Saturday, November 2, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChèn ép và đe dọa Việt Nam và Philippines: Trung Quốc được...

Chèn ép và đe dọa Việt Nam và Philippines: Trung Quốc được gì?

Ngày 12/4, Nhân dân Nhật báo (phiên bản tiếng Anh) đăng bài báo với tít “Hà Nội và Manila đừng đùa với lửa”, nói rằng Việt Nam và Philippines đang tạo ra những tranh cãi mới ở Biển Đông, thách thức trắng trợn đối với Trung Quốc. Cùng ngày, Hoàn Cầu thời báo cũng có bài xã luận với giọng điệu tương tự cho rằng Trung Quốc luôn kiên nhẫn, duy trì sự kiềm chế ở Biển Đông nhưng đe dọa sẽ đáp trả mọi sự khiêu khích.

Các bài báo đó đặt ra mấy câu hỏi: Hà Nội, Manila có khiêu khích Trung Quốc hay không? Bắc Kinh có thực sự kiên nhẫn, duy trì sự kiềm chế trong vấn đề Biển Đông hay không? Chèn ép và đe dọa Việt Nam và Philippines thì Trung Quốc được gì? Bài báo này sẽ cung cấp cho bạn đọc các lý giải liên quan mấy câu hỏi đó.

 

Việt Nam và Philippines có thách thức, khiêu khích Trung Quốc không?

Hiện nay, Trung Quốc không chỉ là một siêu cường ở châu Á, mà là một siêu cường tầm cỡ toàn cầu. Trước hết, quốc gia này là một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, mà người ta hay gọi là P5. Theo Hiến chương Liên hợp quốc, Hội đồng P5 này có trách nhiệm hàng đầu trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Tất cả mọi quốc gia trên thế giới dù thích hay không đều phải tuân thủ các quyết định của Hội đồng Bảo an liên quan vấn đề duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Giống như 4 siêu cường khác, nếu Trung Quốc không đồng ý thì Hội đồng Bảo an không thể thông qua được các quyết định trọng đại. Nói thế để thấy vai trò của Trung Quốc trong các câu chuyện đại sự của thế giới. Ở các Tòa án quốc tế ở La Hay, Tòa án quốc tế Luật Biển ở Hăm-buốc, thẩm phán Trung Quốc bao giờ cũng giữ một ghế. Về tiềm lực kinh tế, hiện nay, Nhật Bản đã phải nhường vị trí số 2 thế giới cho Trung Quốc. Kinh tế các nước đang có khó khăn, nhưng đà đi lên của Trung Quốc chưa thấy dấu hiệu chững lại. Về quân sự, mỗi năm Trung Quốc đang chi ra hơn 100 tỉ đô-la để tăng cường tiềm lược quân sự. Trung Quốc có khoảng 70 tàu ngầm, thậm chí có tàu ngầm hạt nhân. Năm 2011, Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay (tuy chưa hiện đại như tàu sân bay của Mỹ, Nga).

Còn Việt Nam, Philippines là những nước nhỏ và yếu. Tổng thu nhập cả năm của Việt Nam cũng chỉ khoảng hơn 100 tỉ, tức là chỉ bằng số tiền Trung Quốc chi cho quốc phòng. Tiềm lực quân sự của Việt Nam, Philippines và kể cả Malaixia, Indonexia gộp lại cũng chẳng là gì so với Trung Quốc. Sự chênh lệch đó, Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Philippines cũng như giới quân sự của các nước này đều hiểu. Trong hoàn cảnh đó liệu họ có quyết định khiêu khích Trung Quốc không? Khiêu khích Trung Quốc hoàn toàn không có lợi cho họ. Đối với Việt Nam, hiện nay Trung Quốc là đối tác buôn bán hàng đầu. Kim ngạch buôn bán giữa hai nước trong mấy năm gần đây tăng chóng mặt. Năm 2011 số liệu buôn bán song phương giữa hai bên đạt 40 tỉ đô la Mỹ. Buôn bán với Trung Quốc cũng là yếu tố hết sức quan trọng đối với Philippines. Chắc chắn, Việt Nam và Philippines không dại gì mà khiêu khích Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung Quốc có kiềm chế, nhẫn nại với các nước láng giềng trong câu chuyện Biển Đông không?

Một thực tế không ai có thể phủ nhận là tình hình Biển Đông 2 – 3 năm nay đang trở nên nóng bỏng hơn và thu hút sự quan tâm lớn của thế giới. Ở các nước láng giềng của Trung Quốc thì không chỉ giới học giả nghiên cứu và báo chí mà các nhà lãnh đạo Việt Nam, Philippines và các nước khác cũng lên tiếng, bày tỏ sự lo lắng và phẫn nộ của họ trước việc làm của Trung Quốc. Trung Quốc cho tàu cá vào đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, Philippines, Indonexia, Malaixia. Lý lẽ của Trung Quốc là các vùng đó thuộc phạm vi “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, nêu việc họ đánh cá là đương nhiên. Trung Quốc cố tình lờ đi quy định của Công ước Luật Biển 1982 mà họ cũng là thành viên. Công ước này quy định rõ đâu là phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, đâu là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Indonexia, Malaixia, v.v… Còn yêu sách “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ ra trái với cam kết theo Công ước Luật Biển 1982 thì họ lại sử dụng. Mấy ngày qua, khi lực lượng tuần tra Philippines ngăn cản ngư dân Trung Quốc đánh cá bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines thì Trung Quốc điều tàu hải giám đến giải vây. Năm 2010, họ cũng đã làm như vậy khi Indonexia phát hiện tàu cá Trung Quốc đánh cá bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonexia. Chính Trung Quốc gây ra tranh cãi mới ở Biển Đông, khiêu khích Philippines và Indonexia. Đối với Việt Nam thì sao? Những việc Trung Quốc ráo riết làm trong quan hệ với Việt Nam hoàn toàn bác bỏ điều mà Nhân dân Nhật báo và Hoàn Cầu tô vẽ. Loại việc thứ nhất là đầu năm nay, Trung Quốc tổ chức đua thuyền buồm và tổ chức du lịch ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà họ đang chiếm đóng. Buộc lòng Bộ Ngoại giao Việt Nam phải công khai các vụ việc, lên án các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Chính Trung Quốc đã khiêu khích và Việt Nam buộc phải đáp trả sự khiêu khích đó. Loại việc sai trái thứ hai mà Trung Quốc đang làm đối với Việt Nam là cản trở, đánh đập ngư dân Việt Nam đánh cá bình thường ở quần đảo Hoàng Sa. Nghiêm trọng hơn, ngày 4/3, họ bắt giữ 21 ngư dân và 2 tàu cá của Việt Nam. Trung Quốc liên lạc trực tiếp với gia đình các ngư dân và đòi tiền chuộc 70.000 tệ/mỗi tàu. Chưa nhận được 140.000 nhân dân tệ nên Bắc Kinh chỉ đạo cho binh lính tiếp tục giữ số ngư dân đó cho đến nay. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã công khai vụ việc này vào ngày 21/3. Hà Nội đã triệu Đại sứ Trung Quốc lên Bộ Ngoại giao để phản đối. Khi dự Hội nghị Bác Ngao tại đảo Hải Nam, ông Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Việt Nam cũng đã nêu với ông Lý Khắc Cường, Phó Thủ tướng Trung Quốc. Vụ việc này cho thế giới thấy cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc coi 140.000 nhân dân tệ giá trị hơn các cam kết mà cường quốc này đã chấp nhận. Vì những đồng tiền còm, họ sẵn sàng chà đạp lên tất cả, bất chấp dư luận. Chính Trung Quốc đã đẩy Việt Nam vào thế phải lên tiếng. Những vụ việc Trung Quốc đang gây ra trên Biển Đông trong quan hệ với Việt Nam và Philippines cho thấy rõ: Trung Quốc đã và đang ra sức tận dụng mọi ưu thế về tiềm lực kinh tế và quốc phòng để chèn ép các nước láng giềng yếu ớt, đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Để che giấu những việc làm sai trái của mình, Bắc Kinh chỉ đạo cho bộ máy truyền thông của họ dựng lên câu chuyện Việt Nam và Philippines không ngừng khiêu khích Trung Quốc.

Trung Quốc đạt được gì khi tăng cường chèn ép và đe dọa Việt Nam, Philippines?

Bắc Kinh cho rằng Việt Nam và Philippines là những nước nhỏ bé yếu ớt, quân lính không đông, vũ khí thô sơ nên chẳng chóng thì chày các nước này sẽ chịu khuất phục Trung Quốc. Không ai ngăn cấm được suy nghĩ của Trung Quốc. Nhưng thiết nghĩ các vị chức sắc có trọng trách trong bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh không nên bỏ qua những bài học trong lịch sử quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Trung Quốc đã từng đô hộ Việt Nam hơn 900 năm. Khó có ai nghĩ rằng Việt Nam sẽ giành lại được độc lập. Nhưng người Việt Nam đã làm được điều đó vào năm 939. Trong hơn 1000 năm kể từ khi Ngô Quyền giành lại nền độc lập, đã có biết bao lần Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Thế kỷ thứ X, nhà Tống đã từng đưa quân xâm lược Việt Nam. Họ đã bại vong. Thế kỷ XIII, nhà Nguyên 3 lần đưa đại quân xâm lược Việt Nam. Lính Nguyên Mông thiện chiến đã từng chiếm được kinh thành Thăng Long. Vua tôi nhà Trần đã từng phải chạy vào rừng núi. Nhưng cuối cùng cả 3 lần quân Nguyên bại vong. Chủ tướng Thoát Hoan phải chui vào ống đồng lẩn trốn. Thế kỷ XV, nhà Minh đã từng xâm lược Việt Nam khoảng 15 năm. Lê Lợi lãnh đạo nhân dân cả nước kháng chiến và cuối cùng quân Minh đại bại. Cuối thế kỷ XIX, nhà Thanh cho quân xâm lược Việt Nam và để lại một gò Đống Đa để Bắc Kinh soi. Hàng đống xương của quân xâm lược Trung Quốc còn chất đống ở lòng đất của gò Đống Đa. Năm 1979, Đặng Tiểu Bình cho 50 vạn binh lính gây chiến tranh biên giới phía Bắc. Họ đã từng chiếm được thị xã Lạng Sơn và thị xã Lào Cai. Nhưng 3 tháng sau binh lính Trung Quốc cũng cuốn cờ rút lui. Vì sao? Vì người Việt Nam không chịu nhục. Người Việt Nam không bao giờ chấp nhận mất nước, mất chủ quyền dân tộc.

Với thế và lực của Trung Quốc hiện nay, cũng có thể họ sẽ chiếm thêm đảo này hoặc đảo khác của Việt Nam ở Trường Sa như họ đã từng làm với quần đảo Hoàng Sa. Nhưng việc chiếm đóng trái phép như vậy sẽ không đưa lại cho họ một danh nghĩa nào trước công lý quốc tế. Họ có thể thu được mấy trăm nghìn nhân dân tệ từ gia đình của các ngư dân. Nhưng trước pháp lý quốc tế, các khoản tiền chuộc đó không bao giờ đưa lại cho Trung Quốc danh nghĩa nào. Chắc chắn, việc chèn ép, đe dọa của Bắc Kinh dù ở bất cứ cấp độ nào đều không thể bẻ gãy ý chí bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Truyền thống chống giặc ngoại xâm phương Bắc đã trở thành máu thịt của dân tộc Việt Nam. Những hành động xâm lược của Trung Quốc và những cách hành xử phi lý của Trung Quốc đối với Việt Nam chỉ làm tăng lòng thù hận trong trái tim, khối óc của người Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn. Song chân lý đó không bao giờ thay đổi. Chắc rằng đối với Philippines cũng vậy. Làm những việc để nuôi dưỡng lòng thù hận của các nước láng giềng cũng không phải là điều lợi cho Trung Quốc. Việc đe dọa sử dụng vũ lực ở Biển Đông chỉ làm cho các nước láng giềng và thế giới hiểu rõ hơn bộ mặt thật của Trung Quốc. Hệ quả này rõ ràng cũng không có lợi cho Trung Quốc./.

RELATED ARTICLES

Tin mới