Saturday, April 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCÓ CHUYỆN BẮC KINH “KIỀM CHẾ” TRONG VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG HAY...

CÓ CHUYỆN BẮC KINH “KIỀM CHẾ” TRONG VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG HAY KHÔNG?

Có một mệnh đề luôn được nhà cầm quyền Bắc Kinh khua môi múa mép, nhắc đi nhắc lại trong phát biểu của lãnh đạo cấp cao cũng như của người phát ngôn cho đến các luận điệu của họ tại các diễn đàn là “Trung Quốc kiềm chế trong vấn đề Biển Đông”. Sợ mọi người không tin, nhiều lúc họ lại còn tìm cách lý giải rằng sự kiềm chế như vậy là vì Trung Quốc thực sự mong muốn một Biển Đông hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

Không chịu thua kém các chính trị gia, các học giả Trung Quốc đủ các loại cũng đồng thanh cất giọng phụ họa trong các bài viết từ các báo, tạp chí trung ương cho đến địa phương. Trung Quốc cho rằng cứ làm theo cách của bộ máy tuyên truyền Đức quốc xã trước đây thì không chỉ dân Trung Quốc mà dư luận các nước cũng bị mê hoặc bởi sự ru ngủ của họ.

 

Để mọi người hiểu được câu chuyện Bắc Kinh “kiềm chế” trong vấn đề Biển Đông thế nào, chúng tôi xin điểm lại một số hành động mà Bắc Kinh đã tiến hành liên quan vấn đề Biển Đông trong hơn một năm qua.


Một đảo lớn trong quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã ngang nhiên xây sân bay trên đảo. Ảnh: Internet.

Vốn là một nước ven biển, Trung Quốc đã tham gia vào quá trình thương thảo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (thường gọi là UNCLOS 1982) vào những năm 70 của thế kỷ trước. Năm 1994, Bắc Kinh phê chuẩn UNCLOS 1982, tức là hưởng mọi quyền của một bên ký kết và chấp nhận thực hiện các nghĩa vụ của một bên ký kết. Những quyền hết sức quan trọng của các quốc gia ven biển được hưởng là quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý để từ đường cơ sở dùng để tính lãnh hải; quyền chủ quyền đối với thềm lục địa rộng tối thiểu 200 hải lý và tối đa 350 hải lý kể từ đường cơ sở nói trên. Áp quy định liên quan vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa vào hoàn cảnh cụ thể của Biển Đông, thì Trung Quốc có quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tối thiểu 200 hải lý của Trung Quốc, Việt Nam có quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tối thiểu 200 hải lý của Việt Nam, Philippines có quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Philippines. Tương tự, Ma-lai-xi-a, Indonesia, Brunei đều có quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tối thiểu 200 hải lý của họ.

Phù hợp với các quy định của Công ước UNCLOS 1982, Việt Nam, Philippines và các nước ASEAN khác tiến hành các hoạt động đánh cá trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thăm dò, khai thác dầu khí trong phạm vi thềm lục địa tối thiểu 200 hải lý của mình. Các nước này cũng tôn trọng quyền chủ quyền của các nước khác, kể cả Trung Quốc, đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ. Bắc Kinh cũng thực hiện quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tối thiểu 200 hải lý của họ. Nhưng mặt khác lại không tôn trọng các quyền hợp pháp của Việt Nam, Philippines và các nước ASEAN khác ở Biển Đông.

Cụ thể là, Bắc Kinh thường xuyên cho tàu các xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng để đánh cá bất hợp pháp. Tháng 7/2010 khi lực lượng tuần tra của Indonesia bắt một số tàu cá của Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Indonesia thì Bắc Kinh đã cho tàu quân sự đến để giải vây. Sang năm 2011, Bắc Kinh cũng nhiều lần cho tàu vào đánh cá trộm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Nghiêm trọng nhất là rạng sáng ngày 26/5/2011 khi tàu Bình Minh 02 của PetroVietnam đang thăm dò lô 148 trong thềm lục địa Việt Nam thì 2 tàu quân sự của Trung Quốc đã lao vào cắt 7km cáp thăm dò. Việc cắt cáp diễn ra cách Mũi Đại Lãnh (tỉnh Phú Yên) của Việt Nam chỉ 116 hải lý, tức là còn 84 hải lý nữa mới hết phạm vi thềm lục địa của Việt Nam. Hình ảnh vụ cắt cáp thể hiện trong sơ đồ kèm theo. Ý đồ của Bắc Kinh là nhằm biến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trở thành vùng tranh chấp. Việc làm đó gây sự phản đối kiên quyết của Việt Nam và sự lên án của dư luận quốc tế và khu vực. Trong khi dư luận đang lên án thì ngày 9/6/2011, Bắc Kinh lại cho tàu xông vào cản phá hoạt động thăm dò của tàu Viking II (cũng của PetroVietnam) tại lô 136/3. Sự việc xảy ra trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam và cách ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam 30 hải lý.

Gần đây nhất, vào ngày 22/2/2012 khi tàu cá QNg 90281TS của ông Đặng Tằm cùng 10 ngư dân đang đánh cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì tàu quân sự của Trung Quốc mang số hiệu 789 đã bắn và dùng vòi rồng xả nước vào tàu. Hơn nữa, lính Trung Quốc lại còn đánh đập các ngư dân Việt Nam, cướp máy định vị, máy dò, máy quét, quần áo lặn, chân vịt của tàu; cướp cá và đổ 2 phi dầu của tàu xuống biển. Các báo đài BBC, RFA, RFI, Kyodo đều đưa tin. Ngày 29/3/2012, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa vụ việc ra công khai. Tiếp đó, ngày 15/3/2012, Bộ Ngoại giao Việt Nam lại công khai một loạt các hành động gây căng thẳng của Bắc Kinh tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là việc Bắc Kinh triển khai mời thầu thăm dò dầu khí chỉ cách đảo Đá Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 01 hải lý, tổ chức bắn đạn thật ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa, kế hoạch tổ chức đua thuyền buồm từ Tam Á đến quần đảo Hoàng Sa vào cuối tháng 3, v.v… Việt Nam đã phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và khẳng định những hành động sai trái đó trái với Công ước UNCLOS 1982, Tuyên bố về ứng xử của các Bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc cũng như các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Các việc làm đó của Bắc Kinh cũng không phù hợp với nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam và lãnh đạo cấp cao Trung Quốc.

Những hành động bất chấp luật pháp quốc tế, ngược với những cam kết của Trung Quốc theo Công ước UNCLOS 1982, Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các Bên ở Biển Đông, Thỏa thuận tháng 11/2011 về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc đã bóc trần cái gọi là thái độ “kiềm chế” của Bắc Kinh ở Biển Đông./.

Trí Hiển

RELATED ARTICLES

Tin mới