Thursday, April 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVăn hoá - Thể thao BiểnKý sự làng biển: Đi tìm hải trình biển Đông bằng thơ

Ký sự làng biển: Đi tìm hải trình biển Đông bằng thơ

BienDong.Net: Người làng biển lớn lên trong những câu hò điệu hát trên cát làng. Đi về phía biển Đông, làng úp mình trên cát. Tưởng làng khô khan với mùi tanh của cá, mùi nồng của mặn mòi nước biển.

Không. Làng biển có gia tài phong phú thơ ca hò vè. Một trong những gia tài đó là hải trình biển Đông bằng thơ tự do rất tài hoa. Người miền biển tự sáng tác, truyền lưu đời này qua đời khác để con cháu biết biển Đông là quê cha đất tổ.

 

Kỳ 2: Rưng rưng bóng dáng Hoàng Sa, Trường Sa

Sống nương tựa con nước biển Đông, làng biển xem biển là thần thánh cao cả, năm nào họ cũng cúng bái, các bài cúng rõ ràng, mạch lạc như một cách dạy bảo con cháu biết trân trọng biển cả

Có hải trình biển Đông đi ra, người miền cát Quảng Bình lại có hải trình đi vào. Những địa danh như Cửa Tùng, Huế, Hải Vân, Cửa Đại, Sa Kỳ, Phan Rang… hiện ra rõ ràng. Lại nữa, bóng dáng Hoàng Sa, Trường Sa cũng rưng rưng hiện về. Từng câu chữ đậm khí khái dân gian. Điều đặc biệt là hải trình biển Đông bằng thơ dụng rất ít từ Hán – Việt, một cách độc lập sáng tạo trong gia tài văn hóa người miệt biển.

Rưng rưng địa danh đi vào

Hải trình đi vào bằng thơ rộn ràng, tươi vui hơn đi ra. Người kẻ biển cắt nghĩa, đó là khẩu khí địa phương, và cũng là vùng đất dễ hòa nhập. Người đi biển tin những hòn đảo nhỏ giữa biển khơi, họ xem đó là mẹ, là cha, xem đó là nơi cứu rỗi trước tai ương gió chướng trên biển.

Hành trình đi vào như bài ca lạc quan kỳ lạ: “Hòn Hiền là mẹ là cha/ Ai đi tới đó cũng là bình yên/ Xuôi vô ba cạnh thẳng liền/ Cựa Tùng nằm đó một miền đất cao/ Biển khơi sóng vỗ rì rào/ Ngài khơi, kẻ lộng ra vào thảnh thơi/ Mụi Nam dắm hướng Mặt trời/ Thừa Thiên nằm đó ai đi đủ đầy… Buông qua Quảng Ngãi một hơi dặm trường/ Thuyền qua Quảng Ngãi mía đường/ Chộ Hoàng Sa đó, Trường Sa cũng nằm/ Lạch Tân, Kim Quang, Kim Bồng là đó/ Chốn thanh nhàn vui thú liên hương/ Người buôn, kẻ bán muôn phương/ Ai đi qua đó dạ thường say sưa/ Nào ai đi sớm về trưa/ Ngó lên phía núi chợ dừa Tân Quang…”.

Những Cửa Đại, Quảng Nam, rồi Quảng Ngãi thủ phủ mía đường, lại thấy Hoàng Sa, Trường Sa rưng rưng hiện rõ. Trên biển, người xưa thiếu bản đồ, la bàn, có thể cho Hoàng Sa, Trường Sa của Quảng Ngãi, cái nhầm đó là cái nhầm lẫn dễ thương.

Nhưng bụng dạ vẫn tỏ lòng là con người nước Nam, hai địa danh đó trong hải trình biển Đông bằng thơ vẫn thuộc về chủ quyền đất nước dân tộc Việt.

Hết hải trình bằng thơ đi ra và rồi một phần đi vào, đọc hết các bản sưu tầm và dị bản, thấy một điều đặc biệt; hải trình bằng thơ dùng khẩu ngữ địa phương mặn mòi sóng biển, hải trình dễ đọc dễ nghe, câu chữ xáp vào nhau ngọt ngào mùi biển cả.

Không có từ Hán – Việt. Bí quyết không dùng từ Hán – Việt nằm ở dụng nhiều câu chữ bản địa miệt biển, dễ nghe trước sóng gầm gió thét.

Nhiều ý cùng giải thích, người biển ăn sóng nói gió, nói oang oang, nghĩ nhanh, làm gấp, làm nhanh hơn con sóng, động tác lẹ hơn con cá quẫy mới bắt được cá.

Chính vì vậy mà thơ ca của họ không tròn trịa mà thô mộc như hạt cát, nhiều góc cạnh. Những câu thơ không cầu kỳ, muốn dễ nghe, dễ nhớ phải đơn giản. Càng đơn giản càng đi vào lòng người.

Tính truyền khẩu mang giao hưởng bình dân để “người ít học cũng thuộc, người tài cao cũng biết. Mà mục đích chính là vạch ra con đường đi trên biển thuận tiện cho cả những người lần đầu mới hành trình trên biển Đông”, lão ngư Trương Xa nhấn manh.

Đó cũng là tư chất của người miệt biển. Đi dọc, đi ngang biển Đông, tư chất vẫy vùng sóng nước, cần lời ăn, điệu nói rổn rảng, không cầu kỳ, không phức tạp để khi hát lên “cá dưới biển cũng nghe, nước biển Đông cũng hiểu”, một lời hò người biển sáng tác.

Làng biển cũng có những điệu trống để xướng hát khi hội hè trên cát

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Quảng Bình, cụ Nguyễn Tú từng nói rằng: “Người biển rất độc lập với những vùng khác. Bởi làng biển bị bao vây bởi rú cát, rồi cách đò trở sông, khó đi ra bên ngoài giao lưu, buộc họ phải độc lập, làng mạc xứ biển có việc lớn việc nhỏ thì chỉ trong làng cùng nhau xử sự, vậy nên, thơ ca họ làm ra cũng độc lập”.

Tính độc lập đó bám chặt vào khẩu ngữ địa phương, và họ giữ chặt vào thơ hải trình, găm chặt vào từng câu họ tả. Neo chặt, giữ bền như sợi thừng neo lái. Nếu không giữ chặt cốt cách đó, họ khó lòng mưu sinh với biển, khó lòng cao hơn ngọn sóng, khó lòng ưỡn ngực bắt cá, mưu sinh ngàn vạn đời trên cát bỏng nhức mắt.

Nhớ về ngọn hải đăng Hùng Vương

Suốt dọc dài tìm hiểu về hải trình bằng thơ, chúng tôi được nhiều ngư dân bô lão kể, trong các gia phả cổ của nhiều họ hàng vùng biển, mấy trăm năm trước còn ghi những chuyến di dân trên biển tràn đầy khí thế.

Người miệt biển Quảng Bình đã di dân vào đến Bình Thuận, Ninh Thuận, rồi Cà Mau… hình thành nên những cộng đồng cư dân gốc gác Quảng Bình vào các vùng đất đó tiếp tục nghề cá trên biển Đông.

Một thông tin được nghe kể nhưng chưa kiểm chứng đủ đầy, rằng các tục thờ phượng cá ông, cá ngài, lập đình, lập vạn để thờ cá voi hay lễ cầu mùa tại các vùng biển di dân cũng được theo vào và hành lễ trịnh trọng mỗi vụ mùa đánh bắt trên biển Đông.

Sau đó lan tỏa ra cư dân bản địa. Ngày xưa, muốn di cư, không có đường nào tốt hơn bằng đường biển, bởi đường bộ lúc đó vất vả, hiểm địa.

Đình làng người miệt biển là nơi bảo lưu nhiều nét văn hóa vùng biển.

Nhiều chiến thuyền chở vài chục đến hơn trăm người đã được nhà bác học Lê Quý Đôn xác nhận trong trước tác của mình là đã xuất hiện ở vùng biển Quảng Bình. Họ di dân như thế để kiếm tìm những vùng đất tốt tươi cho công cuộc làm ăn.

Và cuộc di dân đó họ cũng lồng lộng xướng lên một cách trữ tình những núi non, danh địa họ nhìn thấy từ biển vào đất liền: “Khen ai khéo tạc địa đồ? Xuống phường Vạn Hổ giang hồ thảnh thơi”.

Chuyến hành trình ấy, với họ xuống phương Nam đầy nắng gió là vùng biển dễ dàng quẫy vùng, dễ dàng làm ăn một cách thảnh thơi. Và câu thơ ấy cũng cho thấy càng xuống phương Nam càng thấy rõ sự lồng lộng của khuôn mặt nước non biển Đông rộng rãi, làm ăn cũng vui thú, giang hồ cũng tiêu dao.

Cuộc đi xuống phương Nam tìm vùng đất mới, họ thấy những hình hài phía đất liền tha thiết. Càng xuống phía Nam càng chan hòa nắng, chan hòa cảnh trí, họ lại ngời ngời thấy: “Núi Ô Rô bốn mùa đều khuất/ Ghe dựa mặt nồm bớc đều hay/ Xanh xang vãn cảnh là đây/ Núi cao dựng đứng đá xây ngàn trùng/ Núi trập trùng non hồng, nước biếc”.

Giữa chốn ngàn trùng vách đá, thủy biếc mênh mông, họ lại hướng về những vua Hùng dựng nước. Và chốn núi non ấy, với họ như là: “Tạc bia truyền dựng nước Hùng Vương”.

Phương Nam, với họ là nơi hội tụ của lòng người, nơi của phát đạt thì lại càng nhớ đến bậc Hùng Vương công lớn với ngàn đời con dân. Trước vô biên sóng cả, ngọn hải đăng sáng ngời Hùng Vương, ngư dân vẫn nhớ đó là gốc tích quê cha đất tổ, đó là gốc tích đời đời họ vẫn nhớ trong huyết quản tâm can. Cao trào những nhung nhớ ấy vút lên rất trữ tình, rất tự nhiên.

Một lão ngư khi ngâm ngợi phần thơ trữ tình này đã nói: “Giữa biển khơi, không thôi nhớ về Hùng Vương là cách ngư phủ răn mình nòi giống từ đâu.

Những địa danh gọi tên, xướng lên một cách dân dã cũng đủ hiểu, người kẻ biển yêu nước thương nòi. Chính họ đã khám phá hình ảnh phương Nam nhìn từ biển một cách chân thật, mặn mòi như nước biển Đông, thô mộc như hạt cát không phai”.

( còn nữa)

HÀN THƯ(Doanh Nhân Sài Gòn)

RELATED ARTICLES

Tin mới