Monday, October 14, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBAN LÃNH ĐẠO MỚI CỦA BẮC KINH THI HÀNH CHÍNH SÁCH...

BAN LÃNH ĐẠO MỚI CỦA BẮC KINH THI HÀNH CHÍNH SÁCH “CỨNG RẮN” TRÊN VẤN ĐỀ BIỂN ĐẢO

Trước khi diễn ra Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhiều nhà phân tích cho rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc sau Đại hội XVIII sẽ không có thay đổi lớn. Ít nhất trong thời gian đầu, ban lãnh đạo mới sẽ phải tập trung củng cố quyền lực, giải quyết những vấn đề trong nước nên chưa thể có những bước đi mới trong việc triển khai chính sách đối ngoại, nếu có cũng phải tới tháng 3 năm 2013 là thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội Trung Quốc.

Tuy nhiên, thực tế ban lãnh đạo mới của Trung Quốc đã ngay lập tức thực thi chính sách đối ngoại cứng rắn, điều này đã hoàn toàn khác so với những dự đoán của các nhà phân tích trên thế giới.

Những gì diễn ra trong một tháng qua kể từ sau Đại hội XVIII cho thấy sự thay đổi nhanh chóng trong chính sách của chính quyền ở Bắc Kinh theo hướng cứng rắn hơn trên nhiều vấn đề, nhất là vấn đề trên biển với các nước láng giềng.

Trong vòng chưa đầy một tháng, Trung Quốc đã có một loạt hành động leo thang mới trong vấn đề trên biển, tiêu biểu là: ngày 23/11/2012, Trung Quốc cho phát hành bản đồ “Tam Sa” bao gồm các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Sa và vùng biển rộng lớn trên 2 triệu km2 ở Biển Đông; tiếp đó, ngày 27/11/2012, tỉnh Hải Nam ban hành quy định mới gọi là “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam”, bao gồm vùng biển của “Tam Sa”, cho phép các cơ quan chức năng của Trung Quốc lên kiểm tra, lục soát các tàu nước ngoài ở Biển Đông, từ tháng 11/2012 Trung Quốc cho hàng trăm tàu cá vi phạm sâu vào vùng biển của Việt Nam đánh bắt trái phép hải sản, cản trở hoạt động dầu khí bình thường của tàu khảo sát Việt Nam và ngày 30/11/2012 tàu cá Trung Quốc đã phá hoại làm đứt cáp của tàu khảo sát Bình Minh 02 khi đó đang hoạt động bình thường trên thềm lục địa Việt Nam, cách bờ biển của Việt Nam chưa đầy 50 hải lý. Đối với vùng biển Hoa Đông, tàu cá Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng lãnh hải của quần đảo Senkaku; Trung Quốc lần đầu tiên cho máy bay do thám ra hoạt động ở bầu trời của quần đảo Senkaku, buộc Nhật Bản phải điều máy bay ra để bảo vệ quần đảo Senkaku; đưa tàu hải giám lớn nhất 5800 tấn và tàu quân sự đến khu vực quần đảo Senkaku và ngày 14/12/2012, Trung Quốc nộp lên Uỷ ban Thềm lục địa Liên hợp quốc Báo cáo ranh giới ngoài thểm lục địa vượt quá 200 hải lý, trong đó xác định thềm lục địa của Trung Quốc tới tận bồn trũng Okinawa của Nhật Bản.

alt

Báo cáo Chính trị tại Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hé lộ những vấn đề phức tạp. Một mặt, Trung Quốc tiếp tục khẳng định thi hành chính sách láng giềng hữu nghị với các nước xung quanh, nhưng mặt khác khẳng định “kiên quyết bảo vệ quyền lợi biển, xây dựng cường quốc về biển”. Điều này đã làm cho các nước láng giềng của Trung Quốc cám thấy bất an vì “quyền lợi biển” của Trung Quốc là không có giới hạn. Những động thái trên biển của Trung Quốc trong vòng mấy tuần qua cho thấy Ban Lãnh đạo mới ở Bắc Kinh đang thi hành một chính sách cứng rắn, quyết liệt hơn trong vấn đề biển đảo và mối lo ngại của các nước láng giềng là hoàn toàn chính xác.

Việc Tập Cận Bình, sau khi trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc được chuyển giao ngay chức vụ Chủ tịch Quân ủy Trung ương mà không cần phải một thời gian chuyển tiếp như những người tiền nhiệm của ông trước đây cho thấy Tập Cận Bình đã nắm rất chắc quân đội và được quân đội ủng hộ. Do vậy, việc ông ta phải thi hành đường lối cứng rắn của giới quân đội Trung Quốc là điều rất dễ hiểu. Ngược lại dòng thời gian để thấy xuất thân của ông Tập Cận Bình đã có nhiều gắn bó với quân đội Trung Quốc. Con đường sự nghiệp chính trường của Tập Cận Bình bắt đầu từ vị trí thư ký cho Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc từ những năm 70 của Thế kỷ XX, cũng đúng là thời kỳ mà Trung Quốc đã phát động cuộc chiến tranh biên giới đánh Việt Nam. Như vậy, có thể thấy trong dòng máu của Tập Cận Bình đã sẵn có bản chất của một con người cứng rắn. Đây sẽ là một yếu tố chi phối đường lối đối ngoại của Trung Quốc trong những năm tới. Những hành động leo thang mới của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông trong gần một tháng qua có thể mới chỉ là “khúc dạo đầu” cho một chính sách cứng rắn của Ban Lãnh đạo mới ở Bắc Kinh trong thời gian tới.

Ngày 03/12/2012, Nhân dân Nhật báo Trung Quốc đăng bài viết nhan đề “Kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia” của tác giả Chung Thanh, cho rằng Báo cáo Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia, không chịu khuất phục bất cứ sức ép bên ngoài nào đã thể hiện đầy đủ ý chí bảo vệ lợi ích phát triển lên hàng đầu trong công tác ngoại giao. Với quan điểm được thể hiện trong bài viết, cho thấy rõ ràng Trung Quốc sẽ bất chấp luật pháp và cộng đồng quốc tế để bảo vệ các lợi ích “không có giới hạn” của Trung Quốc, họ sẽ dùng mọi phương thức có thể để đạt được mực tiêu của mình là “độc chiếm Biển Đông” để làm bàn đạp đưa Trung Quốc trở thành “một cường quốc biển”.

Trong bài viết, tác giả Chung Thanh đã hô vang khẩu hiệu “Trung Quốc không thực hiện bá quyền, chưa từng đặt lợi ích của bản thân lên trên lợi ích của nước khác, không làm việc có lợi cho mình mà gây hại cho người khác”. Tuy nhiên, khẩu hiệu trên đang đi ngược lại với những gì Trung Quốc đang thể hiện trên Biển Đông và biển Hoa Đông trong vòng một tháng qua. Trung Quốc đã tự cho mình cái quyền được kiểm tra lục soát tàu thuyền nước ngoài ở Biển Đông đấy chỉ có thể là hành động của một kẻ bá quyền; dùng số lượng đông tàu cá vi phạm vùng biển của Nhật Bản, Việt Nam và các nước ven biển khác để và rồi ngang nhiên phá hoại cáp của tàu khảo sát Việt Nam. Đấy chỉ có thể là hành động của kẻ “ngạo mạn” dùng sức mạnh “chèn ép” các nước láng giềng xung quanh.

Ông Chung Thanh còn dám lớn tiếng nói rằng “Trung Quốc chủ trương tuân theo tôn chỉ và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế và luôn vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc. Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 quy định mỗi quốc gia ven biển đương nhiên có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa tối thiểu 200 hải lý và có thể mở rộng ra tới 350 hải lý, nhưng yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc thì vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nhiều nước ven Biển Đông và Báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa vượt quá 200 hải lý, trong đó xác định thềm lục địa của Trung Quốc tới tận bồn trũng Okinawa của Nhật Bản. Như vậy, có thể coi là Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế được không?

Truyền thông Trung Quốc ra sức biện minh cho những hành động sai trái của họ và cổ suý cho “chính sách phát triển hoà bình” của Ban Lãnh đạo mới ở Bắc kinh, nhưng những hành động leo thang mới của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông trong những ngày qua đã minh chứng cho sự phô trương và sáo rỗng của Ban lãnh đạo mới khi họ lớn tiếng về những cam kết “coi trọng quan hệ hữu nghị láng giềng tốt với các nước xung quanh”. Điều này đang làm tăng thêm mối quan ngại trong cộng đồng quốc tế vì trên thực tế, Ban Lãnh đạo mới ở Bắc Kinh đang và sẽ thi hành một chính sách cứng rắn, hiếu chiến về các vấn đề trên biển với các nước láng giềng.

Đại hội XVIII mới chỉ vừa mới kết thúc được 30 ngày, Trung Quốc đã không e ngại triển khai một loạt các hoạt động leo thang mới gây tình hình căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông thể hiện rõ chiều hướng ngày càng cứng rắn hơn trong chính sách của Ban Lãnh đạo mới ở Bắc Kinh. Đây có thể coi là bước đi tất yếu trong kế hoạch tổng thể đẩy mạnh chiến lược xây dựng cường quốc biển để đưa Trung Quốc thành cường quốc biển đã được thông qua ở Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào Trung tuần tháng 11 vừa qua. “Khúc dạo đầu” ở Biển Đông và biển Hoa Đông của những người mới cầm quyền ở Bắc Kinh đang gây mối lo ngại chung cho cả cộng đồng quốc tế về nguy cơ mất ổn định ở khu vực.

                                                                              Lê Thành

RELATED ARTICLES

Tin mới