Wednesday, April 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNước ngọt cho người ở Trường Sa

Nước ngọt cho người ở Trường Sa

BienDong.Net:Cùng với phong trào Góp đá cho Trường Sa, cuộc vận động Nước ngọt cho Trường Sa do báo Đất Việt và Đài truyền hình kỹ thuật số VTC tổ chức đang thu hút sự quan tâm hưởng ứng của người Việt khắp nơi nhằm cung cấp “vật tư chiến lược” này cho quân và dân trên các đảo xa của Tổ quốc.

Thiếu tướng Bùi Sỹ Trinh – Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân cho biết: Quân dân ở Trường Sa triệt để tận dụng nước mưa để lấy nước sinh hoạt và phục vụ các nhu cầu trên đảo.

Tuy nhiên, khí hậu ở đó rất thất thường, có tháng mưa, tháng không. Bản thân các đảo cũng nhỏ, nên khó tạo ra các luồng đối lưu không khí dẫn tới mưa. Vì thế, nguồn nước mưa không ổn định.
Tại Trường Sa, nước ngọt được chứa trong các bể, sử dụng theo quy định. Lượng nước cụ thể mỗi người được sử dụng phụ thuộc vào quyết định của chỉ huy trên đảo. Cùng một khối lượng nước được sử dụng vào nhiều mục đích, sao cho “điểm đến” cuối cùng là vườn rau.

 

Nước mưa được chắt chiu và chứa trong các bể ngầm ( báo Đất Việt )

Nước rất quan trọng đối với con người. Càng có nhiều nước ngọt, thì cuộc sống của quân dân trên đảo càng được cải thiện. Họ có điều kiện hơn để tăng gia sản xuất và sinh hoạt.

Cách tắm độc đáo để tiết kiệm nước của các chiến sĩ giữ đảo Trường Sa

Oái oăm mưa gần nhưng không tới đảo

Ở quần đảo Trường Sa, thời tiết chia 2 mùa rõ rệt. Mùa khô kéo dài, mùa mưa ngắn ngủi. Nói là mùa mưa, nhưng không mưa ở Trường Sa là mưa bóng mây, thoáng qua, mưa theo vùng, mưa bị gió thổi bạt đi.

Ông trời như trêu ngươi những người lính đảo, có những ngày mây đen kéo đến ùn ùn nhưng không mưa, có ngày mưa nhưng cách xa đảo hàng chục mét.

Hơn 10 tháng mùa khô là thời gian khó khăn nhất trên đảo.

Kiên trì chờ đợi và không thể để thất thoát những giọt nước ngọt quý giá vốn được coi là đặc sản, các chiến sĩ sáng chế ra cái máng dây chuyền.

Một mảnh nilon vuông được căng 4 góc, cột vào 4 cọc tre để hứng nước. Những giọt nước mưa dù có “lệch pha” thì cũng không thể thoát, phải rơi xuống nilon, theo máng chảy vào can.

Rau ở Trường Sa: Nước thu hồi sau khi tắm được dùng để tưới cây (Ảnh Internet)

Trong những năm qua, để phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu, quân và dân trên đảo đã xây dựng bể chứa bê tông cốt thép, hoặc bể nhựa để làm phương tiện hứng nước, dự trữ nước. Ngoài ra, mỗi năm, Hải quân đều có kế hoạch mang nước ngọt tiếp tế cho đảo.

Đào giếng thấy nước lợ

Câu chuyện đào giếng khơi dòng ở đảo Trường Sa Lớn bắt đầu năm 1988. Khi ấy, bộ đội công binh hải quân ban ngày trầm mình trong nắng lửa xây nhà, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tối tranh thủ thời gian đào giếng.

Chiến sĩ công binh hải quân ở Trường Sa

Ở Trường Sa Lớn, đá rất cứng, kết thành mảng lớn. Anh em phải dùng búa chim bổ xuống mặt đảo.

Sau hơn 2 ngày làm việc cật lực, dòng nước đầu tiên được khơi nguồn. Các chiến sĩ công binh Hải quân không thể nào quên cái buổi sáng đầu tháng 2/1988 ấy. Họ hò reo khi nhìn thấy trong lòng giếng có nước, cách mặt đảo 3 mét.


Mấy chiến sĩ trẻ nhanh chóng chạy về nhà lấy xô nhôm, buộc dây thừng thả xuống múc nước. Nhưng mọi người đều ngỡ ngàng thất vọng. Đó là nước lợ, chát, không thể nào uống được, nên nước giếng chủ yếu dùng cho tắm giặt.

Sau những giờ thao luyện, chiến sĩ ra giếng dội nước ào ào. Chính những xô nước lợ ấy đã giúp những người lính thêm yêu cuộc sống, yên tâm bám đảo.

Thực ra, tại một số đảo, các chiến sĩ cũng lấy được nước ngọt từ giếng khoan. Tuy nhiên, nguồn cung không dồi dào và mực nước cũng cạn khi mùa khô nên việc bảo đảm nguồn nước ngọt vẫn đòi hỏi nhiều giải pháp tổng hợp.

Carocell và việc cung cấp nước ngọt cho Trường Sa

Để giải quyết vấn đề cung cấp nước ngọt, các cơ quan nghiên cứu quân đội đã bước đầu chế tạo hệ thống máy lọc nước biển thành nước ngọt đáp ứng một phần nhu cầu.

Tuy nhiên, những hệ thống này không bền trước môi trường biển khắc nghiệt và thường xuyên bị hỏng hóc.

Trong khi đó, các công ty ngoài quân đội cũng tích cực tham gia sản xuất thiết bị lọc nước biển. Một trong số đó là hệ thống lọc nước bằng năng lượng mặt trời Carocell.

Carocell có thiết kế đơn giản, gồm 1 tấm module duy nhất có kích thước 3m2 hoặc 6m2, có thể lắp đặt ở khoảng sân nhỏ hoặc nóc nhà.

Như vậy, nó không chỉ phù hợp với các đảo mà với cả không gian nhà giàn – nơi vốn hạn hẹp về diện tích.

Carocell  tiếp nhận nước đầu vào bằng nguyên lý trọng lực thông thường hoặc dùng bơm đẩy nước vào một đường ống ở phía trên của thiết bị. Nước đầu vào chảy xuống và phân tán đồng đều trên thiết bị thu năng lượng mặt trời có tác dung hun nóng và làm bốc hơi nước.

Các giọt nước cất thu được sẽ chảy xuống phía dưới của thiết bị và theo vòi chảy ra ngoài.

Về chất lượng nước, thiết bị Carocell hoàn toàn đảm bảo được yêu cầu an toàn cho sức khỏe con người.

Thiết bị Carocell hiện có hai loại, loại Carocell 3000 có diện tích bề mặt 3m2, trọng lượng 20kg, công suất 16 đến 20 lít/ nước ngọt ngày.

Carocell 6000 có diện tích bề mặt 6m2, trọng lượng 30kg, công suất 32- 40 lít/ngày.

Như vậy, giống như hệ thống năng lượng gió và năng lượng mặt trời cung cấp điện năng cho hải đảo, hệ thống Carocell sẽ góp phần mang lại một nguồn nước ngọt quý giá cho quân và dân trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Quế Hương ( tổng hợp theo báo Đất Việt )

RELATED ARTICLES

Tin mới