Sunday, October 13, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTrung Quốc là nguyên nhân chính gây căng thẳng trên Biển Đông

Trung Quốc là nguyên nhân chính gây căng thẳng trên Biển Đông

BienDong.Net: Trở về từ hội thảo an ninh Biển Đông do Viện
nghiên cứu chiến lược (CSIS) tại Mỹ tổ chức, TS Trần Trường Thủy, Giám đốc
Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông (Học viện Ngoại giao) đã có cuộc trao đổi với
báo Tiền Phong về quan điểm của các học giả quốc tế trước những căng thẳng trên
Biển Đông thời gian qua. Dưới đây là phần trích nội dung cuộc phỏng vấn này.

Trung Quốc là nguyên nhân chính gây căng thẳng

– Tại hội thảo này, Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Lieberman chỉ
trích tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông. Là người tham dự hội thảo, ông có
thể cho biết thêm quan điểm của các học giả quốc tế về tình hình Biển Đông hiện
nay và những yêu sách của Trung Quốc?

Tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Mỹ cũng như qua nhiều
nghiên cứu, tranh luận khác, có thể thấy đa số học giả quốc tế (trừ các học giả
Trung Quốc) đều cho rằng, tình hình Biển Đông căng thẳng trở lại khoảng 3 năm
gần đây và yêu sách, lập trường cũng như hành động của Trung Quốc là nguyên
nhân chính gây căng thẳng.

alt

TS Nguyễn Trường Thủy

Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn, có nhiều bước đi mạnh
bạo, hệ thống nhằm tạo ra sự quản lý thực tế theo Đường lưỡi bò, từ đó gây ra
nhiều va chạm với các nước xung quanh.

Học giả Trung Quốc thì ngược lại, họ cho rằng Trung Quốc chỉ
phản ứng trước hành động của các nước khác. Theo học giả Trung Quốc, các nước
tranh chấp thuộc Đông Nam Á tìm cách quốc tế hóa vấn đề. Mỹ nhân cơ hội can dự
sâu hơn vào khu vực, kiềm chế Trung Quốc.

Theo tôi, nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự khác biệt trong hai
cách nhìn nhận trên là do yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, nhất là yêu
sách Đường lưỡi bò.

Khi Trung Quốc coi mình có quyền tài phán và kiểm soát tài
nguyên theo Đường lưỡi bò, chiếm đến 80% Biển Đông, lấn sâu vào các vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển khác, biến vùng không
tranh chấp thành tranh chấp, thì hệ lụy là Trung Quốc coi các hành vi khai thác
tài nguyên của các nước khác là vi phạm chủ quyền của họ, do đó Trung Quốc cản
phá, tạo ra nhiều tranh cãi, va chạm.

Về yêu sách của Trung Quốc đối với Đường lưỡi bò, đa số học
giả quốc tế đều cho đây là yêu sách phi lý. Trung Quốc hoàn toàn không thể biện
minh được nếu dùng đường này để đòi kiểm soát tài nguyên theo toàn bộ vùng nước
ở trong.

alt

Lưỡi bò tham lam của Trung Quốc trên Biển Đông ( Ảnh
Internet )

Trung Quốc đã ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển
năm 1982 thì Trung Quốc có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa của mình và Trung Quốc cũng có nghĩa vụ tôn trọng
vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước khác.

Không thể nói đại ngôn là Công ước Luật Biển có sau thì
không thể phủ nhận Đường lưỡi bò. Mà là ngược lại, các điều khoản của thỏa
thuận quốc tế sẽ có hiệu lực cao hơn các quy định của nội luật (nếu có).

Thông thường, các quốc gia có nghĩa vụ phải sửa nội luật cho
phù hợp với các điều khoản của thỏa thuận quốc tế.

Làm rõ thực chất chính sách của Trung Quốc

– Tại hội thảo này, ông đã vạch rõ nguyên tắc gác lại tranh
chấp, cùng khai thác của Trung Quốc thực chất luôn là “cái của tôi là của tôi,
cái của anh là của tôi và chúng tôi sẵn sàng chia sẻ”. Ông có thể nói rõ hơn về
nhận định này?

Trung Quốc luôn tuyên truyền về chủ trương gác tranh chấp,
cùng khai thác tại Biển Đông, nhằm thể hiện hình ảnh hợp tác, giải quyết hòa
bình các tranh chấp. Thực ra, đây không phải là sáng kiến gì mới của Trung Quốc
mà luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Luật Biển, đã có quy định và thực
tiễn quốc tế đã có nhiều thỏa thuận quốc tế về cùng khai thác.

Việt Nam cũng có dạng hiệp định này về khai thác dầu khí tại
vùng chồng lấn thềm lục địa tại Vịnh Thái Lan với Malaysia, Thái Lan; hiệp định
hợp tác nghề cá với Trung Quốc tại Vịnh Bắc Bộ.

Điểm chung là khu vực hợp tác phải là khu vực thực sự chồng
lấn, các yêu sách được xác định hợp lý, hợp pháp dựa trên luật pháp quốc tế,
hoặc tại các khu vực nằm vắt ngang đường ranh giới đã được xác định. Tóm lại là
thỏa thuận phải mang lại công bằng cho tất cả các bên tham gia.

Trong khi Trung Quốc hiện nay nhấn mạnh gác tranh chấp, cùng
khai thác tài nguyên ở Biển Đông, nhưng họ luôn coi chủ quyền các khu vực tranh
chấp thuộc về mình.

Trên thực tế, Trung Quốc chủ yếu muốn cùng khai thác tại các
khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước khác, ví như khu
vực Tư Chính thuộc thềm lục địa của Việt Nam
hay Cỏ Rong thuộc thềm lục địa của Philippines.

Năm 2010, tôi dự một hội thảo tại Hải Nam, Trung Quốc, học
giả Trung Quốc Tề Quốc Hưng thậm chí còn đề xuất cùng khai thác cả khu vực nằm
ngoài ranh giới Đường lưỡi bò (!).

Do đó, tại hội thảo ở Mỹ, tôi có khái quát hóa chủ trương và
cách thức gác tranh chấp, cùng khai thác của Trung Quốc là “cái gì của tôi là
của tôi, cái gì của anh cũng là của tôi và chúng tôi sẵn sàng cùng khai thác”,
mục đích là để quốc tế hiểu rõ chính sách thực chất của Trung Quốc.

Họ không còn nhiều “bài”

– Từng tham gia nhiều hội thảo, diễn đàn quốc tế về Biển
Đông, ông nhận định gì về những hành động vừa qua của Trung Quốc như lập cái
gọi là “thành phố Tam Sa”, mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí nằm sâu trong vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam?

Các hành động vừa qua thực ra không có nhiều bất ngờ. Họ đã
triển khai rất đồng bộ nhiều biện pháp trên thực địa từ mấy năm nay, nhằm mục
đích quản lý thực tế theo Đường lưỡi bò, bao gồm hành chính hóa, dân sự hóa
chiếm đóng; tăng cường hiện diện hải quân, tập trận; tăng cường lực lượng bán
quân sự như ngư chính, hải giám; tăng cường tuần tra; tăng cường hoạt động của
tàu cá; cản phá các hoạt động kinh tế về dầu khí, hải sản của các nước khác…
Hai biện pháp cụ thể trên thực ra đã được tiến hành từ trước đó.

Năm 2007, tỉnh Hải Nam đã đề xuất thành lập thành phố Tam
Sa. Còn từ năm 1992, Trung Quốc cũng đã cấp phép thăm dò dầu khí cho Công ty
Crestone của Mỹ tại khu vực Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trung Quốc cũng đã cho lưu hành bản đồ phân lô dầu khí trong toàn bộ Đường lưỡi
bò từ năm 2007.

Các hành động vừa qua của họ cũng nằm trong logic của chính
sách phản ứng như đã nói trên, nhằm trả đũa Việt Nam thông qua Luật Biển Việt
Nam.

Có thể thấy, Trung Quốc đã chuẩn bị rất công phu, tung một
lúc nhiều biện pháp (phản đối ngoại giao, nâng cấp Tam Sa, phân lô dầu khí,
tuyên bố tuần tra của ngư chính, hải quân sẵn sàng chiến đấu). Mục đích của họ
là nhằm răn đe Việt Nam nhưng nếu nhìn kỹ thì không thấy biện pháp nào mới.

Họ cũng không còn nhiều bài. Sử dụng quân sự thì lợi bất cập
hại. Biện pháp mạnh hơn chắc chỉ có cho giàn khoan trong vùng thềm lục địa của
Việt Nam hoặc lại tạo ra các vụ cản phá mới tương tự như vụ tàu Bình Minh 02 và
Viking 02 năm 2011. Đối với các hành vi này, tôi nghĩ Việt Nam đã có cách xử lý
tốt.

Hành động tiếp theo của Trung Quốc tại Biển Đông liên quan
đến nhiều nhân tố đối nội và đối ngoại

– Nhiều chuyên gia cho rằng, những hành động tiếp theo của
Trung Quốc không hoàn toàn phụ thuộc vào họ mà còn phụ thuộc vào phản ứng của
Việt Nam và cộng đồng thế giới. Ông nghĩ sao?

Hành động tiếp theo của Trung Quốc tại Biển Đông liên quan
đến nhiều nhân tố đối nội và đối ngoại. Về đối nội, các nhóm lợi ích như: hải
quân, ngư chính, hải giám, các tỉnh giáp Biển Đông, các công ty dầu khí tăng
cường hoạt động, cạnh tranh gây ảnh hưởng và ngân sách.

Lãnh đạo Trung Quốc hiện nay cũng cần sự đồng thuận để điều
chỉnh chính sách bởi họ không còn những cá nhân tự quyết một mình như trước. Vì
thế Trung Quốc phải dung hòa nhiều quan điểm và lợi ích khác biệt.

Về đối ngoại, Trung Quốc phải giải quyết một lúc nhiều mâu
thuẫn giữa việc thúc đẩy hình ảnh phát triển hòa bình và việc thực thi
chính sách quyết đoán tại Biển Đông; giữa việc duy trì cơ hội chiến
lược cho phát triển và nhu cầu vươn ra ngoài, nhất là về hải quân; giữa
việc duy trì quan hệ láng giềng hữu nghị với các nước ASEAN, không để các nước
ASEAN đi với Mỹ, với nhu cầu kiểm soát theo Đường lưỡi bò.

Do đó, phản ứng của cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam
sẽ tác động lên chính sách và hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông; tác động
trực tiếp lên giới hoạch định chính sách và các nhóm lợi ích.

Nếu Trung Quốc nhận thấy hành vi của họ tại Biển Đông sẽ là
thuốc thử về con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc, Trung Quốc
càng hung hăng tại Biển Đông thì ASEAN càng e ngại, tăng cường hợp tác với Mỹ;
Trung Quốc càng ỷ sức thì sức mạnh mềm của Trung Quốc càng giảm sút-
thì Trung Quốc sẽ phải đặt Biển Đông trong đại chiến lược phát triển của mình
để có các bước đi mềm mỏng, trước hết là để phục vụ lợi ích lâu dài của Trung
Quốc và qua đó giữ hòa bình, ổn định ở khu vực…

 Hà Nhân

RELATED ARTICLES

Tin mới