Friday, April 19, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVăn hoá - Thể thao BiểnTrường Sa mênh mang biển trời phía Đông

Trường Sa mênh mang biển trời phía Đông

BienDong.Net: Vừa qua, tham gia đoàn công tác đi Trường Sa có đại diện 6 tôn giáo lớn trong nước cùng nhiều Việt kiều đại diện cho 4 triệu người gốc Việt sinh sống và làm việc ở nước ngoài.

Từ quân cảng Cát Lái, tàu HQ 571 nhổ neo đưa chúng tôi vượt sông Sài Gòn ra biển Đông. 9 ngày lênh đênh sóng nước, vượt qua hàng trăm hải lý, tôi trải qua những cảm xúc khó quên.

Biển mênh mông khi xanh đậm, khi tím thẫm trải mãi đến chân trời, không gì che tầm mắt. Ở bên trên, bầu trời xanh như chiếc bát ngọc trong vắt ngút ngát úp xuống đại đương.

Và gió, gió bạt ngàn thổi những đám mây vần vũ trên nền xanh, liên tục tạo nên vô vàn những hình thế kì ảo, khơi gợi, thách thức trí tưởng tượng con người.

Tháng Ba, biển lặng, có lúc tàu như đi trên mặt hồ- lại thương người đi những ngày biển động, say sóng quay cuồng.

Biển ta giàu đẹp quá! Này những đàn cá heo rượt đuổi đùa rỡn theo tàu. Này là những đàn cá chuồn vội vã bay lên mặt nước theo tàu rẽ sóng.

Đêm đến trên mặt biển xanh đen, xa bờ lắm rồi, mà vẫn thấy chùm sáng của những chiếc tàu dân ta miệt mài ra khơi câu mực. Mỗi khi tàu dừng, ánh sáng trên tàu hắt xuống biển, thấy từng đoàn mực ống phóng lên bắt mồi, những đàn cá rập rình như đi ăn tiệc.

Lúc lại thấy tàu chạy qua một vùng sáng như thành phố trên biển, với những dàn khoan sáng rực hắt lửa lên trời đêm. Ấy là khi tàu đi ngang qua một mỏ dầu trên thềm lục địa phía Nam, nơi cung cấp một nguồn tài nguyên lớn cho nền kinh tế đất nước.

Đi miết, sau hơn 40 tiếng đồng hồ tàu mới tới Song Tử Tây, hòn đảo đầu tiên trong chuyến hải trình đến với chiến sĩ Trường Sa. Ở nơi cách đất liền hàng trăm cây số này vẫn thấy những con tàu của ngư dân cần mẫn mưu sinh trên biển.

Rồi tàu qua Song Tử Tây, Nam Yết, Đá Tây… Trường Sa Lớn, quay về khu vực Bãi Tư Chính, nhà dàn DK trên thềm lục địa…

Qua một vòng hải trình, thấy biển và đảo Tổ quốc có bao tài nguyên tiềm ẩn. Trường Sa, tôi đã thấy những chú cò di cư bay lạc đang lang thang không đủ sức bay về đất liền.

Biển sao mênh mông thế!

Mới thấy tầm nhìn xa của các bậc tiền nhân, những người từ xa xưa đã vượt biển đến những hòn đảo không người, để ghi dấu chủ quyền của người Việt.

Và biết ơn những thế hệ chiến sĩ, đồng bào đã bằng sức lực, mồ hôi và cả sự sống của mình giữ cho sự vẹn toàn của Tổ quốc nơi biển khơi.

Tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại khu vực nhà giàn DK1

Vì thế, ta không khỏi xúc động khi đặt chân lên mỗi đảo. Dường như đến đây, con người được cảm giác rũ bỏ bụi trần, được nếm trải những khoảnh khắc thanh thoát, lâng lâng lên tầng cao xúc cảm. Và đến đây mọi người dường như đều cảm nhận rõ trong mình nhịp chảy của dòng máu Lạc Hồng…

Tôi đã thấy những giọt nước mắt nghẹn ngào của một Việt kiều sau gần 40 năm xa quê nay được đặt chân đến Trường Sa.


Giây phút xúc động khi đặt chân lên đảo.

Giáo sĩ Huệ Ý lĩnh xướng bài “Cái nhà”

Tại cuộc gặp trên đảo Nam Yết và trên tàu hành trình, hơn một lần Giáo sĩ Huệ Ý (Cao Đài) xung phong lên lĩnh xướng bài hát Cái nhà mà ông được học từ thuở còn thơ, như để nhắc nhở cái phận sự của mỗi người con dân đất Việt đối với biển đảo quê nhà, lời hát nói rất đúng tâm trạng người đến Trường Sa. Chỉ cần hướng dẫn một lần là cả đoàn người hòa theo trong điệp khúc:

Cái nhà là nhà của ta
Ông cố ông cha làm ra
Cháu con hãy gìn giữ lấy
Muôn năm với nước non nhà!…

BDN ( Theo BNH, báo TT&VH )

RELATED ARTICLES

Tin mới