Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChiến lược của Mỹ đối với Châu Á - Thái Bình Dương

Chiến lược của Mỹ đối với Châu Á – Thái Bình Dương

Biendong.net – Tạp chí Foreign Policy tháng 11/2011 có bài viết đáng chú ý của Ngoại trưởng Hillary Clinton “Chiến lược của Mỹ đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” với lập luận chính: Tương lai của chính trị sẽ được quyết định ở châu Á chứ không phải ở Iraq hay Afghanistan. Mỹ trong thập niên tới sẽ tăng cường đầu tư về ngoại giao, kinh tế, chiến lược và các mặt khác tại châu Á – Thái Bình Dương.

Một trong những công việc quan trọng nhất đối với các nhà chính trị của Mỹ trong thập niên tới là tăng cường đầu tư về ngoại giao, kinh tế, chiến lược và các mặt khác tại châu Á – Thái Bình Dương do tầm quan trọng của khu vực này đối với chính trị toàn cầu và đối với Mỹ.

Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực rộng lớn kéo dài từ lục địa Ấn Độ đến bờ biển phía Tây của Mỹ, chiếm ½ dân số toàn cầu, gồm nhiều quốc gia là đầu tầu của kinh tế thế giới và đồng thời cũng là những đối tượng thải ra chất gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất. Khu vực này gồm một số đồng minh chủ chốt của Mỹ và các cường quốc mới nổi quan trọng là Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.

 

Về thời điểm: Giống như thời kỳ sau chiến tranh Thế giới lần thứ 2, châu Á đang xây dựng một cấu trúc kinh tế – an ninh nhằm thúc đẩy ổn định và thịnh vượng tại khu vực, cam kết của Mỹ tại khu vực có tính sống còn với châu Á, giúp hình thành cấu trúc đó và sẽ mang lại lợi ích cho việc Mỹ tiếp tục lãnh đạo thế giới trong thế kỷ này. Vì thế đã đến lúc Mỹ cần đầu tư vào khu vực Thái Bình Dương như Tổng thống Obama đã đặt ra vào đầu nhiệm kỳ và đầu tư đó hiện đang mang lại mối lợi cho Mỹ.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Tổng thống Mỹ B. Obama tại EAS 6. Ảnh: rokdrop.com

Để trả lời thắc mắc của các nước về ý đồ của Mỹ, liệu Mỹ có can dự, ở lại châu Á và lãnh đạo hay không. Câu trả lời của Mỹ là: Mỹ có thể và sẽ hành động như vậy.

Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử hiện đại, châu Á cần sự lãnh đạo và vai trò kinh tế của Mỹ như hiện nay. Mỹ là cường quốc duy nhất có các mối quan hệ đồng minh mạnh tại khu vực; Mỹ không có tham vọng lãnh thổ và lâu nay đóng vai trò tích cực tại khu vực. Cùng với các đồng minh, Mỹ đóng vai trò đảm bảo an ninh tại khu vực nhiều thập niên qua: Tuần tra các tuyến đường biển và duy trì ổn định. Mỹ là đối tác đầu tư và thương mại quan trọng tại khu vực, là khởi nguồn sáng tạo mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và người lao động, là điểm đến hàng năm của 350 nghìn sinh viên châu Á.

Vậy chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ sẽ gồm những trụ cột nào? Trước hết, Mỹ cần thực hiện một cách nhất quán chính sách mà Ngoại trưởng Hillary gọi là ngoại giao “tiến công” (forward-deployed diplomacy). Ngoại giao “tiến công” nghĩa là Mỹ tiếp tục triển khai các công cụ ngoại giao, bao gồm các chuyến thăm của quan chức cấp cao nhất, các chuyên gia phát triển, các đoàn liên ngành, các cán bộ ngoại giao thường trú, tới tất cả các nước và mọi ngõ ngách của khu vực. Chiến lược của Mỹ cũng sẽ tiếp tục phải lý giải được và điều chỉnh cho phù hợp với những thay đổi lớn và nhanh chóng đang diễn ra tại khu vực. Theo đó, chiến lược này sẽ gồm 6 nhóm hành động lớn sau:

– Thứ nhất, tăng cường các mối quan hệ đồng minh an ninh song phương: Mỹ cùng với các đồng minh là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Thái Lan, Philippines cần: (1) Duy trì đồng thuận về chính trị đối với những giá trị cốt lõi của quan hệ đồng minh; (2) Bảo đảm quan hệ đồng minh linh hoạt và có tính thích nghi để đối phó thành công những thách thức mới cũng như tận dụng cơ hội mới; (3) Bảo đảm khả năng phòng thủ và hạ tầng thông tin để có thể răn đe bất cứ sự khiêu khích nào của các nhà nước và thực thể phi nhà nước.

– Thứ hai, tăng cường quan hệ với các quốc gia mới nổi là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Singapore, New Zealand, Malaysia, Mông Cổ, Việt Nam, Brunei và các quốc đảo tại Thái Bình Dương. Quan hệ với Trung Quốc là một trong những mối quan hệ song phương có nhiều thách thức và có tính hệ lụy nhất đối với Mỹ. Do vậy, Mỹ cần có cách đề cập cẩn trọng, nhất quán và năng động trên cơ sở thực tế, tập trung vào kết quả và trung thành với các nguyên tắc và lợi ích của Mỹ. Về Trung Quốc, Mỹ phản đối cả hai thái cực: Hoặc cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa đối với Mỹ, hoặc cho rằng Mỹ đang kiềm chế Trung Quốc. Thực tế, hợp tác giữa hai nước mang lại nhiều lợi ích hơn là đối đầu. Nhưng hai nước cũng không thể xây dựng quan hệ dựa trên khát vọng, mà phải thông qua hợp tác hiệu quả và điều quan trọng là đảm nhận được nghĩa vụ và trách nhiệm toàn cầu của mỗi quốc gia. Điều đó sẽ quyết định tương lai quan hệ hai nước trong thời gian tới. Mỹ sẽ tiếp tục đặt cơ sở quan hệ với Trung Quốc trong khung cảnh khu vực rộng lớn hơn về các liên minh an ninh, mạng lưới kinh tế và mối liên hệ xã hội.

Với Ấn Độ và Indonesia, Mỹ coi đây là hai cường quốc dân chủ quan trọng và năng động nhất tại khu vực. Mỹ ủng hộ Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ, ủng hộ cơ chế 3 bên mới hình thành Mỹ – Nhật – Ấn. Với Indonesia, Mỹ đã nối lại tập trận và ký một số hiệp định hợp tác, song hai bên cần làm việc hơn nữa để loại bỏ rào cản hành chính và những nghi ngờ mang tính lịch sử, cũng như làm rõ hơn quan điểm và lợi ích của nhau.

– Thứ ba, tăng cường can dự các thể chế khu vực: Mỹ tin rằng việc đối phó với các thách thức xuyên quốc gia cần các thể chế có khả năng tập hợp nhiều nước; rằng cấu trúc khu vực sẽ tăng cường cơ chế pháp quyền, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm tự do hàng hải vốn là những trụ cột của trật tự quốc tế. Do đó, Mỹ đã tiến hành can dự đầy đủ các thể chế khu vực, trong đó có các thể chế ASEAN, APEC và đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng chương trình nghị sự. Mỹ cũng đã mở cơ quan đại diện bên cạnh ASEAN tại Jarkarta. Tổng thống Obama sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2011 với cam kết củng cố APEC như là cơ chế hợp tác kinh tế quan trọng nhất tại châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ cũng nỗ lực sáng tạo và khởi động một số diễn đàn “tiểu đa phương” (minilateral) như Sáng kiến hạ nguồn Mê công (LMI) và Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương.

– Thứ tư, mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư với khu vực: nhằm thực hiện mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu của Mỹ vào 2015, Mỹ đang tìm kiếm cơ hội để tăng cường quan hệ kinh tế với khu vực (năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ tới châu Á là 320 tỷ USD, tạo ra 850 nghìn việc làm). Mỹ đang hướng tới các hiệp định thương mại mới với Hàn Quốc (giảm 95% thuế đối với xuất khẩu của Mỹ và giúp tạo ra 70 nghìn việc làm trong 5 năm tới, giúp tăng 10 tỷ USD xuất khẩu hàng năm của Mỹ). Với hiệp định TPP, Mỹ không chỉ nhằm tạo ra tăng trưởng kinh tế, mà tăng trưởng với chất lượng cao hơn. Bên cạnh đó, Mỹ tiếp tục thông qua APEC, G20 và các quan hệ song phương để thúc đẩy mở cửa thị trường, giảm rào cản thương mại, tăng cường minh bạch và thực hiện cam kết thương mại công bằng.

– Thứ năm, tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực: một mặt, Mỹ tiến hành “hiện đại hóa” các mối quan hệ quân sự với đồng minh tại Đông Bắc Á, mặt khác Mỹ tìm cách tăng cường hiện diện tại Đông Nam Á và Ấn Độ dương. Mỹ sẽ triển khai tàu tuần tra duyên hải (tàu chiến gần bờ) tại Singapore; đã thỏa thuận với Australia nhằm mở rộng hiện diện quân sự tại Australia. Mỹ cũng đang tìm cách tăng cường tiếp cận chiến thuật tại Đông Nam Á và Ấn Độ Dương.

– Thứ sáu, thúc đẩy dân chủ và nhân quyền: Mỹ sẽ tiếp tục thúc ép giục các nước tiến hành cải cách nhằm tăng cường quản trị, bảo vệ nhân quyền và tăng cường tự do chính trị. Với Myanmar, Mỹ quyết tâm yêu cầu giải trình về vi phạm nhân quyền. Mỹ không thể và không muốn áp đặt hệ thống của Mỹ lên các nước khác, song tin rằng có những giá trị nhất định mang tính phổ biến mà các nước cần tôn trọng.

Trong thập niên vừa qua, Mỹ đã đầu tư nguồn lực khổng lồ tại Iraq và Afghanistan. Khi hai cuộc chiến này đang đi tới hồi kết, Mỹ đứng trước một thời điểm bước ngoặt đòi hỏi phải suy nghĩ một cách khôn ngoan và có hệ thống. Châu Á – Thái Bình Dương chính là cơ hội cho Mỹ trong thế kỷ 21. Trong 2 năm rưỡi qua, Chính quyền Obama đã tiến hành những bước đi mở đường cho việc hướng tới chính sách can dự tại châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ trong 6 thập niên tới. Tuy nhiên, để bảo đảm và duy trì vị trí lãnh đạo thế giới, Mỹ không được quên di sản mang tính lưỡng đảng đã định hình chính sách can dự khu vực trong 6 thập niên qua và tập trung vào các biện pháp củng cố bên trong: tăng tiết kiệm, cải cách hệ thống tài chính, giảm phụ thuộc vào vay nợ bên ngoài và tìm cách vượt qua chia rẽ đảng phái.

Hương Giang (theo Nghiencuubiendong.vn)

RELATED ARTICLES

Tin mới