Tuesday, April 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnViệt Nam - Anh khẳng định lợi ích tự do hàng hải...

Việt Nam – Anh khẳng định lợi ích tự do hàng hải ở Biển Đông

Biendong.net – Đối thoại chiến lược song phương, Việt Nam và Anh cho rằng việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn, và tự do hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam và Anh đã tiến hành đối thoại chiến lược lần thứ nhất ngày 26/10 tại London, hoạt động triển khai cam kết nêu trong Tuyên bố chung về Đối tác chiến lược ký giữa Chính phủ hai nước tháng 9/2010.

 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Jeremy Browne đồng chủ trì đối thoại, với sự tham gia của các quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an Việt Nam và Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ Anh.

Với quan hệ song phương tiếp tục được củng cố và mở rộng, đặc biệt trong 7 lĩnh vực ưu tiên nêu trong Tuyên bố chung về Đối tác chiến lược, Việt Nam khẳng định tiếp tục tích cực và chủ động triển khai chính sách hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, trong đó việc nâng cấp quan hệ với Anh lên Đối tác chiến lược là một thành tố quan trọng.

Khẳng định cam kết tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung, Anh nhấn mạnh cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về vấn đề quản trị tốt, trách nhiệm giải trình, minh bạch và quyền con người.


Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Jeremy Browne. (Ảnh: Ngân Bình/Vietnam+)

Để tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, Anh hoan nghênh chuyến thăm chính thức Anh của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng vào tháng 12/2011. Việt Nam cũng nhắc lại lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mời Thủ tướng Anh David Cameron thăm chính thức Việt Nam.

Khuyến khích COC về Biển Đông

Về an ninh khu vực, Quốc Vụ khanh Jeremy Browne khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của ASEAN và các cơ chế khu vực do ASEAN chủ đạo; đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch ASEAN năm 2010; bày tỏ mong muốn của Anh tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác của ASEAN.

Việt Nam hoan nghênh mong muốn nêu trên của Anh và ủng hộ Liên minh Châu Âu (EU) đóng vai trò tích cực hơn tại khu vực. Hai bên cũng thảo luận về tình hình Biển Đông; cho rằng việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn, và tự do hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Anh bày tỏ quan ngại trước những căng thẳng tại huyết mạch giao thương quốc tế quan trọng này; hy vọng các bên liên quan giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 và khuyến khích các bên đạt được một thỏa thuận về bộ quy tắc ứng xử (COC). Hai bên cũng thảo luận vấn đề chuyển dịch địa chính trị về sức mạnh kinh tế và an ninh.

Tăng cường hợp tác quốc phòng

Về quốc phòng, hai bên chia sẻ quan điểm và quan ngại về các xung đột đang diễn ra và các mối đe dọa đang nổi lên; thảo luận các giải pháp quốc tế và đa phương liên quan, cũng như các biện pháp tăng cường hợp tác giữa hai nước nhằm giảm thiểu các mối đe dọa trên.

Anh hoan nghênh đóng góp tiềm năng trong tương lai của Việt Nam đối với các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Hai bên mong muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, trong đó có việc trao đổi thường xuyên đoàn các cấp và ký Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng.

Hai bên cũng thảo luận vấn đề chống phổ biến, an ninh hạt nhân và các thách thức an ninh phi truyền thống, khẳng định việc chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt có ý nghĩa quan trọng đối với hòa bình và an ninh toàn cầu.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được những tiến bộ cụ thể trong lĩnh vực giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến, nhằm hoàn thành các cam kết nêu trong Chương trình hành động 2010 về không phổ biến hạn nhân, hướng tới mục tiêu chung dài hạn thế giới không vũ khí hạt nhân.

Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng ngăn chặn không để các công nghệ và nhiên liệu hạt nhân rơi vào tay khủng bố. Việt Nam và Anh nhất trí hợp tác trong các sáng kiến quốc tế như Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân và Sáng kiến Toàn cầu về Chống khủng bố hạt nhân.

Việt Nam thông báo các thủ tục nội bộ để ký và phê chuẩn Công ước được sửa đổi về Bảo vệ các vật liệu hạt nhân. Anh cam kết hợp tác với Việt Nam phát triển năng lực hạt nhân dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng phát triển năng lượng sạch phục vụ nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ.

Về vấn đề tội phạm quốc tế có tổ chức và chống khủng bố, hai bên khẳng định cam kết hợp tác đối phó với các mối đe dọa toàn cầu này. Anh hoan nghênh Việt Nam tham gia Hội nghị quốc tế về an ninh mạng sẽ diễn ra tại London vào tháng 11/2011.

Hai bên đã thảo luận về các loại tội phạm quốc tế có tổ chức và hoan nghênh hợp tác song phương hiện có trong lĩnh vực buôn bán người và rửa tiền; mong muốn ký Bản ghi nhớ về trao đổi thông tin xuất nhập cảnh.

Việt Nam và Anh cũng trao đổi về Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các Nghị định thư Palermo về buôn bán và vận chuyển người trái phép. Kết thúc đối thoại, hai bên nhất trí an ninh và quốc phòng là các trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược và sẽ tăng cường đối thoại trong thời gian tới trên tinh thần của Tuyên bố chung về Đối tác chiến lược Việt Nam – Anh.

Mai Trang

RELATED ARTICLES

Tin mới