Saturday, April 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTranh chấp quần đảo Senkaku/điếu Ngư: Điểm nóng trên biển Hoa Đông

Tranh chấp quần đảo Senkaku/điếu Ngư: Điểm nóng trên biển Hoa Đông

BienDong.Net: Theo hãng tin Kyodo News và nhật báo Asahi ngày 5.9, chính phủ Nhật đã đồng ý mua ba trong số năm đảo chính thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do gia đình Kurihara sở hữu với mức giá 2,05 tỉ yen (26 triệu USD). Kyodo News cho biết chính phủ đang chờ nội các thông qua khoản tiền mua đảo, và hợp đồng mua bán có thể được ký kết vào cuối tháng.

Diễn biến này chắc chắn sẽ làm cho cuộc tranh chấp liên quan đến quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư thêm căng thẳng. Chính phủ Trung Quốc đã phản ứng đầy phẫn nộ xung quanh việc này.

Hồi tháng 6.2012 khi thương vụ mua bán quần đảo vừa mới được phía Nhật công bố, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vị Dân đã nói: “Chúng tôi không thể cho phép bất kỳ ai mua hoặc bán lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc”. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng yêu cầu Nhật Bản tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc, và rút lại quyết định mua đảo để không làm căng thẳng thêm quan hệ ngoại giao giữa hai bên. Trong hành động biểu thị sức mạnh, các tàu tuần tra Trung Quốc đã tiến sát nhóm đảo này, dẫn đến việc Nhật phải triệu đại sứ Trung Quốc tại Tokyo để phản đối.

Có nhiều nguyên nhân khiến cho căng thẳng Trung – Nhật liên quan đến quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư không dễ giải quyết. Ai cũng biết Senkaku/Điếu Ngư là ngư trường có nguồn cá dồi dào và đáy biển có nhiều tiềm năng dầu mỏ. Quần đảo này lại nằm gần các tuyến đường biển quan trọng có ý nghĩa chiến lược. Tuy nhiên, đằng sau cuộc tranh chấp này là bản chất phức tạp của quan hệ Trung-Nhật với nền văn hóa cùng lịch sử mang không ít những vết sẹo của chiến tranh. Hai quốc gia đã nhiều lần xâm chiếm nhau từ thế kỷ 13. Những hoạt động thương mại đã đưa tôn giáo và súng đến Nhật Bản, cùng gỗ và khoáng sản tới Trung Quốc. Trong bối cảnh gần hơn, vào những năm 30 của thế kỷ trước, Nhật Bản đã chiếm đóng Trung Quốc, gây ra vụ thảm sát Nam Kinh – mà nhiều người Trung Quốc vẫn coi như mối hận lịch sử.

Một khảo sát gần đây cho biết 84% người Nhật được hỏi có ấn tượng tiêu cực đối với người Trung Quốc, tăng 6 điểm phần trăm so với năm ngoái; và cứ hai trong ba người Trung Quốc cũng có ý kiến tương tự đối với người Nhật.

Theo Nhật Báo phố Wall, một cuộc đổi vai đáng chú ý đang diễn ra: Nhật bản từ chỗ là nước đầu tư vào TQ đại lục, Trung Quốc giờ trở thành một trong những nhà đầu tư đáng kể vào Nhật Bản.

Với nhiều người dân Nhật Bản, nguồn đầu tư từ Trung Quốc nhắc nhở họ về vị thế giảm sút của quốc đảo này trên trường quốc tế, khi mà Trung Quốc, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhiều năm liền, đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, soán ngôi vị mà Nhật đã nắm giữ trong hơn bốn thập kỷ qua.

Tất cả những yếu tố này chỉ làm gia tăng sự hoài nghi sâu sắc vốn có giữa hai cường quốc châu Á. Từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, trước mắt NB là một TQ khổng lồ vươn mình lên như một cường quốc thế giới và như một đe dọa an ninh. Về quân sự, Nhật Bản lo ngại trước quyết tâm gia tăng ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh (tăng gấp đôi chi phí trong năm năm trở lại đây) cũng như trước nhiều hành vi xâm phạm lãnh hải, trong những vùng tranh chấp.

alt

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ( Ảnh AP)

Trong cạnh tranh kinh tế ráo riết hiện nay, Nhật Bản tuy vẫn mạnh nhưng đang ở thế đi xuống, TQ ở thế đi lên. Mặc dù vậy, trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Nhật Bản có đủ lý do để nói “không” với mọi đe dọa hay đòi hỏi của TQ cũng như đủ tự tin để bảo vệ lập trường của mình. Lực lượng hải quân phòng vệ của NB tuy không đông nhưng tinh nhuệ, vũ khí tối tân. Trên lí thuyết, Nhật Bản còn được cái “ô an ninh” của Mỹ che chắn.

Nhìn từ TQ thì mối đe dọa lại đến từ phía Tokyo. Bắc Kinh có quyền nghĩ: khả năng quân sự của Nhật Bản gia tăng đáng ngại từ khi NB ký hiệp ước tăng cường liên minh với Mỹ năm 1996. Gần đây hơn nữa, các chính phủ NB đã phô trương thanh thế hải quân trong Ấn Độ Dương để làm hậu thuẫn cho chiến tranh của Mỹ chống khủng bố. Ví thử một ngày kia liên minh Mỹ – Nhật sứt mẻ, ai dám quả quyết rằng Nhật Bản sẽ không lấy lại sức mạnh quân sự của một cường quốc đang bị hạn chế do những áp đặt sau khi họ thất bại trong thế chiến thứ 2?

Khó khăn kinh tế có thể là đầu mối của những phiêu lưu chính trị. Sau cả chục năm suy thoái kinh tế, sau nhiều lần thất bại về cải tổ chính trị, ai dám tin rằng các thủ tướng tương lai Nhật Bản không tìm cách tạo uy thế bằng cách khơi dậy chủ nghĩa dân tộc? Về phần mình, Nhật Bản lại có quyền nghi vấn: phải chăng TQ đang có kế hoạch quân sự “cả gói” nhằm giải quyết cùng lúc các vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ bằng vũ lực? Chính vì thế, người ta không ngạc nhiên khi lần đầu tiên hôm 26.7, Thủ tướng Nhật khẳng định nước này sẵn sàng huy động quân đội để bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của mình, trong đó có nhóm tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông.

Mỹ tỏ thái độ thận trọng qua vụ tranh chấp này. Nhưng trước đó Mỹ lại mở rộng hiệu lực của hiệp ước hỗ tương Mỹ – Nhật ra vùng biển quần đảo Điếu Ngư.

Hiển nhiên, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều không muốn xung đột lớn xảy ra vì cả hai sẽ chẳng gặt hái gì từ xung đột. Vì vậy cuộc xung đột về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sẽ có thể chỉ là một “cuộc chiến ngôn từ chính trị”. Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều hiểu rõ những rủi ro to lớn mà một cuộc xung đột có thể tạo ra. Cùng lúc đó, không một chính phủ nào muốn tỏ ra yếu thế trước đối thủ.

Diễn biến phức tạp ở biển Hoa Đông hiện tại đang phản ánh sự thay đổi trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục mở rộng sức mạnh kinh tế và quân sự.

Hoàng Sa ( Tổng hợp theo WSJ và Atimes )

RELATED ARTICLES

Tin mới