh giá cao qua những trận thủy chiến với tàu Tây phương. Theo sử sách ghi lại cũng như theo Nguyễn Phúc tộc thế phả, năm 1644 người Hà lan theo yêu cầu của Chúa Trịnh mang 3 chiếc tàu chiến bọc đồng rất lớn, trang bị vũ khí tối tân vào của biển Eo (cửa Thuận An – Huế) nhưng có lẽ do của biển cạn nên không vào được, mà đổi hướng tiến vào cửa Hàn (Đà Nẵng) nổ súng uy hiếp quân chúa Nguyễn.

Đây là lần đầu tiên đối đầu với tàu chiến ngoại quốc nên Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan triệu tập triều thần để bàn định. Chúa Thượng gọi một người Hà Lan đang buôn bán ở đây để hỏi, tên này khoe khoang lực lượng hải quân Hà Lan “bách chiến bách thắng”, hàm ý đe dọa. Chúa Thượng tự ái, bị tổn thương nên dứt khoát tấn công, ra lệnh thế tử Dũng Lê Hầu Nguyễn Phúc Tần (sau này kế nghiệp cha trở thành Chúa Hiền) chỉnh đốn thủy quân ra cửa Hàn đón đánh, còn mình đích thân trợ chiến tại cửa Thuận An.

Dũng Lê Hầu điều động 200 chiến thuyền, bốn phía vây hãm 3 chiếc chiến hạm của giặc. Mặc dù đại bác của giặc bắn xối xả nhưng thuyền của nhà Nguyễn nhẹ, cơ động nên vẫn bám sát chiếm hạm của giặc tấn công. Trước sự chiến đấu gan dạ anh dũng, một chiến hạm của giặc không chịu được phải luồn lách chạy thoát ra biển, chiếc thứ hai va vào đá ngầm chìm nghỉm. Chiếc thứ ba ngoan cố chống trả. Dũng Lê Hầu cho quân sĩ len lỏi lên thuyền giặc đánh gãy bánh lái, cột buồm, và tiến đánh xáp lá cà dồn giặc vào thế tuyệt vọng. Biết khó thoát nên tên thuyền trưởng bèn ra lệnh đốt kho thuốc súng trên tàu làm chiến hạm vỡ tan và bốc cháy thiêu rụi toàn bộ binh đội của chúng ở tên tàu. Đây là trận thủy chiến đầu tiên với chiến hạm nước ngoài và là chiến công oanh liệt nhất của thủy quân chúa Nguyễn.

Cuối thế kỷ 16, khi hoành hành cướp phá bờ biển Trung Quốc, Hải tặc Nhật Bản cũng tràn qua cả nước ta. Chúng kéo nhau đến Cửa Việt vào năm 1585. Hoàng Tử Nguyễn Phước Nguyên, con thứ sáu của Chúa Nguyễn Hoàng, đã điều binh đánh chìm hai chiếc tầu Ngọa khấu (giặc lùn Kenki). Đây là sử liệu đầu tiên đề cập đến mối liên hệ giữa Nhật Bản và Đàng Trong. Năm 1599, một chiếc tàu Kenki khác bị mắc cạn tại Cửa biển Thuận An cũng bị một tướng của Chúa Nguyễn Hoàng chận bắt được. Đầy đủ trang cụ bị tịch thu, cả thủy thủ đoàn tàu cướp biển bị bắt.  Hai năm sau, 1601, Chúa Nguyễn Hoàng gửi bức thư ngoại giao chính thức đầu tiên của nước ta đến Tướng Quân Shogun Tokugawa. Hai xứ Việt Nhật bắt đầu lập giao thương đường biển. Thương điếm vùng Hội An được thành lập với nhiều thương nhân ngoại quốc và đặc biệt đông nhất là người Nhật Bản, bắt đầu phát triển mạnh mẽ.

Dù không còn phải dụng binh nhiều sau năm 1802, Thủy quân Nhà Nguyễn vẫn còn rất mạnh. Nước Anh đưa thư xin ngoại giao thông thương ba bốn lần đều bị khước từ. Năm 1803 khi một Hạm đội của họ gồm 7 chiếc tàu tiến từ Biển Đông theo đường sông vào Hà Nội, bị quân ta đốt cháy. Không thấy chính phủ Anh Cát Lợi phản đối. Có lẽ vì Anh Quốc biết rằng mình có lỗi khi xâm nhập hải phận và lãnh thổ Việt Nam một cách bất hợp pháp, nên mọi việc cũng êm. Tài liệu hiếm này được Nhà Quân Sử Phạm Văn Sơn ghi lại trong Việt Sử Toàn Thư, xuất bản năm 1960, trang 591.

Như vậy, dưới thời các chúa Nguyễn, lực lượng thủy binh thực sự là một lực lượng quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ vùng đất các các chúa cai quản, kiểm soát và làm chủ vùng biển Đàng Trong. Trên nền tảng đó, sau khi thống nhất đất nước, nhà Nguyễn có cơ sở để tiến hành đo đạc, kiểm soát và chính thức xác lập chủ quyền biển đảo Việt Nam, đó là những bằng chứng xác thực khẳng định chủ quyền của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa .

Vĩnh Khang

RELATED ARTICLES

Tin mới