Tuesday, April 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHÀNH ĐỘNG NGANG NGƯỢC MỚI CỦA TRUNG QUỐC LIÊN QUAN ĐẾN CÁI...

HÀNH ĐỘNG NGANG NGƯỢC MỚI CỦA TRUNG QUỐC LIÊN QUAN ĐẾN CÁI GỌI LÀ “THÀNH PHỐ TAM SA”

Liên tiếp trong những ngày qua, Trung Quốc ngang nhiên triển khai một loạt các hành động leo thang mới liên quan đến cái gọi là “thành phố Tam Sa” được Trung Quốc công bố Quyết định thành lập cách đây hơn 1 tháng (ngày 21/6/2012). Những hành động mới này của Trung Quốc đang gây bức xúc mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế.

Ngày 19/7/2012 Quân ủy Trung ương Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” của cái gọi là “thành phố Tam Sa,” đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Ngày 21/7/2012, Trung Quốc tổ chức bầu 45 đại biểu của “Hội đồng Nhân dân Tam Sa”. Hai ngày sau đó, ngày 23/7/2012 Phiên họp đầu tiên của “Hội đồng Nhân dân Tam Sa” đã bầu Tiêu Kiệt làm “Thị trưởng”. Và ngày 24/7/2012, Trung Quốc đã tổ chức lễ thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Như vậy, chỉ trong hơn một tháng qua, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và dư luận quốc tế, thậm chí cả dư luận bên trong Trung Quốc, Bắc Kinh đã lần lượt thực hiện các bước đi hết sức ngang ngược nhằm khai sinh ra cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

Phản ứng trước những việc làm ngang ngược nói trên của Trung Quốc Việt Nam đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội lên trao Công hàm phản đối; đồng thời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ra Tuyên bố lên án việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và triển khai các hoạt động nói trên đã vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp. Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng đã ra Tuyên bố lên án mạnh mẽ hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Philippin đã tỏ ra cứng rắn khi triệu Đại sứ Trung Quốc tại Manila lên Bộ Ngoại giao để trao Công hàm phản đối phản đối việc Trung Quốc đặt bộ chỉ huy quân sự trên quần đảo Hoàng Sa, đồng thời phản đối đội tàu đánh bắt cá của Trung Quốc được quân đội hộ tống tới hoạt động gần quần đảo Trường Sa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippin Raul Hernandez nói rằng dù Manila không tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa, song việc TQ có kế hoạch quản lý cả ở Hoàng Sa và Trường Sa từ cái gọi là “thành phố Tam Sa” là không thể chấp nhận được. Trả lời báo giới, Bà Hernandez nói: “Chính phủ Philippin bày tỏ quan ngại sâu sắc và cực lực phản đối quyết định của Chính phủ Trung Quốc thành lập một đơn vị đồn trú ở bãi đá Phú Lâm. Việc sử dụng tàu vũ trang của chính phủ để hộ tống các tàu đánh cá mà không hề hoạt động nghề cá là xâm phạm lãnh thổ Philippin và vi phạm những ràng buộc của các nước theo luật pháp quốc tế”.

Sau khi Bắc Kinh tuyên bố thành lập một đơn vị hành chính của cái gọi là “thành phố Tam Sa”, Mỹ đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ những hành động lấn tới của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngày 24/7, khi được hỏi về việc Trung Quốc thành lập thành phố ở phía nam đảo Hải Nam (Tam Sa) có thể gây căng thẳng liên quan đến các đòi hỏi chủ quyền, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói: Chính phủ Trung Quốc đã có một bước đi sai trái là khoanh vùng toàn bộ các nhóm đảo tranh chấp cũng như các vùng lãnh hải xung quanh là “thành phố hành chính Tam Sa” thuộc tỉnh Hải Nam. Chúng tôi đã được xem các báo cáo về những hoạt động của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông. Chúng tôi rất quan ngại nếu có bất kỳ hành động đơn phương nào như vậy diễn ra để phán quyết một vấn đề mà chúng tôi đã nhắc đi nhắc lại là chỉ có thể được giải quyết bằng đàm phán, đối thoại và tiến trình ngoại giao hợp tác giữa các nước đòi hỏi chủ quyền. Bà nhấn mạnh Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong chuyến công du châu Á gần đây “thường bày tỏ quan ngại trước mọi tình trạng ép buộc về kinh tế hay quân sự” liên quan tới những tranh chấp giữa Trung Quốc với một số quốc gia Đông Nam Á thông qua những tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Ngày 24/7/2012, Thượng nghị sĩ John McCain tuyên bố “Quyết định của Ủy ban quân sự trung ương Trung Quốc muốn triển khai quân đội tới quần đảo trên Biển Đông mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền là sự khiêu khích không cần thiết”. Ông cho rằng những hành động khác gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông như việc “bổ nhiệm đại biểu lập pháp” để quản lý những khu vực tranh chấp “chỉ củng cố thêm lý do vì sao các nước Châu Á ngày càng gia tăng lo ngại về tuyên bố mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc, vốn không có cơ sở nào trong luật pháp quốc tế, cũng như khả năng Trung Quốc sẽ cố gắng áp đặt những tuyên bố này thông qua cưỡng chế và đe dọa”. Thượng nghị sĩ McCain nói các hành động của Bắc Kinh “gây thất vọng và không xứng đáng với một cường quốc có trách nhiệm”, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng ta phải tiếp tục thúc giục tất cả những bên liên quan trong tranh chấp trên Biển Đông tìm kiếm một giải pháp hòa bình, đa phương dựa trên luật pháp quốc tế”.

Ông Don Emmerson, Giám đốc Diễn đàn châu Á ở Đại học Stanford nói rằng “các hành động của Trung Quốc xuất phát từ sự cứng rắn theo chủ nghĩa dân tộc mới có nguồn gốc từ sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc. Một trong những mục tiêu mà Trung Quốc sẽ theo đuổi là làm giảm ảnh hưởng của sự có mặt của hải quân Mỹ ở Biển Đông. Có người còn cho rằng quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, những người theo chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ nhất trong vấn đề này, muốn Biển Đông thực sự trở thành hồ của Trung Quốc.

Những hành động của Trung Quốc không chỉ bị Việt Nam và Philippin phản đối gay gắt mà dư luận quốc tế cũng hết sức bất bình, nhất là Mỹ vì mọi người đều thấy rất rõ âm mưu thâm độc của Trung Quốc trong việc triển khai các hoạt động này. Cái gọi là “thành phố Tam Sa” của Trung Quốc, không chỉ bao gồm 3 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Sa mà nó còn bao trùm lên một vùng biển rộng lớn 2 triệu km2 ở Biển Đông, thực chất là bao trùm lên toàn bộ yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” đang bị cả thế giới lên án. Thực chất của các hoạt động liên quan đến “thành phố Tam Sa” là từng bước hiện thực hoá yêu sách “đường lưỡi bò”. Các nước đều nhận thức rõ rằng nếu Trung Quốc thâu tóm toàn bộ vùng biển 2 triệu km2 ở Biển Đông thì an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Trung Quốc sẽ không chỉ khống chế đường hàng hải mà cả đường hàng không quốc tế qua Biển Đông.

Đáng chú ý là ông La Bảo Minh, Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam ngang nghiên nói rằng những hành động ngang ngược nói trên là “quyết sách của Trung ương Đảng và Quốc vụ viện Trung Quốc”.

Bên cạnh đó, truyền thông Trung Quốc mở chiến dịch tuyên truyền rầm rộ về cái gọi là “thành phố Tam Sa”, lớn tiếng đe doạ Việt Nam và Philippin. Trên các trang mạng của Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh “Tam Sa” sẽ trở thành cứ điểm chiến lược để bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc ở Biển Đông. Với cách tiếp cận này thì rõ ràng “Tam Sa” là bước đi của Trung Quốc để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Đặc biệt, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đã đăng bài “Khu cảnh giới và phòng thủ quân sự Tam Sa cần phát huy tác dụng răn đe” của Thiếu tướng La Viện. Trong đó vạch ra kế hoạch kiện toàn cơ cấu trang thiết bị, trong đó có việc trang bị vũ khí như hệ thống phòng không, vũ khí phòng thủ bờ biển, sân bay, cầu cảng và trận địa phòng không. Ông La Viện còn nêu việc thiết lập 3 vùng biển, 3 vùng trời ở “Tam Sa” và đề cập đến việc xác lập vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước Liên hợp quốc 1982. Đúng là ông La Viện là tướng lĩnh quân đội nên không hiểu gì về luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Ông lấy cơ sở đất liền ở đâu của cái gọi là “thành phố Tam Sa” để nêu ra vùng đặc quyền kinh tế như vậy? Ông La Viện còn nêu khu phòng thủ trên không của “Tam Sa” là “không phận” của Trung Quốc nên có quyền bắn hạ máy bay xâm phạm. Có lẽ tư tưởng bá quyền đại hán của Trung Quốc cho phép họ vạch ra những vùng biển, vùng trời bất hợp pháp ở Biển Đông như vậy?

Ông La Viện còn trâng tráo nói rằng sau khi Trung Quốc thành lập cơ quan quân sự “thành phố Tam Sa”, chắc chắn sẽ nổi lên đợt tuyên truyền mới về “mối đe dọa từ quân đội Trung Quốc”, nhưng Trung Quốc không cần quan tâm; việc thành lập “khu cảnh giới và phòng thủ quân sự Tam Sa” cũng nhằm mục đích răn đe. Qua lời nói của ông La Viện người ta nhận thấy rõ cái bản chất trơ trẽn, bất chấp tất cả của Trung Quốc.

Tóm lại, những hành động leo thang mới của Trung Quốc liên quan đến cái gọi là “thành phố Tam Sa” đã tạo ra “mối đe dọa” nghiêm trọng đối với hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Những hành động này đã gây phẫn nộ với các quốc gia láng giềng và đang vấp phải sự lên án mạnh mẽ của cả cộng đồng quốc tế./.

                                                                      Lê Thành

RELATED ARTICLES

Tin mới