Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc cử võ tướng đi xoa dịu các nước láng giềng

Trung Quốc cử võ tướng đi xoa dịu các nước láng giềng

BienDong.Net: Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã có một cử chỉ khác thường trong chuyến công du Ấn Độ, khi ông gửi lại tiền boa gần 2.000 USD cho hai viên phi công chở ông bay từ Mumbai đến New Delhi trong chuyến công du bốn ngày kết thúc hôm 6.9.

Theo báo The Hindu , số tiền boa trên tổng cộng là 100.000 rupee (khoảng 1.800 USD) tuy không lớn, nhưng đã phá vỡ qui định của Ấn Độ là cấm các thành viên phi hành đoàn nhận tiền, vì vậy số tiền này sẽ được chuyển vào kho bạc.

Hành động có vẻ phá lệ của Bộ trưởng Liệt nằm trong bối cảnh Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch “phản công hòa bình” khi cùng lúc có tới ba phái bộ quân sự cấp cao Trung quốc đi khắp thế giới nhằm chuyển tải thông điệp rằng, các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông hay Hoa Đông không nên bị xem là sự đe dọa với bất kỳ ai.

 

 alt

 

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt và người đồng nhiệm Ấn Độ A k Antony. (Ảnh: Getty Images)

 

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã thăm chính thức Ấn Độ, nước có tranh chấp biên giới với Trung Quốc từ hôm 2.9. Ông dẫn đầu phái đoàn gồm 23 thành viên, trong đó có Dương Kim Sơn, chỉ huy quân khu Tây Tạng. Đây là chuyến công du Ấn Độ đầu tiên của một Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc từ năm 2004 mặc dù ông Lương từng tới Ấn Độ khi còn làm tổng tham mưu trưởng PLA hồi năm 2005.


Cùng lúc đó, một phái đoàn PLA, dẫn đầu là phó tổng tham mưu trưởng Mã Hiểu Thiên, đã bắt đầu chuyến công du tới Việt Nam, Myanmar, Malaysia và Singapore. 

 

Một phó tổng tham mưu trưởng PLA khác, tướng Thái Anh Đĩnh cũng vừa kết thúc chuyến thăm Mỹ – nơi ông nhắc lại lập trường của Bắc Kinh về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật. Người Trung Quốc lo ngại rằng, quần đảo này có thể nằm trong phạm vi bảo vệ của hiệp ước an ninh chung Mỹ – Nhật.

Trả lời một nhật báo Ấn Độ trước khi bắt đầu chuyến công du, tướng Lương đã tìm cách trấn an những nỗi lo lắng của người Ấn Độ khi ông lặp lại những gì mà tướng Mã đã nói với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh hồi tháng 12/2011 rằng, PLA không có lính ở vùng tranh chấp Kashmir.

Thực chất, những gì Bộ trưởng Lương làm dường như là để đảm bảo rằng, quan hệ Trung – Ấn vẫn ổn định, kể cả khi Bắc Kinh phải đối phó với các vấn đề phức tạp như chiến lược trục xoay của Mỹ tái cân bằng tại châu Á, hay cuộc tranh chấp chủ quyền biển với một số quốc gia ASEAN cũng như Nhật Bản.

 

Nhưng trong khi các võ tướng Lương, Mã, Thái và các nhà ngoại giao Trung Quốc đang cố thể hiện thông điệp “không đe dọa” thì quân đội Trung Quốc lại vẫn tiếp tục lập kế hoạch cho một cuộc chiến có thể xảy ra. Ví dụ liên quan trực tiếp tới Ấn Độ là bốn cuộc tập trận lớn của PLA ở Tây Tạng kể từ tháng 3 năm nay. 

Việc sử dụng ngoại giao quân sự là một dấu hiệu cho thấy mức độ ngày càng tinh vi trong chính sách đối ngoại và an ninh Trung Quốc. Các nhà phân tích tin rằng, sau khi có những hành động hiếu chiến, gây hấn nhằm thể hiện sự quyết liệt của mình trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc có động thái dàn hòa nhằm tỏ ra rằng, họ đang nỗ lực giải quyết các tranh chấp thông qua hòa bình.

 

Mục đích của Bắc Kinh là “tô vẽ” lại hình ảnh của họ sau khi nó đã bị ảnh hưởng rất nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, về bản chất, Trung Quốc được cho là sẽ không thay đổi lập trường trong các cuộc tranh chấp.

Như Mạnh Tương Anh – phó giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược thuộc ĐH Quốc phòng của PLA nói với Nhật báo Trung Quốc: Dù tiến hành chiến dịch ngoại giao mới nhưng Bắc Kinh “sẽ không nhượng bộ khi tính tới vấn đề chủ quyền và lãnh thổ”.

Trong ý nghĩa đó, ngoại giao quân sự là một thứ vũ khí khác trong kho vũ khí quả quyết và gây hấn của Bắc Kinh. Với kiểu hành xử nói một đằng, làm một nẻo, vừa đấm vừa xoa, giờ đây, có lẽ chẳng còn mấy ai tin vào những những lời lẽ xoa dịu của Trung Quốc, dù cho những lời đó có hay ho đến mấy.

Chính vì thế, người ta không ngạc nhiên khi học giả người Ấn Đô, ông Manoj Joshi – chuyên gia về Kashmir hiện làm việc cho báo Hindustan Times nhận định : “ Con đường duy nhất để đạt được mối quan hệ hòa bình, hữu ích với người hàng xóm lớn Trung Quốc là duy trì khả năng phòng thủ đáng tin cậy – kể cả hạt nhân lẫn thông thường”. 

 

Trường Sa ( tổng hợp )

RELATED ARTICLES

Tin mới