Wednesday, April 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhilippines muốn Nhật tái vũ trang làm đối trọng với Trung Quốc

Philippines muốn Nhật tái vũ trang làm đối trọng với Trung Quốc

Trong một quyết định gây chú ý, Chính phủ Philippines tuyên bố ủng hộ Nhật Bản tái vũ trang nhằm ngăn chặn nguy cơ gây xung đột từ Trung Quốc.

Báo Anh Finacial Times ngày 10.12 dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết chính quyền Philippines hoan nghênh Nhật từ bỏ hiến pháp hòa bình và thành lập lực lượng quân sự toàn diện. “Chúng tôi đang tìm kiếm các nhân tố tạo sự cân bằng trong khu vực, và Nhật có thể là nhân tố tạo ra sự cân bằng” – Ngoại trưởng del Rosario nói.

Báo Daily Inquirer dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez xác nhận quan điểm của chính quyền Manila là Nhật cần nâng cấp Lực lượng phòng vệ thành quân đội. Mục tiêu là để Nhật có thêm sức mạnh và sự tự do hoạt động trong khu vực. “Quan điểm của chúng tôi là ủng hộ Nhật tăng cường sức mạnh quân sự” – ông Hernandez cho biết.

alt

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario

Ông Hernandez khẳng định trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, không một quốc gia riêng lẻ nào có thể đáp ứng được nhu cầu an ninh của khu vực. Do đó, Philippines muốn tham gia vào các liên minh quân sự hùng mạnh. Theo Daily Inquirer, chính quyền Philippines cũng sẽ đàm phán với Mỹ về nỗ lực tăng cường quan hệ liên minh, bao gồm kế hoạch luân chuyển lực lượng quân sự Mỹ tại Philippines.

alt

Tàu sân bay USS George Washington của Mỹ trên vịnh Manila, Philippines hôm 25.10.

Tuyên bố của ngoại trưởng Philippines được đưa ra ngay trước cuộc bầu cử của Nhật (16.12). Ứng cử viên hàng đầu cho chức thủ tướng Nhật là lãnh đạo đối lập Shinzo Abe cam kết sẽ sửa đổi hiến pháp hòa bình của Nhật, theo đó sẽ nâng cấp Lực lượng phòng vệ Nhật thành quân đội toàn diện. Ông Abe cũng khẳng định sẽ thể hiện quan điểm mạnh mẽ trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên biển Hoa Đông.

Theo báo Financial Times, việc sửa đổi hiến pháp nhằm nâng cấp Lực lượng Phòng vệ Nhật thành quân đội toàn diện sẽ cho phép lực lượng này nhiều quyền tự do hoạt động hơn và có thể thay đổi cán cân quân sự ở châu Á.

Lâu nay, Bắc Kinh vẫn bày tỏ lo ngại về sự trở lại của chủ nghĩa quân phiệt Nhật. Tuy nhiên, thái độ của Philippines, nước từng bị Nhật chiếm đóng, gợi ý rằng những lo ngại về sự hung hăng của Trung Quốc có thể đã bắt đầu lấn át ký ức về các hành động xâm lược trước đây của Nhật.

Mới đây, Philippines đã phản ứng dữ dội tuyên bố của chính quyền tỉnh Hải Nam về việc ngăn chặn và khám xét tàu bè trong vùng biển mà tỉnh này cho là thuộc quyền quản lý của họ đồng thời tố cáo Bắc Kinh triển khai tàu quân sự ở khu vực bãi cạn Scarborough.

Philippines cũng phản đối và từ chối đóng dấu vào hộ chiếu in “đường lưỡi bò” của các công dân Trung Quốc.

Nhật và Philippines vốn có nhiều hoạt động tăng cường hợp tác quân sự trong thời gian gần đây. Vào tháng 7, Nhật và Philippines đã ký thỏa thuận có thời hạn 5 năm nhằm tăng cường hợp tác quân sự thông qua việc trao đổi sĩ quan và công nghệ. Nhật sẽ cung cấp 12 tàu tuần tra cho lực lượng tuần duyên Philippines theo hình thức viện trợ ODA.

Để củng cố vị thế trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền biển, thời gian gần đây, Philippines còn gia tăng quan hệ quốc phòng với Mỹ. Ngày 12.12, ông Kurt Campbell cùng với Trợ lý Quốc phòng Mỹ đặc trách an ninh Châu Á – Thái bình Dương Mark Lippert dẫn dầu phái đoàn Hoa Kỳ tới Manila tham gia cuộc Đối thoại Chiến lược Song phương lần thứ ba giữa hai nước. Theo hãng tin Pháp AFP, hai bên sẽ đặc biệt tập trung vào quốc phòng và các vấn đề khu vực. Ông Carlos Sorreta trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết hai bên cũng nhân dịp này thảo luận về khả năng mở rộng sự hiện diện của Mỹ tại Philippines, điều được ông gọi là « tăng cường sự hiện diện luân phiên “, theo đó các lực lượng Mỹ bao gồm binh sĩ Mỹ và tàu hải quân sẽ luân phiên nhau tới Philippines để đào tạo hoặc luyện tập, nhằm “lách” điều khoản trong Hiến pháp của Philippines cấm căn cứ quân sự của nước ngoài đặt ở nước này.

Hồi tháng 10.2012, một quan chức Philippines cho rằng căn cứ hải quân cũ của Mỹ ở nước này có thể làm nơi neo đậu cho các tàu hải quân Mỹ phục vụ cho chiến lược tăng cường hiện diện tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Washington.

Trong một động thái khác, Philippines đã quyết định hoãn hội nghị bốn bên (Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam) dự định vào ngày 12.12 tại Manila để bàn giải pháp cho cuộc tranh chấp ở Biển Đông.

Manila đã bác bỏ thông tin cho rằng, lý do khiến hoãn cuộc họp kể trên là bởi sức ép của Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, ông Raul Hernandez cho biết, cuộc họp không diễn ra hôm 12.12 bởi có vấn đề nảy sinh từ lịch trình, và các bên liên quan đang bàn để ấn định ngày họp mới.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario từng tuyên bố cuộc họp bốn bên kể trên nằm trong những nỗ lực của Manila nhằm thúc đẩy một giải pháp đa phương cho cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, và giải pháp đa phương là một trong những phương án khả thi để thúc đẩy việc này.

Ngoại trưởng Albert del Rosario nói Philippines coi tình hình ở Biển Đông là mối đe dọa đến sự ổn định và an ninh trong khu vực, nên phải đàm phán đa phương. Trung Quốc không được mời tham gia cuộc họp này bởi Bắc Kinh chỉ muốn giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở song phương. Việc Philippines tuyên bố hoãn hội nghị diễn ra hai ngày sau khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino bổ nhiệm bà Erlinda Basilio, Thứ trưởng Ngoại giao làm đại sứ mới tại Trung Quốc trong một động thái được coi là nhằm giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

 ( tổng hợp theo RFI, Tuổi Trẻ )

RELATED ARTICLES

Tin mới