Wednesday, April 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPHILIPPINES KIỆN TRUNG QUỐC: MỘT BƯỚC ĐI TẤT YẾU

PHILIPPINES KIỆN TRUNG QUỐC: MỘT BƯỚC ĐI TẤT YẾU

BienDong.Net: Ngày 21/1/2013 ông Mã Khắc Thanh, Đại sứ Trung Quốc tại Manila bị Bộ Ngoại giao Philippines triệu đến trụ sở Bộ Ngoại giao để nhận món quà bất ngờ đầu Xuân năm Con Rắn: đơn kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế theo Phụ lục VII của Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật Biển (tên tiếng Anh gọi tắt là UNCLOS).

Đối với động thái này của Manila, các nước ASEAN cũng như dư luận thế giới đều cho rằng đó là một bước đi tất yếu trong bối cảnh tình hình Biển Đông hiện nay.

Nhiều nước ASEAN đã lên tiếng ủng hộ quyết định của Philippines khởi kiện Trung Quốc. Ngoại trưởng Singapore và Ngoại trưởng Thái Lan khẳng định Philippines có quyền kiện Trung Quốc ra Trọng tài quốc tế. Việt Nam nêu rõ “các nước có quyền sử dụng các biện pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp theo Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc”. Nhiều học giả quốc tế cũng đồng tình với việc làm của Manila. Riêng Trung Quốc tỏ ra cay cú với bước đi này của Philippines. Bắc Kinh kiên quyết cho rằng chỉ có thể giải quyết bằng thương lượng song phương và việc Phillippines đưa vụ kiện ra Trọng tài quốc tế làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông. Vị Cục trưởng Cục Hải dương của Trung Quốc Lưu Tứ Quý còn nói cách làm này là hành vi khiêu khích chính trị, thiếu trách nhiệm, vi phạm trắng trợn UNCLOS và DOC (văn kiện này được ASEAN và Trung Quốc ký năm 2002), không có lợi cho sự phát triển hòa bình của hai nước. Chúng ta thử phân tích trong câu chuyện này ý kiến của ai đúng? Manila đúng hay Bắc Kinh đúng? Manila có thu được gì trong vụ kiện này hay không?

Cơ sở pháp lý của việc Manila kiện Bắc Kinh?

Từ đầu thế kỷ 20, luật pháp quốc tế đã ngăn cấm việc sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ giữa các quốc gia nói chung và giải quyết các tranh chấp liên quan đến biên giới, lãnh thổ nói riêng. Một trong các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế hiện đại là mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng các biện pháp hoà bình. Nguyên tắc này đã được khẳng định trong Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS. Vậy các biện pháp hoà bình cụ thể là gì? Điều 33 của Hiến chương Liên hợp quốc đã liệt kê các biện pháp hoà bình như sau: thương lượng, môi giới, trung gian, hoà giải, trọng tài quốc tế, toà án quốc tế và các tổ chức quốc tế, khu vực. Riêng về cơ chế Toà án quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc quy định hết sức chi tiết cách thức đưa vụ kiện ra Toà án quốc tế La Hay.

UNCLOS dành toàn bộ phần XV với 21 điều khoản để quy định về việc giải quyết tranh chấp liên quan việc giải thích và áp dụng Công ước. Điều 279 của UNCLOS khẳng định mọi quốc gia thành viên giải quyết mọi tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình theo đúng khoản 3, Điều 2 và khoản 1, Điều 33 của Hiến chương Liên hợp quốc. Mục 2 của phần XV quy định rõ nếu thương lượng không có kết quả thì các bên tranh chấp có quyền đưa vụ việc ra giải quyết tại các toà án quốc tế và trọng tài quốc tế. UNCLOS đưa ra 4 cơ chế giải quyết bắt buộc để các bên tranh chấp lựa chọn. Đó là Tòa án Công lý quốc tế (tên tiếng Anh là International Court of Justice) đóng tại La Hay của Hà Lan; Toà án quốc tế về Luật Biển (tên tiếng Anh là International Tribunal for the Law of the Sea) đóng tại Hamburg của Đức; Trọng tài quốc tế theo Phụ lục VII (tên tiếng Anh là Arbitral Tribunal) và Trọng tài quốc tế đặc biệt theo Phụ lục VIII của UNCLOS (tên tiếng Anh là Special Arbitral Tribunal). UNCLOS nêu rõ nếu các bên không thỏa thuận được về một trong 4 thủ tục bắt buộc nói trên thì thủ tục trọng tài sẽ là mặc nhiên.

Việc đưa một vụ tranh chấp liên quan đến biển ra trọng tài quốc tế để giải quyết đã được Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước UNCLOS năm 1982 quy định. Cả Philippines và Trung Quốc đều là thành viên của Liên hợp quốc và UNCLOS, cho nên việc Manila quyết định kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài theo phụ lục VII là việc làm trong khuôn khổ của Hiến chương Liên hiệp quốc và UNCLOS. Việc làm của Manila chính là tuân thủ lời văn và tinh thần của hai văn kiện pháp lý nêu trên. Cũng cần phải nói rõ là thời gian qua có rất nhiều vụ kiện liên quan đến biên giới, lãnh thổ nói chung và các vụ kiện liên quan đến tranh chấp biển nói riêng đã được đưa ra giải quyết tại Tòa Trọng tài. Đó là vụ Bacbardos kiện Trinidat and Tobago, vụ Guyana kiện Surinam, vụ Eritrea kiện Yemen và vụ Malaysia kiện Singapore v.v…Các vụ kiện này được tiến hành theo các quy định của Phụ lục VII. Sau khi các phán quyết được đưa ra, các bên tranh chấp đều tuân thủ thực thi các phán quyết của Toà Trọng tài. Như vậy, việc Manila kiện Bắc Kinh ra Toà Trọng tài cũng tương tự như một loạt các thành viên khác của UNCLOS đã làm. Vì thế việc Bắc Kinh chỉ trích Manila làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông hoàn toàn không có cơ sở. Lập luận đó của Bắc Kinh không thể thuyết phục được ai.

Manila có thu được gì trong vụ kiện này hay không?

Ông Mã Khắc Thanh và những người dân thường ở Trung Quốc có thể bị bất ngờ trước việc Manila đi nước cờ này. Nhưng ban lãnh đạo Trung Quốc chắc không cho đó là bước đi bất ngờ bởi lẽ thời gian qua đã rất nhiều lần các nhà lãnh đạo của Philippines đề nghị đưa tranh chấp ở Biển Đông ra Toà án quốc tế hoặc Trọng tài quốc tế giải quyết. Tại các Hội nghị ARF năm 2011 và 2012 Tổng thống Philippines đã từng liệt kê các vụ việc Trung Quốc gây hấn với Philippines ở Biển Đông (họ gọi là biển Tây Philippines) và nói thẳng là họ đã đề nghị đưa ra Toà án quốc tế về Luật Biển và Trọng tài để giải quyết. Philippines nói rõ họ đã hết sức nỗ lực để giải quyết qua thương lượng nhưng không thành vì Trung Quốc lợi dụng ưu thế quân sự để chèn ép và dồn Philippines vào chân tường. Đơn cử là khi Philippines tìm cách đuổi tàu cá Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở khu vực bãi Scarborough thì Trung Quốc cử hàng chục chiếc tàu chiến đến gây căng thẳng trong tháng 4-5/2012. Sau đó Trung Quốc chăng dây chắn cả khu vực bãi này và không cho người Philippines đến khu vực này đánh cá. Bắc Kinh đã vi phạm vùng biển của Philippines rồi đòi Manila thương lượng. Manila không thể nào chấp nhận cách hành xử đó của Bắc Kinh. Philippines không đủ sức mạnh quân sự để ngăn cản việc vi phạm của Trung Quốc. Phát biểu trước báo chí bên lề Diễn dàn kinh tế thế giới (WEF) ở Thuỵ Sĩ, Tổng thống Philippines Benigno Aquino nói “Chúng tôi đã rất kiên nhẫn. Chúng tôi luôn chấp nhận các đề nghị giữ cho quan hệ hai bên tốt đẹp, nhưng dường như chẳng có sự đền đáp nào”. Trong bối cảnh đó, việc quyết định đưa tranh chấp ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII là quyết sách đúng đắn của nhà cầm quyền Philippines.

Bắc Kinh cho rằng họ không cần phải ra Tòa Trọng tài vì họ đã tuyên bố bảo lưu về các thủ tục bắt buộc theo UNCLOS. Khoản 1(a) của Điều 298 cho phép các quốc gia thành viên bảo lưu đối với hai loại tranh chấp. Một là, các vụ tranh chấp liên quan đến cách giải thích hoặc áp dụng các Điều 15, 74 và 83 khi phân định ranh giới biển. Hai là, các vụ tranh chấp liên quan đến vịnh lịch sử và danh nghĩa lịch sử. Do đó, nếu những vấn đề Manila kiện Bắc Kinh liên quan đến hai loại ngoại lệ đó thì bảo lưu của Trung Quốc sẽ có giá trị. Nhưng nếu các nội dung kiện của Manila không liên quan 2 loại ngoại lệ trên thì Trung Quốc không thể dùng bảo lưu để trốn tránh việc ra Tòa.

Ông Del Rosario, Ngoại trưỏng Philippines cho biết trong đơn kiện của mình Phillippines đề nghị Tòa Trọng tài xem xét và quyết định về 4 vấn đề: Một, khẳng định quyền của Trung Quốc cũng như Philippines ở Biển Đông là những quyền theo UNCLOS và bao gồm quyền đối với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Hai, yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông trái UNCLOS và phi pháp. Ba, yêu cầu Trung Quốc điều chỉnh để luật của họ phù hợp với nghĩa vụ theo UNCLOS. Bốn, yêu cầu Trung Quốc từ bỏ các hành động vi phạm quyền của Philipines trong phạm vi vùng biển của Philippines. Nói cách khác Manila yêu cầu là Toà Trọng tài căn cứ vào các điều khoản của UNCLOS để phán xét bản chất của yêu sách đường lưỡi bò (hay còn gọi là đường 9 đọan) của Trung Quốc và các đòi hỏi của Trung Quốc có phù hợp hay trái với các điều khoản của UNCLOS hay không.

Ai cũng thấy được, các vấn đề Mnila nêu ra chính là giải thích và áp dụng các quy định của UNCLOS vào điều kiện của Biển Đông. Như vậy, nội dung kiện của Philippines không liên quan đến việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa giữa Trung Quốc và Philippiné. Nội dung đơn kiện của Philippines cũng không liên quan đến vịnh lịch sử và danh nghĩa lịch sử vì chưa bao giờ Biển Đông được coi là vịnh lịch sử hoặc danh nghĩa lịch sử của Trung Quốc hoặc của Philippines. Tức là, bảo lưu của Trung Quốc không áp dụng đối với vụ kiện này

Từ sự phân tích trên, mọi người có thể rút ra kết luận là Bắc Kinh khó tránh khỏi nguy cơ phải ra Tòa. Manila đã mời luật sư Paul Reichler, một chuyên gia hàng đầu về luật quốc tế của công ty Foley Hoag LLP ở Wahington D.C để tư vấn chính cho vụ kiện. Họ cũng cử ông Rudiger Wolfrrum, vốn là Phó Chánh án Toà án Luật Biển quốc tế trong các năm 1996-1999 làm trọng tài viên để xét xử vụ kiện. Bắc Kinh có 30 ngày để lựa chọn trọng tài viên của mình. Sau đó Chánh án Toà án Luật Biển quốc tế sẽ chỉ định 3 trọng tài viên khác trong danh sách gần 100 trọng tài viên đã đăng ký.

Đơn khởi kiện của Manila đã đặt ra một bài toán khó khăn và đau đầu đối với Bắc Kinh. Nếu họ ra tòa thì nhiều khả năng họ sẽ nhận một phán quyết bất lợi: một, Tòa trọng tài chắc chắn khẳng định các quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là những quyền theo UNCLOS 1982 và bao gồm quyền đối với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Hai, Toà Trọng tài chắc chắn sẽ khẳng định yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp UNCLOS 1982. Bắc Kinh có thể trong đợi vào lá phiếu của trọng viên mà họ thuê, nhưng 4 trọng tài viên còn lại chắc chắn sẽ bỏ thuận đối với phán quyết trên. Viễn cảnh đó là điều không tránh được. Nếu Bắc Kinh chai lỳ không ra hầu Toà thì một là họ tự lột mặt nạ ra trước bàn dân thiên hạ là họ đi ngược lại UNCLOS, chà đạp cam kết và nghĩa vụ theo văn kiện pháp lý này. Còn đâu uy tín của một cường quốc, một thành viên có trách nhiệm của Hội đồng Bảo an. Hai là, nếu Trung Quốc không hầu Tòa và Toà Trọng tài vẫn tiến hành thì lúc đó, phán quyết lại càng bất lợi hơn cho Bắc Kinh.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cho dù xảy ra kịch bản nào đi nữa thì Philippines cũng ở thế thượng phong. Nước cờ của Manila đang chiếu bí Bắc Kinh. Bắc Kinh cần tỉnh ngộ rằng tương quan lực lượng giữa Trung Quốc với Philippines, với Việt Nam hoặc với bất kỳ nước láng giềng nào cũng hết sức chênh lệch, nhưng không vì thế mà Trung Quốc có quyền ức hiếp các nước khác. Cần phải để cho các nước láng giềng một con đường sống. Dồn người ta vào đường cùng thì người ta phải phản công lại. Bước đi của Manila cũng là một kinh nghiệm vô giá đối với Hà Nội. Hà Nội cần chuẩn bị để lúc cần đưa các tranh chấp ở Biển Đông ra Trọng tài quốc tế hoặc Toà án quốc tế La Hay hoặc Toà án Luật Biển ở Hamburg. Những vụ việc Trung Quốc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông tương tự như vụ cắt cáp tàu Bình Minh 02 năm 2011, mời thầu ở 9 lô dầu khí trong thềm lục địa 200 hải lý năm 2012 v.v… hoàn toàn có cơ sở để đưa ra Trọng tài và Toà án quốc tế. Người Việt Nam cần học hỏi người anh em Philippines ./.

RELATED ARTICLES

Tin mới