Thursday, April 18, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnDân mình bám biển: Thuyền thúng gắn máy ra khơi

Dân mình bám biển: Thuyền thúng gắn máy ra khơi

BienDong.Net: Trên các vùng biển Việt, hình ảnh những chiếc thuyền thúng gắn máy ra khơi đánh cá ngày càng trở nên quen thuộc.Nhiều nơi, lượng thuyền thúng cơ động này nhiều gấp hai, ba lần số lượng tàu các loại.

Mới chỉ xuất hiện từ hai ba năm trở lại đây, phương tiện đánh bắt thủ công kết hợp cơ giới này đang cho thấy những ưu việt và cả những vấn đề đặt ra cần phải giải quyết một cách rốt ráo.

 

Thuyền thúng gắn máy ra đời xuất phát từ tình trạng giá xăng dầu tăng chóng mặt, hàng ngàn tàu thuyền của ngư dân phải nằm bờ vì ra khơi “thu không đủ chi”. Trong khi đó, ngư dân mình bám biển cả đời đâu dễ bỏ biển để chuyển sang nghề khác, nguồn vốn lại hạn hẹp. Trong cái khó khăn ấy, ai đó đã có sang kiến lắp động cơ vào thuyền thúng để ra khơi. Bây giờ, phát minh này đã được nhân rộng và trở thành phổ biến ở các vùng biển. Người ta gọi nó là thúng máy- chiếc thuyền thúng được lắp máy vô cùng cơ động.

Thúng máy qua cải tiến rút kinh nghiệm giờ đã có hình dáng khác với loại thuyền thúng bình thường. Có ba loại thúng: loại đan bằng tre ; loại dùng nhôm và một loại dùng vật liệu composit- phương án mới nhất và cũng được nhiều người ưa chuộng nhất. Thúng này không phải hình tròn, mà có hình bầu dục như hình chiếc thuyền, có đường kính trên dưới 3m. Sau đó, người ta lắp máy Đông Phong có công suất từ 4 – 12CV lên trên và phía dưới có lắp chân vịt.

Thúng máy của ngư dân thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn( Quảng Ngãi) Ảnh: Báo SGTT.

Một ngư dân cho biết: “Đi biển mỗi ngày một khó. Sắm ghe lớn thì không đủ tiền, còn ghe nhỏ, dầu nhớt ăn hết cả tiền vốn. Thôi thì… phá cách làm thúng máy mà ra khơi”. Chi phí mỗi chiếc thúng máy từ 5- 18 triệu đồng. So với nhiều phương tiện đi biển, sử dụng thúng máy không mất sức, ít tốn nhiên liệu mà lại hiệu quả. Một thúng máy có công suất 6CV chạy 4 hải lý chỉ sử dụng khoảng 30-40 ngàn đồng tiền dầu. Một thúng máy khi ra khơi nhiều nhất chỉ có hai ngư dân, một người cũng có thể đi được. Sản phẩm là mực, tôm, cá thu, cá hố, cá liệt…Mỗi ngày, trừ chi phí, mỗi thúng máy cũng thu được vài trăm ngàn đồng, có lúc thu về cả triệu đồng/ngày.

Thúng máy giờ đang đựoc ưa chuộng. Mùa biển lặng, ngư dân ra khơi mỗi ngày từ hai đến ba chuyến, còn những tháng biển động, mỗi ngày một chuyến, nhiều thuyền đểu đánh bắt xa đất liền hàng chục hải lý, hiệu quả không kém gì đánh bắt bằng tàu lớn. Có thúng máy ra khơi đánh bắt vài ba ngày mới quay lại vào bờ, có người chạy thúng máy từ Bình Hải ra tận đảo Lý Sơn hành nghề…..Gió cấp 6, thuyền ở bãi ngang không dám nhổ neo, nhưng nhiều thúng máy vẫn đi. Ra biển, mọi người kẹp thúng với nhau đánh cá, khi bị sóng úp thúng thì lật lại rồi làm tiếp, hôm nào gió lớn quá thì xúm vô 2 -3 người kéo thúng gác lên bãi,

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nghề ra khơi bằng thuyền thúng gắn máy là vô cùng vất vả nguy hiểm, nhất là vào mùa bão thường xảy ra lốc xoáy.

Một ngư dân tâm sự:. “ Làm nghề này tuy thu nhập ổn định, nhưng lúc nào cũng một mình trên chiếc thúng nhỏ, lênh đênh giữa biển cả mênh mông. Lo sợ đủ thứ nào là giông tố, nào bệnh tật bất ngờ, nào là giã cào bay, tàu thuyền lạ tung vào…, chả biết kêu ai. Và  đã  có không ít  vụ bị lật thúng, trong đó có vụ không cứu kịp”

Theo con số trên các báo quốc nội, từ đầu năm 2010 đến nay, ở tình Bình Thuận đã có 6 vụ lật thúng máy khi đang khai thác hải sản trên biển; trong đó 3 người chết hoặc mất tích. Nguy hiểm là thế, nhưng thúng máy đang có xu hướng ngày càng phát triển. Hiện toàn tỉnh đã có khoảng 3.000 chiếc thúng máy, riêng  thành phố Phan Thiết, có 1.000 thúng máy…

Chính vì vậy, theo ký giả Quang Phát, báo Bình Thuận, vấn đề đặt ra là bao giờ cơ quan chức năng sẽ quản lý, hướng dẫn cho người dân sử dụng, khai thác thúng máy hiệu quả và đảm bảo an toàn. Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ?

Đống Đa (tổng hợp)

RELATED ARTICLES

Tin mới