Tuesday, March 19, 2024
Trang chủBiển ĐôngGiới thiệu về biển ĐôngThế giới đại dương: Tìm hiểu về Rong Biển

Thế giới đại dương: Tìm hiểu về Rong Biển

BienDong.Net: Rong biển hay tảo bẹ hay cỏ biển là loài thực vật sinh sống ở biển, thuộc nhóm tảo biển. Rong biển có thế sống ở cả hai môi trường nước mặn và nước lợ, chúng mọc trên các rạn san hô hoặc trên các vách đá, hoặc có thể mọc dưới tầng nước sâu với điều kiện có ánh sáng mặt trời chiếu tới để quang hợp. Từ lâu con người đã khai thác rong biển cho thực phẩm, dược phẩm và công nghiệp. Sản lượng rong biển hàng năm cuả thế giới ước tính đạt khoảng 15 triệu tấn và dự tính khoảng 22 triệu tấn vào năm 2020.

Rong biển là thức ăn rất giàu bột đường, chất xơ, đạm, sinh tố và chất khoáng. Hàm lượng sinh tố A trong rong biển cao gấp 2-3 lần so với cà rốt, hàm lượng canxi cao gấp 3 lần so với sữa bò, vitamin B2 cao gấp 4 lần trong trứng.

Thành phần Alga alkane mannitol có trong rong biển là loại đường có hàm lượng calo thấp, bổ máu, giúp tiêu hoá nhanh và loại bỏ nhanh các các chất cặn bã có trong cơ thể. Dưới góc độ y học, rong biển là một thực phẩm dưỡng sinh tốt, thường được dùng phối hợp trong thực đơn của người bị béo phì, người đái tháo đường, làm thực phẩm cho người bị tăng huyết áp nhờ khả năng chống vón tiểu cầu. Gần đây nhiều nhà khoa học Nhật Bản cho rằng rong biển có khả năng chống phóng xạ và thải độc. Rong biển ở Nhật bản được biết đến như là một thực phẩm giúp cọn người có thể trường thọ.

Ở VN có nhiều món ăn đặc sản được chế biến từ rong biển như gỏi, nộm, canh rong biển, rong biển xào tôm thịt, rong biển hầm sườn non, rong biển chiên…

Những loài rong biển thực phẩm nổi tiếng như kombu (Laminaria) của Trung Quốc, wakame (Undaria pinnatifida) của Hàn Quốc đều có giá bán rất cao, đặc biệt loại rong nori (Porphyra) của Nhật Bản có giá xấp xỉ 20.000USD một tấn.

“ Rừng “ rong Giant Kelp ( Ảnh Internet )

Theo các phương pháp cổ điển, để chuyển rong biển thành ethanol nhiên liệu cần phải qua các bước: tiền xử lý nguyên liệu, thủy phân thành đường, lên men đường thành ethanol nhiên liệu sinh học và quá trình giảm lượng nước trong ethanol nhiên liệu. Mới đây, các nhà khoa học thuộc Đại học Đông Bắc Nhật Bản và Công ty Điện lực Đông Bắc lại nghiên cứu thành công công nghệ mới có thể chiết xuất cồn sinh học Bio-ethanol với hiệu quả cao từ rong biển bằng cách nghiền nhỏ rong biển và trộn lẫn với enzyme, sau đó cho thêm một loại nấm men đặc biệt để chúng lên men. Sau khoảng hai tuần, từ mỗi kilogam rong biển có thể sản xuất được khoảng 200ml ethanol.

Theo các nhà khoa học, so với phương pháp xử lý phức tạp theo nhiều công đoạn trước kia, công nghệ mới này có thể làm cho rong biển trực tiếp lên men, hơn nữa trong quá trình xử lý không phải cho thêm các phụ gia chất độc hại.

Bio-ethanol là một loại năng lượng sạch, tuy nhiên, nguyên liệu của nó cho đến nay đa phần là các cây trồng kinh tế như ngô, mía đường.

Công nghệ mới này không chỉ có lợi cho bảo vệ môi trường, mà còn có thể trợ giúp trong ứng phó vấn đề lương thực.

Tại Hawaii, Mỹ người ta đã tiến hành nhiều công trình nghiên cứu loài rong Giant Kelp . Đây là thực vật có sức quang hợp lớn, phát triển vào loại nhanh nhất trong thế giới thực vật, mỗi ngày cây rong có thể tăng trưởng đến 1 mét . Do đó người Mỹ tin rằng loại rong này có thể dùng làm nguyên liệu để tạo ra nhiên liệu sinh học.

Theo các tài liệu đã công bố, rong biển Việt Nam có khoảng 800 loài. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có một số đối tượng khoảng 90 loài được người dân khai thác sử dụng làm thực phẩm, làm thuốc, còn phần lớn để cho tự phân hủy gây lãng phí tài nguyên và gây ra ô nhiễm môi trường.

Ước tính diện tích mặt nước có tiềm năng nuôi trồng và khai thác rong biển trong thời kỳ 2010-2015 là 900.000 ha với sản lượng 600-700.000 tấn khô/năm, trong đó, nhóm rong Lục có tiềm năng lớn nhất về diện tích và sản lượng nuôi trồng.

Tại Việt Nam, bên cạnh việc sử dụng rong biển làm thực phẩm, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang đã chọn được ba loài rong biển có khả năng nuôi trồng quy mô lớn, sản lượng cao, đáp ứng nguyên liệu sản xuất cồn nhiên liệu etanol, đồng thời đã chiết xuất thành công bio-etanol từ rong biển trong phòng thí nghiệm, với tỉ lệ 7kg rong biển thu được 1kg etanol. Tiến sĩ Lê Như Hậu, trưởng phòng vật liệu hữu cơ từ tài nguyên biển, Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang đánh giá, Việt Nam có vùng biển rộng lớn, thuận tiện để trồng rong biển nhằm chiết xuất etanol. “Sản xuất etanol từ rong biển vừa giải quyết vấn đề nhiên liệu, an ninh lương thực vừa giải quyết việc làm cho ngư dân ven biển, ông Hậu nói.

Tuy nhiên, nếu rong biển được khai thác ồ ạt để đưa vào sử dụng làm nguyên liệu sản xuất ethanol, thì nguồn nguyên liệu chẳng bao lâu sẽ trở nên cạn kiệt. Bên cạnh đó, còn có một số nhân tố ảnh hưởng đến sự suy giảm nguồn tài nguyên sinh vật, thậm chí có nhiều loài bị đe dọa có nguy cơ biến mất trong tương lai gần. Đó là việc phá vỡ nơi cư trú của rong biển trước hoạt động khai thác san hô làm vật liệu xây dựng, làm ao nuôi trồng thủy sản, xây dựng cảng biển, mở rộng thành phố. Cùng với đó là hành động làm xáo trộn môi trường như tăng hàm lượng dinh dưỡng, vật chất lơ lửng, các kim loại nặng từ nuôi trồng và các hoạt động thành phố đổ ra biển; khai thác quá mức. Và cuối cùng là tác động trực tiếp từ hoạt động du lịch gây tổn hại cho quần thể rong biển.

TS Lê Như Hậu giới thiệu rong mơ được nhân giống trong phòng thí nghiệm – Ảnh: Duy Thanh, Báo Tuổi Trẻ.

Các nhà khoa học Nha Trang đã nhìn thấy rõ những nguy cơ này và đã đề xuất sự cần thiết phải nghiên cứu các giải pháp nhằm khai thác bền vững nguồn nguyên liệu rong biển, trong đó ngoài việc đưa ra những qui định chặt chẽ về chế độ khai thác rong biển tự nhiên, bảo đảm môi trường sống cho rong biển, còn phải phát triển các dự án trồng rong biển ở Việt Nam theo qui mô công nghiệp.

Trên thế giới, vấn đề khai thác bền vững rong biển cũng đã được một số nước quan tâm. Về quản lý nguồn lợi rong biển, một số nước ở bờ Tây Bắc châu Mỹ đã có một số điều luật trong quản lý khai thác rong biển, ví dụ ở Alaska, rong biển chỉ được khai thác qua các công cụ sử dụng bằng tay, hạn chế chỉ một số vùng được khai thác với một số loài và theo phương pháp được chỉ định. Ở British columbia, Canada thì chỉ cho người dân trong địa phương khai thác, không khai thác quá 20% tổng sinh lượng của bãi rong, đối với rong Macrocystis integrifolia không được khai thác gốc bám, không khai thác ở độ sâu dưới 1,5m dưới mặt nước. Ở California, phí khai thác thương mại 100USD/năm, và phải đóng nghĩa vụ đối với địa phương 5 cent/tấn rong tươi. Về phương pháp khai thác, đối với loài Chondracanthus chamissoi ở Bắc Chi lê, thu hoạch vào mùa xuân nhưng phải để lại 1 kg/m2 tương đương với sinh khối nhỏ nhất trong năm và chỉ nên thu 4kg/m2…

Bên cạnh các biện pháp chế tài, một số nước cũng đã có các dự án phát triển rong biển công nghiệp. Đầu tháng 11/2008 một dự án hợp tác được ký giữa Hàn Quốc và Indonesia nhằm trồng rong ở các đảo Maluku, Belitung và Lombok để sản xuất biodiesel theo công nghệ Italia. Nhưng tham vọng hơn cả là dự án của Nhật Bản bắt đầu triển khai từ tháng 3/2007, theo đó họ sử dụng tổng cộng 10.000km2 mặt nước để trồng loài rong mơ Sargassum hondawara nhằm sản xuất mỗi năm 20 triệu mét khối bioethanol, nghĩa là tương đương với 1/3 nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của nước này. Về phần mình, Các nhà khoa học Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang đánh giá, Việt Nam có vùng biển rộng lớn, thuận tiện để trồng rong biển nhằm chiết xuất etanol. Ước tính diện tích mặt nước có tiềm năng nuôi trồng và khai thác rong biển trong thời kỳ 2010-2015 là 900.000 ha với sản lượng 600-700.000 tấn khô/năm, trong đó, nhóm rong Lục có tiềm năng lớn nhất về diện tích và sản lượng nuôi trồng.

Hoa Biển ( tổng hợp )

RELATED ARTICLES

1105 COMMENTS

Comments are closed.

Tin mới