Friday, April 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBáo chí Trung Quốc vạch mặt giới cầm quyền Bắc Kinh trong...

Báo chí Trung Quốc vạch mặt giới cầm quyền Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông

Lâu nay giới cầm quyền Bắc Kinh thường lớn tiếng rêu rao có “chủ quyền không thể tranh cãi” ở “Nam Hải” tức Biển Đông (tên quốc tế là “Biển Nam Trung Hoa”). Trung Quốc còn trắng trợn và ngang ngược đưa ra “đường chín khúc” (thường gọi là “đường lưỡi bò”) mà họ đơn phương và phi pháp vẽ trên bản đồ về Biển Đông, coi đó là “đường ranh giới” trên biển của Trung Quốc, vùng nước trong phạm vi đường ranh giới này là “nội thủy” của Trung Quốc.v.v… Việt Nam, Philippines và các nước ASEAN khác đã mạnh mẽ và kiên quyết bác bỏ quan điểm phi pháp và ngang ngược đó của Trung Quốc. Dư luận báo chí trên thế giới bao của Việt Nam và các nước ASEAN đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ và vạch trần các thủ đoạn xảo trá của Bắc Kinh.

Điều đáng nói là ngay chính các học giả Trung Quốc cũng có một số người nhận rõ sự phi lý và sai trái trong các luận điểm của Bắc Kinh. Một bài báo đăng trên mạng “Hoàn Cầu” của Trung Quốc đã đưa ra các quan điểm trái ngược với chủ trương của Bắc Kinh, gây sự chú ý của dư luận quốc tế.

Bài báo có tựa đề “Bắc Kinh không phải là quá mềm mà là quá cứng ở Nam Hải” (tức Biển Đông). Bài báo dài khoảng 2000 chữ Hán, nội dung đề cập tới các vấn đề xung quanh tranh chấp của Trung Quốc với các nước láng giềng Việt Nam, Philippines, Malaysia ở Biển Đông.

Về vấn đề lịch sử hình thành yêu sách của Trung Quốc về đường 9 khúc (đường lưỡi bò), tác giả bài viết vạch ra rằng: “vào thập niên 30 của thế kỷ 20, đó là 10 năm hoàng kim của Chính phủ Trung Hoa dân quốc đang thống trị ở Trung Quốc. Một số chuyên gia là những lưu học sinh học tập tại các nước Anh, Mỹ, Pháp, Nhật trở về nước đem theo các tấm bản đồ của nước ngoài vẽ về khu vực biển Nam Trung Hoa. Với ý thức mở rộng lợi ích cho dân tộc Trung Hoa, họ đã tùy tiện đặt tên Trung Quốc cho các các hòn đảo trên Biển Đông. Một số chuyên gia ở trong nước thì nghĩ ra cách khác là lục tung đống sách cổ rồi cố tìm trong đó những tư liệu, từ đời Minh Thanh ngược lên đến đời Đường Tống, từ chính sử tới dã sử. Họ lần theo hành trình thám hiểm Tây dương của Thái giám Tam bảo Trịnh Hòa rồi từ những ghi chép đó họ vạch ra một vùng biển cách rất xa Trung Quốc, tới tận một bãi đá ngầm mà quốc tế ghi là James Shoal, chỉ cách lãnh thổ Malaysia có 80 km, cách Tam Á Hải Nam Trung Quốc đến 800 km. Năm 1935, Chính phủ Trung Hoa dân quốc đã đặt tên cho bãi ngầm đó là “Tăng Mẫu” và tuyên bố đó là lãnh thổ cực Nam của Trung Hoa dân quốc, kèm theo đó họ cũng vạch 1 đường “9 đoạn”, nói đó là ranh giới trên biển của Trung Quốc”. Bài báo nhấn mạnh: vào thời kỳ đó, Trung Quốc chưa có đủ năng lực tiến hành đo đạc để xác định đường ranh giới trên biển và cũng chẳng hiểu biết được bao nhiêu về vấn đề hải dương, chẳng qua là họ chỉ căn cứ trên sổ sách do ông tổ Trịnh Hòa để lại. Họ còn tuyên bố là lãnh thổ do ông tổ để lại thì con cháu phải giữ bằng được. Chính phủ Bắc Kinh sau khi giành được chính quyền, thấy việc làm của Chính phủ Quốc dân đã tạo cho mình điều kiện quá dễ dàng, nên đã nghiễm nhiên kế thừa đường ranh giới 9 khúc đó, con đường này đã về tới tận cửa ngõ nhà người ta, vẽ đến bãi Tăng Mẫu (James Shoal), nếu còn vẽ tiếp nữa thì vùng biển phía Đông của Malaysia cũng sẽ trở thành lãnh thổ của Trung Quốc.

Bài báo viết một cách châm biếm: “Nam Hải quá rộng, khoảng cách giữa các hòn đảo cũng tương đối xa, mặc dù được gọi là biển Nam Trung Hoa nhưng điều này không có nghĩa Nam Hải là một cái ao nhà của họ, nếu cứ hiểu theo cách đó thì chẳng lẽ Ấn Độ Dương là vùng biển của riêng Ấn Độ hay sao?”

Bài báo nhận xét: Việc vạch ra một ranh giới trên biển bao gồm hầu như toàn bộ diện tích biển Nam Trung Hoa, xem ra có vẻ không thông về mặt địa lý. Vì thế đến những năm 90 của thế kỷ trước, Bắc Kinh đã đơn phương tiến hành đo đạc rồi dựa vào đó công bố đường cơ sở thuộc hải phận Trung Quốc ở Nam Hải. Họ đã chơi trò tiểu xảo, chỉ công bố các điểm nối đường cơ sở mà không công bố bất cứ số liệu nào làm cơ sở cho việc định ra đường cơ sở đó. Trước sự ồn ào phản đối của các nước ven biển Nam Hải, Bắc Kinh giở giọng đe dọa “Nếu các vị không coi hải quân của chúng tôi ra gì thì xin mời cử tàu thuyền đến, nhưng vấn đề an toàn thì e là …”

Từ những phân tích trên, tác giả bài báo rút ra nhận xét: từ Chính phủ Nam Kinh thời Trung Hoa dân quốc cho đến Chính phủ Bắc Kinh hiện nay đều chung quan điểm coi “đường 9 khúc” là ranh giới trên biển của Trung Quốc. Xem ra những người đưa ra chủ kiến này “không những có óc tưởng tượng phi thường, mà còn phải có thái độ gian tà tới tột đỉnh”.

Về vấn đề chính sách và thái độ cư xử của Trung Quốc đối với các nước ven Biển Đông đang có tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông, bài báo đưa ra nhận định: “Các nước ASEAN (Việt Nam, Philippines, Malaysia) đã tiến hành khai thác dầu khí ở một số khu vực trên Biển Đông. Đa số các nước này đều không có khả năng tự khoan dầu khí ngoài khơi nên đều tiến hành hợp tác với các công ty của các nước Âu, Mỹ để khai thác”. Trước thực tế đó, Bắc Kinh không hề tỏ thái độ mềm yếu mà là rất cứng rắn. Họ đã tiến hành một loạt các biện pháp như thành lập thành phố Tam Sa; cho tàu chiến, máy bay của hải quân hoạt động ngày đêm nhằm ngăn cản, quấy rối các hoạt động khai thác dầu khí của các nước láng giềng, làm cho các hoạt động này không thể tiến hành yên ổn. Mặt khác, các tập đoàn dầu khí Trung Quốc như CNPC và Sinopee đã liên kết với nhau tìm cách gây sức ép tối đa lên các công ty dầu khí của các nước Âu, Mỹ, ngăn cản họ hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam, Philippines…” Bài báo nhận xét “các hành động này diễn ra thường xuyên, liên tục, không phải chỉ trong 1 ngày, 2 ngày. Việc quấy nhiễu diễn ra 1 lần thì chưa có gì đáng kể nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần thì chẳng còn đạo lý trời đất gì nữa”. Về chính sách của Trung Quốc đối với các nước ASEAN trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, tác giả bài báo viết: “Từ trước đến nay, đối với các quốc gia như Malaysia, Brunei, Trung Quốc đã đưa bút vạch ranh giới lãnh thổ trên biển của mình tới sát cửa ngõ nhà người ta, rồi tìm cách phân hóa Mianma, Thái Lan, Cămpuchia, bóp nghẹt Philippines, từng bước tiến tới nuốt chửng Việt Nam”.

Bài viết nói trên của học giả Trung Quốc đã nói lên một phần sự thật, vạch rõ tính chất phi lý, phi pháp trong quan điểm, lập trường của giới cầm quyền Bắc Kinh đối với các tranh chấp ở Biển Đông. Chắc chắn sẽ ngày càng có nhiều học giả và nhà nghiên cứu Trung Quốc nhìn rõ sự thật và lên tiếng phản bác lại quan điểm và lập trường cực kỳ sai trái và hết sức phi lý, phi pháp của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông./.

Mai Long

RELATED ARTICLES

Tin mới