Tuesday, April 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt NamHệ thống xung đột quốc tế ở Biển Đông: Thực trạng và...

Hệ thống xung đột quốc tế ở Biển Đông: Thực trạng và đặc điểm

Xung đột quốc tế ở Biển Đông không phải là vấn đề mới. Vấn đề này bắt đầu được các học giả nước ngoài và Việt Nam quan tâm nhiều từ nửa cuối thập niên 1980 thế kỷ XX, nhất là sau khi Trung Quốc đưa quân chiếm 7 bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa tháng 3/1988. Các cố gắng nghiên cứu này thường được tiến hành theo ba hướng chính:

1/ Nghiên cứu từ góc độ lịch sử, địa lý và pháp luật quốc tế mà chủ yếu của các bên liên quan trực tiếp nhằm chứng minh chủ quyền của mình đối với vùng biển, đảo này;

2/ Nghiên cứu từ góc độ an ninh chính trị quốc tế nhằm xem xét các khả năng xung đột và đánh giá nguy cơ của chúng đối với quốc gia, khu vực và quan hệ quốc tế;

3/ Nghiên cứu chủ yếu từ góc độ kinh tế nhằm tìm hiểu và đánh giá tiềm năng khai thác kinh tế của Biển Đông về vận tải và tài nguyên biển, đặc biệt là dầu mỏ,…

Tranh chấp ở Biển Đông là dạng xung đột quốc tế rất phức tạp khi có nhiều đối tượng tranh chấp, với sự tham gia của nhiều bên, lại diễn ra trong một khu vực có vị trí địa lý chiến lược. Thực tiễn này đòi hỏi phải có thêm cách nhìn để có thể đem lại cách tiếp cận toàn diện. Một giải pháp đưa ra cũng sẽ thích hợp hơn nếu dựa trên cách tiếp cận này.

Xuất phát từ lý do đó, bài viết cố gắng đóng góp thêm vào việc làm rõ xung đột quốc tế ở Biển Đông dưới góc nhìn xung đột quốc tế. Bài viết hi vọng có thể giúp ích ít nhiều trong việc đánh giá thực trạng, xem xét tác động, dự báo triển vọng và đề ra giải pháp cho cuộc xung đột phức tạp và còn kéo dài này.

I. THỰC TRẠNG HỆ THỐNG XUNG ĐỘT QUỐC TẾ Ở BIỂN ĐÔNG

Tranh chấp hay xung đột đều có bản chất là mâu thuẫn. Tình hình xung đột ở Biển Đông phức tạp không chỉ do sự tồn tại đồng thời của nhiều mâu thuẫn và mức độ gay gắt của chúng mà còn bởi sự giằng chéo giữa các mâu thuẫn này. Việc xác định các mâu thuẫn này với đối tượng tranh chấp, chủ thể tham gia và mức độ đối kháng là rất quan trọng đối với việc tìm cách thức giải quyết tranh chấp.

Các mâu thuẫn này sẽ được xem xét lần lượt dựa trên đối tượng tranh chấp. Các đối tượng tranh chấp chính ở Biển Đông là lãnh thổ, an ninh và kinh tế. Trong mỗi đối tượng, có những chủ thể tham gia không như nhau. Mức độ mâu thuẫn cũng khác nhau khi đối tượng tranh chấp càng quan trọng, mâu thuẫn khả năng càng sâu sắc. Hơn nữa, mỗi loại đối tượng tranh chấp đều có những đặc thù riêng nên cũng đòi hỏi những cách thức và cơ chế giải quyết khác nhau. Lẽ dĩ nhiên, sự phân chia như vậy chỉ là tương đối do ba đối tượng này đều liên quan chặt chẽ với nhau. Chính sự liên quan này khiến cho các mâu thuẫn giằng chéo với nhau. Điều này làm nên tính hệ thống của các mâu thuẫn ở Biển Đông. Dưới đây là các mâu thuẫn đó:

+ Mâu thuẫn về lãnh thổ. Trong hệ thống xung đột quốc tế ở Biển Đông, đây là mâu thuẫn phức tạp và khó giải quyết nhất bởi đối tượng tranh chấp khá đa dạng khi bao gồm cả lãnh hải, đảo, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trong đó, tranh chấp lãnh hải và đảo thì khó giải quyết hơn nhiều so với vùng đặc quyền kinh tế bởi chúng gắn liền với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Vấn đề chủ quyền quốc gia vốn là thứ rất khó nhân nhượng và thỏa hiệp, đặc biệt ở Đông Á – nơi vốn có chủ nghĩa dân tộc và ý thức chủ quyền mạnh mẽ. Hơn nữa, lãnh hải và đảo hiện đều thuộc quyền kiểm soát thực tế của bên nào đó nên càng khó nhân nhượng. Từ bỏ cái trong túi mình bao giờ cũng khó hơn từ bỏ cái trong túi người khác. Mâu thuẫn lãnh thổ ở Biển Đông trở nên khó giải quyết hơn là vì vậy.

Mâu thuẫn lãnh thổ ở Biển Đông càng phức tạp và khó giải quyết hơn khi xét về chủ thể tham gia. Mâu thuẫn này liên quan đến hầu hết các nước ven bờ Biển Đông. Có mâu thuẫn song phương, có mâu thuẫn đa phương. Khả năng quốc tế hóa việc giải quyết thì thường bị Trung Quốc khăng khăng phản đối. Trong khi đó, khả năng giải quyết trong nội bộ khu vực thường bị ám ảnh bởi những nghi ngờ lịch sử đối với Trung Quốc, nguy cơ bị nước này ép trên bàn đàm phán cũng như những yếu tố không thuận lợi trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước tranh chấp còn lại. Trong số các bên tranh chấp, Đài Loan là trường hợp khá đặc biệt. Đây là một bên tranh chấp nhưng không thể đàm phán bởi vấn đề tư cách quốc gia không được công nhận. Về yêu sách lãnh thổ, Đài Loan thường đứng về phía Trung Quốc tuy không phối hợp với nhau nhưng có tranh thủ lẫn nhau. Tuy nhiên, khi quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan trở nên căng thẳng, không nên loại trừ khả năng Trung Quốc tấn công quân sự chiếm đảo Ba Bình ở Trường Sa đang do Đài Loan chiếm giữ. Điều này là có thể vì vừa gây áp lực được với Đài Loan trong vấn đề thống nhất, vừa nâng cao được sự kiểm soát của Trung Quốc ở Biển Đông trong khi khả năng Mỹ can thiệp và phản ứng của Đài Loan là thấp hơn nhiều so với việc gây chiến trực tiếp ở eo biển Đài Loan.

Cơ chế giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở đây cũng không thuận lợi. Trong khu vực chưa hề tồn tại cơ chế như vậy. Tuyên bố ứng xử Biển Đông (DOC) đã tỏ ra không đủ trong khi Bộ Luật ứng xử Biển Đông (COC) lại chưa có. Mặc dù đã có nguồn pháp luật quốc tế là Công ước Luật Biển năm 1982 là cơ sở để giải quyết nhưng các bên thường đưa ra cách giải thích luật khác nhau dựa trên lợi ích và mong muốn khác nhau. Các cơ chế quốc tế giải quyết vấn đề này như Tòa án Quốc tế chẳng hạn thì còn yếu kém, hiệu lực pháp lý quốc tế không cao và dễ bị ý chí của các nước lớn chi phối.

Có thể phân chia các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông thành hai nhóm chính. Nhóm đầu tiên là những tranh chấp lãnh thổ liên quan đến Trung Quốc. Nhóm thứ hai là tranh chấp giữa các nước ASEAN. Đây là sự phân chia dựa theo chủ thể nhưng cũng gắn liền với quy mô đối tượng tranh chấp và mức độ phức tạp của mâu thuẫn. Trong nhóm đầu tiên, mâu thuẫn lớn nhất, phức tạp nhất và cũng thuộc loại khó giải quyết nhất là giữa Trung Quốc và Việt Nam. Vùng lãnh thổ tranh chấp giữa hai nước này không chỉ rộng nhất về diện tích mà gồm cả lãnh hải, đảo (bao gồm toàn bộ Hoàng Sa và Trường Sa), vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ngoài vùng đặc quyền kinh tế. Tranh chấp trên biển giữa hai nước còn bị phức tạp thêm bởi nhiều vấn đề song phương khác. Mâu thuẫn thứ hai cũng căng thẳng nhưng đỡ phức tạp hơn là giữa Philippines với Trung Quốc. Đối tượng lãnh thổ tranh chấp nhỏ hơn và được giới hạn ở một phần quần đảo Trường Sa, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Mâu thuẫn thứ ba là nhóm các mâu thuẫn lãnh thổ có mức độ thấp hơn giữa Maylaysia và Brunei với Trung Quốc trong việc đòi chủ quyền ở một phần nhỏ Trường Sa. Trong nhóm thứ hai, mức độ mâu thuẫn cũng liên quan đến quy mô lãnh thổ tranh chấp. Diện tích tranh chấp nhiều nhất là giữa Philippines với Việt Nam. Tiếp đó là Malaysia và Brunei với hai nước trên. Ngoài ra là các tranh chấp khác về thềm lục địa hay vùng đặc quyền kinh tế xảy ra với tất cả các nước ven bờ. Nhìn chung, các tranh chấp liên quan đến Trung Quốc thường diễn ra trong tình trạng phức tạp và căng thẳng, nhất là hai mâu thuẫn đầu. Trong khi đó, nhiều tranh chấp giữa các nước ASEAN đã và đang được giải quyết hoặc ít nhất cũng không dẫn đến sự căng thẳng trong quan hệ.

Trong vấn đề này có bốn điểm đáng chú ý. Thứ nhất, sự tranh chấp sẽ căng thẳng và khó có nhượng bộ đối với đảo và lãnh hải nhưng mức độ kém căng thẳng hơn và cũng có khả năng thỏa hiệp nhiều hơn đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ngoài vùng đặc quyền kinh tế. Điều này dẫn đến các mức độ gay gắt khác nhau trong mâu thuẫn lãnh thổ. Và điều đó cũng có nghĩa là khả năng giải quyết tranh chấp đối với từng loại lãnh thổ cũng sẽ khác nhau. Thứ hai, so với lãnh thổ trên bộ, lãnh thổ trên biển là lãnh thổ mới mở rộng với mức độ gắn bó và giá trị thiêng liêng kém hơn nên khả năng điều hòa cũng lớn hơn. Điều này đem lại hi vọng cho khả năng giải quyết các tranh chấp lãnh thổ biển, kể cả mâu thuẫn lớn nhất trong vấn đề này là giữa Trung Quốc với Việt Nam khi hai bên đã từng giải quyết được vấn đề biên giới trên bộ năm 2000. Thứ ba, có vẻ như các đòi hỏi lãnh thổ của các bên tranh chấp, trừ Việt Nam, đều đã được đẩy lên “tối đa”. Do đó, đòi hỏi lãnh thổ sẽ không tăng lên nữa. Thậm chí, sự “tối đa” trong yêu sách của một vài nước xem chừng cũng có thể là sự “hét giá” để vẫn còn chỗ lùi cho mặc cả. Không loại trừ khả năng đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc là một cố gắng như vậy. Thứ tư, thực tiễn tranh chấp lãnh thổ Biển Đông đã và đang được giải quyết giữa một số nước ASEAN với nhau có thể tạo ra tiền lệ, đem lại kinh nghiệm và cả sự cổ vũ cho xu hướng giải quyết hòa bình tranh chấp ở đây giữa Trung Quốc với các nước còn lại.

+ Mâu thuẫn về an ninh. Đây cũng là mâu thuẫn lớn và phức tạp trong hệ thống xung đột quốc tế ở Biển Đông. Trong mâu thuẫn này, đối tượng tranh chấp khá khác nhau, bao gồm cả yếu tố hữu hình và vô hình. Đối tượng đầu tiên là an ninh lãnh thổ đối với các quốc gia ven bờ Biển Đông. Tranh chấp lãnh thổ luôn được coi là sự xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chủ quyền. Từ đó là sự đe dọa an ninh đất nước. Đây là đối tượng xuất phát từ bản chất của xung đột lãnh thổ. Đối tượng thứ hai là quyền lực. Việc chiếm giữ được các vị trí chiến lược trên Biển Đông và các nguồn tài nguyên ở đó có thể đem lại ưu thế sức mạnh cho quốc gia nào đó. Từ đó, cán cân so sánh quyền lực trong khu vực có thể thay đổi theo hướng có lợi cho quốc gia này mà không có lợi cho các quốc gia khác. Đối tượng thứ ba là sự căng thẳng trong quan hệ quốc tế khu vực và nguy cơ xung đột tăng lên do tình hình tranh chấp không được giải quyết ở Biển Đông. Điều này đe dọa môi trường ổn định cho phát triển, đe dọa an ninh hàng hải cũng như làm hại tới sự hợp tác giữa các nước liên quan. Đối tượng thứ tư là về các vấn đề an ninh phi truyền thống. Sự chia rẽ trên vùng không gian Biển Đông còn đe dọa tới an ninh môi trường và an ninh con người của cư dân ven bờ,…

Bức tranh xung đột an ninh còn phức tạp hơn bởi chủ thể tham gia. Trong mâu thuẫn đầu tiên, sự đe dọa an ninh lãnh thổ có thể xảy ra với tất cả các bên tranh chấp. Tuy nhiên, mức độ bị đe dọa là khác nhau. Trung Quốc với tiềm lực mạnh hơn hẳn các nước ASEAN nên khả năng bị đe dọa an ninh lãnh thổ là rất thấp. Ngược lại, mức độ bị đe dọa từ bên ngoài đối với các nước ASEAN là khá cao. Đây là mối lo lắng an ninh lớn nhất của các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Trong khi đó, mức độ lo lắng từ sự xung đột giữa các nước ASEAN là rất thấp do khả năng kiểm soát và giải quyết xung đột một cách hòa bình giữa các chủ thể này khá cao.

Trong mâu thuẫn thứ hai, đó là sự lo ngại trước sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. Ưu thế quyền lực của Trung Quốc được coi là có khả năng kiểm soát Biển Đông. Với đà phát triển của Trung Quốc hiện nay, cán cân quyền lực khu vực có xu hướng tiếp tục nghiêng về Trung Quốc và sự mất cân bằng quyền lực trong khu vực đang ngày càng sâu sắc. Tuy nhiên, khác với các nước ASEAN, Trung Quốc mưu tìm quyền lực ở Biển Đông không chỉ từ lợi ích khu vực mà còn cả lợi ích toàn cầu. Xu hướng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc được coi là sự đe dọa cả lợi ích của các cường quốc khác bên ngoài Biển Đông như Mỹ, Nhật Bản, Australia, ấn Độ, Nga và EU trong tự do hàng hải. Vì thế, trong mâu thuẫn này, đã có sự mở rộng thêm về chủ thể. Đây là những chủ thể mà trong mâu thuẫn lãnh thổ không xuất hiện. Sự tham gia vào mâu thuẫn quyền lực của các cường quốc trên tạo ra hai xu hướng có phần ngược nhau. Xu hướng đầu là cố gắng gia tăng quyền lực khu vực của Trung Quốc trước nguy cơ bị cạnh tranh và điều này khiến cuộc ganh đua quyền lực trong khu vực trở nên gay gắt hơn, ảnh hưởng đến các nước nhỏ nhiều hơn. Xu hướng kia là có thêm khả năng quốc tế hóa giải quyết hòa bình các xung đột ở Biển Đông.

Trong mâu thuẫn thứ ba, đối tượng và khách thể bị tác động tiêu cực bởi xung đột Biển Đông còn lớn hơn nhiều. Chúng bao gồm không chỉ các nước trong khu vực, các cường quốc kể trên mà còn cả các đối tác trên thế giới có quan hệ làm ăn với các nước ở Biển Đông. Tất cả các chủ thể này đều không muốn xung đột ở Biển Đông leo thang sẽ đe dọa tới lợi ích đa dạng và mối quan hệ có lợi của chúng ở trong khu vực, nhất là trong vấn đề an ninh hàng hải vốn liên quan nhiều đến lợi ích của các nước lớn ngoài khu vực cả về phương diện an ninh lẫn kinh tế. Tất nhiên, những nước ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc là người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Trung Quốc có khả năng gây sức ép khá đa dạng.

Trong mâu thuẫn thứ tư, khách thể bị tác động bởi các vấn đề an ninh phi truyền thống cũng có quy mô như trong mâu thuẫn thứ ba. Tuy nhiên, sự trái ngược lợi ích ở đây không sâu sắc bằng do các lợi ích này chưa được coi là cơ bản. Nhưng cũng chính vì điều đó mà dù có khách thể rộng nhưng sự tham gia của các nước bên ngoài vào mâu thuẫn thứ tư không rõ rệt như mâu thuẫn thứ hai và ba.

Các mâu thuẫn trên đều ảnh hưởng lớn tới an ninh của mọi quốc gia ven bờ Biển Đông tuy không giống nhau. Hai mâu thuẫn đầu thuộc về an ninh truyền thống đều đang tạo ra đe dọa và lo ngại rất lớn. Hai mâu thuẫn này có vẻ còn lâu mới giảm bớt. Xét về mức độ, hai mâu thuẫn này cũng sâu sắc hơn nhiều so với mâu thuẫn thứ ba và thứ tư. Hai mâu thuẫn đầu không chỉ khó giải quyết mà còn có xu hướng làm tăng xung đột ở đây. Trong khi đó, hai mâu thuẫn sau ít sâu sắc hơn và có tác động đồng thời nhưng xu hướng thúc đẩy hợp tác nhiều hơn xung đột. Hơn nữa, để tránh sự can dự của các nước lớn ngoài khu vực vào vấn đề Biển Đông, Trung Quốc cũng cố gắng kiềm chế không để mâu thuẫn thứ hai trở thành công khai và mâu thuẫn thứ ba trở nên căng thẳng.

Tuy nhiên, cũng như trên, mâu thuẫn an ninh cũng có những yếu tố để kiềm chế. Thứ nhất, xu hướng hòa dịu và tăng cường hợp tác đang là một trào lưu lớn trên toàn thế giới. Xu hướng này buộc các nước phải hạn chế leo thang và kiềm chế xung đột cho phù hợp với bối cảnh quốc tế. Thứ hai, đó là xu hướng tăng cường hợp tác Đông á với sự tham gia của cả Trung Quốc và các nước ASEAN. Xu hướng này khiến các nước Đông á hợp tác và phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình. Thứ ba, các nước tranh chấp ở Biển Đông đều đang trong giai đoạn phát triển nên cũng không muốn tranh chấp ở đây ảnh hưởng quá nhiều đến đà tăng trưởng kinh tế. Thứ tư, đó là khả năng can thiệp của các nước lớn tuy không phải quá lớn nhưng chắc chắn cũng là một cái gì có thể tạo ra sự kiềm chế nhất định đối với Trung Quốc. Thứ năm, hiện nay, trong quan hệ quốc tế, có nhiều cách để kiểm soát mâu thuẫn an ninh như xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa, cơ chế giải quyết tranh chấp, hợp tác kinh tế chức năng mới,… Những điều này đem lại hi vọng ngăn chặn hoặc giảm thiểu xung đột an ninh.

+ Mâu thuẫn về kinh tế. So với hai mâu thuẫn trên, mâu thuẫn kinh tế ít sâu sắc hơn nhưng vẫn phức tạp và khó giải quyết do bị gắn với tranh chấp lãnh thổ. Mâu thuẫn này có đối tượng tranh chấp chủ yếu là những tài nguyên biển như các nguồn lợi thủy hải sản và dầu mỏ. Nhưng thứ tài nguyên khiến cho mâu thuẫn ở đây trở nên căng thẳng và khó giải quyết hơn chính là dầu mỏ. Càng phát triển, nhu cầu đối với tài nguyên chiến lược này càng cao, mâu thuẫn về lợi ích dầu mỏ sẽ ngày càng lớn. Đây là đối tượng tranh chấp chủ yếu trong mâu thuẫn về kinh tế của các bên tranh chấp. Chính vấn đề dầu mỏ đang làm quy mô không gian tranh chấp được mở rộng ra không chỉ trên vùng đặc quyền kinh tế mà còn cả trong thềm lục địa ngoài vùng đặc quyền kinh tế. Đáng chú ý, trong lúc mâu thuẫn lãnh thổ đang bế tắc, mâu thuẫn an ninh đang còn phải chờ xem thì mâu thuẫn kinh tế đang được đẩy lên trước trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Việc đẩy các tranh chấp kinh tế lên trước không chỉ bị thúc đẩy bởi các lợi ích kinh tế mà còn như sự dẫn dắt cho các đòi hỏi về lãnh thổ và an ninh. Như vậy, những lợi ích kinh tế, đặc biệt là dầu mỏ đang làm cho việc tranh chấp chủ quyền lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa ở Biển Đông càng thêm phức tạp và khó giải quyết.

Xét về mức độ, mâu thuẫn về dầu mỏ gay gắt hơn nhiều so với mâu thuẫn về đánh bắt hải sản. Sự gay gắt này được quy định bởi tính chất chiến lược của dầu mỏ cũng như nhu cầu đối với nguồn năng lượng này là lớn và quan trọng hơn rất nhiều so với hải sản. Khu vực tranh chấp nào có tiềm năng dầu mỏ thì mâu thuẫn càng sâu sắc và trở nên khó giải quyết hơn. Tiềm năng dầu mỏ càng lớn, nguy cơ xung đột càng gay gắt và khó giải quyết. Thậm chí, đã có ý kiến cho rằng “việc tìm thấy dầu khí có thể tạo ra một tình huống rất nguy hiểm”(1).

Mâu thuẫn này được thể hiện trong sự tranh chấp quyền khai thác các tài nguyên trên những vùng lãnh thổ đang tranh chấp. Vì thế, cũng giống như trên, hầu hết các nước ven bờ Biển Đông có tranh chấp lãnh thổ đều là chủ thể tham gia vào mâu thuẫn này. Trong số đó, mâu thuẫn đầu tiên về các nguồn lợi kinh tế và dầu mỏ phức tạp nhất và căng thẳng nhất cũng lại rơi vào quan hệ Việt Nam-Trung Quốc với địa bàn tranh chấp rộng, có cả lãnh hải và đảo nằm trong. Đó là một nơi tiềm năng dầu mỏ ngoài khơi Biển Đông đã được chứng tỏ, còn một nơi thì đang trong “cơn khát dầu” ngày càng tăng cùng đà phát triển. Nhóm mâu thuẫn thứ hai là trong quan hệ tay ba giữa Trung Quốc, Philippines và Việt Nam liên quan đến một phần quần đảo Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế gần đó mà Philippines đòi hỏi. Mâu thuẫn này cũng tương đối căng thẳng nhưng mức độ không bằng mâu thuẫn trên, ít nhất cũng đã tồn tại cố gắng hợp tác trong nhóm này dù còn nhỏ nhoi. Nhóm mâu thuẫn thứ ba là giữa Trung Quốc với các nước tranh chấp khác. Nhóm mâu thuẫn này ít căng thẳng hơn bởi có quy mô nhỏ hơn, ít quan trọng hơn và lại được nấp đằng sau sự tranh chấp Việt Nam-Trung Quốc. Nhóm mâu thuẫn thứ tư là giữa các nước ASEAN có tranh chấp với nhau, ngoại trừ tranh chấp Việt Nam-Philippines mà trên đã đề cập. Trong nhóm này, phần lớn tranh chấp giữa các nước đó hoặc đã được giải quyết hoặc ít có khả năng tạo sự căng thẳng trong quan hệ.

Tuy nhiên, mâu thuẫn này cũng được kiềm chế phần nào bởi một loạt lý do sau: Thứ nhất, giống như trong vấn đề an ninh, xu hướng tăng cường hợp tác kinh tế trên thế giới và xu hướng hội nhập kinh tế khu vực Đông á là những tác nhân rất quan trọng giúp đem lại khả năng giải quyết tranh chấp kinh tế. Đáng chú ý, giữa các nước Đông á đã bắt đầu có được chương trình hợp tác trong khuôn khổ ASEAN+3 về an ninh năng lượng. Các xu hướng này đang giúp việc giải quyết những tranh chấp kinh tế được thuận lợi hơn so với các mâu thuẫn an ninh. Thứ hai, theo tính toán lợi-hại vốn là cách tính toán phổ biến trong chính sách đối ngoại các nước trong khu vực, tiếp tục tranh cãi với nhau về các nguồn lợi kinh tế ở Biển Đông sẽ khiến các bên không được gì mà còn có thể bị mất nhiều thứ khác không chỉ là mỗi kinh tế. Còn hợp tác thì có thể không được tất cả nhưng ít nhất cũng còn được cái gì đó trong kinh tế và những tác động thuận lợi cho hợp tác trong các lĩnh vực khác. Thứ ba, các tranh chấp lợi ích kinh tế vốn ít nhạy cảm với chủ quyền quốc gia và tinh thần dân tộc hơn so với vấn đề lãnh thổ và an ninh nên việc giải quyết cũng sẽ đỡ khó khăn hơn, ít nhất thì khả năng giải quyết tranh chấp kinh tế theo hướng có đi có lại sẽ ít chịu áp lực phản đối trong nước hơn. Thứ tư, đây là lĩnh vực tranh chấp có nhiều tiền lệ giải quyết thành công nhất so với vấn đề lãnh thổ và an ninh của chính các nước trong khu vực. Trung Quốc thì có trường hợp giải quyết tranh chấp Đông Hải với Nhật Bản, còn Việt Nam và các nước ASEAN khác như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Campuchia cũng đã giải quyết được cơ bản các tranh chấp kinh tế tương tự ở những khu vực chồng lấn.

II. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA HỆ THỐNG XUNG ĐỘT QUỐC TẾ Ở BIỂN ĐÔNG

Mỗi hệ thống xung đột đều có đặc thù riêng. Phương thức giải quyết tranh chấp sẽ khả thi hơn, các biện pháp khắc phục mâu thuẫn sẽ thích hợp hơn nếu chúng được xây dựng trên cơ sở tính đến những đặc điểm này. Cùng với xác định hệ thống các mâu thuẫn, việc tìm hiểu đặc điểm của tình hình xung đột ở đây cũng là cần thiết trong việc giải quyết vấn đề xung đột phức tạp này. Không có giải pháp chung cho mọi cuộc xung đột đơn giản bởi vì mỗi xung đột đều có đặc điểm riêng. Theo chúng tôi, hệ thống xung đột quốc tế ở Biển Đông có một số đặc điểm nổi bật dưới đây:

+ Hệ thống mâu thuẫn ở Biển Đông gồm ba nhóm mâu thuẫn chính là mâu thuẫn lãnh thổ, mâu thuẫn kinh tế và mâu thuẫn an ninh như trên đã đề cập. Ba mâu thuẫn chủ yếu này gắn bó mật thiết và có sự giằng chéo với nhau, làm nên hệ thống mâu thuẫn ở Biển Đông. Mâu thuẫn lãnh thổ tạo nên cơ sở quy định hai mâu thuẫn kia. Trong khi mâu thuẫn an ninh lại làm mâu thuẫn lãnh thổ sâu sắc hơn và mâu thuẫn kinh tế khó giải quyết hơn. Còn mâu thuẫn kinh tế không chỉ làm phức tạp thêm mâu thuẫn lãnh thổ mà còn làm tạo thêm vấn đề cho mâu thuẫn an ninh. Vì thế, việc giải quyết mâu thuẫn này khó mà tách rời khỏi mâu thuẫn khác. Điều này đem lại gợi ý cho một giải pháp phải tính đến tổng thể lợi ích đa dạng của các bên tranh chấp. Có thể giải quyết từng loại hình mâu thuẫn nhưng phải được đặt trong tổng thể lợi ích và việc giải quyết từng mâu thuẫn cần được coi là những bước đi trong một quá trình lâu dài để tiến tới giải quyết cơ bản xung đột ở Biển Đông.

+ Cả ba nhóm mâu thuẫn đều thuộc loại khó giải quyết. Các mâu thuẫn này đều liên quan đến lợi ích cơ bản của quốc gia nên rất khó điều hòa. Trong đó, mâu thuẫn về lãnh thổ khó giải quyết nhất bởi mang đậm màu sắc của trò chơi tổng số bằng 0 (Zero sum game), tức là cái được của bên này là cái mất của bên kia (win-lose). Mâu thuẫn này cũng chỉ tập trung trong quan hệ trực tiếp giữa các bên tranh chấp nên các yếu tố bên ngoài không giúp gì nhiều cho việc giải quyết. Mâu thuẫn an ninh cũng khó giải quyết nhưng vẫn còn đỡ hơn do vẫn có khả năng các bên đều được (win-win). Mâu thuẫn này có quy mô ảnh hưởng rộng hơn nên có thể tranh thủ các tác động tích cực từ bên ngoài. Mâu thuẫn về kinh tế cũng có quy mô tương đối rộng nhưng mức độ gay gắt thấp hơn nên có khả năng giải quyết hơn hai mâu thuẫn trên. Để hạn chế xung đột căng thẳng và thương lượng bế tắc, có lẽ cũng cần tính đến khả năng hợp tác trong mâu thuẫn này để giải quyết tranh chấp trong các mâu thuẫn kia

+ Xung đột ở Biển Đông là dạng xung đột rất phức tạp. Tính phức tạp của xung đột này được quy định bởi sự đa dạng về đối tượng tranh chấp, chủ thể tham gia và mức độ đối nghịch khác nhau trong từng loại hình mâu thuẫn. Sự phức tạp của các mâu thuẫn này còn tăng lên bởi những yếu tố như lịch sử và tâm lý. Lịch sử xung đột và chia rẽ kéo dài trong khu vực, ý thức chủ quyền và tinh thần dân tộc mạnh mẽ, truyền thống đấu tranh lớn hơn hợp tác, sự thù hằn lịch sử và định kiến dân tộc, sự “ghét cái thái độ”, sự nghi ngờ lẫn nhau… đều đang làm xung đột thêm phần sâu sắc. Đặc điểm này đem lại yêu cầu phải tính đến các yếu tố đó trong quá trình giải quyết xung đột. Tuy nhiên, tình trạng trên không phải lúc nào cũng có hoặc như nhau trong mọi cặp quan hệ ở đây. Điều đó tức là phải có cách tiếp cận riêng cho từng chủ thể. Và với chủ thể nào thì đều cần có cách tiếp cận rộng rãi với những giải pháp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trên cả hai kênh nhà nước-nhà nước và nhân dân-nhân dân.

+ Xung đột ở Biển Đông là dạng xung đột cả về lợi ích và cách thức giải quyết. Tất nhiên, lợi ích xung đột trung tâm ở đây là chủ quyền nhưng bên cạnh đó còn có những lợi ích khác nữa. Việt Nam rõ ràng có chứng cứ pháp lý và lịch sử một cách thuyết phục về chủ quyền của mình ở Biển Đông. Tuy nhiên, chỉ dựa vào mỗi các chứng cứ này thì chưa đủ mà còn cần tính đến lợi ích của những nước liên quan. Các lợi ích này khá khác nhau và thậm chí là đối chọi nhau. Không những thế, quan niệm về cách thức giải quyết cũng có nhiều bất đồng. Trong hai cái này, mâu thuẫn về lợi ích là mấu chốt cơ bản và quy định nhiều bất đồng trong cách thức giải quyết. Tuy nhiên, lợi ích thì có nhiều với những mức độ mâu thuẫn khác nhau nhưng cũng có những lợi ích gần gũi với nhau. Đồng thời, giữa các bên tranh chấp cũng có những điểm chung trong cách thức giải quyết. Điều này đem lại hai gợi ý cho giải pháp. Một là vẫn đặt giải pháp trong tổng thể nhưng có chọn lựa ưu tiên giải quyết trước những xung đột lợi ích ít phức tạp hơn. Hai là sử dụng lợi ích chung và những điểm chung trong cách thức giải quyết như nguyên tắc quan hệ để duy trì đối thoại.

+ Xung đột ở Biển Đông là dạng xung đột cả song phương lẫn đa phương. Tuy nhiên, tranh chấp lãnh thổ diễn ra trong quan hệ song phương nhiều hơn đa phương. Cảm nghĩ về tình trạng này còn tăng lên có phần do Trung Quốc chủ trương như vậy và bản thân các nước ASEAN cũng chưa có được lập trường thống nhất và sự phối hợp chung để cùng giải quyết. Một lý do khác là khu vực này chưa có cơ chế đa phương để giải quyết các nguy cơ đe dọa chung là tranh chấp lãnh thổ của một vài nước trong khu vực. Hơn nữa, các nước lớn ngoài khu vực và một số nước trong vùng hay có xu hướng né tránh can dự vào tranh chấp lãnh thổ mà không phải của họ. Nhìn chung, mâu thuẫn lãnh thổ có vẻ khó giải quyết đa phương (trừ tranh chấp nhiều bên) nhưng mâu thuẫn an ninh và kinh tế lại có khả năng này do tính phụ thuộc lẫn nhau về an ninh và kinh tế giữa các nước trong vùng có xu hướng tăng. Điều này đem lại gợi ý cho giải pháp rằng cần thiết có sự kết hợp linh hoạt giữa song phương và đa phương và không nên coi nhẹ cái gì cả. Tuy nhiên, cần tập trung thúc đẩy giải quyết đa phương những vấn đề an ninh và kinh tế. Những cơ chế đa phương đạt được trong an ninh và kinh tế ở Biển Đông cùng với những phát triển trong quan hệ song phương sẽ tạo điều kiện cho việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Ngoài ra, trong giải quyết xung đột lãnh thổ, những gì tranh chấp giữa hai nước (Hoàng Sa) thì có thể giải quyết song phương, những gì tranh chấp giữa nhiều nước (Trường Sa) thì cần giải quyết đa phương mà không bỏ qua hay coi nhẹ bất cứ nước nào.

+ Xung đột ở Biển Đông là dạng xung đột quốc tế khi diễn ra giữa các quốc gia trong vùng và đều nằm trong những lĩnh vực quan hệ quốc tế chủ yếu,. Không những thế, xung đột này còn liên quan đến nhiều nước lớn trên thế giới nên quy mô ảnh hưởng của nó không giới hạn trong khu vực Đông á mà có tầm ảnh hưởng rộng hơn ra bên ngoài. Nói cách khác, khách thể của nó bao gồm cả quốc gia, khu vực và thế giới. Tuy nhiên, mức độ quốc tế của xung đột lại không như nhau trong từng mâu thuẫn. Các nước lớn ngoài khu vực quan tâm tới vấn đề quyền lực trong lợi ích an ninh, vấn đề dầu mỏ và hàng hải trong lợi ích kinh tế của họ ở Biển Đông, trong khi né tránh dính líu vào cuộc cãi vã về chủ quyền lãnh thổ. Điều này đem lại gợi ý cho cách thức quốc tế hóa việc giải quyết xung đột nhưng có chọn lựa lĩnh vực, vấn đề và đối tác bên ngoài cho phù hợp và có tính hiệu quả. Không thể hi vọng vào việc quốc tế hóa mọi mâu thuẫn ở Biển Đông. Mặc dù vậy, các biện pháp giải quyết cũng cần được đặt trong bối cảnh và luật pháp quốc tế thì khả năng thực thi cũng sẽ cao hơn.

+ Xung đột ở Biển Đông là dạng xung đột bất cân xứng. Một bên xung đột là Trung Quốc có sức mạnh lớn hơn hẳn so với các nước tranh chấp còn lại. Điều đó có nghĩa là chìa khóa giải quyết xung đột ở Biển Đông nằm trong tay Trung Quốc nhiều hơn là các nước tranh chấp khác. Điều đó cũng có nghĩa là xung đột này có leo thang hay không, có sử dụng bạo lực quân sự hay không cũng sẽ xuất phát từ phía Trung Quốc chứ ít có khả năng từ phía ngược lại. Đặc điểm này đem lại gợi ý cho giải pháp lâu dài là cần tính đến lợi ích của Trung Quốc nhưng phải có nguyên tắc, lộ trình và giới hạn bất khả xâm phạm. Ngoài ra cũng có thể thấy rằng, trên thực tế, các động thái của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông còn chịu tác động nhiều từ tình hình đối nội và đối ngoại của Trung Quốc cũng như bối cảnh quốc tế và khu vực. Đây là những nơi chứa đựng các yếu tố hoặc kiềm chế, hoặc kích thích động thái tranh chấp của Trung Quốc.

Như vậy, hệ thống mâu thuẫn ở Biển Đông là rất phức tạp và còn kéo dài. Tuy các mâu thuẫn ở đây là lớn và sâu sắc nhưng triển vọng không quá bi quan. Trong các mâu thuẫn đều có những yếu tố kiềm chế và những tác nhân cho việc điều hòa lợi ích, hạn chế tranh chấp. Điều này có nghĩa là việc kiểm soát xung đột là khả thi và cũng có thể hi vọng vào khả năng giải quyết phần nào xung đột./.

Hoàng Khắc Nam*

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Bộ Ngoại giao, Các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và luật pháp quốc tế, 1988

2.     Brice M. Clayget, Những yêu sách đối kháng của Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực bãi ngầm Tư chính và Thanh Long trong biển Đông, Nxb CTQG, 1996

3.     Học viện Ngoại giao, Kỷ yếu hội thảo quốc tế Biển Đông: Tăng cường hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực, Hà Nôi 11/2009.

4.     Monique Chemillier, Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb CTQG, 1998

5.     Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, Chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, 2004

 

Chú thích:

* PGS.TS. Hoàng Khắc Nam, Khoa Quốc tế học, Trường Đại học KHXH và NV, ĐHQG Hà Nội.

1. Stein Tonnesson, Liệu có thể giải quyết được các tranh chấp chủ quyền và phân định trên biển đối với các đảo ở Biển Đông”, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế “Biển Đông: Tăng cường hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực”, Hà Nội 26-27/11/2009. tr. 40

RELATED ARTICLES

Tin mới