Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVấn đề Biển Đông tại Hội nghị Cấp cao ASEAN và Cấp...

Vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Cấp cao ASEAN và Cấp cao Đông Á ở Phnompenh, Campuchia

Hội nghị cấp cao ASEAN và cấp cao Đông Á diễn ra từ ngày 18-20/11/2012 tại thủ đô Phnompenh, Campuchia đã kết thúc, tuy nhiên, những gì diễn ra trong Hội nghị đã khiến cả cộng đồng quốc tế lo ngại về một ASEAN đoàn kết nhất trí hay ít nhiều đã bị phân hóa vì những lợ ích cá nhân. Tại đây, vấn đề Biển Đông tiếp tục trở thành một đề tài được Lãnh đạo các nước quan tâm. Vấn đề Biển Đông không những được đề cập trong Hội nghị cấp cao ASEAN, cấp cao Đông Á mà còn được thảo luận trong tất cả các cuộc gặp giữa ASEAN với các đối tác.

Trong phát biểu của mình, Lãnh đạo các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình ổn định, bảo đảm an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông; kêu gọi giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trên bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); hoan nghênh Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông.

Tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á, bất chấp những phản đối của Trung Quốc, Tổng thống Barack Obama đã bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông; khẳng định Mỹ có lợi ích quốc gia về an ninh, tự do hàng hải ở Biển Đông; nhấn mạnh các bên liên quan cần giả quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; kêu gọi sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trong cuộc họp giữa ASEAN và Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda bày tỏ mối quan tâm về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN; kêu gọi các bên tìm một giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp trên. Thủ tướng Noda nhấn mạnh “Biển Đông là mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình và ổn định của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Điều quan trọng là các bên liên quan cần hành động dựa trên luật pháp quốc tế“.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh 1/3 thương mại toàn cầu đi qua Biển Đông, các nước đều có lợi ích trong bảo đảm an ninh an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông, đây là vấn đề không thể nhân nhượng; ASEAN và Trung Quốc cần sớm tiến tới COC. Ông kêu gọi Mỹ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN.

Tổng thống Philippin Benigno Aquino III nhấn mạnh cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; yêu cầu chấm dứt những vi phạm ở Biển Đông trái với luật pháp quốc tế; các bên cần sớm xây dựng COC có giá trị ràng buộc cao hơn.

 

alt

Trước và trong thời gian các hội nghị ở Phnompenh, Trung Quốc đã ra sức vận động và gây sức ép với các nước trong vấn đề Biển Đông, yêu cầu không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Tại Hội nghị, đích thân ông Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc nhắc lại rằng Bắc Kinh không muốn “quốc tế hóa” vấn đề tranh chấp trên biển. Tiếp tay cho Bắc Kinh, nước chủ nhà Campuchia đã đưa nội dung “không quốc tế hóa” vào Tuyên bố của Chủ tịch. Đây là cách làm hết sức tiểu sảo của Campuchia khi lấy quyền của nước chủ nhà đưa một nội dung không được sự nhất trí của hầu hết các nước ASEAN vào Tuyên bố của Chủ tịch theo “mệnh lệnh” của Trung Quốc. Giống như tại Hội nghị AMM 45 tháng 7 vừa qua, Campuchia lại hy sinh lợi ích của ASEAN để làm hài lòng Trung Quốc. Cách làm này của Campuchia gây bất bình mạnh mẽ trong các nước ASEAN.

Tại cuộc họp ASEAN – Nhật Bản, khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói “Các nước ASEAN đã nhất trí không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông”, ngay lập tức Tổng thống Philippin Benigno Aquino III phát biểu xin ngắt lời Thủ tướng Campuchia và nêu rõ Philippin không đồng tình với nội dung đó. Tổng thống Philippin nhấn mạnh: “Có rất nhiều quan điểm được trình bày hôm qua trong nội bộ ASEAN nhưng tôi không nhận thấy sự nhất trí của ASEAN. ASEAN không phải là con đường duy nhất. Là một nước tự chủ, chúng tôi có quyền bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng tôi“. Tiếp theo đó, các nước Việt Nam, Brunei, Indonesia và Singapore cũng lần lượt thông báo cho Campuchia biết rõ lập trường của mình.

Tức giận trước cách làm vô trách nhiệm của chủ nhà Campuchia, phát biểu với các phóng viên, ngoại trưởng Philippin Albert de Rosario nói: “Thống nhất ở đâu? Thống nhất có nghĩa là phải 100%. Làm sao có thể thống nhất trong khi hai trong số chúng ta (hàm ý Việt Nam và Philippin) nói rằng chúng ta không đồng tình“. Và ngay khi cấp cao Đông Á còn đang họp kín, Ngoại trưởng Philippin Albert Del Rosario đã cung cấp cho phóng viên báo chí một bản Tuyên bố, trong đó Philippin kêu gọi tất cả các nước tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông hãy cùng nhau bắt đầu thảo luận làm rõ quan điểm về hàng hải và giải quyết tranh chấp hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS; kêu gọi tất cả các bên tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của tất cả các quốc gia ven biển, không phân biệt quy mô hoặc sức mạnh hải quâ; phản bác việc Campuchia tuyên bố rằng các thành viên của ASEAN đã thống nhất “không quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông.

Không chấp nhận việc đưa nội dung “không quốc tế hóa” vào Tuyên bố của Chủ tịch, Đại diện các nước ASEAN lập tức gởi công văn cho Chủ tịch hội nghị đòi điều chỉnh, và đoạn văn gây tranh cãi đó cuối cùng đã bị xóa khỏi bản Tuyên bố chính thức. Những diễn biến xung quanh Hội nghị cấp cao ASEAN và cấp cao Đông Á đã bộc lộ rõ sự phân hóa giữa các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Một vài nước, nhất là nước chủ nhà Campuchia đã bị Trung Quốc thao túng gây tác động tiêu cực đến sự đoàn kết nhất trí trong ASEAN. Tuy nhiên, sự đấu tranh kiên quyết của các nước ASEAN với nước chủ nhà Campuchia xung quanh vấn Tuyên bố của Chủ tịch hội nghị và sự việc không lặp lại những gì xảy ra tháng 7 vừa qua tại AMM 45 (không ra được Tuyên bố của Chủ tịch) đã cho thấy rõ sự trưởng thành của ASEAN. Trung Quốc có thể gây sức ép lên một vài nước, nhưng không thể áp đặt được ý kiến của mình lên cả một tập thể các nước ASEAN.

Trong một thông báo về kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN 21, Bộ Ngoại giao Singapore nêu rõ bản dự thảo của Chủ tịch ASEAN đã cố ý “trích dẫn sai” ý kiến của các Lãnh đạo khi họ thảo luận về Biển Đông. Sau khi sai sót này được điều chỉnh, Singapore thấy rằng phần nói về Biển Đông phản ánh đúng hơn những gì đã được thảo luận. Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho rằng mặc dù có nhiều bất đồng sau khi Phnom Penh “đồng thuận riêng” với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, vẫn đánh giá ASEAN 21 kết thúc thành công. Ngoại trưởng Natalegawa cho biết: “Chúng tôi đã đề cập rất nhiều về COC. Các nước như Mỹ đã có thể nói trực tiếp hay gián tiếp tại Hội nghị về vấn đề tranh chấp biển Đông và tự do hàng hải“.

Trong một năm trên cương vị chủ tịch ASEAN, Campuchia đã để lại những vết thương cho cả tập thể các nước ASEAN khi tiếp tay cho Bắc Kinh trong việc thao túng nội dung của các hội nghị. Kết thúc Hội nghị, Campuchia đã bàn giao lại chức Chủ tịch ASEAN cho Brunei. Nhìn lại một năm qua, chúng ta có thể thấy rằng Campuchia đã không hoàn thành trách nhiệm của nước chủ nhà là thể hiện một cách khách quan những lo ngại và mong muốn của các nước ASEAN trong việc duy trì hòa bình ổn định, bảo đảm an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông. Một năm sóng gió đã qua đi, vấn đề Biển Đông tiếp tục thảo luận tại các hội nghị và được đưa vào các văn kiện của hội nghị, tạo mối quan tâm chung của cả cộng đồng quốc tế. Chúng ta hy vọng những gì đã xảy ra trong năm 2012 ở Campuchia sẽ không lặp lại ở Brunei trong năm 2013./.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới