Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhà cầm quyền Bắc Kinh phải thả vô điều kiện 21 ngư...

Nhà cầm quyền Bắc Kinh phải thả vô điều kiện 21 ngư dân Quảng Ngãi

Từ đầu năm 2012 đến nay, Bắc Kinh ráo riết tăng cường phá hoại tài sản, đánh đập ngư dân Việt Nam khi họ đánh cá bình thường ở vùng nước quần đảo Hoàng Sa. Đặc biệt, ngày 22 và 27/2, binh lính Trung Cộng đã đánh đập ngư dân Việt Nam trên 3 tàu cá QNg 96197, 96103 và 90281, sau đó lấy sạch ngư cụ và hải sản mà ngư dân các tàu đánh bắt được.

Đến ngày 4/3, khi 2 tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi mang ký hiệu QNg 66074 do ông Trần Hiền làm thuyền trưởng và QNg 66101 do ông Bùi Thu làm thuyền trưởng, đang đánh cá bình thường ở vùng nước quần đảo Hoàng Sa thì lính Trung Cộng xông đến cướp sạch tài sản trên 2 tàu này.

Sau đó theo lệnh từ Bắc Kinh, lính Trung Cộng đã bắt và đưa 2 tàu này cùng với 21 ngư dân Việt Nam về giam ở đảo Phú Lâm. Mấy ngày sau đó, phía Trung Cộng gọi điện cho chị Lê Thị Phúc (vợ anh Trần Hiền) đòi tiền chuộc. Chị Lê Thị Phúc vừa mới sinh con được 5 ngày tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi đang yếu, nhưng phải gượng dậy để nghe điện thoại. Trung Cộng mặc cả nếu chị Phúc nộp 70.000 tệ vào tài khoản 220 101 240 902 196 037 thì họ sẽ thả tàu. Khi chị Phúc nói không đủ tiền thì lính Trung Cộng cúp máy.

Hành động ăn cướp và tống tiền của Trung Cộng gây phẫn nộ của mọi người Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trả lời báo chí rằng Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển quần đảo đã hàng mấy trăm năm. Do đó không thể có chuyện nộp tiền phạt như Trung Cộng đòi. Địa phương cũng đã thành lập đoàn công tác đến gia đình các ngư dân bị bắt giữ để thăm hỏi, chia sẻ, động viên và đang có biện pháp hỗ trợ.


Tàu cá xa bờ của huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: Trí Tín/Vnexpress.net.

Tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã triệu Đại sứ Trung Cộng đến để trao công hàm phản đối. Đại sứ quán Trung Cộng cũng khăng khăng đòi tiền chuộc mới trả người. Ngày 21/3, Chính phủ Việt Nam buộc lòng phải đưa vụ việc ra để công luận biết được sự thật. Ngày 26/3 Hội nghề cá Việt Nam cũng đã gửi thư cho Đại sứ quán Trung Cộng kịch liệt phản đối hành động bắt giữ và yêu cầu Trung Cộng thả ngay vô điều kiện 2 tàu và 21 ngư dân Việt Nam. Chính phủ Việt Nam và Hội nghề cá Việt Nam đòi Trung Cộng bồi thường thiệt hại cho ngư dân và tàu cá Việt Nam, yêu cầu Trung Cộng chấm dứt và không để tái diễn việc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam tại các vùng biển Việt Nam. Chiều 31/3 trong cuộc gặp Phó Thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường nhân dịp dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Bác Ngao 2012 tại đảo Hải Nam, Phó Thủ tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải cũng đã yêu cầu Bắc Kinh sớm thả vô điều kiện 2 tàu cá và 21 ngư dân Việt Nam và không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

Trước yêu cầu của Việt Nam, Bắc Kinh tìm đủ lý do để bào chữa cho việc làm bẩn thỉu của họ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Cộng cho rằng Tây Sa (cách họ gọi quần đảo Hoàng Sa) là lãnh thổ Trung Cộng nên việc họ bắt 2 tàu cá Việt Nam là đúng. Còn báo Hoàn Cầu trong số ngày 22/3 lại lập luận “Căn cứ Hiệp định nghề cá Trung – Việt để xử lý các sự kiện đánh bắt vượt giới thì việc bắt tàu cá nộp tiền phạt hoặc không phạt tiền hoặc cảnh cáo rồi thả là cách làm thông thường”. Ngày 28/3, Tân Hoa xã dẫn lời của Lưu Thiêm Vinh, Phó Cục trưởng Cục Ngư nghiệp khu Nam Hải thuộc Bộ Ngư nghiệp Trung Cộng lại cho rằng 2 tàu cá Việt Nam nổ mìn đánh bắt cá, phá hoại môi trường nên mới bị bắt và mức phạt như vậy là nhẹ vì gần đây ngư dân Trung Cộng còn bị Phi Luật Tân phạt đến 1 triệu tệ.

Các lý do mà Trung Cộng nêu ra tiền hậu bất nhất và chứa đầy mâu thuẫn. Bộ Ngoại giao dùng lý do chủ quyền, Tân Hoa xã sử dụng lý do Hiệp định hợp tác đánh cá, còn Bộ Nghư nghiệp lại vận dụng lý do bảo vệ môi trường và so sánh với chuyện ngư dân Trung Cộng bị nước ngoài bắt và phạt. Nói về lý do chủ quyền thì ai cũng biêt từ thế kỷ XVII, Nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã nhiều lần công khai các bằng chứng này để quốc tế biết rõ. Đó là việc triều đình hàng năm cử các đội Hoàng Sa và Bắc Hải ra khai thác tài nguyên của hai quần đảo. Đó là việc Vua Gia Long, Vua Minh Mạng cử quân ra đo đạc, khảo sát, lập bản đồ, dựng miếu ở hai quần đảo. Đó là việc sử sách Việt Nam như Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam thực lục ghi chép tường tận, cụ thể về các hành động thực thi chủ quyền. Đó là việc bản đồ cổ của Việt Nam, bản đồ cổ cũng như sách cổ của thế giới thể hiện các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam. Đó là việc Nhà nước Việt Nam trong suốt mấy trăm năm qua luôn luôn đặt hai quần đảo vào các tỉnh trên đất liền. Vậy thì Trung Cộng dùng cái gì để chứng minh rằng họ có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc ngư dân Việt Nam đánh bắt cá ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – vùng biển thuộc Việt Nam, vì thế là chuyện đương nhiên. Việc Bắc Kinh cho lính bắt 2 tàu cá QNg 66101 và QNg 66074 với 21 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi khi họ đánh cá ở quần đảo Hoàng Sa, đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam theo pháp luật quốc tế.

Việc viện dẫn Hiệp định đánh cá giữa Việt Nam và Trung Quốc làm cơ sở để bắt 2 tàu cá QNg 66101 và QNg 66074 cũng không hợp lý. Các vị lãnh đạo báo Hoàn Cầu chắc đã lẫn tính nên mới để biên tập viên sử dụng lập luận này. Vì sao? Ngày 25/12/2000, lãnh tụ tối cao của Trung Cộng lúc đó là Giang Trạch Dân đã chứng kiến việc Bộ trưởng hai nước ký Hiệp định về hợp tác đánh cá ở tại Đại lễ đường nhân dân. Hiệp định này quy định cụ thể phạm vi, số lượng cá mà ngư dân hai nước được đánh bắt hàng năm. Điều mà phía Tân Hoa xã cố tình quên và nhập nhằng là ở chỗ: Hiệp định hợp tác đánh cá đó chỉ áp dụng cho việc đánh cá ở Vịnh Bắc Bộ, cụ thể là ở phía bắc đường đóng cửa Vịnh, tức là đường thẳng kéo từ đảo Cồn Cỏ nối với mũi Oanh Ca của Trung Cộng. Các quy định của Hiệp định đó hoàn toàn không liên quan gì đến việc đánh cá ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bắc Kinh và Hà Nội không hề thoả thuận áp dụng các quy định này đối với việc đánh cá ở Hoàng Sa hoặc Trường Sa. Dùng các quy định theo một thoả thuận đối với Vịnh Bắc Bộ để áp dụng cho quần đảo Hoàng Sa cách đó hàng trăm hải lý thì chỉ có Tân Hoa xã mới có gan làm vậy. Đúng là cả vú lấp miệng em.

Lý do 2 tàu cá QNg 66101 và QNg 66074 nổ mìn đánh cá, gây nguy hại cho môi trường và so sánh với việc Phi Luật Tân phạt nặng ngư dân Trung Quốc lại càng lố bịch hơn. Ở đây có 2 việc phải nói lại. Một là, trước đây, vào các năm 2009 và 2010, khi Hà Nội phản đối Trung Cộng bắt giữ trái phép tàu cá của ngư dân Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa thì Bắc Kinh cũng đã nêu lý do này trong một số lần. Nhưng sự thực hoàn toàn không có việc ngư dân Việt Nam dùng chất nổ đánh cá ở quần đảo Hoàng Sa. Chính Trung Cộng đã chỉ đạo binh lính của họ dàn dựng: sau khi bắt giữ tàu cá Việt Nam, lính Trung Cộng đã đưa mìn, thuốc nổ lên các tàu cá này và chụp ảnh. Ngư dân Việt Nam đã tố cáo thủ đoạn này của Trung Cộng. Câu chuyện về cái gọi là ngư dân các 2 tàu QNg 66101 và QNg 66074 dùng mìn đánh cá ở Hoàng Sa cũng chính là sản phẩm của Trung Cộng. Hai là, có thể lấy chuyện ngư dân Trung Quốc bị Phi Luật Tân phạt để phân bua cho việc bắt, phạt ngư dân Việt Nam hay không? Không thể đánh đồng bản chất của 2 loại vụ việc với nhau. Các cơ quan chức năng của Trung Cộng không có quyền bắt và phạt ngư dân Việt Nam khi họ đánh cá ở Hoàng Sa vì đó không phải là vùng biển của Trung Cộng. Các cơ quan chức năng Phi Luật Tân bắt và phạt ngư dân Trung Quốc khi họ đánh cá ở vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân là việc làm có cơ sở theo công pháp quốc tế hiện đại. Việc các quan chức có thẩm quyền của Trung Cộng tiếp tục sử dụng việc ngư dân họ bị bắt để biện minh cho việc bắt ngư dân Việt Nam thể hiện sự bế tắc và thái độ cố đấm ăn xôi của Trung Cộng.

Việc Trung Cộng bắt giữ và đòi tiền chuộc đối với 2 tàu QNg 66101 và QNg 66074 là việc làm sai trái cả từ góc độ pháp lý quốc tế và góc độ quan hệ giữa hai nước láng giềng. Việc làm đó chà đạp lên những lời lẽ mỹ miều của lãnh đạo tối cao Trung Cộng lâu nay khi nói về mong muốn tăng cường phát triền quan hệ hữu nghị với Việt Nam theo phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt. Việc làm đó đi ngược lại cam kết nêu trong các Tuyên bố chung giữa Trung – Việt, trong đó có Tuyên bố chung nhân chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10/2011. Việc làm đó của Trung Cộng cũng vi phạm nghiêm trọng các cam kết theo Tuyên bố về ứng xử của các Bên ở Biển Đông mà Trung Cộng đã cùng các nước ASEAN ký năm 2002. Nhà cầm quyền Bắc Kinh phải thả vô điều kiện 2 tàu cá QNg 66101 và QNg 66074 và 21 ngư dân Quảng Ngãi đang bị giam giữ ở đảo Phú Lâm từ ngày 4/3/2012./.

An Bình

RELATED ARTICLES

Tin mới