Saturday, October 5, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc lần đầu tiên đề cập tới “điểm cốt lõi của...

Trung Quốc lần đầu tiên đề cập tới “điểm cốt lõi của vấn đề Biển Đông”

Báo điện tử “Liên hợp Buổi sáng” của Singapore mới đây đăng bài cho biết trong văn bản ngoại giao phản đối tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đã bày tỏ thái độ bất bình trước sự can thiệp của Mỹ vào vấn đề Biển Đông.

Khi trả lời về 6 nguyên tắc giải quyết vấn đề Biển Đông do ngoại trưởng các nước ASEAN đưa ra trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi chỉ rõ: “Điểm cốt lõi của vấn đề biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) là tranh chấp giữa các nước liên quan xung quanh chủ quyền quần đảo Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) và phân giới vùng biển phụ cận”.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc nói một cách công khai về “điểm cốt lõi của vấn đề Biển Đông”, đánh dấu bước chuyển mới về lập trường và của Chính phủ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và có thể sẽ có ảnh hưởng đối với sự phát triển của tình hình Biển Đông trong tương lai. Ở một khía cạnh nào đó, ý nghĩa và ảnh hưởng của “điểm cốt lõi của vấn đề Biển Đông” không hề kém quan trọng hơn “thuyết lợi ích cốt lõi ở Biển Đông” xuất hiện vào tháng 3/2010. 

alt

Đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc.

Báo “Liên hợp Buổi sáng” cho rằng “gác tranh chấp, cùng khai thác” về bản chất có thể được lý giải như một chiến lược mơ hồ, mà mục đích của nó là nhằm duy trì tính co giãn trong lựa chọn chính sách của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông, lưu lại không gian cũng như khả năng để Trung Quốc giải quyết vấn đề Biển Đông sau này một cách thuận lợi hơn. Tuy nhiên, “điểm cốt lõi của vấn đề Biển Đông” rõ ràng hơn khi so với “gác tranh chấp, cùng khai thác” và chí ít bao gồm hai hàm ý: 

Thứ nhất là việc Trung Quốc nhấn mạnh bản chất của vấn đề Biển Đông là tranh chấp. Sở dĩ Trung Quốc nhấn mạnh bản chất tranh chấp của vấn đề Biển Đông là muốn giới hạn phạm vi giải quyết vấn đề Biển Đông, đó là giữa các bên tranh chấp. Các bên không tranh chấp như Mỹ và một số nước ASEAN khác không có “tư cách” và tính hợp lý để tham gia giải quyết vấn đề Biển Đông. Đây kỳ thực là sự kế thừa của việc Trung Quốc lâu nay kiên trì phản đối đa phương hóa và quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. 

Thứ hai là việc Trung Quốc giới hạn phạm vi tranh chấp trong vấn đề Biển Đông – chủ quyền quần đảo Trường Sa và phân giới vùng biển phụ cận. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi đó còn nhấn mạnh: “Trung Quốc có đầy đủ căn cứ lịch sử và pháp lý về chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa) cùng vùng biển phụ cận quần đảo này”. 

Lâu nay, Trung Quốc luôn lấy đường chín đoạn (còn gọi là đường lưỡi bò, đường chữ U) làm căn cứ chủ yếu để tiến hành phân giới trên biển và xác định các đảo ở Biển Đông thuộc về Trung Quốc, mà không nhấn mạnh tới tình hình chiếm hữu thực tế của Trung Quốc đối với các hòn đảo này. Các đảo ở Biển Đông về đại thể được phân thành quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), quần đảo Trung Sa và quần đảo Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam). Hiện nay, Trung Quốc đang kiểm soát thực tế đối với tuyệt đại đa số các hòn đảo thuộc quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và quần đảo Trung Sa, trong khi Việt Nam và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền đối với nhiều hòn đảo trong số đó. 

Trung Quốc đưa ra giới định “điểm cốt lõi của vấn đề Biển Đông” cho thấy nước này không cho rằng quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và quần đảo Trung Sa cùng vùng biển phụ cận tồn tại tranh chấp chủ quyền và muốn thế giới bên ngoài thừa nhận cũng như tiếp thu lập trường, hiện thực này. Kiểu giới định này kỳ thực có tính đối chọi tương đối rõ và sự kiện đối đầu ở đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough) giữa Trung Quốc và Philippines gần đây là một ví dụ liên quan. 

Trong sự kiện Scarborough, sự kiên trì trong thái độ của phía Trung Quốc từng gây chú ý lớn của thế giới bên ngoài. Trên thực tế, việc Trung Quốc kiên quyết đối kháng với Philippines trong sự kiện Scarborough chủ yếu là do vị trí địa lý đặc thù của Scarborough. Scarborough mà phía Philippines cũng tuyên bố chủ quyền nằm ở quần đảo Trung Sa. Trong khi đó, quần đảo Trung Sa lại nằm ở một trong ba quần đảo mà phía Trung Quốc không cho là tồn tại bất cứ tranh chấp chủ quyền nào. Vì thế, có thể nói việc Trung Quốc đưa ra giới định “điểm cốt lõi của vấn đề Biển Đông” là để chuẩn bị ứng phó với thách thức đến từ việc đưa ra “Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông” (COC). 

Tóm lại theo báo trên, “điểm cốt lõi của vấn đề Biển Đông” cho thấy chiến lược Biển Đông của Trung Quốc ngày càng rõ ràng hơn, khiến việc xử lý vấn đề Biển Đông của Trung Quốc càng có tính đối chọi hơn. Việc này cũng dự báo Trung Quốc đã chuẩn bị bắt tay xem xét giải quyết vấn đề Biển Đông một cách quyết liệt hơn. Từ thực tế tình hình hiện nay có thể thấy sách lược của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông đã trở nên thực dụng hơn, nói một cách khác là “bảo vệ quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa và vùng biển phụ cận ba quần đảo này, đòi chủ quyền đối với một số đảo thuộc quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và vùng biển phụ cận các hòn đảo này”./. 

Long Nguyễn

 

RELATED ARTICLES

Tin mới