Saturday, October 5, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTẠP CHÍ TRI THỨC THẾ GIỚI CỦA TRUNG CỘNG LẠI VU CÁO...

TẠP CHÍ TRI THỨC THẾ GIỚI CỦA TRUNG CỘNG LẠI VU CÁO VIỆT NAM

Tháng 11-2011, tạp chí Tri thức thế giới Trung Cộng đăng bài vu cáo “Việt Nam là nước hung hăng nhất” trong việc tranh giành Nam Hải. Tác giả An Bình đã bác bỏ sự vu cáo đó trong bài “Không thể vừa ăn cướp, vừa la làng”[1]. Trong tháng 12 này, tạp chí Tri thức thế giới tiếp tục đăng bài “Nam Hải: điểm gây ra áp lực khi Trung Quốc trỗi dậy”, trong đó tiếp tục công kích Việt Nam: mức độ gay gắt trong tranh chấp Biển Đông là “chưa từng có, như có mây bao phủ”; “nước nổ phát súng đầu tiên” trong vấn đề Biển Đông là Việt Nam và Phi Luật Tân; “Việt Nam liên kết với Mỹ tổ chức diễn tập quân sự”; “Việt Nam là kẻ hai mặt”.

Trước hết, về tình hình Biển Đông hiện nay, bài báo đã có nhận định chính xác về mức độ gay gắt của các tranh chấp liên quan Biển Đông, nhưng lại nhầm lẫn về nguyên nhân làm cho tình hình Biển Đông hiện nay trở nên căng thẳng hơn.

 

Tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không phải mới xuất hiện. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, tranh chấp trở nên phức tạp hơn sau khi Trung Quốc dùng vũ lực cướp quần đảo Hoàng Sa và sau đó cướp một số đảo đá ở quần đảo Hoàng Sa mà họ biết là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Năm 2002, sau nhiều nỗ lực và thương thảo, ASEAN và Trung Quốc đạt được bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Tuyên bố thể hiện nhiều cam kết quan trọng giữa ASEAN và Trung Quốc, trong đó đặc biệt có cam kết không sử dụng vũ lực ở Biển Đông và các hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông. Tuyên bố đó đã thực sự góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.


Phản đối “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Ảnh: Internet.

Thế nhưng, từ sau năm 2009, Bắc Kinh tiến hành hoạt động mang tính đột biến ở Biển Đông, đẩy mâu thuẫn giữa Trung Quốc và các nước ven Biển Đông khác lên một mức độ mới, cao hơn và căng thẳng hơn. Tháng 5-2009, Bắc Kinh gửi đến Liên hợp quốc bản đồ có vẽ yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông. Không chỉ Việt Nam bất bình mà các nước khác như Phi Luật Tân, Mã Lai, Indonexia và Brunei cũng phản ứng quyết liệt. Điều 55 và Điều 76 của Công ước Luật Biển năm 1982 thì các nước ven Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa rộng tối thiểu 200 hải lý tính từ đường cơ sở của họ. Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc cắt sâu vào phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Indonexia và Brunei. Đòi hỏi theo “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trái với quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc cũng đã đặt bút ký. Buộc lòng Việt Nam, Mã Lai, Indonexia và Phi Luật Tân phải gửi công hàm cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc để phản đối đòi hỏi phi lý đó của Trung Quốc. Các công hàm phản đối đó đã được ông Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban-ki-mun chuyển đến tất cả các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc. Singapore không liên quan đến tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông cũng như không bị ảnh hưởng của “đường lưỡi bò”. Nhưng tháng 6-2011, Bộ Ngoại giao nước này cũng ra tuyên bố báo chí là Trung Quốc phải làm rõ yêu sách của mình. Động tác đó của Singapore không phải ngẫu nhiên. Nó cho thấy Singapore nghi ngờ tính đúng đắn trong đòi hỏi của Trung Quốc. Về phía học giả thì ngay tại các hội thảo tổ chức ở Bắc Kinh, Hải Nam và Đài Loan, nhiều học giả có tiếng tăm của quốc tế và khu vực cũng thẳng thắn khẳng định “đường lưỡi bò” là phi pháp.

Sau khi đưa “đường lưỡi bò” ra Liên hợp quốc, Bắc Kinh đẩy mạnh các hành động trên thực địa để thực thi đòi hỏi phi lý của mình ở Biển Đông. Trước hết, Bắc Kinh tăng cường cản trở, thậm chí bắt giữ nhiều ngư dân Việt Nam khi họ đánh cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Theo các phương tiện thông tin đại chúng cho biết, năm 2009, gần 100 ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt khi đánh cá ở Hoàng Sa. Năm 2010, số ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt khu vực quần đảo Hoàng Sa cũng tương đương như vậy. Hà Nội đã phải đưa một số vụ việc ra công luận. Dư luận xã hội Việt Nam hết sức bức xúc.

Đặc biệt từ đầu năm 2011, Trung Quốc ráo riết triển khai các hoạt động vi phạm chủ quyền biển, đảo và lợi ích chính đáng của Việt Nam và Phi Luật Tân. Phi Luật Tân cho biết cho đến tháng 7-2011, Trung Quốc đã có 7 lần vi phạm chủ quyền biển, đảo của Phi Luật Tân. Đối với Việt Nam thì hoạt động thù địch của Trung Quốc còn leo thang hơn. Nghiêm trọng nhất là ngày 26-5-2011, Bắc Kinh đã cho 03 tàu hải giám cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam ở trong thềm lục địa Việt Nam (vị trí cắt cáp chỉ cách bờ biển Việt Nam 116 hải lý). Việc làm đó của Bắc Kinh chính là lợi dụng ưu thế cường quốc, sử dụng vũ lực để phá hoại hoạt động kinh tế bình thường của Việt Nam. Các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông thực sự làm cho tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, đe dọa hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Chính giới và dư luận các nước ven Biển Đông cũng như ngoài khu vực lo lắng và phải lên tiếng về Biển Đông. Như vậy, Ban Biên tập Tạp chí Tri thức thế giới của Trung Cộng phải sửa kết luận lại là “Nước nổ súng đầu tiên làm cho tình hình Biển Đông căng thẳng hơn, không may lại là Trung Quốc”.

Tạp chí Tri thức thế giới còn nói Việt Nam không những cùng Mỹ tiến hành diễn tập quân sự liên hợp mà còn mời tàu chiến của Ấn Độ thăm, Chủ tịch nước thăm Ấn Độ cùng thời gian với Tổng Bí thư thăm Trung Quốc; và Việt Nam là “kẻ hai mặt”. Cần phải làm rõ tạp chí này đã bịa đặt khi nói Việt Nam cùng Mỹ tiến hành diễn tập quân sự liên hợp. Trung Cộng có một Đại sứ quán đồ sộ với đủ loại nhân viên tình báo ở Hà Nội để thu thập thông tin về Việt Nam. Hàng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Cộng đều nhận được tin và họ biết rằng Việt Nam không hề có diễn tập quân sự liên hợp với Mỹ ở Biển Đông. Việc Việt Nam mời tàu quân sự Ấn Độ thăm cảng Nha Trang là có, nhưng tàu chiến của nhiều nước như Nga, Úc, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, v.v… và thậm chí tàu chiến Trung Quốc cũng đã đến thăm Việt Nam theo lời mời của hải quân Việt Nam. Đáp lại, tàu chiến Việt Nam cũng đã đến thăm các cảng Trung Quốc và các nước khác. Việc mời tàu chiến Ấn Độ thăm cũng giống như việc mời tàu chiến Trung Quốc. Chẳng lẽ hải quân Việt Nam tránh mời tàu chiến Ấn Độ vì Bắc Kinh không thích? Tương tự, chẳng lẽ Tổng Bí thư Việt Nam đang thăm Trung Quốc nên Chủ tịch Việt Nam và các nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam tránh đi thăm Ấn Độ và các nước bạn bè khác của mình? Có lý nào như vậy. Đòi hỏi Việt Nam hy sinh các mối quan hệ và hợp tác với các nước khác vì Trung Quốc là một điều phi lý. Hà Nội không đòi hỏi Bắc Kinh hy sinh các mối quan hệ với các nước khác thì Trung Quốc cũng không thể đòi hỏi điều đó từ Hà Nội.

Tạp chí Tri thức thế giới nêu là thái độ “hai mặt”. Vậy ai là kẻ hai mặt? Bắc Kinh hay Hà Nội? Trung tuần tháng 10, ông Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Trung Quốc. Ngày 15-10, Việt Nam và Trung Quốc ra Tuyên bố chung về kết quả chuyến thăm, trong đó đoạn 4 nhấn mạnh việc “đẩy mạnh tuyên truyền tình hữu nghị Việt-Trung, tăng cường định hướng dư luận và quản lý báo chí, thúc đẩy tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, giữ gìn đại cục quan hệ hữu nghị hai nước, làm cho tình hữu nghị Việt-Trung được kế thừa và phát huy rạng rỡ”.

Thỏa thuận cấp cao là vậy. Còn trên thực tế, hai bên thực hiện thế nào? Báo chí Việt Nam, từ các báo chính thức như Nhân dân, Quân đội nhân dân cho đến các tờ báo của các tổ chức xã hội như Tuổi trẻ, Thanh niên, v.v… không hề có bài báo nào xuyên tạc hoặc kích động dư luận. Tối 14-12, Đài truyền hình Trung ương Việt Nam phát sóng trực tiếp chương trình Cầu truyền hình “Việt – Trung: Láng giềng gần”, trong đó vừa đưa ý kiến của các cựu chiến binh Việt Nam – bà Phùng Thị Sâm, ông Trịnh Đình Nguyên – những người đã từng tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn đánh đuổi quân Quốc Dân Đảng ở miền Nam Trung Quốc để giúp đỡ Cách mạng Trung Quốc; đồng thời đưa ý kiến của cựu chiến binh Trung Quốc – ông Tạ Hùng Uy, người đã ở Việt Nam trong thời gian kháng chiến chống Mỹ. Trong khi đó, ở Trung Quốc, không ngày nào không có bài kích động, vu cáo Việt Nam, và phần nào cả Phi Luật Tân. Điều gây bất ngờ lớn cho thế giới là ngay sau khi lãnh đạo cấp cao Việt Nam – Trung Quốc đã có một số nhận thức chung quan trọng làm dịu căng thẳng trong quan hệ hai nước thì các báo chí chính thống của Trung Cộng như Hoàn Cầu – phụ san của Nhân dân nhật báo, tạp chí Tri thức thế giới của Bộ Ngoại giao Trung cộng liên tiếp đăng nhiều bài vu cáo Việt Nam, kích động và nuôi dưỡng tâm lý chống Việt Nam. Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nói một đằng, nhưng phụ san của Nhân dân Nhật báo, tạp chí của Bộ Ngoại giao Trung Cộng lại nói một kiểu. Trung Cộng cam kết với Việt Nam là phấn đấu để tăng cường tình hữu nghị, nhưng các phương tiện thông tin đại chúng lại ra rả nói xấu Việt Nam. Sự thật đó chỉ ra rằng chính Trung Cộng mới là kẻ hai mặt.

Tóm lại, những chỉ trích vô căn cứ trong bài báo nói trên của Tạp chí Tri thức thế giới không phải là cái gì mới. Câu hỏi còn lại là phải chăng đó là quan điểm của Bộ Ngoại giao Trung Cộng? Phải chăng Ban lãnh đạo Bộ Ngoại giao Trung Cộng bật đèn xanh cho tạp chí của mình kích động lòng hận thù dân tộc giữa Trung Cộng với Việt Nam? Nếu phóng viên nước ngoài đặt câu hỏi về việc làm của Tạp chí Tri thức thế giới thì Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Cộng sẽ trả lời thế nào?

A.B


[1] https://biendong.net/binh-luan/492-khong-th-va-n-cp-va-la-lang.html

RELATED ARTICLES

Tin mới