Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnCục Hải dương Quốc gia Trung Quốc thống lĩnh các lực lượng...

Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc thống lĩnh các lực lượng chấp pháp trên biển

BienDong.Net: Ngày 10.3, Trung Quốc đã công bố chi tiết kế hoạch cải tổ chính phủ lớn nhất kể từ năm 1998, trong đó có việc hợp nhất các cơ quan chấp pháp hàng hải trong bối cảnh nước này gia tăng các hành động quyết đoán trên biển.

Trong chương trình này, Trung Quốc dự định cơ cấu lại Cục Hải dương Quốc gia thuộc Bộ Đất đai và Tài nguyên với việc hợp nhất các cơ quan, lực lượng làm nhiệm vụ chấp pháp hàng hải hiện nay.

Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc hiện đang đảm trách nhiệm vụ hải giám sẽ thay Bộ Công an nắm quyền kiểm soát lực lượng duyên phòng, thay Bộ Nông nghiệp điều hành các cuộc tuần tra ngư chính, và điều khiển lực lượng cảnh sát chống buôn lậu đường biển của hải quan.

Ngoài nhiệm vụ thực thi luật, cơ quan này còn có chức năng đề ra kế hoạch phát triển hải dương, giám sát và quản lý việc sử dụng nguồn nước biển, và bảo vệ sinh thái biển.

 

Tàu hải giám số 51 của Trung Quốc bên cạnh tàu của hải quân Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc cũng sẽ xây dựng chiến lược phát triển hải dương và điều phối các vấn đề hải dương quan trọng thông qua Ủy ban Hải dương quốc gia mà đề án cụ thể sẽ do Cục chuẩn bị.

Tuy nhiên, sau khi thống nhất thành một mối các lực lượng chấp pháp biển trong đó Hải giám giữ vai trò nòng cốt, Trung Quốc vẫn duy trì sự quản lý ngành dọc của các bộ ngành đối với lực lượng của mình.

Dư luận cho rằng quyết định của Trung Quốc nhằm qui tập các cơ quan thực thi luật pháp trên biển vào một cơ quan quản lý duy nhất sẽ thúc đẩy mạnh mẽ uy thế của Bắc Kinh trên biển và gây ra mối đe dọa đối với lợi ích của các nước khác.

“Việc hợp nhất sẽ giúp cơ quan mới có quyền lực lớn hơn và khả năng hợp tác ở cấp độ cao hơn trong chính phủ Trung Quốc. Trong khi đó ở cấp độ hoạt động, điều đó sẽ cho phép các cơ quan quản lí biển có sự liên kết trong hoạt động, chẳng hạn như khi đối mặt với các tranh chấp lãnh thổ”, Masayuki Masuda, một nhà phân tích làm việc tại Viện nghiên cứu quốc phòng quốc gia Nhật Bản, nhận định.

Go Ito, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Meiji ở Tokyo, cũng cho rằng kế hoạch hợp nhất của Bắc Kinh “rất quan trọng vì tác động của nó đối với nỗ lực của Nhật Bản nhằm bảo vệ các lợi ích biển”.

Nhà phân tích David Goodman tại ĐH Sydney (Úc) ghi nhận Trung Quốc tái cơ cấu các cơ quan thực thi pháp luật biển nhằm quản lý chặt hơn các chính sách liên quan đến tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh chiến thuật dùng tàu ”phi quân sự” khống chế Biển Đông. Theo báo chí Trung Quốc, một đội tàu tuần tra lại vừa rời cảng Tam Á trên đảo Hải Nam ra đồn trú tại quần đảo Hoàng Sa trong thời gian 9 ngày. Hồi đầu tháng, một đội tàu tuần tra khác cũng được Bắc Kinh triển khai hoạt động trong nửa tháng trên một khu vực bao trùm hầu như toàn bộ Biển Đông.

Theo nhận xét của RFI tiềm lực của các đội tàu tuần tra được Trung Quốc tung xuống Biển Đông càng lúc càng mạnh. Đội tàu vừa được phái đi hôm 9.3 gồm ba chiếc Hải giám 83, 262 và 263. Đội tàu này còn được tăng cường một phi cơ trực thăng. Báo chí Trung Quốc phô trương rằng đây là lần đầu tiên từ khi họ thành lập thành phố Tam Sa(vào tháng 7.2012) mà cả trực thăng lẫn tàu tuần tra của lực lượng Hải giám được triển khai hoạt động tại vùng quần đảo mà Bắc Kinh gọi là Tây Sa, tức là quần đảo Hoàng Sa.

 

Trực thăng của Trung Quốc tuần tra trái phép ở Hoàng Sa ngày 10.3.2013 ( ảnh Internet)

Trước đó, đội tàu gồm ba chiếc Hải tuần 21, 31 và 166 mà Bắc Kinh cử đi tuần tra tại cả ba vùng mà họ đòi chủ quyền ở Biển Đông là quần đảo Hoàng Sa, bãi Macclesfield và Trường Sa, cũng được một máy bay trực thăng tháp tùng.

Theo giới quan sát, khi liên tục đưa các chiếc tàu loại này xuống Biển Đông, dụng tâm của Trung Quốc là tạo ra một tình trạng kiểm soát thực tế trên các vùng biển đảo mà họ đòi chủ quyền, dùng số đông để trực tiếp thách thức quyền kiểm soát của các đối phương đang tranh chấp với họ.

BDN ( tổng hợp theo VOA, RFI và Dân Trí )

RELATED ARTICLES

Tin mới