Friday, March 29, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTướng diều hâu Trung Quốc đề nghị thành lập “Đặc khu Nam...

Tướng diều hâu Trung Quốc đề nghị thành lập “Đặc khu Nam Hải”

BienDong.Net: Trả lời phỏng vấn báo chí Trung Quốc ngày 5/3/2012, thiếu tướng La Viện, Uỷ viên Chính hiệp, Phó Tổng Thư kí Hội Khoa học Quân sự Trung Quốc cho rằng Trung Quốc cần thành lập một đặc khu hành chính trên vùng Nam Hải ( tức Biển Đông ) để xác lập chủ quyền trên các quần đảo và vùng biển trong khu vực, trong đó có Nam Sa ( tức Trường Sa ) và Tây Sa ( tức Hoàng Sa ) của Việt Nam.

Từng công khai tự nhận là diều hâu, tướng La Viện đã đề xuất các biện pháp bao trùm năm lãnh vực chính : hành chính, pháp lý, kinh tế, quân sự và truyền thông. Các phương tiện ngoại giao, kinh tế và pháp lý nên được sử dụng để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, còn quân sự là biện pháp dự phòng.

 

Trung Quốc liên tiếp gây sóng gió trên Biển Đông ( ảnh minh hoạ )

Tuy nhiên, quan điểm diều hâu của viên tướng này bộc lộ rõ qua đề xuất về việc Trung Quốc phải cho đóng quân trên các hòn đảo, cho hải quân đến tuần tra trong khu vực và dùng cờ Trung Quốc để đánh dấu chủ quyền.

Theo La Viện, chính quyền cũng nên khuyến khích ngư dân đến đánh cá trong khu vực và thúc giục hai tập đoàn dầu khí Nhà nước Trung Quốc CNOOC và CNPC đến thăm dò dầu khí.

La Viện còn đề nghị chính quyền Bắc Kinh công bố một sách trắng về Biển Đông để chứng minh chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trên các quần đảo và vùng biển tại khu vực này, đồng thời hợp nhất các lực lượng trên biển của Trung Quốc thành một lực lượng tuần duyên duy nhất.

Câu hỏi mà giới phân tích đặt ra sau các đề nghị của tướng La Viện là: Quan điểm của nhân vật này có trọng lượng như thế nào tại Trung Quốc, đó có phải là quả bóng thăm dò mà Bắc Kinh tung ra để thử phản ứng dư luận trước khi áp dụng hay không ? Hay đó chỉ là những luận điểm hung hăng của phe diều hâu đang phô trương lực lượng để giành thế thượng phong trên chính trường Trung Quốc vào lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị đại hội vào cuối năm nay ?

Theo phân tích của hãng tin Anh Reuters, ông La Viện không phải là phát ngôn viên chính thức của quân đội Trung Quốc. Tuy vậy, quan điểm hung hăng của ông lại được sự tán đồng của một số tướng lãnh quân đội, cũng như của một bộ phận dân chúng có thiên hướng dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ hơn.

Hãng Reuters đã dẫn chứng cho nhận xét này bằng việc chỉ ra rằng phát biểu của tướng La Viện đã được tờ Quân Giải phóng, cơ quan ngôn luận của Quân đội Trung Quốc, đăng trang trọng trên trang web của mình ngày 07/03/2012.

Một ý tưởng vừa « khiêu khích », vừa « bất khả thi »

Trả lời phỏng vấn Đài RFI, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Úc (Trường Đại học New South Wales) trước tiên cho rằng ý tưởng thiết lập Đặc khu Nam Hải của ông La Viện là một hành vi vừa khiêu khích, vừa bất khả thi :  

Việc thành lập một Đặc khu Nam Hải sẽ là một động thái vô cùng khiêu khích và là một hành động vi phạm bản Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Đề nghị này không khả thi vì Việt Nam đang nắm giữ phần lớn các hòn đảo và thực thể địa dư khác ở quần đảo Trường Sa. Để hành xử quyền tài phán của mình, Trung Quốc sẽ phải đánh bật Việt Nam ra khỏi những nơi đó.

Về hai vùng còn lại, thì Trung Quốc đã chiếm đóng và áp dụng quyền tài phán trên quần đảo Hoàng Sa, còn quần đảo Trung Sa (Bãi Macclesfield) là một nhóm đá ngầm, Trung Quốc có thể hành xử thẩm quyền của họ trên vùng biển chung quanh.

Thiết lập Đặc khu Nam Hải sẽ dẫn đến một liên minh chống Trung Quốc

Đối với Giáo sư Thayer, ngày nào mà Trung Quốc còn ưu tiên cho một giải pháp ngoại giao nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với các nước láng giềng, thì ngày đó những ý kiến “cực đoan” như của ông La Viện sẽ bị gạt qua một bên:

Trung Quốc sẽ không thực hiện đề nghị của tướng La Viện chừng nào mà họ vẫn muốn chơi trò ngoại giao với các quốc gia ASEAN khi thương thuyết về cách áp dụng Bản Hướng dẫn Thực thi Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông DOC ký kết vào năm ngoái.

Ngoại trưởng Trung Quốc mới đây đã tuyên bố rằng không có quốc gia nào đòi hỏi chủ quyền trên toàn Biển Đông. Điều đó khiến người ta suy luận ra rằng Trung Quốc không đòi hỏi chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông, mà chỉ đòi các đảo, bãi đá và vùng biển chung quanh các thực thể này.

Đề nghị của tướng La Viện phản ánh xu hướng cực kỳ dân tộc chủ nghĩa tại Trung Quốc, và thái độ cao ngạo đi kèm theo đà phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Sau cùng, chuyên gia Thayer cho rằng nếu cứ quyết tâm theo đuổi ý tưởng thiết lập Đặc khu Nam Hải, Bắc Kinh sẽ vấp phải một liên minh chống Trung Quốc được Hoa Kỳ và quốc tế hậu thuẫn :

Trung Quốc chỉ có thể biến Biển Đông thành một đặc khu nếu chiếm đóng được tất cả các hòn đảo và mỏm đá ở Trường Sa. Nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực thì điều đó sẽ phản tác dụng vì sẽ khuyến khích một liên minh của các nước chống lại Trung Quốc, với hậu thuẫn của Hoa Kỳ cũng như các cường quốc khác. Tàu chiến Trung Quốc khi ấy sẽ phải hoạt động ở những địa bàn xa xôi cách trở, liên lạc khó khăn, khiến cho lực lượng Trung Quốc tại những đảo mới chiếm được dễ bị nguy hiểm.

Trung Quốc có thể tuyên bố Biển Đông là đặc khu và tìm cách áp đặt quyền kiẻm soát. Làm như thế, Bắc Kinh sẽ đảo ngược thời gian trở về năm 2011, khi một chiến hạm Trung Quốc bắn vào ngư dân Philippines, và khi tàu bán quân sự của Trung Quốc làm gián đoạn việc thăm dò dầu khí ở vùng biển tranh chấp với Philippines và Việt Nam.

Nếu Trung Quốc không có hành động nào để khẳng định chủ quyền thì mọi tuyên bố Biển Đông là một đặc khu chỉ là một màn kịch chính trị mà thôi.

BDN ( Nguồn: RFI )

RELATED ARTICLES

Tin mới