Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN HOA ĐÔNG ĐỐI VỚI QUỐC HỘI...

VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN HOA ĐÔNG ĐỐI VỚI QUỐC HỘI HOA KỲ KHOÁ MỚI TRONG 2 NĂM 2013 VÀ 2014

BienDong.Net: Ngày 23/01/2013, một ngày sau khi Philippines tuyên bố khởi kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, cơ quan nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ công bố tài liệu dưới tiêu đề “Tranh chấp lãnh thổ trên biển ở Đông Á – những vấn đề đối với Quốc hội Hoa Kỳ”.

Báo cáo đã đưa ra những đánh giá về tình hình ở Biển Đông và biển Hoa Đông thời gian qua. Trong đó nhấn mạnh: Trung Quốc yêu sách “đường lưỡi bò” bao trùm hầu hết Biển Đông; Trung Quốc mập mờ, không đưa ra giải thích cụ thể về cơ sở của yêu sách quá đáng này.

Sự mập mờ này chính là nguyên nhân gây ra căng thẳng ở Biển Đông, làm cho việc đàm phán giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông gặp khó khăn và đi vào bế tắc; việc Trung Quốc thành lập “thành phố Tam Sa”, nâng cấp hành chính và xây dựng các lực lượng đồn trú ở “Tam Sa” đã làm cho tình hình Biển Đông càng căng thẳng thêm. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã có Tuyên bố nêu rõ các diễn biến đó “đi ngược lại nỗ lực ngoại giao để giải quyết bất đồng và có khả năng leo thang căng thẳng ở khu vực”; Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá theo mùa tại Biển Đông, các tàu tuần tra Trung Quốc kiểm soát, tịch thu; bắt giữ tàu và ngư dân nước ngoài (Việt Nam); Trung Quốc chiếm giữ toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một vài bãi ở Trường Sa.

Trong phần về tài nguyên năng lượng ở Biển Đông, Báo cáo nêu lại một số sự kiện gây lo ngại do Trung Quốc gây ra ở Biển Đông vừa qua như việc mời thầu các lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam và 02 vụ Trung Quốc cắt cáp của tàu khảo sát dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam.

Về Việt Nam, Báo cáo nêu rõ các yêu sách về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dựa trên các yếu tố lịch sử về hoạt động của tàu thuyền Việt Nam trong thời gian thế kỷ 17 – 19; Hoàng Sa và Trường Sa được Pháp yêu sách từ năm 1933 và được chuyển giao cho Việt Nam khi Pháp rút khỏi Đông Dương. Năm 2009, Việt Nam và Malaysia đệ trình Báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa. Tháng 6/2012, Việt Nam thông qua Luật Biển khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Hải quân Việt Nam thường xuyên tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Gần đây, Việt Nam nỗ lực trong việc tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, kể cả Hoa Kỳ. Năm 2010, khi làm Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đưa vấn đề an ninh, an toàn hàng hải vào chương trình nghị sự của ASEAN có hiệu quả, khuyến khích Hoa Kỳ và các đối tác khác của ASEAN hưởng ứng.

Báo cáo nêu rõ Philippines – đồng minh của Hoa Kỳ, có yêu sách đối với phần lớn quần đảo Trường Sa. Từ giữa những năm 1990, Trung Quốc đánh chiếm bãi Vành Khăn gây căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc. Trong 2 năm trở lại đây, căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc tăng lên do Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động theo “đường lưỡi bò”, gây ra các xung đột về tàu cá, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Thời gian qua, Philippines đã có những nỗ lực, đưa ra sáng kiến xây dựng khu vực hoà bình, tự do, hợp tác, hữu nghị (ZoPFF/C) nhằm tháo gỡ tranh chấp, nhưng không thành công. Năm 2012, Philippines đề nghị Trung Quốc đưa tranh chấp về khu vực bãi cạn Scarborough ra giải quyết tại cơ quan tài phán quốc tế, bao gồm cả Toà án quốc tế về Luật biển (ITLOS). Tháng 1/2013. Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 đề nghị Toà xác định yêu sách “đường lưỡi bò” không phù hợp với Công ước Luật biển 1982 và phán quyết về các hoạt động gây hấn của Trung Quốc bên trong “đường lưỡi bò”.

Đề cập đến tranh chấp ở biển Hoa Đông, Báo cáo nhấn mạnh đến 2 vấn đề: một là, tranh chấp căng thẳng kéo dài giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku; hai là, yêu sách của Trung Quốc đối với thềm lục địa bao trùm hết cả rãnh sâu Okinawa, lấn vào thềm lục địa của Nhật Bản.

Báo cáo chỉ ra rằng nguyên nhân của tình hình căng thẳng thời gian qua cả ở Biển Đông lẫn biển Hoa Đông là do những hành động quá khích ngày càng leo thang của Trung Quốc nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Trung Quốc thành “cường quốc biển”. Điều này ảnh hưởng đến các lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ ở khu vực này, nhất là đe doạ tự do, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Việc gia tăng những hành động như vậy gây ra những vấn đề phức tạp về an ninh và chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ ở khu vực, là một trong những thách thức phức tạp nhất cho chính quyền Barack Obama thực thi chính sách “tái cân bằng chiến lược ở Châu Á – Thái Bình Dương”.

Báo cáo cũng đề cập đến các nghĩa vụ của các Hiệp ước đồng minh giữa Hoa Kỳ với các nước khu vực; chỉ rõ rằng các Hiệp ước đồng minh với Nhật và Philippines quy định các điều kiện mà Mỹ có thể cung cấp các trợ giúp quân sự nếu các đồng minh bị tấn công. Đối với Senkaku, quần đảo này nằm trong sự điều chỉnh của Hiệp ước đồng minh Hoa Kỳ – Nhật Bản nên Hoa Kỳ có trách nhiệm bào vệ Nhật nếu quần đảo này bị tấn công. Điều này mở ra khả năng Hoa Kỳ can thiệp nhiều hơn về quân sự đối với các xung đột Trung – Nhật.

Báo cáo phân tích việc áp dụng Hiệp ước Phòng thủ lẫn nhau giữa Hoa Kỳ – Philippines đối với các vùng biển và đảo mà Philippines yêu sách là không rõ ràng. Tình trạng nhập nhằng, khó xử này khiến Hoa Kỳ tìm cách né tránh không bị kéo vào cuộc xung đột tiềm tàng nhưng vẫn ủng hộ Hiệp ước đồng minh và ngăn việc sử dụng vũ lực giải quyết tranh chấp. Quốc hội khoá 112 (trong 2 năm 2011 – 2012) và Chính quyền Hoa Kỳ đã có nhiều hành động đối với tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông như: Nghị quyết 217 do Thượng nghị sỹ Jim Webb chủ trì kêu gọi các giải pháp đa phương, hoà bình cho các tranh chấp ở Biển Đông; Nghị quyết 524 do Thượng nghị sỹ John Kerry chủ trì tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các thủ tục ngoại giao giải quyết xung đột. Tháng 11/2012, Hoa Kỳ đã tuyên bố Hiệp ước hợp tác và an ninh Hoa Kỳ – Nhật Bản bao phủ cả Senkaku do Nhật quản lý. Ngoài ra, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua một số Nghị quyết kêu gọi giải pháp hoà bình cho các tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Báo cáo dự báo các tranh chấp trên biển ở Đông Á là trung tâm của căng thẳng ở khu vực và sẽ còn tiếp tục diễn biến trong nhiều năm. Trong bối cảnh đó, mục tiêu của Hoa Kỳ trong thời gian tới là: (i) bảo vệ tự do thương mại không bị cản trở trên các tuyến đường hàng hải nhộn nhịp ở Biển Đông; (ii) duy trì hoà bình, ổn định giữa các quốc gia có biển ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; (iii) thúc đẩy các quy tắc pháp lý cơ bản của khu vực để ngăn cản sự ép buộc, hăm doạ và sử dụng vũ lực; bảo đảm khả năng tác chiến của hải quân Hoa Kỳ; (iv) giám sát các liên minh hiệp ước với các quốc gia liên quan đến tranh chấp; (v) tránh đe doạ các công ty Hoa Kỳ đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nước trong khu vực.

Báo cáo nhấn mạnh Quốc hội Hoa Kỳ khoá 113 (trong 2 năm 2013 và 2014) có thể phải đối mặt với các vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển ở Đông Á và các vấn đề này liên quan trên nhiều phương diện. Báo cáo khuyến nghị Thượng viện có thể cân nhắc đưa ra các tư vấn đồng thuận việc Mỹ tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Quốc hội có thể lựa chọn việc Hoa Kỳ cần hiện diện và dính líu nhiều hơn về kinh tế và an ninh của các lực lượng Hoa Kỳ ở khu vực tranh chấp hoặc cung cấp thêm các nguồn lực cho các quốc gia Đông Nam Á để giám sát và kiểm soát lãnh thổ trên biển. Quốc hội Hoa Kỳ có thể ủng hộ các nỗ lực làm giảm căng thẳng, bao gồm việc thảo luận Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN.

Báo cáo còn nêu ra các vấn đề Quốc hội Hoa Kỳ khoá 113 phải lưu tâm và cần xem xét bao gồm: Trung Quốc ngăn cản tàu của Mỹ hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ vì Trung Quốc cho rằng tàu quân sự nước ngoài cần phải xin phép khi tiến hành các hoạt động; các xung đột quân sự có thể xảy ra giữa Trung – Nhật và Trung Quốc – Philippines, hai đồng minh của Hoa Kỳ; việc điều chỉnh chính sách liên quan đến các vấn đề này đặt cho Quốc hội Hoa Kỳ yêu cầu điều chỉnh, bổ sung ngân sách quốc phòng tăng cường cho hoạt động ở khu vực Đông Nam Á.

Trong phần cuối cùng, Báo cáo đề cập đến việc lựa chọn gia nhập UNCLOS 1982 của Hoa Kỳ, coi đây là một chủ đề cần được bàn luận tại Quốc hội Hoa Kỳ khoá 113; nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm khi thảo luận xem xét việc gia nhập Công ước là: (i) quyền của tàu quân sự qua lại trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước; (ii) các yêu sách thềm lục địa vượt quá 200 hải lý và (iii) chế độ pháp lý của các đảo đá.

Báo cáo của cơ quan nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ đã đưa ra những đánh giá khách quan về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông; đồng thời nêu ra những mục tiêu và định hướng lớn cho hoạt động của Quốc hội Hoa Kỳ khoá 113 trên các vấn đề liên quan đến biển ở khu vực Đông Á nhằm triển khai có hiệu quả chiến lược “tái cân bằng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” của Chính quyền Barack Obama.

Những nội dung này có lợi cho các nước nhỏ như Việt Nam, Philippines… trong giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc. Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và cả Nhật Bản cần tích cực tranh thủ thúc đẩy Quốc hội Hoa Kỳ triển khai những nội dung được khuyến nghị trong báo cáo này./.

 

 

 

 

 

 

 

RELATED ARTICLES

Tin mới