Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLại đe dọa đòi yêu sách mơ hồ

Lại đe dọa đòi yêu sách mơ hồ

BienDong.Net: Trung Quốc đang khiến cả thế giới lo ngại bất chấp việc nước này luôn lặp đi lặp lại những tuyên bố “quen thuộc” rằng họ đang “trỗi dậy hòa bình” không gây nguy hiểm cho bất cứ quốc gia nào khác.

Thế nhưng gần đây, Trung Quốc liên tục có những cuộc “đụng độ” với các tàu của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam. Thậm chí, hồi tháng 10 năm ngoái tờ Hoàn Cầu thời báo còn đưa ra lời “đe dọa” các nước láng giềng hãy chuẩn bị tinh thần “nghe tiếng đại bác” nếu không chịu “mềm mỏng” với Trung Quốc.

 

Cuộc sống thường nhật của người dân đảo Trường Sa Lớn (Ảnh: HỒNG SÂM)

Mới đây, sau sự kiện Tập đoàn Dầu khí Gazprom của Nga đạt được thỏa thuận hợp tác với PetroVietnam khai thác hai lô nằm trên thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc lại tiếp tục đe dọa sẽ “có biện pháp” để ngăn chặn “hành động phi pháp” này. Tờ nhật báo tiếng Anh China Daily của Trung Quốc ra ngày 12-4 đã cảnh báo: “Các nước này nên nhớ rằng đi vào vùng biển sóng gió là điều mạo hiểm”.

Trong khi vẫn tiếp tục hành vi “bắt người đòi tiền chuộc”, tổ chức đua thuyền, mở tuyến du lịch từ Hải Nam ra quần đảo Hoàng Sa, tổ chức đo đạc vẽ bản đồ trên Biển Đông thực hiện yêu sách “đường lưỡi bò”; đưa tàu cá và tàu hải giám xuống tận khu vực quần đảo Trường Sa… Trung Quốc cùng lúc đã liên tục gây sức ép lên các nước láng giềng bằng các tuyên bố phản đối những hoạt động hợp pháp trên chính vùng biển thuộc chủ quyền của các quốc gia này mà Trung Quốc tự cho rằng có “chủ quyền không thể tranh cãi” trên hầu như toàn bộ Biển Đông vì đó là “vùng nước lịch sử”, là “ao nhà” của họ.

Thật kỳ lạ, yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc bao chiếm gần trọn Biển Đông và được nước này giải thích là họ có “chủ quyền lịch sử” tới hàng ngàn năm, được vẽ ra thời Tưởng Giới Thạch. Thế nhưng trên thực tế chỉ mới được quốc gia này đột ngột công bố chính thức trước cộng đồng thế giới từ năm 2009 bằng việc trình lên Liên Hiệp Quốc yêu sách về biên giới lãnh thổ có kèm theo bản đồ này. Điều đáng nói là bản đồ “đường lưỡi bò” không hề có bất kỳ căn cứ khoa học, cơ sở pháp lý hay thực tiễn nào, nhưng Trung Quốc vẫn ngang nhiên tự cho là họ có “chủ quyền không thể tranh cãi” trên toàn bộ vùng nước, bao gồm cả các đảo đá mà đường này bao chiếm, kể cả các vùng thuộc chủ quyền hợp pháp của nhiều quốc gia ven Biển Đông được luật pháp quốc tế và thực tế lịch sử ghi nhận từ lâu. “Đường lưỡi bò” mặc dù được gọi là “bản đồ” nhưng không hề xác định tọa độ địa lý cụ thể, các đường đứt khúc được vẽ tùy tiện không tuân theo bất cứ quy chuẩn nào của khoa học về bản đồ. Giải thích về sự mơ hồ của “bản đồ” này, học giả Trung Quốc còn cho rằng sở dĩ họ không xác định vị trí địa lý của các đường yêu sách là để khi cần thiết có thể điều chỉnh thích hợp với tình hình thực tế. Một cách giải thích cũng mơ hồ và tùy tiện không kém gì quá trình hình thành và công bố yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Nếu tiền lệ tùy tiện lập bản đồ và áp đặt yêu sách chủ quyền một cách mơ hồ như “đường lưỡi bò” của Trung Quốc có thể thuyết phục được cộng đồng quốc tế thì thật nguy hiểm.

Tuy nhiên, ngay cả chuyện đòi hỏi chủ quyền với những đảo trên Biển Đông mà Trung Quốc hiện đang chiếm đóng trái phép do các hành động vũ lực cưỡng chiếm từ các quốc gia có chủ quyền hợp pháp khác cũng còn là một chuyện không phải là dễ dàng. Bởi lẽ, hành vi chiếm đoạt lãnh thổ bằng vũ lực đã bị cộng đồng thế giới lên án và loại trừ ra khỏi đời sống của nhân loại văn minh bằng các tuyên bố, các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền lâu đời của Việt Nam đã bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt từ năm 1974; một phần quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam cũng bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt từ năm 1988. Những hành động chiếm hữu lãnh thổ này của Trung Quốc không mang lại quyền về chủ quyền lãnh thổ như họ yêu sách mà ngược lại đã bị cộng đồng quốc tế lên án gay gắt. Các Nhà nước Việt Nam trong lịch sử đã liên tiếp xác lập và thực thi chủ quyền thực tế một cách công khai, minh bạch, lâu dài trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất từ thế kỷ thứ XVII. Những hành động xác lập chủ quyền của người Việt Nam trên các vùng biển này có đầy đủ căn cứ lịch sử, thực tiễn và phù hợp luật pháp quốc tế.

Do vậy, các hoạt động hợp tác quốc tế, thăm dò, khai thác tài nguyên của Việt Nam trên vùng biển thuộc thềm lục địa, thuộc vùng chủ quyền của mình là chính đáng và được pháp luật quốc tế cũng như cộng đồng thế giới ủng hộ. Bằng chứng là ngày càng có nhiều công ty dầu khí hàng đầu của nhiều cường quốc trên thế giới đã sẵn sàng bắt tay hợp tác làm ăn lâu dài với Việt Nam mặc dù họ luôn nhận được sự phản đối đầy “đe doạ” và sức ép mạnh mẽ từ Trung Quốc.

Điều đáng nói là khi Trung Quốc đã chấp thuận ký kết với ASEAN văn kiện Tuyên bố vế ứng xử của các bên trên Biển Đông năm 2002 (DOC) cũng đồng nghĩa với việc nước này cam kết tôn trọng các hành vi ứng xử trên Biển Đông tuân thủ theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), cũng như những nguyên tắc được thừa nhận phổ biến khác của luật pháp quốc tế được coi là quy tắc căn bản điều chỉnh mối quan hệ giữa Nhà nước và Nhà nước được ghi tại điều 1 của DOC. Đồng thời, DOC cũng quy định các bên cam kết chịu trách nhiệm thực hiện sự tự kiềm chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định trong khu vực. Thế nhưng, mặc dù DOC đã quy định rất rõ các nguyên tắc như vậy, nhưng ngay sau khi ký kết, Trung Quốc vẫn tiếp tục gây ra nhiều tình huống và nhiều hành động làm bất ổn trong khu vực để thực hiện tham vọng, bằng mọi cách áp đặt trên thực tế yêu sách mơ hồ, phi lý, phản khoa học bao chiếm gần trọn Biển Đông.

Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh vừa khép lại với những tuyên bố còn “nóng hổi” về việc ASEAN sẽ nhanh chóng tiến tới việc xây dựng và thống nhất nội dung Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trước khi ký kết với Trung Quốc, bất chấp đòi hỏi của nước này khăng khăng bảo lưu lập trường chỉ chấp nhận đàm phán song phương với từng quốc gia có liên quan. Thực tế cho thấy Trung Quốc càng đơn phương áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý trên toàn bộ Biển Đông bằng các hành động nôn nóng, hung hăng thì càng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, nếu những lời “đe doạ” theo kiểu các quốc gia láng giềng hãy “chuẩn bị tinh thần nghe tiếng đại bác” của Trung Quốc thành hiện thực thì điều đó chỉ càng gây thêm bất lợi cho nước này và ngày càng khiến cường quốc đang “trỗi dậy hoà bình” này thêm mất lòng tin của cộng đồng thế giới. Sự đe dọa đó khiến cho cộng đồng ASEAN càng xích lại gần nhau hơn, đồng thời càng tăng cường cảnh giác nhích ra xa hơn với người hàng xóm khổng lồ nguy hiểm. Như vậy, Trung Quốc bằng các hành động thiếu kiềm chế, gây hấn trên Biển Đông vi phạm DOC, coi thường luật pháp quốc tế, sẽ tự làm cô lập và gây khó khăn cho chính mình.

Hữu Nguyên ( Báo Đại Đoàn Kết )

RELATED ARTICLES

Tin mới