Monday, October 14, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhilippines tập trận chung với Mỹ trong bối cảnh căng thẳng gia...

Philippines tập trận chung với Mỹ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc tại Biển Đông

Ngày 16/4, cuộc tập trận chung thường niên năm 2012 kéo dài 12 ngày giữa Philippines và Mỹ đã chính thức được tiến hành trong bối cảnh hai quốc gia này đang tìm cách củng cố liên minh quân sự do lo ngại Trung Quốc và đặc biệt là căng thẳng đang gia tăng giữa Philippines và Trung Quốc sau vụ việc va chạm giữa tàu Hải quân BRP Gregorio Del Pilar của Philippines với 02 tàu Hải giám của Trung Quốc trên vùng tranh chấp ở Biển Đông ngày 10/4 vừa qua.

Cuộc tập trận chung mang biệt danh “The Balikatan” (Vai kề vai) bắt đầu bằng màn khai mạc hoành tráng tại bộ tổng chỉ huy quân sự Philippines ở doanh trại Aguinaldo với sự tham dự của người đứng đầu lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Jessie Dellosa và Đại sứ Mỹ tại Philippines Harry Tomas.

Ít nhất 4.500 binh sĩ Mỹ và 2.300 binh sĩ Philippines sẽ tham gia cuộc tập trận được tiến hành đồng thời ở nhiều khu vực trên khắp Philippines. Cuộc tập trận bao gồm cả luyện tập bắn đạn thật ở tỉnh Nueva Ecija thuộc đảo Luzon, chiến dịch đổ bộ ở Palawan và tập sở chỉ huy ở Doanh trại Aguinaldo, nơi các binh sĩ Philippines và Mỹ cũng như của một số nước như Nhật Bản, Malaysia, Indonesia và Australia sẽ diễn tập mô phỏng cách phản ứng trong trường hợp xảy ra động đất mạnh. Cuộc tận trận còn diễn ra ở khu vực ngoài khơi Palawan thuộc Biển Đông, nơi lực lượng Mỹ và Philippines sẽ diễn tập đổ bộ, bảo vệ và chiếm lại mỏ dầu và khí. Đại tá Emmanuel Garcia, phát ngôn viên về cuộc tập trận của quân đội Philippines xác nhận các chiến hạm của Mỹ và Philippines sẽ diễn tập ở Biển Đông.


Philippines – Mỹ tập trận chung. Ảnh: Internet.

Mặc dù cuộc tập trận này là hoạt động thường niên giữa hai nước, song năm nay nó thu hút nhiều sự quan tâm hơn của dư luận do ngay trước đó Trung quốc đã có một số động thái gây căng thẳng, đe dọa Philippines. Sự việc xảy ra hôm 8/4 khi giới chức Manila phát hiện tám tàu đánh cá Trung Quốc xuất hiện tại bãi đá ngầm Scarborough, cách đảo chính Luzon 230 km về phía Tây, nằm bên trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Philippines được luật pháp quốc tế công nhận. Manila đã cáo buộc các ngư dân Trung Quốc hoạt động trái phép, đồng thời điều tàu Hải quân BRP Gregorio Del Pilartái (tầu chiến lớn nhất của Philippines, vừa mua của Mỹ) tiến hành kiểm tra và phát hiện một lượng lớn hải sản trên các tàu cá của Trung Quốc. Bắc Kinh ngay lập tức tuyên bố bãi đá ngầm Scarborough thuộc lãnh thổ Trung Quốc, đồng thời cử 02 tàu hải giám để ngăn chặn tàu Hải quân Philippines bắt giữ các ngư dân Trung Quốc. Giới chức Trung Quốc, nhất là số quan chức quân đội đã liên tục đưa ra lời đe dọa rằng Philippines sẽ phải “trả giá” vì vụ việc này. Đại sứ Trung Quốc tại Philippines đã đưa ra lập luận rằng các tàu cá của Trung Quốc đang tránh báo tại bãi đá ngầm Scarborough thì bị tàu chiến Philippines bao vây uy hiếp; 02 tàu Hải giám của Trung Quốc nhận được tin đã đến bảo vệ ngư dân của mình. Ông này tuyên bố “yêu cầu phía Philippines chấm dứt ngay lập tức mọi hành động bất hợp pháp và rời khỏi vùng biển này”, vì rằng “đảo Hoàng Nham (Huangyan) là phần lãnh thổ không tách rời của Trung Quốc và vùng biển xung quanh là khu vực đánh bắt cá truyền thống của ngư dân Trung Quốc”. Phó Tổng thư ký Hội Nghiên cứu Khoa học Quân sự Trung Quốc, Thiếu tướng La Viện, cảnh báo Philippines đang đối mặt với “cơ hội cuối cùng” để giải quyết tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Nam Sa. Ông này cũng khẳng định Philippines sẽ lãnh hậu quả của cái mà ông gọi là “đánh giá sai lầm thực lực và ý chí của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Tướng La Viện còn tuyên bố Philippines đã có hành vi “vừa ăn cướp vừa la làng” khi nộp đơn lên LHQ kiện Trung Quốc trong lúc Manila xây dựng nhiều công trình và sân bay trên những hòn đảo của Trung Quốc tại Biển Đông.

Báo giới Trung Quốc cũng tận dụng vụ việc này để liên tục đưa các tin bài khiêu khích, đe dọa Philippines và các nước đang có tranh chấp tại Biển Đông với Trung Quốc. Tờ “Thời báo Hoàn cầu” của Trung Quốc đăng bài xã luận “Xác lập cái uy là nhiệm vụ cấp thiết của Trung Quốc hiện nay tại Nam Hải (Biển Đông)”, trong đó cho rằng một số nước như Philippines, Việt Nam từ lâu đã không để ý đến những cảnh báo của Trung Quốc, điều này khiến cho xác suất xảy ra xung đột giữa các nước này với Trung Quốc trở nên cao hơn. Việc Trung Quốc dùng kháng nghị và khuyên răn Philippines và Việt Nam bình tĩnh trở lại là vô ích. Trung Quốc cần áp dụng hành động kiên quyết bảo vệ chủ quyền cũng như thể hiện thái độ chủ nghĩa hiện thực hơn đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông. Cuộc đối đầu tại đảo Hoàng Nham giữa Trung Quốc và Philippines đã đem lại một cơ hội quan trọng để Trung Quốc tái xác lập nhận thức của các nước có đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông về quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc, khiến cho các nước này từ nay về sau phải suy nghĩ trước khi muốn xung đột với Trung Quốc. Trung Quốc nhất thiết phải tăng thêm lực lượng hải giám đến đảo Hoàng Nham, đồng thời phải để cho hải quân Trung Quốc làm tốt công tác chuẩn bị ứng cứu và chi viện. Hải quân là sự hậu thuẫn mạnh mẽ của lực lượng hải giám và chấp pháp ngư chính, Trung Quốc không cần thiết phải che giấu ý đồ này. Trung Quốc cũng cần thể hiện sức mạnh nước lớn của mình trong cuộc xung đột với Philippines lần này. Chênh lệch sức mạnh quá lớn giữa Trung Quốc và Philippines là sự thật, điều đó chí ít không gặp phải sự coi thường và giễu cợt từ phía Philippines. Manila thường bộc lộ cuồng vọng “lấy nhỏ bắt nạt lớn”, là một trong những biểu hiện không hiểu biết nguy hiểm nhất trong quan hệ quốc tế. Trung Quốc cần nhân cơ hội này, nâng cao toàn diện mật độ và sức mạnh của lực lượng hải giám, ngư chính trong chấp pháp tuần tra tại Biển Đông. Trung Quốc cần đẩy nhanh việc đóng mới và triển khai các tàu hải giám trọng tải lớn, sẵn sàng sử dụng các biện pháp đối kháng kể cả việc đâm vào các tàu nước ngoài khi xâm phạm lãnh hải. Trung Quốc còn cần nghiên cứu nghiêm túc, nhanh chóng thực hiện kiến nghị của một số học giả về thành lập bộ đội cảnh vệ bờ biển, đồng thời cần tính toán xây dựng công trình vĩnh cửu và lực lượng bảo vệ liên quan tại đảo Hoàng Nham. Trung Quốc không phải lo sợ sự chỉ trích của Philippines, Việt Nam và dư luận phương Tây…

Mặc dù vụ việc trên đã tạm lắng xuống sau khi 5 tàu cá cuối cùng của Trung Quốc trong vụ va chạm với Hải quân Philippines ở bãi đá ngầm Scarboroughb đã rời đi (15/4), song hành động ngang ngược của Trung Quốc đã tiếp tục làm dấy lên làn sóng lo ngại tới các quốc gia liên quan rằng Trung Quốc sẽ tăng thêm lực lượng trong vùng Biển Đông, khiêu khích, đe dọa các nước có tranh chấp (gồm Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia) để tìm mọi cách thực hiện yêu sách “đường lưỡi bò” của mình. Hành động ngang ngược trên của Trung Quốc diễn ra ngay trước thời điểm cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines là chủ ý rõ ràng của Trung Quốc nhằm khiêu khích, răn đe Philippines, cảnh báo Mỹ, đồng thời cũng là thói quen “giết gà dọa khỉ” mà Trung Quốc vẫn luôn sử dụng để đối phó với các quốc gia khác có tranh chấp ở Biển Đông. Song chính hành động này sẽ càng làm Trung Quốc bị mất lòng tin, ngày càng rơi vào tình trạng bị cô lập. Philippines và các nước có tranh chấp tại Biển Đông sẽ đề cao cảnh giác, tăng cường phối hợp và lôi kéo các nước lớn ngoài khu vực, nhất là Mỹ để ứng phó với Trung Quốc. Chính vì những lý do đó, cuộc tập trận năm nay giữa Mỹ và Philippines sẽ không còn được coi là mang tính thường lệ vì nó sẽ phát đi một thông điệp rõ ràng là Philippines đang tăng cường khả năng quân sự và Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Philippines. Đây là một sự răn đe đối với Trung Quốc./.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới