Wednesday, April 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTổng hợp phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt...

Tổng hợp phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam về vấn đề Biển Đông năm 2012

(BĐN) – Năm 2012, Bắc Kinh tăng cường ráo riết các hành động phi pháp, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Các việc làm của Bắc Kinh không chỉ gây sự phẫn nộ của người Việt Nam mà bị cả thế giới phê phán.

Hà Nội cũng tỏ thái độ kiên quyết trước chính sách bành trướng của Bắc Kinh, vừa triệu Đại sứ Trung Quốc đến Bộ Ngoại giao phản đối, vừa đưa các vụ việc ra công luận.

Trong năm 2012, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã 26 lần lên tiếng về các vấn đề liên quan Biển Đông, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, lên án hành động xâm lấn của Bắc Kinh. Biendong.net đã đăng các tuyên bố của Người Phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Nhằm tạo thuận lợi cho bạn đọc nắm bắt đầy đủ lập trường của Việt Nam, Ban Biên tập Biendong.net xin tổng hợp toàn bộ 26 tuyên bố của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trong năm 2012.

1. Ngày 20/1/2012

Ngày 17/01/2012, mạng Ngư nghiệp Trung Quốc đăng Thông báo số 01 ngày 12/01/2012 của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về thời gian mùa nghỉ đánh bắt cá năm 2012, theo đó Trung Quốc thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực Biển Đông năm 2012 từ 12 giờ ngày 16/5/2012 đến 12 giờ ngày 01/8/2012, phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam. Ngày 20/1/2012, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khẳng định:

 “Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Việc Trung Quốc đơn phương thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm cho tình hình Biển Đông phức tạp thêm. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp phía Trung Quốc và phản đối việc làm nói trên của Trung Quốc”.

2. Ngày 23/2/2012

Câu hỏi: Báo chí Trung Quốc đưa tin liên quan đến một số hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông từ đầu năm đến nay như: Bộ trưởng Giao thông Trung Quốc ra Hoàng Sa thị sát tàu Hải Tuần; Cục trưởng Cục thể thao Trung Quốc đến thăm đảo Phú Lâm, Quần đảo Hoàng Sa khảo sát tình hình triển khai hoạt động thể dục thể thao, Viện nghiên cứu Môi trường và Khảo sát công trình hải dương “Nam Hải” thực hiện dự án đo đạc, giám sát, phân tích và đánh giá sự thay đổi của một số đảo điển hình ở quần đảo Hoàng Sa; Cục trưởng Cục ngư chính khu “Nam Hải” Trung Quốc cho biết Trung Quốc có kế hoạch về việc xây dựng căn cứ nghề cá ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa và xây dựng cầu tàu và căn cứ dịch vụ nghề cá ở Trường Sa. Xin cho biết phản ứng của Việt Nam về những việc làm trên của phía Trung Quốc?

Trả lời:

Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động ở khu vực hai quần đảo này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, làm phức tạp và căng thẳng thêm tình hình trên Biển Đông, trái với Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển đã ký giữa hai nước, không phù hợp với Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như các cam kết duy trì ổn định, hòa bình trên biển.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành động, hủy bỏ các dự án xâm phạm chủ quyền của Việt Nam nêu trên, cùng các bên liên quan hợp tác giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông, thực hiện nghiêm túc DOC.

3. Ngày 29/2/2012

Ngày 29/02/2012, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước sự việc ngày 22/02/2012, 11 ngư dân trên tàu cá QNg 90281TS   của tỉnh Quảng Ngãi đã bị phía Trung Quốc dùng vũ lực uy hiếp, ngăn cản không cho vào quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để tránh gió, đánh đập, lục soát lấy tài sản, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ:          

Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc ngư dân Việt Nam hoạt động nghề cá tại các vùng biển thuộc hai quần đảo này là việc làm bình thường từ bao đời nay và phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Hành động trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần đối xử nhân đạo đối với ngư dân, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho ngư dân Việt Nam, không phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước và nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, trái với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối hành động nêu trên của phía Trung Quốc,  yêu cầu phía Trung Quốc không để tái diễn những hành động sai trái tương tự và bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam”.

4. Ngày 15/3/2012

Thời gian gần đây, Trung Quốc tiếp tục có các hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cụ thể là: Công ty Dầu khí Ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) tiến hành mời thầu dầu khí 19 lô ở khu vực phía Bắc Biển Đông trong đó có lô 65/24, cách đảo Cây (Tree Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 01 hải lý; ngày 2/3/2012, biên đội tàu hộ vệ 11 của Trung Quốc tiến hành huấn luyện bắn đạn thật ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa; ngày 7/3/2012, tại kỳ họp thứ 5 Chính hiệp khóa XI, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Trung Quốc đã phát biểu về việc Tổng cục Du lịch Trung Quốc và chính quyền tỉnh Hải Nam đang hợp tác để mở rộng hoạt động du lịch tại quần đảo Hoàng Sa; ngày 12/3, trên “Diễn đàn cường quốc” của mạng Nhân dân, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Cục trưởng Cục văn vật quốc gia Trung Quốc cho biết trong giai đoạn Quy hoạch 5 năm lần thứ 12, Trung Quốc sẽ xây dựng trung tâm khảo cổ dưới đáy “Nam Hải” (Biển Đông) và trạm công tác “Tây Sa” (Hoàng Sa); chính quyền tỉnh Hải Nam tổ chức cuộc đua thuyền buồm Cúp Ty Nam từ Tam Á đến quần đảo Hoàng Sa vào ngày 28/3/2012.v.v…

Trước những hoạt động trên của phía Trung Quốc, ngày 15/3/2012, Người phát ngôn, Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ:

“Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Những hoạt động nêu trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; vi phạm luật pháp quốc tế; trái với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước và không có lợi cho việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.”

5. Ngày 21/3/2012

Ngày 21/03/2012, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc phía Trung Quốc đã bắt và hiện đang giam giữ 21 ngư dân và 02 tàu cá của Việt Nam mang số hiệu QNg66101TS và QNg 66074TS, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ:

Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việc Trung Quốc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện các ngư dân và tàu cá nói trên, chấm dứt việc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam tại các vùng biển của Việt Nam.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại Sứ quán Trung Quốc trao công hàm nêu rõ lập trường của Việt Nam và đang tiếp tục đấu tranh để giải quyết vụ việc, bảo đảm lợi ích chính đáng của ngư dân Việt Nam”.

6. Ngày 30/3/2012

Trước việc ngày 30/03/2012, chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vẫn tiếp tục tổ chức cuộc đua thuyền buồm “Cúp Ty Nam” xuất phát từ Tam Á đến quần đảo Hoàng Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ:

“Việc Trung Quốc tổ chức đua thuyền buồm tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại chính cam kết của Trung Quốc là không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.

Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động nêu trên, tuân thủ DOC, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông”.

7. Ngày 9/4/2012

Tân Hoa Xã ngày 07/4/2012 đưa tin tối ngày 06/4/2012, tàu du lịch Coconut Princess của Công ty cổ phần vận tải biển Hải Hiệp Hải Nam đã bắt đầu thực hiện hành trình thử nghiệm tuyến du lịch đường biển từ Tam Á, Hải Nam đến đảo Đá Bắc quần đảo Hoàng Sa. Về việc này, ngày 09/4/2012, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nhấn mạnh:

Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Việc làm trên của phía Trung Quốc là bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Trung Quốc phải chấm dứt ngay việc làm trên, nghiêm túc tuân thủ DOC, không có thêm hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông”.

8. Ngày 12/4/2012

1. Câu hỏi: Đề nghị bình luận về vụ va chạm gần đây giữa tàu hải giám Trung Quốc và tàu hải quân Phi-líp-pin trên Biển Đông?

Trả lời:                                                

Chúng tôi quan tâm đến vụ việc này và cho rằng các bên liên quan cần tránh có những hành động làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.

2. Câu hỏi: Xin cho biết thông tin cập nhật về tình hình vụ việc Trung Quốc bắt giữ 21 ngư dân và 02 tàu cá của Việt Nam?

Trả lời:

Chúng tôi đã nhiều lần nêu rõ lập trường của Việt Nam về vấn đề này với phía Trung Quốc ở nhiều cấp khác nhau. Trung Quốc cần tôn trọng lập trường và đáp ứng các yêu cầu của Việt Nam, không để vụ việc ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước.  

3. Câu hỏi: Xin khẳng định thông tin về kế hoạch của Uỷ ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài sẽ cử một đoàn lớn ra thị sát Trường Sa:

Trả lời:

Việc người Việt Nam đi thăm các địa danh của đất nước, trong đó có các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa là việc làm bình thường.

4. Câu hỏi: Xin cho biết bình luận của Việt Nam trước việc Trung Quốc yêu cầu Nga dừng các dự án khai thác dầu khí ở Biển Đông.

Trả lời

Các dự án hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí hiện nay, bao gồm cả các dự án hợp tác với Gazprom, đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Việt Nam hoan nghênh đối tác nước ngoài hợp tác với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trên cơ sở luật pháp Việt Nam. Việt Nam cam kết và có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của các đối tác nước ngoài làm ăn với Việt Nam.

9. Ngày 24/4/2012

“Quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc” của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc ngày 19/4/2012 Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc đã công bố “Quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc” giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến 2030, trong đó phân chia Biển Đông thành 7 khu vực biển, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, ngày 24/4/2012 Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ:

Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Việc Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc công bố thực thi bản “Quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc” là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Trung Quốc phải hủy bỏ ngay bản quy hoạch nêu trên, nghiêm túc tuân thủ DOC, không có thêm hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông”.

10. Ngày 25/4/2012

Ngày 25/4/2012, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về tranh chấp giữa Phi-lip-pin và Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nói:

“Việt Nam hết sức quan tâm và lo ngại về tình hình tranh chấp bãi cạn Scarborough. Chúng tôi cho rằng các các bên liên quan cần kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông và khu vực”.

11. Ngày 10/5/2012

Câu hỏi: Vừa qua, báo chí đưa tin một số quan chức Đài Loan đã tới đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa và “tuyên bố chủ quyền” đối với đảo này.  Xin cho biết bình luận về việc này?

Trả lời:

Việt Nam phản đối việc một số quan chức Đài Loan tới đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo này. Đây là hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Đài Loan chấm dứt các hoạt động sai trái đó.

2. Câu hỏi: Gần đây Trung Quốc tăng cường các hoạt động khai thác dầu khí trong đó có việc đưa giàn khoan 981 vào hoạt động tại Biển Đông. Đề nghị cho biết bình luận về việc này?

Trả lời:

Chúng tôi rất quan tâm tới những thông tin này. Chúng tôi cho rằng hoạt động của các nước ở Biển Đông cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, phù hợp với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và không xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia khác, đóng góp cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

3. Câu hỏi: Báo chí Việt Nam đưa tin có những thông tin sai lệch về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ trực tuyến Google Maps. Xin bình luận về việc này?

Trả lời:

Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các thông tin không phản ánh đúng điều này là sai trái và vô giá trị. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với các nhà xuất bản, các công ty in ấn  những tài liệu, bản đồ và dữ liệu chính xác về chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Vừa qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Google nêu quan điểm của phía Việt Nam về việc từ khóa trên bản đồ của Google Maps thể hiện sai về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Google đã sửa chữa những lỗi này.

12. Ngày 15/05/2012

Ngày 15/5/2012, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Cục Ngư chính Trung Quốc công bố việc thực thi lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 16/5/2012 đến ngày 01/8/2012, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ:

Lập trường của Việt Nam về vấn đề này đã được nêu rõ trong phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 20/01/2012.

Việt Nam phản đối quyết định đơn phương này của Trung Quốc và coi quyết định này là không có giá trị”.

13. Ngày 24/5/2012

Câu hỏi: Xin cho biết  phản ứng của Việt Nam trước việc vừa qua TQ bắt giữ 2 tàu cá cùng 14 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đang hoạt động nghề cá tại vùng biển Hoàng Sa?

Trả lời:

Ngày 21/5/2012, phía Trung Quốc thông báo ngày 16/5/2012 cơ quan ngư chính nước này đã bắt giữ 2 tàu cá QNg50003TS và QNg55003TS cùng 14 ngư dân Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Lúc 13h ngày 21/5/2012, phía Trung Quốc đã thả tàu QNg 50003TS và 14 ngư dân, tịch thu tàu QNg 55003TS, toàn bộ hải sản và ngư cụ của hai tàu trên.

Ngay sau khi nhận được thông báo của phía Trung Quốc, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp và trao công hàm cho đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội nêu rõ:

Việc Trung Quốc cản trở và bắt giữ ngư dân và tàu cá Việt Nam hoạt động nghề cá hợp pháp, bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam; Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng trả lại tàu cá QNg55003TS và toàn bộ tài sản mà Trung Quốc đã thu giữ ngày 16/5 và chấm dứt các hành động tương tự. Việt Nam cũng đã yêu cầu Trung Quốc trả lại tàu cá QNg 66101 TS mà Trung Quốc bắt giữ ngày 4/3/2012.

Chúng tôi được biết, sáng ngày 23/5/2012, 14 ngư dân cùng tàu cá QNg 50003 TS đã về đến đất liền an toàn”.

14. Ngày 21/06/2012

Ngày 21/6/2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Đây là một hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. 

Đáng tiếc là Trung Quốc đã có những chỉ trích vô lý đối với việc làm chính đáng của Việt Nam. Nghiêm trọng hơn là Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự chỉ trích vô lý của phía Trung Quốc; đồng thời phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

Cần khẳng định lại rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Luật Biển Việt Nam đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự tiếp nối một số quy định trong các luật đã có trước đây của Việt Nam. Đây không phải là vấn đề gì mới và không ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp ở Biển Đông. Việt Nam trước sau như một chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Trung Quốc, sẵn sàng cùng Trung Quốc thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt” vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

15. Ngày 26/6/2012

Trước việc ngày 23/06/2012, Tổng công ty dầu khí hải dương Trung quốc thông báo chào thầu quốc tế tại 09 lô dầu khí nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ngày 26/06/2012, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ:

Trước hết cần khẳng định khu vực mà Tổng Công ty dầu khí hải dương Trung Quốc thông báo mở thầu quốc tế nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp.

 Việc phía Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động phi pháp và không có giá trị, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia chính đáng của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên, làm phức tạp tình hình và gây căng thẳng ở Biển Đông.

Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên, không có hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông và mở rộng tranh chấp, nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

16. Ngày 5/7/2012

Câu hỏi: Xin cho biết trong khuôn khổ Hội nghị ASEAN và Diễn đàn an ninh ASEAN sắp tới, Việt Nam có đề xuất sáng kiến gì trong việc thúc đẩy hòa bình ổn định và giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông?

Trả lời:

Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông là quan tâm chung của ASEAN cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới.

Lập trường thống nhất của ASEAN là duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông; chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Các hội nghị lần này là diễn đàn quan trọng, liên quan đến nhiều lĩnh vực hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác. Do đó, hội nghị sẽ thảo luận các vấn đề được các bên quan tâm.

Là thành viên của ASEAN, Việt Nam sẽ nỗ lực cùng các nước ASEAN đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực”.

17. Ngày 2/8/2012

Trước việc ngày 19/7/2012, Quân ủy Trung ương Trung Quốc chính thức quyết định thành lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” của cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, và việc ngày 21/7/2012 phía Trung Quốc đã tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu Nhân dân khóa I của cái gọi là “thành phố Tam Sa”, Ngày 24/07/2012, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ:

Việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và triển khai các hoạt động nói trên đã vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và là vô giá trị. Những hoạt động này của Trung Quốc trái ngược với nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011; đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp.

Việt Nam kiên quyết phản đối các hoạt động nói trên của Trung Quốc; đồng thời yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt và hủy bỏ ngay các hành động sai trái đó, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

Ngày 24 tháng 7 năm 2012, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm phản đối gửi tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc”.

18. Ngày 9/8/2012

Câu hỏi: Xin cho biết quan điểm của Việt Nam về thông tin TQ cho phép một số lượng lớn tàu cá ra khơi đánh bắt tại các vùng biển ở Biển Đông?

Trả lời:

 “Mọi hoạt động của các bên ở Biển Đông cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, phù hợp với tinh thần Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia, đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực, bảo vệ môi trường và tài nguyên biển”.

19. Ngày 23/8/2012

Câu hỏi: Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 20/8/2012, Đài Loan tuyên bố sẽ tập trận bắn đạn thật trên đảo Ba Bình của Việt Nam vào tháng 9 tới?

Trả lời:

 “Chúng tôi phản đối kế hoạch này của phía Đài Loan. Việc Đài Loan tổ chức tập trận bắn đạn thật trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam; đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, gây căng thẳng và phức tạp tình hình ở Biển Đông.

Chúng tôi yêu cầu Đài Loan hủy bỏ ngay kế hoạch này”.

20. Ngày 31/8/2012

Ngày 31/8/2012, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 28/8/2012, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc công bố mời thầu quốc tế 26 lô dầu khí, trong đó có lô dầu khí 65/12 nằm cách  đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 3 hải lý, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ:

Việc Trung Quốc mời thầu quốc tế tại lô dầu khí nói trên đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, trái với nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước; đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), là hành động phi pháp và không có giá trị.

Việt Nam phản đối hành động nói trên của phía Trung Quốc và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu quốc tế lô dầu khí này”.

21. Ngày 07/9/2012

Ngày 7/9/2012, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc một số quan chức cấp cao Đài Loan tiến hành cắm cờ và tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn Bàn Than, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ:

“Đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông. Phía Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan chấm dứt ngay các hoạt động sai trái này, không tiến hành những hoạt động làm phức tạp tình hình ở khu vực Trường Sa”.

22. Ngày 11/10/2012

Câu hỏi: Thời gian qua, Trung Quốc có nhiều hoạt động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tiếp theo một loạt các hoạt động phi pháp nhằm xây dựng và phát triển cái gọi là “thành phố Tam Sa”,  ngày 1/10/2012, Trung Quốc đã tổ chức lễ kéo cờ kỉ niệm Quốc khánh Trung Quốc tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa; ngày 3/10/2012, Hạm đội Nam Hải Trung Quốc tổ chức diễn tập trực chiến khẩn cấp tại khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa; ngày 8/10/2012, Trung Quốc thành lập Phòng khí tượng thành phố Tam Sa; Trước đó, ngày 23/09/2012, báo chí Trung Quốc đưa tin Trung Quốc sẽ sử dụng máy bay không người lái tăng cường giám sát các vùng biển, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những việc làm này của phía Trung Quốc?

Trả lời:

 “Những hoạt động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc,  làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp. Những việc làm của phía Trung Quốc là hoàn toàn vô giá trị.

 Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không có thêm những hoạt động sai trái tương tự, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

23. Ngày 25/10/2012

Câu hỏi: Đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam về việc In-đô-nê-xia đưa ra dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử (COC)?

Trả lời:

ASEAN đã và đang tiếp tục thúc đẩy việc tham vấn chính thức giữa ASEAN và Trung Quốc để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử COC. Hiện tại, ASEAN đã hoàn tất tài liệu cở sở về các thành tố COC đã được các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN thông qua hồi tháng 7/2012. Vừa qua, In-đô–nê-xi-a đã đưa đề nghị với nội dung cụ thể và chi tiết hơn các thành tố nêu trên. Các nước ASEAN sẽ tiếp tục bàn về các nội dung này.

Việt Nam mong muốn ASEAN và Trung Quốc có thể sớm khởi động đàm phán chính thức về COC, góp phần đóng góp cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.

24. Ngày 8/11/2012

Câu hỏi: Đề nghị cho biết kết quả của Đàm phán vòng II về việc hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc?

Trả lời:

Thực hiện nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam, Trung Quốc và nguyên tắc chỉ đạo được xác định trong “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” được hai nước ký ngày 11 tháng 10 năm 2011, từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 11 năm 2012 tại Hà Nội, hai bên đã tổ chức đàm phán vòng II Nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển.

Tại cuộc họp, hai bên đã trình bày và trao đổi ý kiến về các dự án ưu tiên hợp tác liên quan 04 lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển và phòng chống thiên tai theo các nguyên tắc đã được xác định trong “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”. Hai bên nhất trí giao cho các Tổ chuyên gia thuộc Nhóm công tác sớm khởi động nghiên cứu, đóng góp ý kiến sơ bộ về các dự án ưu tiên hợp tác để tiếp tục trao đổi tại vòng đàm phán tiếp theo dự kiến tổ chức vào nửa đầu năm 2013.

25. Ngày 22/11/2012

1. Câu hỏi: Đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam trước việc Trung Quốc cấp hộ chiếu phổ thông điện tử cho công dân của nước này, trong đó có in hình bản đồ Trung Quốc bao gồm đường đứt đoạn?

Trả lời:

“Việc làm trên của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những nội dung sai trái in trên hộ chiếu phổ thông điện tử nói trên.”

2. Câu hỏi: Đề nghị cho biết quan điểm Việt Nam trước việc I-xra-en và Pa-le-xtin mới đây đã thông qua thỏa thuận ngừng bắn chính thức có hiệu lực vào lúc 19.00 GMT ngày 21/11/2012?

Trả lời:

“Việt Nam quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực nghiêm trọng giữa I-xra-en và Pa-le-xtin làm hàng trăm người, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em bị thiệt mạng. Chúng tôi lên án mọi hành động tấn công quân sự gây tổn thất về tính mạng và tài sản của thường dân.

Chúng tôi hoan nghênh các nỗ lực nhằm sớm đem lại hòa bình, ổn định cho khu vực, và kêu gọi các bên liên quan tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn mới đạt được.”

3. Câu hỏi: Đề nghị khẳng định thông tin cho rằng sau khi Hội nghị ASEAN 21 kết thúc, các nước tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông thuộc khối ASEAN sẽ có cuộc họp vào ngày 12/12/2012 tại Manila để thảo luận về vấn đề này?

Trả lời:

“Chúng tôi đã được phía Phi-líp-pin thông báo về vấn đề này và hiện đang chờ thư mời chính thức trong đó sẽ thống nhất về cách thức tổ chức, nội dung và thời gian của cuộc gặp gỡ.

Việc tham vấn giữa các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông là việc làm bình thường và thường xuyên để thúc đẩy việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông cũng như để thúc đẩy việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và các thỏa thuận và cam kết đã có như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố về Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN và mới đây là Tuyên bố chung Cấp cao Kỷ niệm 10 năm DOC”.

26. Ngày 4/12/2012

Ngày 27/11/2012, tỉnh Hải Nam thông qua bản sửa đổi “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam”, trong đó đã đưa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam vào phạm vi áp dụng. Trước đó, ngày 23/11/2012, Trung Quốc cho xuất bản bản đồ “Tam Sa”, phạm vi bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Gần đây nhất, sáng sớm ngày 30/11/2012, trong khi tàu Bình Minh 02 của Việt Nam đang tiến hành thăm dò địa chấn bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam (tại tọa độ 17026,2’ vĩ tuyến Bắc, 1080 02’ kinh tuyến Đông, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam, chỉ cách đảo Cồn Cỏ (Việt Nam) khoảng 43 hải lý) thì bị 02 tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 16025 và 16028 cố tình cản trở và gây đứt cáp, bất chấp các lực lượng chức năng của Việt Nam đã phát tín hiệu cảnh báo.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước những hành động trên của phía Trung Quốc, ngày 4/12/2012, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ:

Những hành động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam; vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011; trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Tuyên bố cấp cao kỷ niệm 10 năm DOC, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp.

Ngày 3/12/2012, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm kiên quyết phản đối những việc làm nói trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt ngay những việc làm sai trái đó và không để tái diễn những hành động tương tự.

BĐN

RELATED ARTICLES

Tin mới