Tuesday, April 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnDân mình bám biển: Ra khơi “ mở hàng cầu may”...

Dân mình bám biển: Ra khơi “ mở hàng cầu may” đầu năm

BienDong.Net: Liên tục bám biển, ngay từ những ngày đầu năm mới, ngư dân các làng chài cả nước đã hối hả ra khơi “mở hàng cầu may”.

Mặc cho rét lạnh căm căm, tại Cảng cá Lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) không khí làm việc đã tấp nập .Từ sáng sớm, những con thuyền chở nặng cá đã cập cảng với sản lượng bội thu . Những khay cá, khay mực đầy ắp, người người cươi tươi như hoa nở. Vừa cập bến, các thương lái đã tranh nhau thu mua.

Ông Hùng – một chủ thuyền vừa cập bến – hồ hởi “Chuyến này về trúng lớn ! Trừ tiền dầu, chi phí rồi thuyền tui được hơn 200 triệu, mỗi người được gần 10 triệu. Cả năm mà được như chuyến ni thì tốt quá!”.

 

Không chỉ thuyền lớn bội thu mà những thuyền nhỏ đi qua đêm cũng đầy ắp tôm cá. Anh Hồ Văn Quỳnh – một ngư dân đi thuyền loại nhỏ – không giấu được niềm vui: “Sau một đêm trời yên biển lặng, thuyền chúng tôi cũng được mỗi người 1-2 triệu. Đây là tín hiệu khả quan cho năm mới ”.

Cảng cá Lạch Quèn tấp nhập ngày đầu năm

Cá về từ Hoàng Sa

Sau gần hai tuần đánh bắt xuyên tết ở vùng biển Hoàng Sa, các tàu cá của ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) chứa đầy cá Mú, cá Nhồng..cập bến bán cho thương lái, sum họp gia đình đón tết muộn. Trung bình mỗi chuyến tàu đánh bắt xuyên tết ở vùng biển Hoàng Sa trở về được khoảng 10 đến 15 tấn cá, doanh thu từ 500 đến 800 triệu đồng.

Cá Nhồng tươi đánh từ vùng biển Hoàng Sa trên bến cảng Sa Kỳ

Con cá nặng 5 kg từ vùng biển Hoàng Sa

Ngư dân Phú Yên được mùa dịp Tết

Trong khi đó, tại Phú Yên ngư dân trúng đậm vụ đánh bắt cá ngừ đại dương. Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên, cho biết hầu hết các tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân tỉnh này cập bến trong những ngày đầu năm mới đều đạt sản lượng 800-1.500 kg mỗi tàu.

Hiện giá cá ngừ loại một 170.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí các tàu lãi 80-120 triệu đồng/tàu; riêng mỗi ngư dân đi biển thuê thu nhập 8-10 triệu đồng/chuyến.

Cá ngừ Phú Yên

Cũng theo ông Tâm, năm nay có hơn 400 tàu câu cá ngừ của ngư dân trong tỉnh đón tết trên biển. Phú Yên là tỉnh có sản lượng đánh bắt cá ngừ đại dương lớn nhất cả nước với trung bình hơn 5.500 tấn/năm. Mỗi năm tỉnh Phú Yên xuất khẩu khoảng 2.500 tấn cá ngừ đại dương, chủ yếu sang thị trường Mỹ, Nhật, Úc, Liên hiệp châu Âu…Vụ đánh bắt cá ngừ đại dương năm 2010-2011, hai anh em ngư dân Lương Công Đông và Lương Công Đồng được biết đến là những người có thu nhập cao nhất ở làng biển Đông Tác (Phú Đông, TP Tuy Hoà, Phú Yên). Với 2 chiếc thuyền câu cá ngừ đại dương, hai anh em Đông – Đồng thu lãi hơn 2 tỷ đồng ( khoảng gần 100.000 USD ) trong vụ vừa qua .

Quảng Ngãi: Trúng đậm tôm hùm giống và cá ngừ đại dương

 

Trong khi đó, ngay trong dịp Tết, tại vùng biển gần bờ Quảng Ngãi, ngư dân các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và Đức Phổ đã trúng đậm tôm hùm giống. Mỗi tàu sau một đêm khai thác được từ 400-500 con, có tàu 1.500 con, thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ngư dân ở TX.Sông Cầu và H.Tuy An (Phú Yên) cũng trúng tôm hùm giống; trung bình một đêm mỗi ngư dân đánh bắt được 10-20 con.

Ngày 29.1, những chuyến đi biển đầu năm của ngư dân tỉnh Ninh Thuận bắt đầu cập cảng. Hầu hết ngư dân đều trúng mùa biển đầu năm, một chuyến đi biển từ 1-2 ngày, mỗi thuyền còn lãi từ 5 – 25 triệu đồng.

Cá về cảng

Tại cảng cá Hòn Rớ và chợ thủy sản Nam Trung Bộ, xã Phước Đồng, TP.Nha Trang (Khánh Hòa), mỗi ngày có hơn 40 tàu câu cá ngừ đại dương, lưới cản cập bến, sau hơn 20 ngày khai thác trên vùng biển Trường Sa. Mỗi tàu câu cá ngừ đưa về khoảng 2 tấn cá, tàu lưới cản khoảng 10 tấn cá sọc dưa, cá thu, cá dưa gang…

Ngư dân quanh năm lênh đênh trên biển. Xuân về, họ vẫn ra khơi, đón Tết trên biển. Đêm giao thừa, họ neo tàu gần nhau ăn uống hát hò, nói chuyện bộ đàm từ tàu này sang tàu khác với vô vàn tâm sự. Kể về chuyện đón giao thừa ngoài biển, ngư dân Bùi Thiên (40 tuổi), ở thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, người đã 4 lần ăn tết ngoài biển cho biết: Với những chuyến ra khơi đặc biệt này thì chủ tàu và ngư dân cùng đi chuẩn bị gần như đủ cả mọi thứ: Bánh, trái cây, thịt, chả…

Khi giao thừa đến, mọi người trên tàu đều nghỉ tay rồi bày biện bánh trái ra cúng. Sau đó cùng quây quần trên khoang đón năm mới và chúc nhau những điều may mắn, tốt đẹp. Và dĩ nhiên cũng không thiếu khoản bia rượu. Thế nhưng mỗi người chỉ được 1-2 lon để còn sức kéo lưới.

Anh Nguyễn Văn Trực, quê Quảng Bình, tâm sự: “Năm trước, tôi quyết định ở lại đi chuyến biển cận Tết. Lúc đầu cứ nghĩ bình thường, nhưng đến lúc giao thừa thì buồn không sao tả được. Bao quanh là biển cả đen nghịt, nỗi cô đơn và nhớ nhà ùa về làm tôi bồn chồn muốn khóc. Để vơi đi nỗi buồn, anh em tổ chức hát với nhau trong ghe hoặc từ ghe này qua ghe kia bằng bộ đàm, nếu ghe có máy bộ đàm lớn (gọi được vào bờ) thì anh em gọi điện về nhà để chúc Tết gia đình, nghe tiếng người thân. Đêm giao thừa, sóng vỗ hòa lẫn tiếng í ới, tiếng hò ngân nga vang vọng giữa trùng khơi. Những con nước trong năm (gần 20 ngày mỗi đợt) ở biển thật ngắn, mau qua, nhưng chỉ có con nước Tết là thấy dài. Cầu mong chuyến ra khơi thắng lợi, lo cho ở đất liền đầy đủ, con cái không “thua chị kém em” , vậy là Tết vui lắm rồi.

Lý giải việc đi biển dịp Tết, một ngư dân cho biết: “Nghề biển phải phụ thuộc vào con trăng, trong đó có nghề câu mực. Câu mực phải câu vào trời tối, mực mới ăn. Nếu trăng lên, mực nổi ở mọi nơi thì rất khó có khả năng câu được nhiều. Theo âm lịch, những đêm thích hợp nhất để đánh bắt hải sản kéo dài từ 10 ngày cuối tháng này sang 10 ngày đầu tháng sau, ngư dân gọi đó là “một tối trời”. Ngoài ra, Tết âm lịch là thời gian nhiệt độ các vùng biển có sự biến đổi mạnh và đây cũng là lúc cá ngừ đại dương di chuyển từ các vùng nước lạnh đến những vùng nước ấm hơn, mang lại cơ hội lớn cho các ngư dân.

Vừa đánh cá, vừa giữ biển

Không chỉ lo chuyện đánh bắt, bà con ngư dân cũng xác định trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc. Vụ cá năm 2011, nhiều tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân Phú Yên bị tàu nước ngoài xua đuổi ngay cả khi bà con đang trong vùng biển của Việt Nam. Không chùn bước, trong những thời điểm căng thẳng nhất, hàng trăm tàu câu cá ngừ đại dương Phú Yên vẫn ra khơi bám biển.

Ông Phan Thuẫn, một trong những ngư dân Phú Yên nói: “Hầu hết ngư dân chúng tôi đều tham gia các tổ tàu thuyền an toàn, mỗi tổ từ 9-10 thuyền. Nếu như trước đây, các tàu đi đơn lẻ thì nay chúng tôi đi theo tập đoàn, ít thì 5 chiếc, nhiều cũng trên 10 chiếc. Khi bị tàu nước ngoài xua đuổi chúng tôi hỗ trợ, bảo vệ nhau và kịp thời báo cáo về đất liền cho các ngành chức năng kịp thời giải quyết. Khi xác định vùng biển của mình nhưng ngư dân nước ngoài xâm phạm, anh em thông báo nhau bằng bộ đàm và liên kết lại xua đuổi tàu lạ ra khỏi vùng biển Việt Nam, bảo vệ ngư trường, bảo vệ lãnh hải ”.

Ông Nguyễn Trọng Huyền, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Phú Yên cho biết: Với trên 100 tổ tàu thuyền an toàn được thành lập, cộng với quyết tâm bám biển làm giàu, những đoàn tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Phú Yên đang góp sức mình cùng các lực lượng chức năng bảo vệ và gìn giữ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

Chương Dương ( tổng hợp theo các báo Dân Trí, Thanh Niên và VOVNews)

RELATED ARTICLES

Tin mới